SINH HOẠT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

SINH HOẠT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Vào dịp Lễ hội Vu Lan, Mẹ dắt em lên chùa từ rất sớm. Em quanh quẩn bên Mẹ. Quý bà – quý cô quây quần xúm xít bên nhau gói bánh. Những chiếc bánh ít – bánh cúng – bánh chưng trắng phau, gói mình trong những chiếc lá chuối xanh, được vớt ra từ những chiếc nồi to bốc hơi nghi nghút, phưng phức thơm tho mùi nếp mới hòa quyện nhân đậu xanh.

Dưới bóng Chân Như – Đức Phật từ bi mỉm cười hỷ xã. Mẹ và em gối quỳ – trang nghiêm, chấp tay sì sụp lễ lạy – dị khẩu đồng âm – trầm lắng hòa quyện theo từng dòng kinh văn cúng dường Đức Từ Phụ.

Em lân la – rụt rè bên gốc Bồ đề nhìn xem quý anh – chị chung cùng một mầu áo khói hương hiền hòa – không phân biệt tuổi tác, tuổi thơ – thiếu niên – trung niên hay người cao tuổi, không phân biệt giai cấp sang hèn, cao học hay ít học, công chức hay thợ thầy – công nhân, giàu có hay khốn khó, ‘Sĩ – Nông – Công – Thương – Dân – Quân – Cán – Chính’ bình đẳng như nhau, cùng chung mầu áo hòa hợp, cùng nhau vỗ tay – hát bài ca “Đây gia đình cùng nhau chung thân ái …” mà lòng thấy nao nao ước muốn.

Tối về, em vòi vĩnh xin Ba cho lên chùa – đến với Gia Đình Phật Tử. Mẹ may cho em chiếc áo lam xinh xắn. Xúng xính trong muồi vãi mới, Ba cầm tay – đưa em lên chùa. Trong đôi mắt dịu hiền – khả ái, chị trưởng dìu dắt em vào Đoàn. Mới tám tuổi bỡ ngỡ – thơ ngây như một tờ giấy trắng nỏn nà. Em được ấm áp trong vòng tay vững chãi từ ái của quý anh – chị trưởng, hướng dẫn – vẽ lên tờ giấy trắng đời em từng nét bút đầu đời – thấm đẫm từng hướng đi thẳng tắp. Em tập tễnh sinh hoạt – tu học từ đó.

Áo lam – quần Short xanh dương – nón Tứ ân trầm hùng tĩnh tại – vững chãi của người Nam Phật tử, chiếc áo dài lam thướt tha – chiếc nón lá xinh xắn dịu hiền thân ái của người Nữ Phật tử. Đàn em – như những cánh chim lam bầu bĩnh trong trắng từ mọi ngã hướng đường đời ùa về, xúm xít quây quần quanh anh – quanh chị, cùng nhau tay trong tay:

“Chúng ta là chim bốn phương bay về đây…
Nguyện đem gieo rắc khắp nơi ánh vàng !”.

Ý nghĩa màu áo lam:
Sau lễ ra mắt chính thức tái sinh hoạt Gia Đình Phật Hóa Phổ ‘ngày 08.12 năm Mậu Tý, tức chủ nhật ngày 06.01.1949’ tại chùa Từ Đàm – Huế. Đến cuối năm 1949, thì tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ ‘GĐPTHP’ đã có mặt, sinh hoạt khắp ba miền Nam – Trung – Bắc, nhưng chưa có đồng phục chính thức.

Năm 1950, Ban Hướng Dẫn ‘BHD’ GĐPHP – Thừa Thiên được hình thành. Chính BHD đầu tiên này đã hội họp nhiều lần và đi đến thống nhất chọn màu lam – màu khói hương trầm, làm màu sắc chính cho màu áo của tổ chức. Trong bản tường trình lên Tổng Hội có viết: “Đây là màu khói hương trầm, tổng thể của mọi màu sắc, nói lên được tinh thần đồng sự, bình đẳng tuyệt đối của đạo Phật, không phân biệt giàu nghèo – sang hèn – quý tiện – nam nữ, nói lên được chí nguyện xả thân của người Phật tử.”

‘Muốn có màu lam, lấy mực Tàu mài đặc hoặc tán nhuyễn, hòa với màu xanh dương, đun sôi, nhuộm vải màu trắng, giặt sạch, là ra màu lam’.

Bấy giờ chẳng những công nhận cho GĐPHP sử dụng màu lam là màu áo chính thức, mà Tổng Hội còn quyết định đây là màu áo thường ngày ‘nhật bình’ của Chư Tăng – Ni.

Từ khởi đầu bản tường trình lên Tổng Hội Phật Giáo, màu áo lam đã thấm nhuần ý nghĩa:
● Màu Lam là màu khói hương trầm, tượng trưng cho sự thanh khiết – hướng thượng cao cả.
● Màu lam là màu hoại sắc, không loè loẹt, tổng hợp của nhiều màu, nói lên tinh thần bình đẳng tuyệt đối của Đạo Phật.
● Đồng phục màu lam còn toát lên ý nghĩa “đồng sự” của Đoàn sinh GĐPT. Vào GĐPT, gia nhập tổ chức áo lam, luôn giữ gìn nhân cách, phẩm hạnh để tự truyền Phật Đạo, tự thân quật ngã “Cái tôi” trong tinh thần xây dựng tự ngã hoà đồng.

– Luôn tâm niệm màu lam: Thiêng liêng – tôn quý, nhưng gần gũi – hòa đồng. Khoác lên đồng phục màu áo lam, ta thấy tâm hồn cởi mở – phóng khoáng – cao thượng – dễ tha thứ.

– Không mặc đồng phục áo lam trong lúc làm việc mưu sinh. Không mặc áo lam mà ăn mặn, vì đồng phục áo lam là lễ phục của tổ chức GĐPT.

– Quý kính áo lam, quyết tâm tự tiết chế, không vi phạm sai lầm, quyết làm những việc lợi ích cho quần sanh để xứng đáng với ý nghĩa màu lam: Có hiếu với cha mẹ, thuận thảo với anh chị em – bạn bè… sẵn sàng giúp ích mọi người.
( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549 )

Ý nghĩa quần Short xanh dương:
Màu xanh dương là một trong bảy màu sắc cầu vồng, là một trong ba màu gốc cơ bản: vàng và đỏ. Màu xanh dương còn được gọi là màu xanh lam hoặc màu xanh nước biển, tiếng Anh là blue. Một trong những đặc điểm thú vị là được khúc xạ bởi mắt người, khi nhìn vào một không gian hoặc vật thể có màu sắc xanh dương thì có cảm giác xa hơn – nhỏ hơn và sâu hơn.
Màu xanh dương là màu của tuổi trẻ, nhiệt huyết – sáng tạo, có nhiều ý nghĩa:

– Nhẹ nhàng, biểu hiện cho sự tinh tế – tươi mới – mát mẻ, tạo nên sự phấn khởi.

