Bố Tát Tại Gia Bồ Tát Giới

Bố Tát Tại Gia Bồ Tát Giới

“Ngày tháng trôi qua mau như nước dốc, mạng sống cũng theo đó giảm dần – già chết gần kề. Nhằm thời mạt pháp, nhơn lúc còn mạnh khoẻ, hãy nên chuyên cần nhẫn nhục tinh tấn tu các pháp lành. Chư Phật vì muốn đắc đạo giác ngộ mà nhứt tâm cần cầu tinh tiến siêng tu trì giới, nên chứng được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Noi gương theo đó, chớ nên chần chờ. Ngũ dục thế gian hăm hở cuốn lôi, không khéo bỏ mất cơ hội thiện duyên Bồ Đề. Ngày nay đã qua – mạng sống giảm dần – như cá cạn nước nào có vui chi !”

Kể từ khi còn ở quốc nội cho đến nay hằng đêm chuyên cần duy trì thực tập 2 thời công phu: Tịnh độ – Thiền tọa), nay tha phương trên đất Mỹ, lần đầu tiên Nguyên Hoàng-Phan Văn Huy Tâm tham gia cùng Đại chúng Huynh trưởng Phật tử Bồ Tát Giới tại gia GĐPTVN tại Hoa Kỳ, qua hệ thống Online quý Anh Chị từ nhiều tiểu ban khác nhau nhất loạt cung tựu hướng tâm Phật tiền thành tâm tiến hương cúng dường Bố tát – phúng tụng nghi thức tại gia Bồ Tát Giới.

Thuở đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới thành đạo vô thượng chánh giác, trong khi ngồi dưới cội Bồ Đề, Ngài bắt đầu kiết Bồ Tát giới:

“Hiếu thuận với cha mẹ – sư tăng – Tam Bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm giới.

“Nay ta cứ mỗi nửa tháng tự tụng giới pháp của chư Phật. Tất cả hàng Bồ Tát sơ phát tâm, nhẫn đến các Bồ Tát Thập Phát Thú – Thập Trưởng Dưỡng – Thập Kim Cương – Thập Địa cũng tụng giới ấy. Vì thế nên giới quang từ miệng ta phóng ra. Phóng ra là vì có nguyên do, chớ chẳng phải vô cớ. Giới quang ấy chẳng phải màu xanh – vàng – đỏ – trắng và đen; chẳng phải sắc pháp cũng chẳng phải tâm pháp; chẳng phải pháp hữu – pháp vô, cũng chẳng phải pháp nhơn – pháp quả. Nó chính là bổn nguyện của chư Phật, là căn bổn của chúng Phật tử phải thọ trì – phải đọc tụng – phải học kỹ giới pháp này.

Chúng tôi nghe rằng:
Giới như đèn sáng lớn soi sáng đêm tối tăm.
Giới như gương báu sáng chiếu rõ tất cả Pháp.
Giới như châu Ma Ni rưới của giúp kẻ nghèo thoát khổ mau thành Phật.
Giới này hơn cả, Bồ Tát tinh tấn giữ gìn.

Chúng Phật tử hãy lóng nghe! Nếu là người thọ giới Bồ Tát này, không luận là Quốc vương – Thái tử – các Quan chức hay Tỳ Kheo – Tỳ Kheo Ni, không luận là chư Thiên cõi sắc – cõi Dục; không luận là hàng thứ dân – huỳnh môn – dâm nam – dâm nữ hay hàng nô tỳ; cũng không luận là tám bộ quỷ thần – Thần Kim Cương hay loài súc sanh, nhẫn đến kẻ biến hóa, hễ ai hiểu được lời truyền giới của Pháp Sư thì đều thọ được giới, và đều gọi là thanh tịnh thứ nhất.

Đại chúng lẳng lặng lắng nghe, trong đây vị nào biết mình có tội phải sám hối. Sám hối thì được an vui, nếu không sám hối thì tội lỗi càng thêm nặng. Người không có lỗi thì yên lặng, vì yên lặng nên biết đại chúng thanh tịnh.

