LƯƠNG TÂM

LƯƠNG TÂM

Mỗi người phải tự trả lời về chính mình trước phán đoán của lương tâm, trước ánh sáng chân lý.

Lương tâm là cái thiện tâm, là đặc tính trong mỗi con người, là cảm quan về nghĩa vụ, là trách nhiệm về chân thiện mỹ.

Lương tâm là dữ kiện chánh nghiệm sẵn có, mà không hề hủy bỏ được. Có lương tâm, hướng dẫn con người sáng đẹp, làm cho hành động mỗi người nâng cao phẩm giá đạo đức.

Con người mà không có lương tâm cũng như con thuyền không lái, như ngựa không cương. Lương tâm như một vị thẩm phán, phán xét quá trình hành vi của mình. Lương tâm giúp cho con người làm tròn bổn phận đối với nhân quần xã hội.

Lương tâm là năng lực mang tính tự giác, tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân.

Lương tâm là phạm trù về ý thức – về luân lý đạo đức nhân bản, là sự phán đoán của lý trí, là lòng trắc ẩn, thôi thúc làm lành lánh dữ. Không làm theo tiếng nói xuất phát từ đáy lòng, là sa chân vào cạm bẩy cám dỗ, làm điều xấu, gây nên tội lỗi.

Lương tâm không phải do bẩm sinh, mà là kết quả của một quá trình sống – thực nghiêm.

Lương tâm không hệ lụy vào một quy luật nhất định, nhưng người có lương tâm, là người biết tuân theo tiếng lòng thôi thúc. Nhờ có lương tâm, mà tâm được ngay thẳng, nhận thức được hành vi tốt xấu. Lương tâm phải được tu dưỡng thường xuyên, dù có phải chịu thiệt thòi hay hy sinh, cũng phải thực hiện bằng được những việc lành, xa tránh những điều tội lỗi, xấu ác. Muốn được vậy cần phải biết quay về với nội tâm, biết kiểm điểm hành vi phù hợp với thực tại, được ánh sáng chân lý soi rọi qua việc học hỏi từ gia đình, học đường, xã hội và nhất là được tu học dưới mái ấm GĐPT.

Tuổi trẻ đang sống giữa bối cảnh tục hóa, khi mà con người say sưa đổ xô đi tìm khoái lạc, vật chất, hư vinh, Xem thường những thôi thúc lương tri, luân lý, đạo đức… Từ đó, kéo theo biết bao hệ lụy nghiêm trọng cho bản thân và xã hội. Đặc biệt đối với tuổi trẻ hiện nay, lương tâm chân chính lại là điều xa lạ, họ quả quyết điều mình đang suy nghĩ, đang thực hiện là đúng, không chịu lắng nghe tiếng nói của lương tri, họ quan niệm lương tâm như là một điều gì đó rất xa xỉ… Do hoàn cảnh tác động, do thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết đúng sai. Do chai lì trước cuộc sông bất công nghiệt ngã, dễ dàng dẫn đến tội lỗi.

Tuổi hoa niên, dễ dàng bị cám dỗ, bị rung động mạnh mẽ, những cảm xúc đam mê, những vui – buồn, yêu – ghét hay ham muốn – nhàm chán, được coi là tốt, khi nó được góp phần vào nghĩa cử cao đẹp, nếu với hành vi trái ngược lại, thì nó là xấu xa vô cùng. Bản chất của đam mê, nó không tốt – cũng không xấu, muốn được hoàn hảo về mặt luân lý, người ứng dụng phải vận dụng lý trí để định hướng đam mê theo chiều hướng tốt đẹp.

Thuở giao thời, ai mà không có lần bị cám dỗ. Cám dỗ có nhiều mặt – đa dạng, dễ ngộ nhận – lẫn lộn, biện minh cho sai lầm. Những cám dỗ thường xảy ra đối với những ai yếu đuối, nó mang khuynh hướng thiên về điều xấu hơn là lẽ thiện. Bị cám dỗ không phải là cái tội, nó trở thành tội lỗi khi dễ dàng buông thả – đồng thuận, nhận chìm tự thân vào vũng bùn tội lỗi. Nhưng với ý chí tự do dứt khoát, là sức mạnh tinh thần, giúp ta trưởng thành, vượt thoát ra khỏi vũng xoáy tối tăm.

Tội lỗi cũng đa dạng. Tội lỗi được hình thành bởi tâm hồn đen tối, chủ ý xa lìa điều thiện, là nguyên nhân phát sinh tội lỗi.

Sám hối là khát vọng hướng về – nhìn lại, ý thức về hành vi tội lỗi đã làm, về những hậu quả bản thân đã gây ra. Khi phạm lỗi, con người tước bỏ lương tâm, chối từ đời sống thánh thiện. Đã gây ra tội lỗi, dù nặng hay nhẹ, cũng làm thương tổn đến tha nhân, vô tình xóa nhòa đi hình ảnh bản thiện vốn có. Sám hối là biết sửa chữa, điều chỉnh lại bản thân, điều chỉnh lại những hành vi sai trái, để không còn va chạm làm phiền lụy đến tha nhân.