– Biểu hiện cho lòng tin – giá trị – sự thật – sự an toàn – chính nghĩa, có trách nhiệm – quyết đoán cao.

– Khởi đầu một buổi sáng tươi mới – mênh mông – rộng lớn, cảm thấy bình yên và thoải mái.

– Đại diện cho tình yêu và sự bất tử.

Ý nghĩa nón Tứ Ân:
“Tứ ân” là phạm trù đạo đức, thể hiện ân tình giữa con người với con người.
Trong Kinh Tâm Địa Quán – Phẩm Báo Ân, Đức Phật Thích ca đã dạy: Phàm là con người phải ghi nhớ Tứ ân. Đó là:

Ân cha mẹ – Ân chúng sanh – Ân quốc gia xã hội và Ân Tam bảo.

Trong Tứ ân, đứng đầu là Ân đức của cha mẹ dành cho con cháu. Mỗi người làm con cần phải trân trọng gìn giữ và tìm cách báo đáp. Phải luôn phấn đấu sống, học tập và làm việc thật tốt, báo đáp bằng sự cung kính – vâng lời – siêng năng tu tập những thiện Pháp, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.

Tứ ân tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống mang tính khách quan, chuyển tải được giá trị chân thiện mỹ theo tinh thần Phật giáo, hàm chứa tinh thần đại hùng – đại lực – đại bi – đại trí. Mang sinh khí hòa bình – tự do – bình đẳng cho nhân loại, với hoài bão to lớn là giải phóng mọi ràng buộc khổ đau cho con người và muôn vật.

Ý nghĩa chiếc áo dài:
“Áo dài” là quốc phục, thể hiện bản sắc dân tộc Việt Nam.

Mặc áo dài nhã nhặn – dịu mát, kèm chiếc áo lót màu trắng, tôn vinh vẽ đẹp người con gái, là sự gắn kết không chỉ với những người thân trong gia đình – trong tổ chức mà còn là sự gắn kết với quê hương – dân tộc.

Người phụ nữ Việt Nam khoác lên mình chiếc áo dài, ôm gọn cơ thể, toát lên đường cong hình chữ S, hình dáng uốn lượn tuyệt vời đất nước Việt Nam thân yêu.

Áo dài góp phần làm tôn vinh nếp sống văn hóa của người Việt Nam tin yêu – đoàn kết – hòa nhã – thân ái.

Ái dài nguyên bản từ áo dài ngũ thân lập lĩnh, ra đời năm 1744, sau cải cách trang phục Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Là loại trang phục có cổ cao, thẳng và vuông, tượng trưng cho sự trung trinh – chính trực của người thục nữ. Trải qua năm tháng đã được cách tân – cải tiến – Tây hóa. Với 2 tà áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, một thân con nhỏ nằm bên trong, tượng trưng cho người mặc áo. Tà áo càng xuống càng xòe ra, chân – đuôi tà (cuối tà) cong (đường cong hướng lên trên như miệng cười). 5 khuy áo cài bên ngực trái có tác dụng giữ cho chiếc áo ngay thẳng – kín đáo mà còn đại diện cho năm đạo làm người: Nhân – nghĩa – lễ – trí – tín.

Suốt cả dòng đời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, mãi mãi khắc ghi – nhớ hoài lời ân cần dặn dò của quý anh – chị trưởng:

Có hiếu – kính trọng – vâng lời Ông – Bà – Cha – Mẹ.

Thương yêu quý mến anh – chị – em – người thân trong gia tộc – họ hàng.

Siêng năng – chăm ngoan, chủ động xắp xếp công việc – tự chăm sóc bản thân – học hành cho thật giỏi.

Phụ giúp gia đình – đỡ đần cha mẹ.

Kính trọng – giúp đỡ mọi người chung quanh.

Dành thời gian ưu tiên, luôn luôn thiết tha – tinh tấn duy trì sinh hoạt, đến chùa đúng giờ, dù trời mưa lạnh hay nắng gắt.

Luôn luôn tích cực – nghiêm chỉnh tu học để hoàn thiện bản thân.

Không chối từ gian khó – sẵn sàng nhận lãnh – hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Suốt dòng đời sinh hoạt, chúng em mãi mãi thao thức hướng về mái ấm Gia Đình Phật Tử, mãi mãi nao nao mong chờ, đến mỗi cuối tuần là rảo quanh thôn xóm, gọi nhau í ới, tay trong tay cùng nhau tung tăng lên chùa, gặp lại anh – chị – bạn bè thân thương, kịp giờ Lễ Phật – Lễ Đoàn – tu học Phật pháp.

Sau ba tháng tích cực sinh hoạt, chúng em được tham dự Lễ Quy Y Tam Bảo.

Ý Nghĩa Quy Y Tam Bảo:
Quy y còn được gọi là quy đầu – ngưỡng trượng. Quy y trong Phật giáo có nghĩa là quy y Tam bảo (Phật – Pháp và Tăng). Nghĩa là y thác vào Phật – Pháp – Tăng ba ngôi có thể bảo hộ che chở, cũng gọi là Quy y Tam Bảo.

Chữ Quy có nghĩa là trở về – theo về, Y là nương nhờ hay thuận theo, làm theo lối đã định, tam quy y là quy y Tam bảo. Chữ Quy cũng được viết là 皈 gồm bộ thủ Bạch 白 (“cõi sáng”) và chữ Phản 反, “quay về” là “quay về cõi sáng” – “dốc lòng tin theo”. Trong các bộ Phệ-đà có nguyên nghĩa là “bảo hộ” – “cứu tế” hoặc “chỗ tị nạn” – “chỗ bảo hộ”, là chỗ chúng sinh có thể đến, thân được an toàn – tâm được vô ưu. Quy y Tam bảo của Phật giáo chỉ sự nương vào uy lực của Tam bảo để đạt được an ổn vô hạn của tâm thức, thoát mọi khổ não. Câu-xá luận quyển thứ 14 (Đại Chính 29.76c) nói:

“Nghĩa của Quy y là cứu tế, vì nương vào đó mà người ta có thể vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ ách”.