Chư đại chúng lóng nghe! Sau khi đức Phật diệt độ, trong thời mạt pháp nên phải tôn kính Ba La Đề Mộc Xoa. Ba La Đề Mộc Xoa chính là giới pháp này. Người trì giới này như đi trong đêm tối gặp đèn sáng, như nghèo được châu báu, như bệnh được lành, như người tù được thả, như kẻ đi xa được về nhà. Các vị nên biết rằng giới pháp này là bậc thầy sáng suốt của đại chúng, không khác đức Phật còn ở đời.

Nếu không có lòng sợ tội, thì tâm lành khó nẩy sanh. Cho nên trong kinh có lời dạy: Chớ xem thường những lỗi nhỏ mà cho là không tội, giọt nước dầu nhỏ lần lần đầy cả chum lớn. Lúc tạo tội chừng trong giây phút mà phải cả nghìn muôn năm chịu khổ nơi địa ngục. Một phen bị đọa lạc mất thân người, thì muôn đời khó được lại thân.

Sắc trẻ chuyển biến không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo đảm được ngày mai. Đại chúng mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhất tâm niệm Phật tham thiền, chớ để thời gian nhàn không luống qua vô ích, mà sau này phải ăn năn không kịp.

Chư đại chúng! Mỗi người nên nhiếp tâm cung kính y theo giới pháp mà tu hành – chuyên cần học tập.

Đức Phật dạy rằng:
“Tại gia Bồ-Tát có sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh. Người đã phát tâm thọ giới Bồ Tát mà không trì tụng mỗi tháng 2 kỳ thì giới thể tự mất, thì người ấy không phải là Bồ Tát, không phải là Phật tử. Tất cả tại gia Bồ Tát đã học, sẽ học và đang học cũng tụng như thế.

Tất cả tại gia Bồ Tát hết lòng cung kính tôn trọng phụng trì.”
Theo tinh thần Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, gồm có 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giới pháp này được truyền trao cho các Tỳ kheo – Tỳ kheo ni và thiện nam – tín nữ cư sĩ phát tâm thọ trì.

Kinh Ưu Bà Tắc Giới (Đại Chính, tập 24), Bồ Tát Giới tại gia gồm có: 06 giới trọng và 28 giới khinh:

Đức Phật dạy sáu giới trọng (phạm tội nặng) của Bồ Tát tại gia là:

1. Giới sát sinh

Phật tử phát nguyện thọ tại gia Bồ Tát giới, dù cho vì thân mạng và cuộc sống, đối với sinh vật dù nhỏ nhít như loài trùng kiến cũng không được tự mình giết – bảo người khác giết – khen tặng sự giết – tuỳ hỷ nhân giết – duyên giết – cách thức giết. Tất cả loài hữu tình không được cố ý giết.

Là Phật tử Bồ Tát luôn luôn có lòng từ bi hộ mạng – lòng hiếu thuận – lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh. Người thọ Bồ Tát giới mà tự mình giết – hoặc bảo người giết, người ấy liền mất giới Bồ Tát, noãn vị còn không thể đạt được huống nữa là tứ quả Thanh Văn – Tu Đà Hoàn – Tư Đà Hàm v.v… Người ấy gọi là tại gia Bồ Tát phá giới – bất tịnh – hạ tiện – phiền não sẽ bị đọa.

2. Giới trộm cắp

Phật tử phát nguyện thọ tại gia Bồ Tát giới, dù cho vì thân mạng và cuộc sống, tuyệt đối không được trộm cắp – không được bảo người khác trộm cắp – phương tiện trộm cắp – nhân trộm cắp – duyên trộm cắp – cách thức trộm cắp. Tất cả tài vật có chủ hoặc của quỷ thần – hoặc của giặc cướp, dù vật nhỏ đến một xu cũng không được dối – gạt – lén lấy. Là Phật tử phải luôn luôn có lòng từ bi bố thí – hiếu thuận – giúp người an vui. Nếu phá giới này thì người ấy liền mất giới Bồ Tát, noãn vị còn không thể đạt được huống nữa là tứ quả Thanh Văn. Người ấy gọi là tại gia Bồ Tát phá giới – bất tịnh – hạ tiện – phiền não sẽ bị đọa.