Lương tâm là sự phán xét của lý trí, là ý thức tự đáy lòng, thôi thúc làm lành – lánh dữ. Phải với lý trí tỉnh thức, để uốn nắn sự đam mê theo chiều hướng trong sáng tốt đẹp. Để chống trả sự cám dỗ tệ hại, phải thực tập tự kiềm chế bản thân, luyện tập nhân đức, chăm chỉ tu học, đủ bản lĩnh đối kháng mạnh mẽ – dứt khoát ngay từ ban đầu để được chánh tâm ./-




NGƯỜI CÀNG HIỂU BIẾT CÀNG SỐNG KHIÊM CUNG







HIỆP KỴ GĐPT

HIỆP KỴ GĐPT TỈNH BÌNH THUẬN

Người Phật tử đến chùa, là đến với Thầy – Tổ, là trở về nương tựa dưới mái nhà của người cha – người mẹ thân yêu của mình. Người con cần có nơi chốn để được vỗ vệ – ấp ủ – thương yêu, không phải là phải xin xỏ và được ban ân – bố thí mới có. Mà người cha – người mẹ (người Thầy: là “thiên – nhân sư”, là người xuất gia: “xuất thế tục gia” – “xuất phiền não gia” – “xuất tam giới gia”, lìa xa gia đình, lìa bỏ sự nghiệp quyền quý – cao sang, có đời sống tu viên, chuyên tâm học kinh – giữ giới – tu thiền để thanh lọc tâm ý, xa lìa ái dục – không thiết tha lưu luyến thế tục, có chí nguyện Đại Trượng Phu, có trái tim từ bi – cởi mở – vị tha bao la bát ngát, có ý chí kiên cường “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” – “bất bái quân vương”, tâm nguyện vững chắc, việc làm cao thượng, quyết tâm cầu giải thoát, tiến lên hàng thượng thừa), phải có trách nhiệm thương yêu chở che – bảo bọc, để cho người con tha phương của mình có được nơi chốn nương tựa ấm êm trong vòng tay từ ái, sau những năm tháng dài rong ruổi đường dài, dãi dầu nắng mưa gian khó – khắc nghiệt đời thường.

Chùa Huệ Đức – xã Sơn Mỹ – huyện Hàm Tân – tỉnh Bình Thuận, là một ngôi chùa nghèo khó, nằm giữa một miền quê hẻo lánh, do Thượng tọa Thích Đồng Khánh trụ trì. Thầy có một vóc dáng ốm yếu nhỏ nhắn, nhưng ẩn chứa trong Thầy một tâm hồn to lớn. Mặc dù gặp phải ma chướng, thế quyền bủa vây – ngơ mắt vô tâm trước những khốn khó của lương dân. Nhưng với một tấm lòng đại bi rộng mở, Thầy đã mạnh dạn mở rộng vòng tay ôm ấp biết bao mảnh đời cơ cực, những trẻ mồ côi – tật nguyền đang tìm về dưới mái ấm của Thầy càng lúc càng đông thêm. Nhưng manh áo – chén cơm – sách vở học tập của các em, đây là nỗi chật vật lo toan luôn luôn nặng trĩu canh cánh trong lòng Thầy. Có một hôm, tại một ngội chùa giữa lòng thị xã, tổ chức Lễ Trai Tăng, sau buổi tiệc chay thịnh soạn, thức ăn còn lại thừa mứa, Thầy ngỏ lời xin mang về cho trẻ mồ côi. Một hình ảnh như thật đã làm cảm động rơi nước mắt cho biết bao người. Nhớ lại hình ảnh tận tụy lo toan đầy thương cảm ấy, ngay cả giờ đây, khi ghi lại những dòng chữ này, mà nước mắt cứ mãi tuông ra, ràn rụa theo từng con chữ.

Và cũng với tấm lòng bát ngát trời mây ấy, Thầy đã mạnh dạn mở rộng vòng tay từ ái, đón nhận Gia Đình Phật Tử truyền thống, đang lưu vong trên chính quê hương mình. Chùa (Chùa to – Phật lớn) của chúng ta còn đó, Thầy của chúng ta còn đó, nền đạo lý – di sản từ bi to lớn muôn đời của chung ta vẫn còn đó, thấy nó sờ sờ trước mắt, thế mà sao xa xôi cách trở – cay đắng đến ngập lòng, để cho biết bao Áo Lam chính thống không còn nơi nương tựa – không dám bước vào! Một tổ chức giáo dục Truyền Thống đã từng gắn bó nhiều đời Lịch Đại Tổ Sư, xương máu – mồ hôi – nước mắt của biết bao anh – chị đi trước đã đổ xuống để bảo vệ cho sự sống còn của Giáo Hội – của đất nước này, và ý chí này – di nguyện này vẫn nối tiếp truyền trao lại cho thế hệ hôm nay và mãi mãi muôn sau, thế mà lại nhẫn tâm, đối xử phân biệt bởi những tâm hồn nhầy nhụa dục vọng vô minh tanh tửi, đành đoạn không dám tiếp xúc – nhẫn tâm xua đuổi ra khỏi chùa những đứa con thuần thành – những hậu duệ trung kiên của đạo pháp.

Cứ ngỡ rằng trước áp lực của ma vương, đang cố tình vùi dập sức sống đạo đức tâm linh, đẩy thế giới này đến gần với hầm lửa tự hủy diệt, chỉ biết có tranh giành danh lợi – quyền lực hơn thua hư vinh, thỏa mãn thú tính hèn kém, nỡ đành chà đạp đồng loại, ân nghĩa sơn môn. Để rồi “Nhân quả đáo đầu chung hữu báo” – nhận lấy một hậu quả nhục nhã thảm hại ê chề, để lại bia đời lưu danh xú uế.