Người hâm mộ Phật pháp khi nhập môn tất phải thực hiện nghi thức quy y, thệ nguyện quy y Phật – quy y Pháp – quy y Tăng mới chính thức được xem là đệ tử Phật.

Người đã quy y có thể là một Phật tử – cư sĩ tu tại gia hay là xuất gia theo tăng đoàn.

Nếu hành giả muốn thực hiện quy y, tự đặt mình vào con đường tu học của nhà Phật bằng cách giữ giới. Một nguyện vọng tất yếu luôn được thực hiện một cách mặc định khi hành giả quy y Tam bảo là không được sát hại chúng sinh. Tùy theo các tông phái Phật giáo mà phương pháp thực hiện quy y và nguyện vọng có thể khác nhau. Năm giới sau được xem là những thành phần của nghi thức thực hiện quy y:

1. Không sát sinh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không uống rượu

– Quy y Phật, hành giả tiếp cận bậc thầy, tức là đức Phật
– Quy y Pháp, hành giả học hỏi và thực hành Phật pháp
– Quy y Tăng, hành giả kính trọng Tăng già và tu học để đúng với gương của Tăng già.

Hành giả nên cố gắng:
– Điều chế ba cửa ải thân – khẩu và ý, thay vì để các giác quan khống chế. Không nên nói lời thô lỗ – không nên nghi hoặc và cố gắng không phán đoán.
– Sống một cách hoà thuận và giữ giới
– Tôn trọng tất cả chúng sinh
– Thực hiện các nghi lễ đặc biệt: Tham thiền – Tịnh độ – Tụng giới – Sám hối

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Quy_y

Em được dự Lễ vào đoàn – được chính thức là Oanh vũ – Đoàn sinh Ngành Đồng, được nhận châm ngôn và ba điều luật:

1. Em tưởng nhớ Phật.
2. Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.
3. Em thương người và vật.

Điều 1: Em tưởng nhớ Phật để được gần Phật và học theo tính tốt – hạnh lành.
Điều 2: Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em để tỏ lòng hiếu kính – thương yêu – không phụ công ơn cha mẹ. Anh em hòa thuận – một nhà thương yêu nhau – gia đình hạnh phúc.
Điều 3: Em thương người và vật bởi vì mọi loài đều biết đau đớn. Có yêu thương mới được yêu thương.

Trong buổi làm lễ phát nguyện đeo hoa sen trắng, chúng em nghiêm trang bắt ấn Cát tường kính chào.

Em vinh dự được quý anh – chị cài lên ngực áo chiếc huy hiệu xinh xắn – có biểu tượng hoa sen. Ấn tượng khắc ghi lời anh trưởng hướng giảng:

Hoa sen trắng muốt – tinh khiết vươn lên, không vướng bẩn mùi bùn nhơ tanh tưởi.

Dù giữa lòng đời uế trược – nhờ tu học Phật Pháp – đủ đầy chánh kiến – biết gạn đục lắng trong, mạnh dạn rời xa nơi chốn lao xao xô bồ lộn xộn, nơi có những trò chơi đam mê phồn tạp vô bổ – bê tha – sa đọa, nhiều màu sắc lôi cuốn cám dỗ ngoài xã hội, dễ dàng làm hư thân – mất nết – hủy hoại phẩm hạnh, mạnh dạn bước vào cổng chùa – gia nhập sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, mà người Phật tử thuần thành được hướng thiện – luôn luôn tinh khiết sạch trong – không hề ô nhiễm.

Ý nghĩa Huy hiệu hoa sen:
Huy hiệu hoa sen là biểu trưng cho tinh thần của tổ chức GĐPT Việt Nam gần 70 năm qua, và được Hòa thượng Thích Tịnh Khiết Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam thay mặt Tổng Hội công nhận vào mùa Vía Phật Thành Đạo ngày 08 tháng chạp năm Mậu Tý (tức ngày 06 tháng 01 năm 1949) tại Ngôi Chùa Từ Đàm lịch sử, do H.Tr Lê Lừng sáng tác với sự chuẩn hóa kỹ thuật vẽ của H.Tr Phan Xuân Sanh.

Các em sẽ được cài trên ngực áo mình chiếc huy hiệu thiêng liêng chính thức trở thành Đoàn sinh của GĐPT. Việt Nam.

Tổ chức chúng ta chọn hoa sen làm biểu tượng tinh thần mà không phải là một loài hoa nào khác, bởi hoa sen có những đặc tính cao quý như sau:

1. Là loài hoa sống gần bùn mà không bị nhiễm bùn, luôn vươn mình tỏa ngát hương thơm thanh khiết. Đây là biểu trưng cho sự vô nhiễm.

2. Hoa sen không bị các loài ong – bướm – ruồi đến hút nhụy, ngửi hương và không dùng để trang sức. Chính là thể hiện tính ly dục của hoa sen.

3. Hoa sen với thân ngay, ruột rỗng, gương đầy hạt biểu trưng cho tinh thần hành trực, ngay thẳng, hỷ xả và bao dung.

4. Nơi nào ngó sen mọc lên thì bùn nhơ lắng xuống sạch trong thanh khiết, đó chính là đặc tính trừng thanh của Sen.

5. Hoa sen biểu trưng cho nhân quả đồng thời, bởi khi nở thì gương và hột đã thành.

6. Tất cả từ lá sen, ngó sen, tim sen, hạt sen, cánh sen, củ sen đều dùng được là thể hiện sự rốt ráo trong tu tập.

Từ những đặc tính cao quý này, mà Chư Phật – Chư Bồ tát đều chọn hoa sen làm tòa, đây là loài hoa biểu trưng trọn vẹn tinh thần nhất thừa, thành tựu Phật quả. Người Đoàn sinh GĐPT Việt Nam khi cài hoa sen phải tâm niệm sống như những đức tính thanh cao của hoa sen.