3. Giới vọng ngữ

Phật tử phát nguyện thọ tại gia Bồ Tát giới, dù cho vì thân mạng và cuộc sống, tuyệt đối không được tự mình nói dối – bảo người khác nói dối – thấy người nói dối mà vui mừng theo. Cho đến nhân nói dối – duyên nói dối – cách thức nói dối. Là Phật tử Bồ Tát nên nghĩ rằng: Ta đã được quán bất tịnh, có thể đạt được quả vị A Na Hàm, nên phải luôn luôn chánh ngữ, chánh kiến và cũng làm cho chúng sanh chánh ngữ chánh kiến. Nếu phá giới này, người ấy liền mất hết các giới, noãn vị còn không thể đạt được huống nữa là tứ quả Thanh Văn. Người ấy gọi là tại gia Bồ Tát phá giới – bất tịnh – hạ tiện – phiền não sẽ bị đọa.

4. Giới tà dâm

Phật tử phát nguyện thọ tại gia Bồ Tát giới, dù cho vì thân mạng và cuộc sống, không được tà dâm, cho đến với súc sanh – quỷ thần – tiên thiên. Là Phật tử phải có lòng hiếu thuận, giữ thân tâm chân chánh, đem pháp thanh tịnh khuyên dạy người. Nếu phá giới này thì người ấy liền mất hết các giới, noãn pháp còn không thể đạt được huống nữa là Tu Đà Hoàn – Tư Đà Hàm. Người ấy gọi là tại gia Bồ Tát phá giới – bất tịnh – hạ tiện – phiền não sẽ bị đọa.

5. Giới nói lỗi của tứ chúng

Phật tử phát nguyện thọ tại gia Bồ Tát giới, dù cho vì thân mạng và cuộc sống, cũng không được nói lỗi của tứ chúng: Tỳ kheo – Tỳ kheo ni – Ưu bà tắc – Ưu bà di. Không nên khen mình chê người. Là Phật tử Bồ Tát phải thay thế chịu những sự khinh chê khổ nhục cho tất cả chúng sanh, nhận xấu nhường tốt. Nếu người phá giới này thì người ấy liền mất hết tất cả giới, không đạt được noãn pháp huống nữa là quả vị Tu Đà Hoàn – Tư Đà Hàm. Người ấy gọi là tại gia Bồ Tát phá giới – bất tịnh – hạ tiện – phiền não sẽ bị đọa.

6. Giới bán rượu

Phật tử phát nguyện thọ tại gia Bồ Tát giới, dù cho vì thân mạng và cuộc sống, không được bán rượu. Tất cả rượu đều không được bán. Tự mình hoặc bảo người khác – hoặc làm nhân duyên phương tiện – hoặc tùy hỷ cho người bán đều phạm tội. Là Phật tử phải làm cho chúng sanh được giống trí huệ. Trái lại đem rượu là giống si mê điên đảo cho người uống, nên liền phạm tội, các giới khác cũng y theo đó mà mất hết. Người phạm tội như thế sẽ không đạt được noãn pháp huống nữa là quả vị Tu Đà Hoàn – Tư Đà Hàm. Người như thế gọi là tại gia Bồ Tát phá giới – bất tịnh – hạ tiện – phiền não, sẽ bị đọa.

Đức Phật dạy các tại gia Bồ Tát rằng:
“Này các Phật tử! Trên đây là sáu giới trọng của Bồ Tát tại gia, ta đã lược nói, các vị cần phải ngày đêm hết lòng gìn giữ tôn trọng phụng trì chớ để trái phạm, như thế thì sẽ được pháp vị lành thiện hiện đời và đời sau.”

Hai Mươi Tám Giới Khinh
Này các tại gia Bồ Tát! Tiếp theo đây, ta sẽ nói hai mươi tám giới khinh. Các vị hãy thành tâm thanh tịnh lắng lòng nghe cho kỹ mà phụng trì.

1. Giới không cúng dường cha mẹ và sư trưởng

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh được tất cả quỷ thần hộ trì – chư Phật hoan hỷ, đạt được Bồ Tát đạo. Đã thọ giới rồi, hết lòng hiếu thuận, cung kính cung dưỡng cha – mẹ, cúng dường Sư Trưởng dù phải hy sinh thân mạng – cho hết tài sản cũng không lẫn tiếc. Nếu ích kỷ – kiêu mạng – sân hận – lẫn tiếc mà không cúng dường cha – mẹ – Sư Trưởng, thì tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý, không biết khởi tâm tàm quý sám hối thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

2. Giới không uống rượu

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, được tất cả quỷ thần ái hộ – chư Phật hoan hỷ, đạt thành quả vị Bồ Tát. Đã thọ Bồ Tát giới rồi, mà còn đam mê uống rượu – hoặc đưa rượu cho người khác uống, thì tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý, sẽ bị đọa lạc. Rượu là nguyên nhân gây ra tội lỗi – làm mất giống trí huệ. Nếu phạm giới này mà không khởi tâm tàm quý sám hối thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

3. Giới không chăm sóc bệnh nhân

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, vì lòng ích kỷ hờn giận – hận thù – nhờm gớm không khởi lòng từ bi chăm sóc bệnh nhân. Nhẫn đến cha mẹ sư trưởng cũng không kính thương chăm sóc, tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý. Chăm sóc bệnh nhân là phước thứ nhất trong tám món phước điền. Nếu đã phạm mà không khởi tâm tàm quý sám hối thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

4. Giới tùy nghi bố thí

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, thấy người nghèo khổ – sa cơ thất thế đến xin mà không chịu tùy nghi hỷ xả bố thí cho ít nhiều. Như thế là tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý. Lại cũng không biết khởi tâm tàm quý sám hối thì phạm tội – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

5. Giới không kính chào bậc tôn túc thiện tri thức

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, phải có lòng khiêm tốn hiếu thuận. Nếu thấy các bậc trưởng lão – Tỳ kheo – Tỳ kheo ni – Đại đức – Ưu bà tắc – Ưu bà di – bạn đồng học đồng hành – cho đến các bậc tôn túc – thiện trí thức mà không khởi tâm cung kính đứng dậy chào hỏi lễ lạy tiếp rước, như thế tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý. Nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

6. Giới thấy người phá giới chẳng nên khinh mạn

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, chuyên cần nuôi dưỡng tâm khiêm kính. Đằng này thấy tứ chúng phạm giới lại sanh tâm kiêu mạn – tự nói ta hơn họ – có ý tự cao khinh mạn. Như thế tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý. Nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

7. Giới không giữ ngày trai cúng dường Tam Bảo

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, mà trong mỗi tháng không tu Bát quan trai – không giữ được sáu ngày chay – không cúng dường Tam Bảo, lại cũng không biết sanh lòng hổ thẹn cần cầu tinh tấn. Như thế tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý. Nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

8. Giới không đi nghe pháp

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, trong khoảng bốn mươi dặm có bậc chân tăng thạc học thuyết pháp giảng kinh, mà không thiết tha tinh tấn đến cầu nghe học hỏi. Như thế tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

9. Giới thọ nhận vật dụng của Tăng

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, phải hết lòng hộ trì Tam Bảo. Chớ nên xen tâm nhận lãnh vật cúng dường của tăng, hoặc của thường trụ như: Ngọa cụ – giường ghế – chiếu mền và các vật dụng v.v… Nếu cố tâm tham lam thọ nhận, thì tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý, không biết khởi tâm tàm quý sám hối thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

10. Giới uống nước có trùng

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, phải nuôi dưỡng tâm từ bi hộ mạng chúng sanh. Trái lại, nghi nước có trùng mà không chịu lọc, cố ý uống như thế tại gia Bồ Tát này tổn thất tâm từ bi – phạm tội vô ý, không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

11. Giới không đi một mình trong chổ hiểm nạn

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, nếu không có bạn đồng hành, chớ nên đi một mình trong chổ hiểm nạn. Biết chỗ hiểm nạn mà vẫn đi một mình, như thế tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý, không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

12. Giới một mình ngủ đêm chùa Ni

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, tinh tấn giữ gìn thân tâm thanh tịnh, tránh sự nghi ngờ, không được một mình ngủ đêm tại Chùa – Viện chỉ một Tăng hoặc một Ni. Nếu phạm, tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, lại không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

13. Giới vì của đánh người

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, đáng lẽ ra phải trưởng dưỡng lòng hỷ xả, trái lại vì tiền của mà đánh mắng tôi tớ, bà con, người ngoài. Như thế tại gia Bồ Tát này thiếu tâm từ bi hỷ xả, phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quí sám hối, thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

14. Giới cúng cho tứ chúng đồ thừa dở

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, phải có lòng kính trọng giúp hộ tất cả mọi người, huống nữa là tứ chúng. Lại đem thức ăn thừa cúng cho các Tỳ kheo – Tỳ kheo ni – Ưu bà tắc – Ưu bà di, còn riêng mình thì dùng đồ ngon tốt. Như thế tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối, thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

15. Giới nuôi mèo chồn

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, phải một lòng hộ mạng tất cả chúng sanh, không nên nuôi mèo – chồn. Nếu nuôi mèo chồn, tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

16. Giới nuôi súc vật

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, lại còn nuôi voi – ngựa – trâu – dê – lạc đà và tất cả loài gia súc, mà không làm phép tịnh thí cho lại những người chưa thọ giới. Tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

17. Giới không chứa pháp cụ cúng dường

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, mà không lưu tâm sắm sẵn y – bát – tích trượng cúng dường cho các bậc xuất gia. Như thế tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

18. Giới gieo trồng không lựa chỗ đất tốt

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, vì sự sống cần phải canh tác, mà không chịu tìm chỗ nước sạch, đất ruộng tốt. Như thế tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

19. Giới buôn bán chân chánh

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, vì sự sống mà làm nghề buôn bán. Lẽ ra cân đong phải đầy đủ – khi đã nói giá không nên rút lời. Trái lại trước bằng lòng bán – sau lại cân thiếu nói là đủ; đồ xấu nói là tốt; bỏ người nghèo bán cho người giàu; cân lường – lời nói trước sau bất nhất. Không chân chánh như thế, tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý. Nếu không biết khởi tâm tàm quí sám hối, thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

20. Giới hành dâm phi thời xứ

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, phải biết ái dục là nguồn gốc của sanh tử luân hồi, quán thân bất tịnh – tiết dục cần tu – không nên hành dâm trong chốn già lam tự viện và trong những ngày chay lạt. Nếu không cẩn trọng để phạm, thì tại gia Bồ Tát này phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quí sám hối, thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

21. Giới buôn bán trốn thuế

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, nếu vì kế sinh nhai mà hành nghề thương mại mậu dịch buôn bán, thì phải sòng phẳng thuế má cho nhà nước, không được lường lọc trốn thuế dối đò. Nếu không như vậy tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

22. Giới phạm luật nước

Phật tử phát tâm thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, phải thể hiện hành vi tâm niệm đời sống mô phạm, lợi ích cho đời, không phạm luật pháp quốc gia. Nếu tác hại làng nước thì tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối cầu tiến – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

23. Giới không ăn trước khi cúng Tam Bảo

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, phải nuôi dưỡng lòng tôn kính Tam Bảo. Đối với thực phẩm như gạo – trái cây – dưa – rau – đậu – tương v.v… Không được dùng trước khi dâng cúng Tam Bảo. Nếu không như thế thì tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