Dù bị đoanh vây giữa cơn sóng thần dữ dội, bất chấp trận cuồng phong bão dữ, với í chí kiên cường, không bao giờ chịu khom lưng khuất phục trước những giả tâm đen tối, dấu mặt – giựt dây – thọc gậy sau lưng khoáy rối. Dù bị từ chối – đẫy đuổi – thay đổi – di dời địa điểm, nhưng với quyết tậm vô úy vốn có của Ban Hướng Dẫn GĐPT Bình Thuận, Lễ Hiệp Kỵ Bình Thuận vẫn được diễn ra như một ngày hội lớn, tất cả Lam viên Bình Thuận từ mọi ngã hướng, dù trong bộn bề cuộc sống đời thường, kinh tế lạm phát, rình rập hù dọa – chụp mũ lương dân. Toàn thể Lam viên Bình Thuận vẫn quyết tâm khắc phục gian nan, với một tấm lòng trung kiên như nhất, nô nức đổ dồn về, làm cho một miền quê yên ắng bổng rộn ràng – sinh động hẳn lên.

Lễ Hiệp kỵ GĐPT Bình Thuận được diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp tình nghĩa sơn môn, thầy trò thân ái. Thầy trực tiếp hướng dẫn – chỉ bảo tận tình, tạo rất nhiều thuận duyên, những khóa lễ được thực hiện chỉnh chu – kính cẩn – nghiêm thiêng, giúp cho pháp hội hiệp kỵ thù ân thập phần viên mãn. Sau mỗi khóa lễ, y hậu thầy ướt đẩm mồ hôi, thầy rất mệt, chúng con kính yêu thầy vô vàn !

Đại Lễ Hiệp Kỵ tri ân và báo ân, thành kính tưởng niệm Chư lịch đại Tổ sư truyền giáo – lưu truyền – bảo vệ – duy trì – phát triển mạng mạch Phật giáo Việt Nam. Tưởng niệm anh linh chư Thánh tử đạo vị pháp thiêu thân – vị pháp vong thân. Tưởng niệm chư vị Tiền Bối hữu công sáng lập GĐPTVN. Tưởng niệm giác linh chư vị Ân Sư cố vấn giáo lý – giáo giới – giáo hạnh. Tưởng niệm ân nhân Bảo trợ – Gia trưởng – Huynh trưởng – Đoàn sinh GĐPTVN quá cố. Lễ khai đàn thỉnh linh tọa vị và khai kinh Địa Tạng đươc Thầy Trụ trì tổ chức từ tối mười bốn. Sáng ngày Rằm tháng Mười – Tân Mão, Mặc dù Phật sự đa đoan, nhận được í chỉ ủy nhiệm của Hòa thượng Thích Trừng Khiết, Thượng tọa Thích Thông Hương chủ sám và 12 vị Tăng – Ni trong Ban Kinh sư chứng minh đại lễ. Lễ Kỳ siêu được chính thức diễn ra trong không khí chí thành – trang nghiêm của hơn năm trăm Lam viên và khách mời về dự. Sau lễ kỳ siêu là nghi thức hành chánh và Lễ Tiến Linh. Ban Hướng Dẫn – Ban Tổ Chức Đại Lễ Hiệp Kỵ GĐPT Bình Thuận, thành kính tri ân công đức chư vị ân sự, nhất là Thầy Trụ trì cũng như quí đạo hữu cư sĩ Phật tử các Ban Hộ Tự, các vị thân nhân H.Tr – ĐS quá cố, đã dành tình cảm ưu ái – chấn tích đăng lâm chứng minh – tham dự, góp phần làm cho buổi lễ thập phần trọng thể.

Đặc biệt, được sự vận động tài giỏi của H.Tr Cấp Tấn Thiện Tâm Huỳnh Thái Dũng – UV Doanh Tế Ban Hướng Dẫn, H.Tr A Dục, chị Đồng Thắng Võ Thị Chiến – đơn vị GĐPT Khánh Ngọc – thị xã Lagi, các vị cư sĩ Phật tử ân nhân bảo trợ, đã tài trợ ủng hộ cúng dường Lễ Trai Tăng và tiệc chay phục vụ buổi lễ, và có cả một ban ủng hộ phục vụ Café – nước ngọt – giải khát từ chiều hôm trước cho đến ngày hôm sau. GĐPT Bình Thuận chân thành tri ơn công đức quí liệt vị, nguyện cầu hông ân chư Phật thùy từ gia hộ quí vị và quí quyến vô vàn phước lạc – thành đạt như ý.

Buổi lễ hoàn mãn, được kết thúc sau lễ cúng thí thực. Toàn thể Lam viên Bình Thuận lưu luyến siết chặt tay nhau, thầm nhủ với bồ đề tâm kiên cố – vô úy, phát đại nguyện lớn – sẵn sàng gánh vát gian nan, làm sáng danh GĐPTVN – thành toàn sứ mệnh giáo dục tiếp hiện thiêng liêng cao cả mà tổ chức tin tưởng trao phó !

Trở về nơi đây dưới mái chùa thân yêu. Thời tiết đang từng bước vào Đông, đêm về se se lạnh. Nhưng mỗi lòng người Huynh trưởng Phật tử, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhàng ấm cúng, như gã cùng tử tha phương – khốn khó gian nan lưu lạc, nay được trở về lại quê hương xưa, được ấp ủ trong vòng tay từ ái của người cha muôn thuở. Nơi đây, hình ảnh người Thầy, thể hiện chân dung nghiêm nghị nhưng từ hòa, cứng rắn nhưng ru êm, toát lên một đức sáng rạng rỡ, làm cho ai nấy đều kính yêu, ngỡ như xa nhưng mà đậm đà gần gũi thân thương.