Chiếc huy hiệu của tổ chức chúng ta là hoa sen 08 cánh với bố cục 05 cánh trên và 03 cánh dưới, hoa sen màu trắng, trên nền xanh lá mạ, được bao bọc bởi chiếc vòng tròn trắng bên ngoài mang đầy đủ giá trị tinh thần của tu tập:

Năm cánh trên tượng trưng cho năm hạnh lành của người Phật tử, từ ngoài nhìn vào, cánh chính giữa là biểu trưng cho hạnh tinh tấn, thể hiện sự siêng năng không biếng nhác, sự tích cực không mệt mỏi trong hành trì, trong tu tập, trong phật sự mà tổ chức giao phó, không giãi đãi, không thoái xuất chí hướng khi gặp khó khăn, đây là hạnh nguyện được biểu trưng bởi Đức Phật Thích Ca. Bên trái cánh tinh tấn là cánh sen Thanh tịnh, đây chính là sự trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm, thể hiện sự chân chánh của người Phật tử, đây là hạnh biểu trưng của Đức Phật A Di Đà. Bên phải cánh tinh tấn là cánh sen hỷ xã, đây chính là hạnh đức cao quý của Ngài Di Lặc, hỷ xả chính là bao dung, tha thứ trong niềm hoan hỷ không chấp trước, biết thương yêu, biết xây dựng cho nhau, biết mỉm cười để lỗi lầm của nhau tan biến trong tinh thần cầu sám hối. Cánh sen cạnh bên cánh thanh tịnh là từ bi, với hình ảnh tiêu biểu của Bồ Tát Quán Thế Âm, biết học và thực hành hạnh lắng nghe, đem đến cho người niềm vui, làm cho người vơi đi khổ đau đó chính là hạnh từ bi được thực hiện. Cánh sen cạnh bên cánh hỷ xả là Trí tuệ, tiêu biểu cho Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, trí tuệ là chất liệu để tiến tu, trí tuệ là sự hiểu biết chân chánh, cắt đứt mọi cấu uế phiền não, không chất chứa tà kiến.

Ba cánh dưới tượng trưng cho 03 ngôi báu Phật – Pháp – Tăng, nơi quy ngưỡng bền vững, quý báu nhất trên thế gian này.

Từ đó, chúng ta thấy nền tảng Tam bảo đã xuất sanh 05 hạnh lành, người Phật tử quán niệm và thực hành đúng tinh thần này thì thành tựu công đức, con đường đạt đến cứu cánh không xa.

Màu trắng của hoa sen biểu trưng cho sự thanh khiết, vô cấu nhiễm, thanh tịnh giữa cảnh trần nhiều sự nhiễm ô. Màu xanh lá mạ biểu trưng cho sức sống vươn lên của tuổi trẻ đầy hy vọng vào tương lai, biểu trưng cho tổ chức giáo dục Thanh

– Thiếu – Đồng niên GĐPT chúng ta luôn hướng đến con đường hiền thiện.

Vòng tròn trắng bên ngoài chính là thể hiện ý nghĩa Đạo Phật Viên Dung Hoàn Toàn Vô Ngại, tròn đầy tâm nguyện và hạnh đức với con đường hướng đến giải thoát giác ngộ trong hào quang bảo bọc của Tam bảo, quang huy rực rỡ ánh sáng nhiệm mầu, vi diệu.

Với những ý nghĩa cao quý, huy hiệu hoa sen được cài ngay trái tim, khi nào hơi thở còn, nhịp đập con tim còn, thì còn nhiệt huyết cho lý tưởng, sức sống còn chúng ta nguyện giữ tinh thần cao quý cho Hoa sen, nuôi dưỡng hoa sen bằng đất tâm thuần khiết và gìn giữ sức sống, uy danh, sự trường tồn của tổ chức bằng tất cả con tim của mình.

Hãy trân quý huy hiệu hoa sen như quý con ngươi của mình, vì nơi huy hiệu đã chứa đựng tất cả công đức lành với các vị Phật và Bồ tát tiêu biểu, là 03 ngôi báu quý nhất trên thế gian này, là linh hồn của tổ chức, chớ để bừa bãi, chớ quên mất huy hiệu hoa sen trong những lần đến với áo lam. Quên huy hiệu chính là quên bản tâm, phật tánh trong mình. Mất huy hiệu là mất chính mình. Nên các em chớ bao giờ khinh xuất, phải cẩn trọng gìn giữ.
Trích dẫn: Lễ Lượt GĐPTVN
(Phụ bản 1 Đính kèm Quyết định số:13.114/HDTƯ/QĐ/TB ngày 22.11.2013)

Ý nghĩa ấn cát tường:
Gia Đình Phật Tử cũng như các tổ chức khác có cách chào riêng, khi mặc sắc phục, để tỏ lòng thân thiện, biểu lộ sự hoà hợp, nhắc nhau tinh tấn tu học, biết kính trên nhường dưới, và chứng tỏ tinh thần kỷ luật của Gia Đình Phật Tử.

Khi mặc đồng phục, chúng ta chào bằng cách bắt ấn Tam Muội (cũng gọi là ấn Cát Tường – ấn Chánh Định, ngón cái: tâm, ngón trỏ: thân, ngón cái ấn trên ngón trỏ, ý chỉ thân tâm không hai).

Khi chào đứng nghiêm, mặt hướng vào người mình chào, tay phải gập lại, cánh tay song song với thân người, lòng bàn tay hướng về phía trước, cùi chỏ gần sát thân người và ngang bằng với tầm lưng (đừng đưa quá ra phía sau hay phía trước), các ngón tay khép vào nhau, ngón tay cái đè lên ngón tay đeo nhẫn, tay trái xuôi theo người.

Ấn Tam Muội có mục đích làm cho lòng mình lắng lại, chú tâm không tán loạn, phóng ra sự an lành (Cát Tường). Chào theo lối bắt ấn Tam Muội, là nhắc nhở chúng ta lắng lòng hướng về việc lành, tin theo đức Phật, tin vào chánh Pháp, chúc tốt lành cho nhau. Chính đức Phật thường dùng ấn này để phóng hào quang cứu độ chúng sanh.

Chào kính là những quy ước xã hội mang tính văn hoá, nhân bản nhằm thăng tiến cuộc sống tinh thần của con người nên thông thường :

– Người nhỏ chào người lớn trước.

– Khi đi trong hàng, gặp Thầy hay anh chị trưởng, chỉ người hướng dẫn chào mà thôi.

– Khi gặp đám tang, tất cả đều chào.

– Khi đón chào quan khách, hô khẩu hiệu tất cả chào một lần.

– Khi chào cờ sen trắng, hô khẩu hiệu ( tiếng reo) chào xong, đứng nghiêm hát bài ca chính thức Sen Trắng.

– Khi gặp quý Tăng Ni, thì chắp tay như búp sen ngang ngực, cúi đầu chào, khi gặp quý Bác ( đạo hữu ) cũng vậy.

– Khi đi ngang qua nơi tôn nghiêm (chùa, đền thờ…) thì yên lặng để tỏ lòng thành kính.

– Khi mặc thường phục: Cất nón – cúi đầu, vái chào tùy theo trường hợp.

