KỶ YẾU TANG LỄ ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ – 03 TẬP –

KỶ YẾU TANG LỄ ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ
KỶ YẾU TANG LỄ ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ

KỶ YẾU TANG LỄ ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ

Duyên Trần Còn Vương

Duyên Trần Còn Vương

Chúng tôi, những người cư sĩ tại gia cùng nhau đứng ra lập thủ tục di dời chùa cũ lên đồi cao, xây dựng chùa mới. Chùa xây dựng xong, thiếu vắng bóng dáng Tăng già, thiếu người lãnh đạo tinh thần. Thầy có trình độ học vấn cao – thâm Nho – giỏi tiếng Anh – tiếng Pháp, sau 1975, vì lý do thời cuộc Thầy ẩn tu tự lao tác sinh sống tại một hốc núi hẻo lánh vắng vẻ xa lánh chốn thế sự trần ai nhốn nháo. Ba lần chúng tôi đưa đoàn đến biệt thất đảnh lễ cung thỉnh Thầy về Trụ trì, thấy được tâm thành, Thầy hoan hỷ hứa khả cùng chúng tôi về chùa. Có Thầy, chúng tôi tiến hành dựng thêm một căn nhà dài – vách ván – mái lợp tole, căn cuối làm nhà trù (nhà bếp), phòng thọ trai (phòng ăn), Đoàn quán GĐPT, phòng chúng rộng lớn – dành cho các điệu (chú tiểu) học tập – sinh hoạt – ngủ nghỉ, phòng tiếp khách và phòng Thầy Trụ trì. Thương Thầy – thương chúng, những đêm – ngày gió bấc – mưa tầm tả, mưa luồn vào khe hở vách ván lạnh căm.

Chính quyền CS không ưa tôn giáo, luôn luôn dè chừng – làm khó dễ các sinh hoạt tôn giáo. Thầy mới về Trụ trì, nên được chính quyền địa phương khá quan tâm. Con của một ông cựu cán bộ cách mạng tại địa phương được cài vào làm Trưởng Ban Hộ Tự, không thân thiết với Thầy lắm. Lúc bấy giờ, tôi là Liên đoàn trưởng cùng anh chị em GĐPT luôn luôn kề cận bên Thầy – ủng hộ Thầy, khi Thầy cần là có mặt ngay. Tôi cận sự bên Thầy, giúp Thầy tổ chức – điều hành các khóa tu học Bát Quan Trai một ngày – một đêm hằng tháng cho Huynh trưởng – Đoàn sinh GĐPT và cư sĩ Phật tử. Có lần anh CA an ninh đến chùa, Thầy đi phật sự xa, tôi mời anh vào phòng khách, qua câu chuyện thăm dò, anh lý luận về tôn giáo – Phật giáo với mớ hiểu biết nông cạn – thiển cận – một chiều theo xu hướng XHCN, tôi vận dụng kiến thức Phật học phản biện, các chú tiểu phòng bên nghe được vỗ tay hưởng ứng, anh hổ thẹn lúng túng chuyển qua câu chuyện khác – xin phép ra về.

Thầy có nghiên cứu – hiểu biết thuật số – tử vi – phong thủy. Những lần Thầy trò đèo nhau trên chiếc Honda đi phật sự, có lần chạy theo lối mòn qua các đồi núi, Thầy cho xe dừng lại, Thầy chỉ cho tôi những khe núi – dòng thác, hướng dẫn giảng giải về phong thủy, nhưng tôi thì không ưa thích môn này, Thầy biết vậy nên sau này thôi không nói đến nữa.