24. Giới thuyết Pháp nên thỉnh ý chư Tăng

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, lẽ ra gặp sư tăng thuyết pháp phải tinh tấn đến nghe học hỏi. Trái lại, khinh tâm chê dở tự khen mình thuyết pháp hay, rồi đương nhiên nhận lấy trách nhiệm thuyết pháp mà không cần thỉnh ý sư tăng. Như thế thì tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

25. Giới không được đi trước năm chúng

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, luôn luôn khởi lòng tôn kính bậc xuất gia, không nên lấn lướt đi trước Tỳ kheo – Tỳ kheo ni – Sa di – Sa di ni – Thức xoa ma na. Nếu không như vậy, tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

26. Giới cúng dường Tăng không phân biệt

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, đối với chư tăng nên thành tâm bình đẳng tôn kính. Không nên lựa thức ăn ngon – phẩm vật tốt dành phần về thầy mình. Nếu không như thế, tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

27. Giới không nuôi tằm

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, nên nuôi dưỡng lòng từ bi hộ mạng chúng sanh. Không nên vì lợi dưỡng mà nuôi tằm. Cũng không nhờ cậy khuyến khích người nuôi. Nếu không như thế, tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

28. Giới đi đường gặp bệnh nhân chăm sóc gởi gắm

Phật tử phát nguyện thọ Bồ Tát giới – tu Bồ Tát hạnh, lúc nào cũng nuôi dưỡng lòng từ bi bình đẳng. Khi đi đường gặp người bệnh hoạn, nên khởi tâm thương xót lân mẫn tìm phương săn sóc giúp đỡ – hoặc tìm cách gởi gắm lại cho người địa phương giúp hộ, chớ nên làm ngơ bỏ đi. Nếu không như thế, tại gia Bồ Tát phạm tội vô ý, nếu không biết khởi tâm tàm quý sám hối – thì tổn phước – ô uế giới thể, sẽ bị đọa.

Đức Phật dạy:
“Đó là hai mươi tám giới khinh mà mỗi tại gia Bồ Tát cần phải cầu học – hết lòng tôn trọng phụng trì. Các vị hãy lắng lòng nghe cho kỹ: Sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh này là chuỗi anh lạc, là hương trang nghiêm, vô cùng vi diệu, thơm khắp mười phương, có khả năng ngăn trừ các điều ác, sanh trưởng các pháp lành. Giới Bồ Tát này là nước cam lồ có năng lực làm tắt lửa phiền não, gội sạch tam ác nghiệp, đưa người trở nên bậc thánh thiện, tiến đến đạo quả Niết Bàn.

Các Bồ Tát trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều do trì giới pháp này mà được thành tựu đạo quả. Nay các Bồ Tát tại gia chí tâm phụng trì giới pháp nầy chắc chắn sẽ được phước đức vi diệu, đạt thành quả vị tịch tịnh giải thoát.

Chư đại chúng ! Bồ Tát có hai hạng. Ấy là xuất gia Bồ Tát và tại gia Bồ Tát. Xuất gia Bồ Tát thọ trì giới pháp chẳng khó. Tại gia Bồ Tát phụng hành giới pháp khó hơn vì người tại gia có nhiều nhân duyên trói buộc. Nếu phát tâm giữ trọn thì hiện đời là đấng trượng phu trong cõi nhân gian, đời sau là bạn hiền của Bồ Tát.”
(Trích lược theo Ưu Bà Tắc Giới Kinh, HT.Thích Tịnh Nghiêm dịch).

Đối chiếu hai bộ giới bản Phạm Võng và Ưu Bà Tắc Giới Kinh, chúng ta thấy có nhiều điểm khác biệt. Quan trọng nhất, Ưu Bà Tắc Giới Kinh (hay còn gọi là Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh) là giới Bồ tát giới của tại gia Phật tử, còn Phạm Võng là giới Bồ tát chung cho cả hàng xuất gia lẫn tại gia.