Là đoàn sinh GĐPT, luôn luôn nêu cao tinh thần kỷ luật, danh dự của đoàn thể :
– Gặp Tăng – Ni, chắp tay như búp sen để ngang ngực cúi đầu chào.

– Gặp các anh, chị và bạn đoàn (có đoàn phục), tay bắt ấn Tam Muội (Cát Tường) để tỏ ý vui mừng, nhắc nhở nhau tinh tấn tu học.

– Những lúc đi ngang qua nơi tôn nghiêm nên im lặng, không cười nói múa may, tỏ lòng tôn kính.

– Khi vào nơi tôn nghiêm, xuống xe dẫn bộ để tỏ lòng lịch sự – tôn kính.
(Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549)

Mỗi dịp Xuân về. Từ mùa Đông lạnh giá, nàng Xuân duyên dáng bước ra, mang theo hương sắc trinh nguyên xinh tươi rực rỡ. Cây lộc đầu Xuân được Gia Đình Phật Tử trang trí muôn màu muôn sắc làm rực sáng cả góc chùa. Khách thập phương viếng chùa lễ Phật, ai nấy đều hoan hỷ hái cho mình một cánh lộc, mang những dòng kinh văn chúc phúc đầu năm.

Sau thời kinh lễ Phật chào đón năm mới, chúng em nối bước theo chân Huynh trưởng, thanh tĩnh vào phòng phương trượng, cúi đầu đảnh lễ, khánh chúc trên Chư Tôn Đức bổn tự thêm tuổi đạo – tăng long phước thọ. Chúng em hớn hở sung sướng được thầy chúc mừng cho mỗi người một bao lì xì xinh xắn.

Hằng năm đơn vị đều tổ chức ngày Dũng – ngày Hạnh bằng những đêm hội ngộ quanh đèn, nói lên hạnh nguyện – tinh thần – ý chí dấn thân của mỗi Nam – Nữ Phật tử.

Ngày Dũng ngành Nam GĐPT, vào dịp Lễ Phật Xuất Gia – mồng 8/02 (âm lịch). Ngành Nam GĐPT ý thức:

Tùy theo y báo – chánh báo mà nhân sinh thọ nhận báo thân sinh vào quốc độ thọ nghiệp khổ đau. Bằng tuệ giác kỳ vĩ thái tử Tất Đạt Đa đại hùng – đại lực chối từ thế nghiệp – vượt dòng A Nô Ma, năm năm tầm sư học đạo – sáu năm khổ hạnh rừng già – bốn mươi chín ngày đêm ròng rả hành thiền, Ngài giác ngộ thành Phật.

Đoàn viên ngành Nam GĐPT thức dậy – ý thức cộng sinh – lớn dần dòng suy tưởng xuất thế vị tha, trãi lòng rộng lớn vì tha nhân mà dấn thân phụng sự.

Ngày Hạnh ngành Nữ GĐPT, chọn một trong ba ngày lễ Bồ tát Quán Thế Âm trong năm: 19/02 – 19/06 và 19/09 (âm lịch). Đức Quán Thế Âm chứng đắc “Nhĩ căn viên thông”:

Người Nữ GĐPT nghe hiểu Phật pháp, nhận chân thật tướng như thật, ứng dụng Văn – Tư – Tu, Nghe – hiểu – thực tập hoàn thiện bản thân – ứng dụng vào phật sự giáo dục. Người Nữ GĐPT học hạnh Quán Thế Âm “Xoay cái nghe vào bên trong”, lắng nghe tự tánh thanh tịnh, “phản quang tự kỷ” soi rọi chính mình, dừng lại cái nghe thanh trần phồn tạp đạo đoạn sanh khởi vọng tâm.

“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây hạnh để đời mai sau”
‘Ca dao VN’.

Mùa Phật Đản sinh – Hoa Ưu Đàm rộ nở, bảy đóa sen hồng nâng bước chân thơm – thái tử Tất Đạt Đa ra đời. Dưới sự hướng dẫn của quý anh – chị trưởng, chúng em tập trung thành đoàn. Tùy vào ý tưởng sáng tạo – trước mỗi ghi đông xe đạp – chúng em trang trí hình ảnh Đản sinh – cờ – hoa – bong bóng bay đẹp đẽ. Chúng em – GĐPT dẫn đầu đoàn xe hoa diễu hành qua khắp mọi ngõ phố – cổng chào – tư gia trang hoàng biểu tượng – hình ảnh – cờ hoa rực rỡ đón mừng ngày Phật Đản Sinh.

Ngày Hiếu ngành Đồng (Oanh vũ) GĐPT, được chọn thời gian trước Lễ Vu Lan. Ngày Hiếu được tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt thể hiện lòng hiếu thảo dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Chúng em ấn tượng nhất là Lễ Cúng Dường Tứ Ân: Tứ ân là phạm trù đạo đức, giáo dục tinh thần:

“Uống nước nhớ nguồn”
“Ăn quả nhớ kẻ trông cây”.
Kinh Tâm Địa Quán – phẩm Báo ân, đức Phật dạy Tứ Ân:

Ân cha mẹ – Ân chúng sanh – Ân quốc gia xã hội và Ân Tam bảo.
Để thực hiện trang trọng buổi lễ cúng dường này, quý anh – chị trưởng đã thông báo – hướng dẫn từ trước. Chúng em ai nấy đều nức lòng, thể hiện lòng thành, tự để dành – nhín lại một phần tiền – bỏ heo ống những khoản tiền mà Ba Mẹ cho ăn quà vặt hay ăn sáng. Đến gần ngày lễ – chúng em đập bể heo đất, lấy ra những đồng tiền đã để dành được, mua những món quà mà Cha – Mẹ ưa thích.

Đến giờ phút thiêng liêng, được Huynh trưởng MC mời lên, chúng em hàng hàng thẳng tắp – đảnh lễ – tưởng niệm Tứ Ân. Đến nghi thức cúng dường Ân Cha nghĩa Mẹ, được Huynh trưởng tuyên xướng – hướng dẫn đến trước mặt Cha Mẹ đảnh lễ hai lạy, quỳ trang trọng nói:

– “Con kính yêu cha ‘mẹ’ nhiều lắm !”

Rồi hai tay kính cẩn nâng phẩm vật cúng dường dâng lên Cha Mẹ kính yêu.

Trước giây phút trang trọng thiêng liêng này, cả thính phòng âm trầm lắng xuống, từng dòng nước mắt hoen mi, đây đó sì sụt từng tiếng nấc nghẹn ngào, làm cho Thầy chứng minh cũng xúc động lau nước mắt !