Thầy hiểu biết cảm nhận về tâm linh: Chị Đoàn trưởng đoàn Thiếu Nữ, có cha là cán bộ cách mạng, đang lâm trọng bệnh hấp hối, chúng tôi gọi điện thoại cho Thầy, Thầy bảo Thầy đang phật sự xa, Thầy dặn dò nên phân công người nhà túc trực bên Ông, tổ chức niệm Phật cho Ông nghe – để lòng được nhẹ nhàng thanh thảng. Thầy còn cho biết trước, đến giờ phút lâm chung Ông không nhìn thấy được mặt một ai bên mình, đến lúc này Thầy mới về đến nơi. Mọi người thân trong nhà ai nấy đều không tin lời Thầy, vì con cháu đông luôn luôn túc trực bên Ông. Nhưng đúng như lời thầy nói, đến khuya ai nấy đều cảm thấy đói bụng, nghĩ rằng chỉ rời đi trong chốc lát có lẽ không sao. Tất cả rủ nhau sang Cantine bên hông bệnh viện. Khi vào phòng bệnh kiểm tra lại, thì Ông đã qua đời, vừa lúc Thầy cũng vừa đến nơi. Một lần khác, có một Phật tử lớn tuổi đang hấp hối, chúng tôi báo cho Thầy, vì lý do phật sự Thầy chưa đến được, Thầy bảo tôi đưa Ban Hộ Niệm đến tư gia trước, tổ chức niệm Phật và hướng dẫn người nhà chuẩn bị các điều kiện – thiết trí bàn Phật, đúng giờ phút lâm chung là Thầy có mặt. Y như rằng, cụ Ông vừa trút hơi thở cuối cùng là có mặt Thầy. Có lần hai bác sĩ đến thăm Thầy, vừa thấy mặt, Thầy vụt hỏi, khi đi có ba vị, sao khi đến đây chỉ còn hai vị. Hai vị bác sĩ ngạt nhiên, vì không báo trước khi đến thăm Thầy, trên đường đi, một anh nhận được tin đột xuất nên đã xuống xe quay trở về.

Khi chùa đào giếng lấy nước, Thầy dẫn chúng tôi đi quanh vườn chùa, Thầy nói, không chọn nơi nào được vì những nơi đó không có mạch nước. Đến bên hông chánh điện, thầy nói, chùa chúng ta thì ở trên đồi cao, đào giếng nơi này thì có mạch nước rất mạnh. Nhưng nếu chúng ta đào giếng ở đây thì chận hết mạch nước, các nhà phía dưới chân đồi sẽ không có nước để mà mà sử dụng. Thầy lại đưa chúng tôi đến bên hông nhà trù, Thầy chỉ tay vào một tản đá, chúng ta đào giếng tại đây, khi đào xuống trên mười mét sẽ bắt gặp một tản đá cũng khái lớn nằm ngang, chúng ta cố gắng lấy tản đá đó lên thì gặp mạch nước ngầm …

Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2000, tôi về thăm lại chùa xưa – thăm Thầy cũ. Thầy cũng từ Anh Quốc mới về. Thầy trò lâu ngày gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, ôn lại kỷ niệm xưa. Thầy ngỏ ý muốn tôi về với Thầy, cùng Thầy đi các địa phương xây dựng chùa – thành lập đạo tràng. Theo lời Thầy, tôi có năng khiếu tổ chức – vận động – tập hợp quần chúng – ngoại giao về mặt chính quyền. Và cũng theo lời Thầy, số của Thầy sẽ thu nhận được trên hai mươi đệ tử. Là trách nhiệm làm cha – làm mẹ phải chăm lo nơi ăn chốn ở cho con cái, Thầy phải xây đựng nhiều chùa dành cho nhiều đệ tử sau này. Hứa lời Thầy, tôi về xắp xếp công việc gia đình riêng, vội vàng khăn gói lên với Thầy. Thầy trò chúng tôi đến khu rừng thông – mảnh đất đầu đèo mà người dân địa phương hiến cúng trước đây, chúng tôi tập hợp đồng bào Phật tử địa phương, được sự thống nhất nhiệt thành hưởng ứng, chúng tôi tất bật tiến hành làm thủ tục – làm lễ đặt đá mở móng xây dựng ngôi chánh điện. Sau ba tháng – công trình còn đang dang dỡ. Không biết nghe lời mẹ như thế nào, các con của tôi, cả ba đứa đều lần lượt lên gặp tôi khóc lóc – các con nhớ ba – xin ba về lại gia đình. Van xin tôi không được, chúng đến phòng phương trượng gặp Sư phụ khóc lóc van xin cho ba về. Động lòng trước sự thiết tha của các con, Thầy “đuổi” tôi về. Nếu không vì nghiệp duyên trần tục ràng buộc nặng nề này, có lẽ giờ đây tôi đã xuất gia trên hai mươi năm./-

Lam Nhã Thảo Am, 02102567 – 14112023




6 BÀI HỌC TỪ CHUYỆN NGỤ NGÔN




52 CÂU CHUYỆN DƯỚI CỜ




THƠ – Tuệ Sĩ – Tập: I-II-III






NHO GIA VỚI VĂN HÓA DÂN GIAN




Tổng Hợp Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Tổng Hợp Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam