Tu là gì ?


Thưa em Bích Huệ !
Em Bích Huệ có câu hỏi rất hay.
Anh Áo Lam xin phép được trích từ Vấn Đáp Pháp Phật Giáo để giúp em hiểu biết về chữ Tu !

Tu là gì ?
Tu: có nghĩa là sửa, tu sửa. Thực hành theo đạo Phật là hành động tu sửa bản thân mình (thân và tâm), thông qua việc tu sửa lại ba hành vi tạo nghiệp (hành động, ý nghĩ, lời nói). Tu sửa nghiệp sẽ làm cơ sở để tư sửa được tâm.

Đi tu: Là chỉ hành động của những người xuất gia, rời bỏ cuộc sống với gia đình để gia nhập Tăng đoàn, là từ bỏ cuộc sống gia đình để đi đến tu tập ở chùa hay tu viện, dành hết thời gian còn lại vào việc tu tập theo đạo Phật, hướng đến mục tiêu giải thoát.

Tu tập và tu hành: Tu là sửa, tập là thực tập, tập luyện, tập huấn bản thân (thân-tâm)…như trên.

Hành là làm, là thực hành, cũng đồng nghĩ với thực tập. Hai chữ gần như giống nhau, tuy nhiên mỗi chữ có thể được dùng trong những văn cảnh và ý nghĩa lớn nhỏ khác nhau. Ví dụ, nói :

+ Chúng ta tu-tập tâm từ, tu tập hạnh bố thí, tu tập bỏ tham, sân, si.
+ Sự nghiệp tu-hành là rất cao quý; những bậc tu-hành là những bậc đáng kính.

Tu tâm: nghĩa trực tiếp là tu sửa tâm. Vì đạo Phật nhấn mạnh phần tâm là đối tượng chính để chúng ta tu tập để cho tâm được trong sạch, sáng tỏ, trí tuệ, và giải thoát. Tất cả những phần Giới, Định, Tuệ là đều hướng đến mục-tiêu làm cho tâm trong- sạch và trí tuệ. Thiền, phương pháp chính đạo Phật, là sự tu tập tâm: tu sửa, dẹp sạch những trạng thái bất thiện của tâm, và thay vào, tu dưỡng những trạng thái thiện lành của tâm. Bởi vậy, việc tu tập tâm (lúc này chẳng ai gọi là ‘tu hành tâm’ cả) là quan trọng nhất trong việc thực hành đạo Phật.

Rất nhiều người đã ngộ nhận về chữ “tu-tâm” này. Ví dụ, khi một ai nhắc đến đề tài đạo Phật, thì nhiều người đều cố tránh né đề tài này, có lẽ vì (a) họ không hiểu Phật giáo nói về cái gì, họ chỉ hiểu lơ mơ đạo Phật là “từ, bi, hỷ, xả”, hay “đạo Phật là đi chùa cũng bái gì gì đó”…, và (b) vì họ nghĩ đề tài đạo Phật là xa vời, không hợp với thực tế mưu sinh, và nó chỉ dành cho người ‘tu hành’.

Đa số họ thường nói theo kiểu: “Đạo gì tôi không quan trọng, tôi chỉ biết đạo làm người; tôi chẳng tu gì cả, tôi chỉ biết tu-tâm thôi”. Thực sự, đạo Phật không phải chỉ là đạo làm người. Đạo Phật là đạo giải thoát. Mục tiêu của đạo Phật không phải khuyến khích mọi người tiếp tục tái sinh làm người.

Ở đây chữ “tu-tâm” bị những người này hiểu sai nên họ mới thường nói như vậy. Ý họ là chỉ cần có tấm lòng, có cái ‘tâm’ sống sòng phẳng, biết điều, và sống tốt theo quy ước của cuộc sống thế tục… là đủ. Và họ cho rằng Phật giáo cũng chỉ yêu cầu bao nhiêu đó mà thôi. Cách nói dùng chữ tu-tâm như vậy là không chính xác với chữ tu-tâm theo ý nghĩa thực hành của đạo Phật. Thực ra, tu-tâm nói theo kiểu thực hành của đạo Phật chính là tu tập tâm, là tu-thiền, thay vì những hình thức tu tập không-thiền các nhánh phái Phật giáo khác ở các nước Đông Á và Việt Nam.

Nguồn: Vấn Đáp Phật Giáo




Giới Luật là gì ?

Thưa em Ha Tran !
Em có câu hỏi rất hay. Anh Áo Lam xin phép trích từ bài viết của Minh Chính giúp em hiêu biết về giới luật.

Giới Luật là gì ?
Minh Chính

Giới Luật là phân định phán đoán của các tội khinh, trọng, khai, giá, trì phạm để ngăn ngừa những tội lỗi của thân tâm. Bởi thế mới nói Giới luật của đức Thế Tôn chế ra chỉ là “Tùy phạm tùy kiết”.
Giới học: Giới tiếng Phạn là SiLa, phiên âm thành Thi La. Trung Hoa dịch là Thanh Lương mát mẻ. Do công năng hành giả giữ gìn Giới nên ngăn ngừa ba nghiệp bất thiện của thân, khẩu, ý.

Giới còn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa phiên âm từ tiếng Phạn Pàtimokha có nghĩa là hướng đến. Nghĩa bóng là hành giả cần nương về nội tâm tu hành tìm ra con đường giải thoát. Giải thoát có hai nghĩa: Biệt giải thoát và Biệt biệt giải thoát.

Luật theo tiếng Phạn là Vinàya phiên âm là Tỳ Nại Da. Trung Hoa dịch là điều phục, có hai nghĩa: nghĩa đen là “khử” là “chân”, nghĩa bóng là loại bỏ bao nhiêu các việc xấu quấy để giữ lại cho cái chơn, cho nên gọi là hàng phục tâm. Chấm dứt tâm vọng động, đừng cho tâm phát khởi, nên gọi là chân tâm. Như hàng phục giới liền sanh trí huệ.

Luật cũng dịch là Thiện Trị vì hành giả khéo chế ngự các hạnh bất thiện của mình, còn điều phục hết thảy bất thiện hạnh cho chúng sanh. Như vậy Giới luật còn nghĩa rộng là hòa hợp chúng, sống trong đoàn thể thanh tịnh tăng luôn biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Cũng là nền tảng muôn pháp lành, điều phục nghiệp xấu ác của thân khẩu ý, đoạn trừ phiền não của tham, sân, si. Nhờ Giới học mà hành giả tu hành đạt quả Tịch diệt Niết Bàn.

Giới Luật: dựa trên công dụng mà có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nghĩa chính của Giới Luật là phân định phán đoán của các tội khinh, trọng, khai, giá, trì phạm để ngăn ngừa những tội lỗi của thân tâm. Bởi thế mới nói Giới luật của đức Thế Tôn chế ra chỉ là “Tùy phạm tùy kiết”.

Nghĩa là có người gian gốc độ khác nhau mà hành trì. Hơn nữa, ranh giới giữa người vi phạm và người tuân thủ pháp luật cách nhau chỉ một niệm đúng sai, vậy cần phải có chuẩn mực để phân định rõ ràng. Cũng thế, trong Đoàn thể tu hành Phật giáo cũng cần phải sử dụng đến Giới luật để phân minh, khinh, trọng tùy theo hành giả vi phạm lỗi lầm, nên thỉnh Thế Tôn Kiết Giới./-