Lễ Hội Vu Lan, tháng bảy – mùa Thu, mùa có từng đợt mưa phùn – mang theo những ngọn gió heo may – thổi bay những chiếc lá vàng rơi rơi phơi đầy sân cỏ. Tháng bảy – mùa Thu – mùa Vu Lan báo hiếu Tứ trọng ân, làm cho người ta hoài tưởng – ngậm ngùi nhớ nhiều về công đức sinh thành – dưỡng dục. Dù cho ai đó tha hương biệt xứ tận cuối chân mây. Hoài niệm – canh cánh hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có dòng sông lặng lờ – êm đềm bên lũy tre già – mãi miết chảy dài theo năm tháng, nơi có mái tranh nghèo xơ xác – có người mẹ lưng còng – má tóp – tóc trắng giăng mây, cặm cụi bên bếp lửa hồng – cho sợi khói vươn cao vào mỗi buổi lam chiều. Bên bụi chuối sau hè – có chum nước rửa chân – để được sạch bụi đường xa bao nỗi nhọc nhằn vất vã mưu sinh.

Văn hóa hoa hồng, niệm ân công đức Thầy Tổ – Mẹ – Cha, nhân mùa Lễ Hội Vu Lan người ta cài lên ngực áo tặng nhau những đóa hoa hồng.

Niệm ân Sư trưởng – người ta cài lên ngực áo Thầy đóa hoa Hồng vàng. Nếu Mẹ còn sinh tiền – người ta tặng nhau đóa hoa Hồng thắm. Nhớ về người Mẹ đã qua đời – người ta tặng nhau đóa hoa Hồng bạch.

Tháng 8 – Tết Trung Thu, còn gọi là Tết Thiếu Nhi, bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước. Sau vụ mùa lúa chín vàng óng ả hắt lên nền trời Thu trong xanh. Nông trang nhàn rỗi, người ta bày cỗ thưởng trăng, trẻ thơ hân hoan ríu rít rước đèn lồng – đèn ông sao sắc màu rực rỡ:

“Thùng thình thùng thình
Trống rộn ràng ngoài đình…”

Tuổi thơ Oanh vũ GĐPT cũng háo hức hòa nhịp lòng vui Tết đón Trung Thu dưới ánh trăng Rằm man mác, bên những mâm cổ tràn đầy bánh trái, để rồi ký ức tuổi thơ theo năm tháng ngọt ngào. Chúng em được thưởng thức – hòa mình vui cười thỏa thích vào những hoạt cảnh do anh – chị trưởng đóng vai chú Cuội – chị Hằng, cùng nhau cất cao tiếng hát:

“Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”

Rời tuổi thơ ngây, chúng em được lên Đoàn ngành Thiếu rồi ngành Thanh ‘Nam – Nữ Phật tử’ vào dịp trại lễ Phật Thành Đạo. Chúng em được phát nguyện nhận năm điều luật của Gia Đình Phật Tử:

Ý nghĩa 5 điều luật của Gia Đình Phật Tử:
Trước năm 1951, theo đề cương tám điểm của bác Tâm Minh Lê Đình Thám, điểm thứ tư có ghi

Phật tử sống trong Gia Đình Phật Hoá Phổ phải tuân hành 10 điều luật sau đây :

1. Phật tử học kinh, niệm Phật.
2. Phật tử kính mến cha mẹ và thuận thành với anh chị em.
3. Phật tử sống nhân từ đối với người và vật.
4. Phật tử lựa bạn tốt và mến thương bạn.
5. Phật tử vui buồn cùng chia, nhắc nhở nhau lánh dữ làm lành.
6. Phật tử giữ gìn lời nói ôn hoà, ngay thật.
7. Phật tử thật thà , siêng năng, thứ tự, sạch sẽ.
8. Phật tử sống giản dị và điều độ.
9. Phật tử sống giản dị và lạc quan.
10. Phật tử làm tròn bổn phận .

Đến năm 1951, Đại hội Huynh trưởng GĐPT đã xây dựng nên Nội quy trình gồm 5 chương – 15 điều. Chương thứ nhất – điều thứ tư ghi :

Luật của Thanh Thiếu Niên nam nữ và Huynh trưởng là :

1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
2. Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.
3. Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.
4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
5. Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

Ngày trước, luật nặng tính cách xây dựng cá nhân con người theo Nhân thừa. Giai đoạn thứ hai nhằm phát triển huệ trí, tiến đến giác ngộ và giải thoát.

– Điều thứ nhất phù hợp với hạnh Tinh tấn của Đức Phật Thích Ca.
– Điều thứ hai thực hiện hạnh Từ bi mà Bồ Tát Quan Thế Âm là biểu tượng.
– Điều thứ ba phù hợp với hạnh Trí tuệ mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là biểu tượng.
– Điều thứ tư thực hiện hạnh Thanh tịnh của đức Phật A Di Đà.
– Điều thứ năm thực hiện hạnh Hỷ xả của Đức Phật Di Lặc.

1. Kỷ luật của đoàn thể hay pháp luật của quốc gia chỉ nhằm duy trì trật tự an ninh cho xã hội và con người chứ không nhằm đưa con người đến chỗ giải thoát – giác ngộ. Còn giới luật của đạo Phật, luật của GĐPT là đóng ngõ ác đạo, mở cửa từ bi – trí tuệ, vào căn nhà giải thoát – giác ngộ của Đức Phật.

2. Đọc luật phải giữ tâm thanh tịnh, không khí trang nghiêm để từng lời nói, từng âm thanh vang vọng trong tiềm thức, trong tư duy của chúng ta, nhận ra những sai khuyết mà phát lồ sám hối, cũng như hướng đời mình đến các điều tốt đẹp để nở được bông hoa Phật tánh.

3. Đọc luật là một hình thức tụng giới và phát tâm giữ luật như giữ giới, soi rọi cuộc đời mình. Luật là giáp phục của đoàn sinh GĐPT.

– Hằng ngày, sau khi thức dậy, em nhẩm đọc luật và phát tâm giữ luật hằng ngày.

– Hằng ngày, trước khi đi ngủ, em nhẩm đọc và kiểm lại bản thân nếu có sai phạm tức thì sám hối.

– Giữ luật như giữ gìn hơi thở và sự ăn uống để nuôi dưỡng sinh mạng, để tu tập Phật đạo.
(Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549)

Buổi lễ lên Đoàn sao mà xúc động đến vậy, được anh trưởng dắt tay vượt qua chiếc cầu tre bập bênh để trao tay chúng em vào tay Huynh trưởng trên ngành, nước mắt ai nấy đều đầm đìa luyến tiếc rời xa tuổi thơ được nâng niu chìu chuộng. Mặc dù vẫn chung cùng đơn vị, nhưng sao mà lòng vẫn cảm thấy xa xót rời Đoàn – xa bạn bè thân ái.