Cư sĩ thọ giới Bồ tát Phạm Võng thì phải giữ giới trọng thứ 03 “Không dâm dục”. Cư sĩ thọ Bồ tát giới Ưu Bà Tắc Giới Kinh chỉ giữ giới trọng thứ 03 “Không tà dâm” (vẫn còn có quan hệ sinh lý với bạn đời, nhưng phải đúng chỗ, đúng lúc – Giới khinh thứ 20).

Trong 34 giới Ưu Bà Tắc Giới Kinh không thấy quy định định về trường trai, nhưng nếu thọ giới Bồ tát Phạm Võng phải ăn chay trường, giữ giới khinh thứ 03 “Không được ăn các thứ thịt”.

Cư sĩ tại gia phát tâm Bồ đề thọ nhận giới Bồ tát Phạm Võng phải trường trai, tuyệt dục như Tăng sĩ. Thọ trì Bồ tát giới Ưu Bà Tắc Giới Kinh là một giải pháp khả thi cho hàng cư sĩ tại gia thọ nhận giới pháp.

Huynh trưởng cấp Tín GĐPT phát nguyện thọ tại gia Bồ Tát Giới không nhằm mục đích cụ bị tư lương thăng tiến cấp Tấn. HTr phát nguyện nương giới thực tập “Tu – Học” như chiếc bè qua sông.

Tu: “Practic” ‘thực tập’ – “Bhàvanà” ‘gieo trồng’.

Thực “Học” lý thuyết trau dồi kiến thức đủ tư lương thực tập – thực hành – hành trì – thúc liễm oai nghi.
“Tu” là một tiến trình thực tập chuyển hóa ngã ái Thân – Khẩu – Ý tam độc vô minh gieo trồng thiện nghiệp – hiển lộ thấy “Tánh” đáo bỉ ngạn lên bờ “Giác Ngộ – Giải Thoát”.

Houston – TX, 17092024.




Đạo Đức Trong Nếp Sống Trẻ

Đạo Đức Trong Nếp Sống Trẻ

Sự tiến bộ của khoa học hiện đại đã giúp cho đời sống con người đầy đủ tiện nghị hơn, và cũng từ những tiện nghi này đã làm biến đổi nếp nghĩ – nếp sống bình thường, dẫn đến nhịp sống hối hả hơn, đem lại nhiều tác nhân âu lo – bất an. Đối mặt trước những ngã rẽ dẫy đầy thách thức, tất bật bon chen vì cuộc mưu sinh, đã làm cho con người có cái nhìn mới, khác nhau về giá trị đạo đức.

Đạo đức là thước đo phản ánh giá trị sống thực tiễn, là hoài vọng – vươn tới tương lai tốt đẹp. Dù thời đại nào, giá trị đạo đức, cái vốn sống nâng cao phẩm giá, thì luôn luôn bất biến, không bao giờ thay đổi. Nhưng đời sống quá đầy đủ tiện nghi, vật chất thừa mứa, chỉ biết hưởng thụ, đã làm thay đổi cách nhìn của tuổi trẻ.

Những giá trị văn hóa trước đây, tuổi trẻ xem như là một món đồ cổ, áp đặt – bó buộc cuộc sống phóng túng, đánh mất tự do. Với cái nhìn thực dụng tiêu cực, đã đẩy tuổi trẻ càng lúc càng trượt xa. Qua phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta đọc thấy, càng lúc càng nhiều tuổi trẻ sa đà, rơi vào những sân chơi tuyệt vọng, ngầy ngụa trong vũng lầy tệ nạn, vất vưỡng – lang thang giữa dòng đời vạn biến, làm cho hoa kia cũng phải rũ héo úa tàn giữa dòng chảy uế trược.