Trước giờ phút chia tay, rời Pháp hội về mỗi trú xứ, chúng con, ai nấy đều xúc động. Mỗi lời thầy nhắn nhũ sâu sắc, như những hạt châu long lanh đã được cọ xát dòng đời, được soi sáng bằng tuệ giác, làm cho chúng con cảm nhận được bản thể như thật cuộc đời, sách tấn cho chúng con vững vàng thêm trên hành trình thực tập. Chúng con là những đóa hoa lan bé nhỏ, nhờ thấm đẫm những hạt sương mai mà tươi thắm cuộc đời, nhờ có những dòng cam lồ pháp lạc tưới tẩm, mà cuộc đời nhiều não loạn, kỳ vọng mai này, có được nhiều đóa ưu đàm xuất hiện…

Lan Nhã Thảo Am, 20/04/2011




LÃNH ĐẠO GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

LÃNH ĐẠO GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Gia Đình Phật Tử (GĐPT) là một tổ chức giáo dục – Ứng dụng giáo lý Phật Đà để hướng thiện cuộc sống.

Người Huynh trưởng (Htr) GĐPT là một cán sự giáo dục về mặt đạo đức tâm linh Phật giáo, phải hội đủ kiến thức Phật pháp – phải thực sự ngộ nhập tri kiến Phật.

Trong tổ chức GĐPT hiện nay, còn có H.Tr mù mờ về Phật pháp, thiếu lý tưởng son sắc, chưa thể hiện trọn vẹn phẩm cách Thân – Khẩu – Ý giáo, thì làm gì vững vàng được trên bục giảng.

Nguyên nhân trở thành thứ phẩm này, là do quá trình đào tạo vội vàng – gượng ép – chưa sâu, chương trình huấn luyện cắt xén, giảng viên hướng dẫn không chuyên – chưa đủ sức truyền trao – lột toát hết tinh túy thâm diệu.

Khao khát – ước vọng trở thành một Htr, nhưng trong tu học thì vượt bậc – vượt trại, tham dự các khóa học nữa vời – cầm chừng – lấy có. Thiếu thực tập – không huân tu – chưa liễu ngộ, thì làm gì có một Htr giỏi, đủ khả năng thăng tiến bản thân, đủ tài năng hướng thiện cuộc sống đàn em, đủ bản lĩnh lèo lái con thuyền GĐPT địa phương.

Ở một tổ chức giáo dục – hướng thiện đạo đức tâm linh, có quá trình lịch sử lâu dài, có một qui mô rộng lớn, thế mà còn có Htr bốc đồng – cá tính, làm việc tự phát – không có kế hoạch – vô tổ chức. Tự ái – nóng nãy – hàm hồ – lớn lối – kẻ cả xem thường đàn em – cấp dưới. Không lân tài – mẫn đức, tâm lượng hẹp hòi – ti tiện – trù dập, lo sợ tuổi trẻ – cấp dưới vượt trội hơn mình. Điều này đã bộc lộ rất rõ nét ở cá tính khó tu sửa được của anh Phan Đình Thăng tại BHD Trung ương GĐPTVN, nghe đâu còn có phản ảnh cả người em của anh, là anh Phan Đình Toàn tại Ban Hướng Dẫn GĐPT Bình Thuận và một số ở các BHD khác

Còn lãnh đạo thì sao ?!
Ở tổ chức GĐPT chưa có trường chuyên đào tạo cán bộ. Lãnh đạo các cấp GĐPTVN, hầu hết đều dựa trên cơ sở sống lâu lên lão làng, hễ có cấp cao là được đảm trách chức vụ cao, không cần thiết là phải có đạo đức – bản lĩnh – tài năng – chuyên môn để cơ cấu phù hợp. Đa số tuổi đời đã cao, mà tuổi đã cao thì ảnh hưởng đến sức khỏe, khi sức khỏe đã mòn yếu thì trí tuệ giảm thiểu, nhạy bén – năng động không còn, là sức ì trì kéo, chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển tổ chức rất nhiều.

Cái tệ hại nặng nề nhứt hiện nay, trao cấp, là trao trách nhiệm. Cấp gắn liền với sứ mệnh mà anh phải sẵn sàng hi hiến phục vụ, không nề hà – nãn mỗi – trốn tránh – đùn đẫy trách nhiệm, không dám đương đầu – đối mặt với thực tại cam go. Thế mà cấp cứ thoải mái được trao, đủ tuổi – đủ năm là được nể vì dễ dãi xét trao, không cần thiết là phải có phẩm chất – đạo đức – trình độ – khả năng cống hiến lâu dài. Nếu cơ chế mà như vậy, thì làm gì còn có một lãnh đạo giỏi – một lãnh đạo tài ba

Công đức xây dựng tổ chức có được hôm nay, của các anh các chị cả rất to lớn. Nhưng tương lai của tổ chức đâu phải chỉ nằm ì trong tay những lão làng cằn cỗi, Tổ chức phải được phát triển – thăng tiến – làm mới liên tục, ngoài sức trẻ đủ năng lực, dám nói dám làm, mới hội đủ bản lĩnh, có cơ duyên phát huy – chuyển hóa làm nên lịch sử ./-




Ký Ức Mùa Xuân

KÍ ỨC MÙA XUÂN

Người ta cứ ngỡ rằng, khi mua Xuân đến, rồi mùa Xuân lại đi, thì muôn hoa sẽ tàn tạ. Cũng như, khi mà Phật pháp đã bị suy đồi, thì nhân dáng của các bậc Cao Tăng, các hàng thiện sĩ tri thức sẽ bặt dạng, để lại cho đời, chỉ còn là những bóng đen thui thủi, phó mặc cho ma quái hiện hình, dọa dẫm – khoáy phá, làm rối tung thế sự, dân tộc đi dần vào đêm tối kinh hoàng, gieo rắc âu lo cho toàn nhân loại.
Nhưng!