Rồi buổi lễ lên đường đầy hào hứng, chúng em mỗi người tay cầm một chiếc gậy – đầu gậy lủng lẳng chùm dây dù, vai mang balô lên đường, được xây dựng bằng một kịch bản trò chơi lớn “Tầm sư học đạo”. Nhận được tín hiệu Morse, theo dấu đi đường đến điềm vượt khó – chúng em dùng gậy bắt cầu vượt suối – băng rừng – bám dây dù leo núi, chúng em nhận từng bảng văn – dịch từng mật thư lắt léo để qua biết bao trạm gian nan – dẫy đầy ma vương mang nhiều nhân dáng kinh hãi, rình rập mọi ngỏ ngách, cám dỗ – quậy phá để vượt qua. Làm cho nhiều ban gái nhát gan – sợ hãi – túm tụm – ôm chầm vào nhau – la chí chỏe suốt quãng đường rừng. Cuối cùng nhận được tín hiệu Semaphore, chúng em cùng nhau quay về lại chùa – đến đích. Đích là cội cây Bồ đề – cành lá xum xuê – che phủ mát rượi, nơi đây một Huynh trưởng hóa thân Đức Phật – đang ngồi tham thiền nhập định, còn chúng em hóa thân làm 5 anh em Kiều Trần Như – ngồi vây quanh nghe Phật thuyết giảng.

Em ấn tượng vui nhất là trến đường hướng về Chùa – đến trạm. Đội chúng em nhận được mật thư: Cấp cứu người bị nạn – gãy chân. Thế là 2 bạn rời hàng – cởi áo – dùng gậy làm cán. 1 bạn ngã xuống – nằm lên cán. Bạn phụ trách y tế mở túi cứu thương – lấy bông băng – tẩm thuốc đỏ, trình tự – cẩn thận băn bó gót chân. Chúng em công kênh nạn nhân lển đường, cả khu phố bàng hoàng túa ra! Qua cổng Chùa, chúng em tìm đến trạm có H.Tr hóa trang bác sĩ, kiểm tra cấp cứu – cứu thương. Đội viên y tế tháo gỡ bông băng, làm cho mọi người hiếu kỳ thấy ra chỉ là trò chơi thực tập, ai nấy đều kinh ngạt ồ lên, đập vui lên vai chúng em, rồi hỷ hả cười giải tán !

Chiếc gậy theo em suốt những kỳ trại thời niên thiếu, mỗi kỳ trại đi qua em đều khắc ghi tên trại – ngày tháng để lưu dấu kỷ niệm. Tiếc rằng chiến tranh – sau những năm tháng loạn ly – chiếc gậy thất lạc từ lúc nào – làm cho mãi tiếc nuối không nguôi !

Đến tuổi trưởng thành, qua trại huấn luyện, em được phát nguyện làm Huynh trưởng. Buổi lễ truyền đăng thiêng liêng, làm cho chúng em ai nấy nao nao dâng trào bồi hồi cảm xúc. Chúng em mỗi người trên đôi tay một cây nến, ánh nến lung linh theo tiếng vọng từ bóng đêm truyền về – đánh thức mê vọng từ lâu mãi mê ngã ái, lương tri bừng sáng, chối từ vị kỷ hèn mọn, phát nguyện dấn thân: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”. Mỗi cây nến truyền đăng còn lại qua các kỳ trại huấn luyên – em vẫn còn lưu giữ mãi đến hôm nay, để mãi mãi khắc ghí nhớ hoài một thời – nhớ hoài những giây phút thiêng được trưởng thành – được lớn khôn thêm.

Ý nghĩa “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”:

Kinh Niệm Phật Bát Nhã Tam Muội dạy:

Năm sự ô trược ác thế – dơ dáy – xấu ác thiêu đốt thế gian:

– Thời đại biến đổi không ngừng: Kiếp trược.
– Sự thấy biết sai lầm, tà bậy: Kiến trược.
– Những si mê, tham đắm, thù hận: Phiền não trược.
– Sự luân hồi sanh tử không ngừng dứt: Chúng sanh trược.
– Đời thọ mạng ngắn ngủi, vô thường: Mạng trược.

Ngài A Nan phát nguyện: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”, thâm nhập vào ngũ trược ác thế để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh.

“Nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật. Nguyện chẳng tự mình chứng niết bàn. Dù chỉ còn một chúng sinh chưa thành Phật, Con nguyện không nhập niết bàn – không thành Phật – không được công nhận là người đã đạt được quả vị”.

Ý nghĩa truyền đăng:
Pháp truyền Vô Tận Đăng xuất phát từ Kinh Duy Ma Cật sở thuyết – thời Phương Đẳng – phẩm Đệ tử (Thứ tư) nói về hành trạng Bồ tát Trì Thế:

Một thời cư sĩ Duy Ma Cật là hoá thân của Bồ Tát Tịnh Danh ở cõi Vô Cấu của Phật Bất Động Như Lai, thị hiện xuống Ta Bà làm trưởng giả cư sĩ, ngụ tại thành Tỳ Xá Ly.

Một ngày cư sĩ Duy Ma Cật thị hiện bệnh duyên, nhiều người tới thăm, Ngài tùy duyên thuyết pháp Đại thừa giáo hoá.

Đức Bổn Sư Thích Ca ngụ tại Tịnh xá Kỳ Viên, phân công các vị Đại đệ tử và Bồ Tát hướng dẫn đại chúng đến thăm bệnh Duy Ma, nhưng cả 10 Đại đệ tử Thanh Văn và 4 vị Bồ Tát không ai dám đến thăm bệnh Cư sĩ, vì trong quá trình giáo hoá, quý Ngài đã từng bị Cư sĩ Duy Ma vấn nạn về các mặt sở trường tu chứng, qua các lần Pháp thoại quý Ngài đã không trả lời được. Đến khi Đức Bổn Sư chỉ định Ngài Bồ Tát Trì Thế đến thăm bệnh Duy Ma Cật, Ngài Trì Thế cũng hồi bạch Thế Tôn không dám đến thăm bệnh, vì nhân duyên sau:

Ngày đó khi Bồ tát Trì Thế đang toạ thiền trong rừng, Thiên ma Ba Tuần giả dạng Thiên chủ Đế Thích (Vua cõi trời Đao Lợi), mang theo vô số Thiên nữ kỹ nhạc đến đảnh lễ Ngài Trì Thế. Trì Thế Bồ tát vốn là quốc sư của Đế Thích, nên y theo Pháp Phật mà khuyến tấn:

“Vua Trời Đế Thích không nên đam mê dục lạc mà hãy chú tâm vào việc thanh tịnh thân tâm – tô bồi phước đức – hoá độ chúng sanh”.