Dẫu biết rằng đời là bể khổ, nhưng đứng trước những vấn nạn thương tâm nghiệt ngã, khó tránh nỗi xót xa đau lòng. Có phải tuổi trẻ đang thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước cuộc đời của mình, buông thả cuộc sống. Có phải tuổi trẻ hôm nay đã vô tâm, tự tạo cho mình một định mệnh, một hướng đi khác, một cuộc sống thờ ơ – lãnh cảm – xa rời đạo đức ?

Trong đời sống có hai mặt: THIỆN – ÁC. Thiện – Ác là cặp phạm trù lập dị khác nhau, là thước đo đánh giá đời sống đạo đức.

ÁC là cái đáng ghét, đáng kinh tởm, cần phải tránh xa, phải gạt bỏ ra ngoài đời sống cá nhân và xã hội. Cái ác làm xung đột, xóa nhòa nền văn minh, đời sống cao thượng.

THIỆN là nhân tố tốt đẹp, giàu tính nhân văn, là biểu hiện cho lòng nhân ái, là hành vi thể hiện tính tự lợi và lợi tha, vì lợi ích cá nhân và vì tha nhân mà phụng sự, phù hợp nhu cầu lợi ích mọi người, góp phần tích cực thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Nhìn vào nếp sống cộng đồng, sự tồn tại cao thấp của thiện – ác, sẽ là thước đo để đánh giá đạo đức xã hội đó, và nó sẽ là lực bẩy, thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của xã hội và hạnh phúc của con người.

Đạo đức:
Đạo là con đường, là hướng đi.
Đức là tính tốt, là công đức tạo nên, là có đời sống an hòa với mọi người.

Đạo đức là văn hóa, là nét đẹp, là một thành tố chỉ tính cách – giá trị của một con người. Người có đạo đức là người có ý thức tự rèn luyện ý chí, thực hành theo các quy tắc ứng xử thanh tao, điều chỉnh đúng hướng phong cách sống chuẩn mực về đạo đức.

Người có đạo đức là người biết định hướng lý trí – hành vi của mình có đời sống hữu thể vị tha chuẩn mực, có mối quan hệ thơm thảo – tốt đẹp giữa người với người, thì đó mới là một thực thể xã hội toàn thiện.

Sự sống có phúc lợi của mỗi cá nhân tùy thuộc vào sự tồn tại của cộng đồng – xã hội. Bản thân muốn hưởng thụ trọn vẹn phúc lợi, thì phải xuất phát từ bản tâm vì sự bảo toàn phúc lợi của người khác. Nhìn vào đàn khỉ: Con khỉ đầu đàn, luôn luôn nhận lãnh trách nhiệm. Trong khi đồng loại đang ăn, con khỉ đầu đàn luôn luôn canh chừng bên cạnh. Con thú mạnh hơn, luôn luôn chăm sóc bày đàn vì lợi ích xã hội muôn thú

Ngày nay, thế kỷ hai mươi mốt đang phát triển, có quá nhiều thay đổi. Sự khác biệt giữa học vấn, nghề nghiệp, sang – hèn, người lãnh đạo – kẻ thuộc cấp, bối cảnh xã hội… Nhưng tất cả những điều này không quan trọng, chúng ta đều là con người, đều cùng một sân chơi, đều có mối quan hệ tương quan, tất cả đều giống nhau:

“Dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn như nhau”, thì hãy cùng cười xòa với nhau.

Cá nhân có đời sống đạo đức, luôn luôn tôn trọng hướng đến tha nhân, vì phúc lợi của người khác làm nền tảng đạo đức cho chính mình, thì lo gì xã hội không yên bình, đất nước không thịnh trị.

Với lòng bi mẫn, khoan dung – độ lượng – biết tha thứ, thì lòng từ ái nhân hậu được phát sinh. Tình thương rất cần thiết để chia sẻ ngọt ngào ấm áp. Bởi vì:

“Thảo nào khi mới chôn nhau
“Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”
“Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
“Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
“Trăm năm còn có gì đâu
“Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

(Ôn Như Hầu – Nguyễn Gia Thiều – Cung Oán Ngâm Khúc)