“Đêm qua sân trước một nhành mai”
– Mãn Giác –

Người ta có ngờ đâu, rãi rác đó đây, trên dãy Thiên Hà vô tận, còn có những ánh sao bừng sáng – lóe lên, đang thắp lại muôn ngàn vì sao, làm lan tỏa cả bầu trời trong xanh ngát. Đây đó còn có các bậc uy đức, các thức giả thiện sĩ, mà từ lâu đã ẩn nhẩn, dùi mài í chí, hun đúc khí thiêng. Vào một ngày nắng Xuân rạng ngời, tất cả bừng nở huy hoàng.

Sau những đêm dài tăm tối, dân tộc đã vô tình buông trôi, cuộn mình ngủ say trên gối mộng triền miên, bổng chốc được đánh thức, chợt thấy ra rằng, thân phận đã bị nhuốm đen tanh tưởi, bởi từ lâu đã nỡ đành vùi đầu say ngủ, thả rong một đời kí sinh nô lệ nhục nhằn.

“Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
“Đêm qua sân trước một nhành mai”
– Mãn Giác –

Dù mùa Xuân có bị chi phối, bởi qui luật vô thường Sinh – Trụ – Dị – Diệt, tàn phai theo năm tháng, thì nhành Mai Gia Đình Phật Tử Việt Nam vẫn cứ mãi mãi tồn tại, vẫn cứ hiện hữu thực thể giữa lòng đời phong ba, đang làm cái nhiệm vụ thiêng liêng, là chăm bón, sửi ấm lại những thân cành mòn rã tàn tạ. Kì vọng mai này, sức sống lại đâm chồi nẩy lộc, kết nụ nở hoa. Hàng ngàn – hàng triệu – hàng tỉ cánh “Mai Lam” lại rạn rỡ phơi phới dưới nắng Xuân êm ả, khoe hương khoe sắc, tô đẹp cuộc đời.

“Giữa lò đời rực lửa
“Sen Trắng nở thắm tươi”
– Ngộ Ẩn –

Hỡi những cánh sen trong cuộc phong ba ! Đã vững vàng chưa sau những lần được trui rèn trong thử thách, giữa lò đời khắc nghiệt ? Cay đắng cũng đã nếm trãi nhiều rồi, khổ đau dẫy đầy. Nhưng có bao giờ làm lay chuyển được sức kham nhẫn. Bởi vì tinh thần vô úy Bi – Trí – Dũng đã được đào luyện – hun đúc – trưởng dưỡng – chăm chút tận tình từ các bậc Sư Trưởng tuệ giác khả kính, từ các Thánh giả thiện sĩ trưởng bối đi trước truyền thừa.

Gần 1 thế kỷ nổi trôi cùng vận nước, Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã đủ sức định hướng, lèo lái con “Thuyền Lam” vượt qua đầu sóng ngọn gió, vững vàng đưa tuổi trẻ Việt Nam cặp bến bình yên ./-




Văn Hóa Việt !









PHẬT THÀNH ĐẠO

PHẬT THÀNH ĐẠO

“Sao Mai rực rở góc trời
“Tử sinh đã dứt, não đời trôi tan
“Mười phương thế giới hân hoan
“Mừng đấng giác ngộ vén màn vô minh”

Cách đây hơn 25 thế kỷ, ở tại Bồ-đề Đạo Tràng (Ấn Độ), thái tử Tất-đạt-đa sau 6 năm tu khổ hạnh và 49 ngày đêm ngồi tham thiền nhập định dưới cội Bồ-đề để thể nhập chân lý, chứng đắc quả vị tối thượng trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Đánh dấu sự ra đời của đạo Phật, một tôn giáo vì Hòa Bình và Hạnh Phúc của nhân loại, chúng sanh.

Nhờ có ngày Phật Thành Đạo, hàng hậu học chúng ta mới có một con đường để bước đi, mới có được những lời dạy để thương yêu, hy sinh, phụng sự và hướng về nơi an tĩnh của tâm hồn. Chúng ta mới có được một mục đích để sống, một cứu cánh cao siêu thanh thoát ở phía cuối con đường.

Nhờ có ngày Phật Thành Đạo, ta mới có một đấng Giáo Chủ siêu tuyệt để tôn thờ, để tự thấy mình còn quá nhỏ bé dưới chân Người. Nhờ có ngày Thành Đạo, trần gian tội lỗi bỗng bớt tội lỗi, khổ đau bỗng bớt khổ đau. Nhờ có ngày Thành Đạo, nhân loại còn được hy vọng về một tương lai hòa bình, trong đó con người sống thương yêu hòa ái, bảo vệ môi trường, xây đắp hành tinh thành một cõi Tịnh Độ đẹp ngời. Nhờ có ngày Thành Đạo, chúng ta đã có được một Đức Phật, một Đạo Phật, một mái nhà thênh thang để che chở và nâng bước ta đi./-




KÊ LẶC











Huynh Trưởng Phật Tử Vững Vàng Mà Gánh Lên

Huynh Trưởng Phật Tử
Vững Vàng Mà Gánh Lên

Buông! Là thả xuống tất cả, không còn vướng bận trần ai. Trần ai là nỗi đời vô vàn rối rắm, làm điên đảo kiếp nhân sinh. Nếu tỉnh thức ra, thì mọi sự đều không – tĩnh lặng – tự tại.

Buông được thì dễ rồi, nhưng gánh lên thì đây là điều đáng phải nói. Gánh lên, mà phải thật vững vàng trên chính đôi chân của mình, nhập thế vào đời, lập hạnh tha hóa. Gát mình qua một bên, vì chúng sinh mà thị hiện.

Huynh trưởng Phật tử, từ tục đế mà đi lên, phát nguyện đại bị, hùng lực gánh vát gian nan vào đời. Không từ chối cuộc đời để thành toàn đạo nghiệp giáo dục, chọn con người làm đối tượng, nhằm mục đích chuyển hóa tuổi trẻ thẩm thấu Phật chất, xậy dựng tịnh độ thực tại nhân gian ./-




Video: HUYNH TRƯỞNG GĐPT THỰC TẬP TINH THẦN DUY MA CẬT




HUYNH TRƯỞNG GĐPT THỰC TẬP TINH THẦN DUY MA CẬT

HUYNH TRƯỞNG GĐPT

THỰC TẬP TINH THẦN DUY MA CẬT

Kinh Duy Ma Cật diễn tả khung cảnh trưởng giả Duy Ma Cật thị hiện thân lâm trọng bệnh, nhằm mục đích diễn bày tính không – bát nhã.

Đức Phật cử 10 đại đệ tử đến thăm bệnh Duy Ma Cật, nhưng đều thoái thác, không đủ khả năng thăm bệnh ông Duy Ma Cật.

Đức Phật phó thác Văn Thù Sư Lợi.
Đến bên giường bệnh, Văn Thù thăm hỏi Duy Ma Cật: “Cư sĩ ! bệnh của ông có kham nỗi không ? Ðiều trị có bớt không ? Bệnh không tăng chứ ? Thế tôn ân cần hỏi thăm ông. Bệnh cư sĩ nhân đâu mà sanh ? đã bao lâu rồi ? đến bao lâu thì hết bệnh ?”

Duy Ma Cật trả lời: “Bệnh tôi từ si – ái mà sanh. Tôi bệnh vì chúng sanh bệnh. Khi nào chúng sanh hết bệnh thì tôi lành bệnh. Ví như ông trưởng giả có một người con, nếu người con bị bệnh thì cha mẹ cũng bệnh theo, con lành bệnh thì cha mẹ cũng hết bệnh. Bồ tát cũng vậy, thương tất cả chúng sanh như con một, nên chúng sanh bệnh thì bồ tát bệnh, chúng sanh hết bệnh thì bồ tát lành bệnh. Bồ tát bệnh là do lòng đại bi”.

Qua lý luận trên: Vì đại nguyện đại bi, Duy Ma Cật thị hiện bệnh hạnh, chỉ rõ chân lý vô thường. Do si mê – ngã ái mà nên nghiệp lực luân hồi. Sinh – lão – bệnh – tử chi phối lên thể vóc bất tịnh, đau khổ kéo dài kiếp nhân sinh.

“Si” là si mê – vô minh, không sáng suốt nhận chân được chân lý, phán đoán đúng đắn hay dở, tốt xấu, lợi hại… Vô minh che lấp tâm trí, không thấy được bợn nhơ gậm nhấm bên trong con người, làm cho thói hư tật xấu tăng dần, đưa nhân sinh vào vũng lầy tội lỗi.

Ái, là ái dục, là ham muốn, làm cho con người dong ruổi mãi mê đuổi bắt, không điểm dừng nghỉ, như mặt hồ gợn sóng lăn tăn cứ đi tới mãi, không bao giờ phẳng lặng.

Ái là nguyên nhân sanh khổ. Trong cuộc sống hằng ngày, Ái Dục đóng vai trò quan trọng. Từ cuộc sống quan hệ vợ chồng, liên quan đến tài sản vật chất – công danh – sự nghiệp, và biết bao thứ khác trong cuộc sống, đều có sự dẫn đạo của ái.

Ái Dục hay Khát Ái, đem lại hy vọng tha thiết đẹp đẽ – hạnh phúc. Hy vọng là khao khát về tương lai, trong định nghĩa chừng mực nào đó, niềm hy vọng của mỗi người vẫn nằm trong phạm vi của Ái.

Ái Dục không những dẫn con người đi tới, mà Ái Dục còn đẩy đời sống này sang đời khác trong cuộc trầm luân. Ái Dục không đơn giản ưa thích những gì thuộc về ngoại giới, như sắc đẹp – tiếng hay – mùi thơm – mặn ngọt và xúc lạc, mà Ái còn là chỗ nương tựa cho mỗi người trong cuộc đời. Là khối êm ái, như đôi tay trìu mến của người mẹ hiền, vỗ về người con ngủ vùi trong đó. Và Ái Dục còn hơn thế nữa, luôn luôn bao trùm lên mỗi bước chân, mỗi lời nói, mỗi hơi thở cuộc đời

Tư tưởng bất nhị bàn bạc suốt bộ kinh Duy Ma Cật:
“Nhãn và sắc là hai, nhưng nếu biết nhãn đối với sắc không tham – sân – si thì đó là tịch diệt… Cho đến ý với pháp là hai, nhưng ý đối với pháp không tham – sân – si thì đó là tịch diệt. Sống trong ấy là nhập vào pháp môn Bất nhị”.

Nền tảng Kinh Duy Ma Cật triển khai nhận thức thực tại trên căn bản nguyên lý bất nhị, hướng dẫn nhận thức khởi đi từ thực tại sai biệt, khám phá bản thể chân thật ngay trong thực tại sai biệt, để nhận thức được thực tại chân thật.

Duy Ma Cật nói với các Bồ tát: “Này nhơn giả, Bồ tát làm sao nhập pháp môn bất nhị ?”.

32 vị Bồ tát lần lượt trình bày, nhưng Duy Ma Cật không hài lòng.
Cuối cùng Văn Thù Sư Lợi đáp: “Theo ý tôi, tất cả vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp. Ấy là nhập pháp môn vô nhị”.

Thấy Duy Ma Cật im lặng, Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Chúng tôi mỗi người đã tự nói xong. Nay đến lượt Nhơn giả: “Thế nào là nhập pháp môn bất nhị của Bồ tát ?”

Duy Ma Cật im lặng hoàn toàn !
Văn Thù tán thán: “Lành thay ! Lành thay ! Cho đến chẳng có văn tự – lời nói mới là chơn nhập pháp môn bất nhị”.

Sự hội ngộ giữa Văn Thù và Duy Ma Cật, là cuộc gặp gỡ giữa đỉnh cao của thanh tịnh và trí tuệ, làm đảo lộn cái thấy đoạn kiến, làm rơi rụng vô minh. Từ tri thức khái niệm mù mịt sanh diệt đạo đoạn, thấy được cái không hiểu được, tịch diệt vắng lặng, khó diễn tả bằng ngôn ngữ, đó là bất khả tư nghì. Đem vật lý tòa sư tử vô ngại đặt đúng nguyên vị “Ưng vô sở trụ” bình đẳng.
Duy Ma Cật là một cư sĩ, một thương gia giàu có, ở thành Tỳ Xá Ly, có biện tài, giỏi tranh luận. Ông có đời sống tục đế, đại biểu cho giới cư sĩ, hiện thân cho tinh thần Ðại Thừa, khước từ đời sống tu viện hạn hẹp. Ông nhấn mạnh tinh thần nhập thế, dấn thân hòa mình vào lòng xã hội.

“Không phải ngồi là ngồi thiền. Ngồi thiền là không hiện ra trong ba cõi. Là hiển bày chính mình trong tánh tự nhiên, thân và tâm đều không còn. Là tu hành Phật đạo trong những phật sự thường nhật giữa thế gian. Ðó gọi là ngồi thiền”.

Hình tượng Duy Ma Cật khẳn định, người cư sĩ tại gia, sống giữa tục đế không kém phần quan trọng. Trên hành trình truyền bá Phật pháp, thiếu vắng cư sĩ trong tứ chúng đồng tu, thì khó chuyển hóa uế độ, hình thành Phật quốc.
Người Huynh trưởng cư sĩ Phật tử, là người sinh ra từ lòng đời, tồn tại giữa xã hội, hòa nhập cộng đồng, góp phần chuyển hóa tuổi trẻ.

“Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết”.

Huynh trưởng phát nguyện nhập thế, còn có một Thanh – Thiếu – Nhi tha hóa, thì còn có Huynh trưởng thị hiện vào đời, chia sẻ những khổ đau người đời, lấy cái khổ của tha nhân làm nỗi đau của chính mình để độ tận.

GĐPT là một tổ chức giáo dục. Nói đến giáo dục, phải định nghĩa đến chủ thể của nó, đó là người làm công tác giáo dục. Trong tổ chức GĐPT, người Huynh trưởng là người đang làm công tác giáo dục. Muốn hướng thiện tha nhân, đòi hỏi mỗi nhơn giả phải nỗ lực tu học, thực tập tinh thần siêu việt Duy Ma Cật, đủ sức truyền tải nguồn năng lượng Phật chất vào tận mọi ngõ lòng thâm sâu tuổi trẻ, thắp sáng niềm tin, hun đúc ý chí, tỏa sáng tâm linh, nâng cao phẩm giá, tạo nên sức sống diệu kỳ, thành tựu bản nguyện.

Người Huynh trưởng, là một chiến sĩ trên mặt trận tâm linh, một kỹ sư tâm hồn, một nhà mô phạm với đầy đủ thân – khẩu – ý giáo, là tấm gương sáng cho đàn em noi theo. Bởi vì các em là mặt sau của chúng ta, nét vẽ ban đầu trên tờ giấy trinh nguyên được thẳng tắp, thì cuộc đời các em trong sáng phong quang, nếu ngược lại thì hậu quả bi đát đến vô cùng.

Người xưa đã dạy: “Làm giáo dục mà lầm thì hủy hoại cả một thế hệ”.

Trên hành trình thực tập Bồ tát hạnh, nối tiếp chí nguyện truyền đăng mà Chư Tôn Đức Cố Vấn – các anh – chị trưởng bối đi trước truyền trao. Ý thức sứ mệnh thiêng liêng, phát đại nguyện dấn thân, vững bước nhập thế đem đạo vào đời, góp phần tích cực hướng dẫn tuổi trẻ, phát khởi tín tâm, hướng tới thiện hóa cuộc sống. Từ tục đế, Huynh trưởng tu học tư tưởng Duy Ma Cật. Bằng trí tuệ siêu việt, bằng nghị lực tự thân, vân dụng bất tư nghì giải thoát, đạt đến bồ đề tâm bất thối, nhập thế chuyển hóa xã hội, kiến lập trường tồn GĐPTVN – tịnh độ Phật quốc ngay tại uế độ ta bà này ./-




Video: HUYNH TRƯỞNG GĐPT HƯỚNG ĐẾN MỘT GIÁ TRỊ NHÂN VĂN ĐÍCH THỰC




HUYNH TRƯỞNG GĐPT HƯỚNG ĐẾN MỘT GIÁ TRỊ NHÂN VĂN ĐÍCH THỰC

HUYNH TRƯỞNG GĐPT
HƯỚNG ĐẾN MỘT GIÁ TRỊ NHÂN VĂN ĐÍCH THỰC

Con đường mà chúng ta đang đi – hướng đến hành trình giá trị nhân văn. Đây là một nền văn hóa hiện thực, thể hiện bản sắc toàn vĩnh cho nền văn hóa toàn cầu.

Trong truyền thống văn hóa Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN), đã kết tinh – hội đủ các nền văn hóa nhân loại từ cổ – kim. Nhưng bản sắc không dễ hòa tan biến thái, mà càng tôn vinh – phong phú thêm trong quá trình hội nhập.

GĐPTVN tự tin, hòa nhập dòng cam lồ mát rượi của mình vào dòng chảy vô cùng của toàn nhân loại. Tạo nên một nguồn sống phật chất tươi mát, xoa dịu biết bao nỗi thương đau, làm nhứt nhối cuộc đời.

Văn hóa ưu việt của GĐPTVN, hướng đến hành động hiện thực, được kết tinh – hệ thống bằng châm ngôn Bi – Trí – Dũng, trọng nhân bản, con người là hoa của đất, là trung tâm cứu cánh, có khả năng đạt đến tuệ giác – giác ngộ – giải thoát hoàn toàn.

Ứng dụng Nhân Quả biện chứng vào đời thường, giải quyết vẹn thỏa mọi khúc mắc, trong đời sống dân sinh, chuyển hóa xã hội đến dần với trật tự yên bình, xua tan bất công – áp bức, tháo gở xích xiềng, đem lại tự do vĩnh toàn cho nhân loại.

Chủ nghĩa Lục Hòa, đã mạnh dạn mở ra một hướng sống bao dung – hòa hợp, giữa cộng đồng – giữa người với người, xóa bỏ ranh giới cục bộ nhân – ngã, làm chuyển hóa tha nhân, từ vô minh, thanh thản bước ra ánh sáng nhiềm mầu.

Tinh thần Bát Chánh Đạo, đã đưa mỗi nhân giả, biết trở về nương tựa với chính mình. Là một công án, tạo nên những khoảnh khắc tĩnh lặng – yên bình, để rồi một mai tỏa hương, thấm đẫm nguồn pháp lạc vô biên, làm bừng nở biết bao tinh hoa, trao lại cho đời những hiền tài, đóng góp nhiệt huyết tích cực trong công cuộc vệ đạo – dựng nước và cứu quốc.

Pháp môn Văn – Tư – Tu, đã là bến bờ, là nơi nương tưa, cho mỗi hành giả quán chiếu – thực tập. Từ đó thị hiện nghìn mắt nghìn tay, trải rộng tâm từ thế độ quần sinh. Từ nơi chốn bùn nhơ tanh tưởi, chuyển hóa vươn lên trên tục lụy muộn phiền, kết nên đài sen trắng muốt, tỏa hương lan xa, làm thơm đẹp thanh sạch cuộc đời.

Đối mặt – trải nghiệm – kinh qua trước thực tai cam go, nhiều thử thách khắc nghiệt. Người Huynh trưởng (H.Tr), đã hình thành một nhân văn kỳ vĩ. Với tấm lòng nhân ái vị tha bao la bát ngát, đã đưa người H.Tr sẵn sàng gánh vác gian nan, vững vàng trên chính đôi chân, vững chãi vượt qua cam go thử thách để thành toàn sứ mệnh.

Từ trong tục đế vươn lên, H.Tr đã miệt mài tìm kiếm, nổ lực thực tập tu học, thấu triệt vô biên thánh đế. Nhằm mục đích kiến giải cho tự thân, mà còn có trách nhiệm nặng nề, là truyền tải tín hiệu, đáp ứng thỏa đáng mọi mong chờ của đàn em – các nhu cầu về mặt tri thức, tháo gỡ những bức súc thực tại của xã hội.

Lịch sử GĐPTVN đã cho thấy, nhiều đơn vị GĐPT nếm trải phong ba, tắm lửa mưa dầu, đã được những bàn tay H.Tr, lãnh đạo tài năng, vô úy – tĩnh tại lèo lái con thuyền, vượt qua sóng gió gian nan, cặp bến một cách bình yên diệu kỳ. Đã làm nên một kỳ tích đáng trân trọng, nét son kỳ vĩ này, đã tạo nên một dấu ấn vàng son cho lịch sử GĐPTVN, là tấm gương sáng ngời cho thế hệ muôn sau khắc ghi noi dấu.

Tại hội thảo Huynh trưởng GĐPTVN, hội tụ biết bao tinh hoa, là lực lương hậu duệ của đạo pháp, là rường cột của tổ chức. Tổ chức đã hãnh diện, thi thiết tin tưởng, trao gửi – ủy thác, đặt hết kỳ vọng lên đôi vai vững chãi – trí tuệ – quả cảm – tài năng của thế hệ hôm nay, nối tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử tiền nhân. Sau hơn 12 giờ ròng rã tham luận, đã khuyến tấn – đánh thức – khơi mở tri kiến. Mọi cặp mắt như rạng rỡ ánh lên kỳ vọng – thao thức, minh chứng cho một hùng tâm dũng tiến trên đường đạo, mạnh dạn sấn bước dấn thân vào hành trình hành hoạt, ắp đầy tương lai sán lạn, góp phần kế thừa, kiến tạo kỳ công, tòa lâu đài lam ngày thêm quang huy rạn rỡ ./-




Video: Đức Phật Vào Đời




Video: Cái Tôi Không Thực Thể




Video: Đời Sống Thánh Giả




Video: Bùng Vỡ Tâm Thức




Video: Bồ Tát Không Đến Để Phá Hủy Những Gì Thế Gian Đang Có




Video: Bất Tư Nghì Giải Thoát