Vua Trời Đế Thích xin dâng tặng Bồ Tát Trì Thế 12 ngàn thiên nữ để phục dịch, nhưng Bồ Tát đã y theo pháp Thanh Tịnh vô nhiễm của Thích Tử Như Lai, nên không dám thọ nhận kỹ nữ để hưởng thú vui dục lạc.

Ngay khi đó, giữa không trung có tiếng của cư sĩ Duy Ma Cật khiển trách Bồ tát sao nhận lầm ma Ba Tuần là vua trời Đế Thích, đồng thời nói với ma Ba Tuần rằng:

“Trì Thế không dám nhận ma nữ nhưng ta thì nhận được, vậy ma hãy dâng tặng ma nữ cho ta thì mới đi được”.

Trước pháp lực của cư sĩ Duy Ma Cật, ma Ba Tuần không thể thoát thân đành phải hứa vâng chịu, dâng tặng 12 ngàn ma nữ cho Duy Ma Cật rồi về cung. Cư sĩ Duy Ma Cật nhận 12 ngàn ma nữ liền dạy cho họ các Pháp vui trong chánh Pháp đại thừa:

– Vui tin Phật
– Vui nghe Pháp
– Vui cúng dường Tăng
– Vui làm việc thiện
– Vui giáo hoá chúng sanh…

Chúng ma nữ sau khi nghe Pháp, tín thọ phụng hành, được cư sĩ trả về cung ma và dạy rằng:

“Có pháp Vô Tận Đăng như ngọn đèn không bao giờ tắt, các người hãy đem chánh Pháp truyền dạy cho chúng ma tại ma cung, người này truyền người kia, ánh sáng tiếp nối mãi vô tận mà ngọn đèn đầu tiên vẫn không hao tổn. Chánh Pháp sẽ được tiếp nối mãi và ánh sáng không bao giờ dứt…”

Từ đó mãi mãi cung ma luôn luôn được thắp sáng bằng ngọn đèn chánh Pháp Vô Tận – nhân thiên đều an lạc.

Đời người có hai cuộc sống oằn nặng trên đôi vai. Một vai gánh vát đời sống vật chất:
Vật chất là một thực tại khách quan luôn luôn vận động – vô thường: Công danh – sự nghiệp – gia đình – quốc gia – xã hội.

Một vai trĩu nặng đời sống tâm linh:

Tâm linh là một khái niệm – một hiện tượng tinh thần được phát triển ý thức – tri giác – sinh học, tương tác lên đời sống thực thể. Nhờ tu – học Phật pháp tác động tìm năng – ý chí. Tri thức người Huynh trưởng Phật tử được trưởng dưỡng phát triển, ý thức được bản thân, phẩm hạnh được nâng cao, hình thành nhân cách đạo đức toàn diện, hướng tới toàn mỹ – toàn thiện – toàn chân. Ý thức được rằng: Ngoài tích cực tu học để tự thăng tiến – hoàn thiện bản thân, mà còn có trách nhiệm thiêng liêng cao cả mà tổ chức tin tưởng trao phó, đó là: “truyền đăng – tục diệm”, trao truyền – hướng dẫn đàn em thân yêu.

Tâm linh và vật chất phải được cân bằng trên đôi vai mỗi nhân giả, nếu bên này mà trĩu nặng còn bênh kia mà nhẹ tênh, thì đời sống trở nên dị tật, bước đi khập khiểng – mất thăng bằng – dễ dàng té quỵ giữa đời thường. Người Huynh trưởng có tri thức, có tu – có học, biết ý thức cuộc sống, biết làm chủ bản thân, vững vàng trong cuộc sống không dễ dàng để đôi vai bị xô lệch mất bình thường.

Cuộc đời em gắn liền với màu áo lam hiền hòa thân thương, được tắm mình trong suối nguồn cam lồ ngọt ngào mát rượi. Hằng đêm theo chân Mẹ lên chùa – cùng Mẹ ê a hòa vào những lời kinh trầm hùng trong những đêm tịnh độ. Những buổi cuối tuần – trong màu áo lam lên chùa nhập Đoàn lễ Phật – sinh hoạt. Và cứ mãi miết như thế, cuốn hút em lớn dần theo năm tháng dưới mái chùa làng yên ả, trong tiếng mõ nhịp nhàng cầu kinh – hòa quyện tiếng chuông ngân vang vọng vào thu không.

Tri thức vốn có hôm nay, cứ ngỡ rằng giỏi giắn – tài ba hơn người. Đâu có ngờ rằng, ngoài công đức sinh thành như trời biển bao la, sự nuôi dưỡng gian lao – tận tình dạy bảo của Mẹ – Cha. Ngoài những nỗ lực vật vã dùi mài kinh sử – thu nhặt được từ sách vỡ – Thầy Cô – bạn bè theo năm tháng mài đũng quần trên ghế trường đời – cộng đồng xã hội, chúng em đã tinh tấn – tích cực tu học. Nhờ công đức giáo dưỡng của quý Anh – Chị đi trước hướng dẫn, nâng niu dìu dắt từng bước chân đi, chăm chút tài bồi – truyền tải tri thức – vun xới – gọt tỉa – uốn nắn thân cành – làm mới, để cho chúng em mỗi ngày thêm được lớn khôn.

Biết bao năm tháng thanh tĩnh dưới mái chùa thân yêu chở che hồn dân tộc, trãi qua biết bao bậc học. Tính từ thuở ngành Đồng Oanh vũ: Mở mắt – Cánh mềm – Chân cứng – Tung bay. Đến khi được lên đoàn, ngành Thiếu: Hướng thiện – Sơ thiện – Trung thiện – 2 năm Chánh thiện. Bước lên ngành Thanh: 2 năm bậc Hòa – 2 năm bậc Trực, để rồi được bước lên cao hơn nữa, ngành Huynh trưởng: Bậc Kiên – 2 năm bậc Trì – 3 năm bậc Định – 5 năm bậc Lực, rồi qua các trại huấn luyện: Tuyết Sơn, Anôma Niliên – Lộc Uyển – A Dục – Huyền Trang – Vạn Hạnh và Phú Lâu Na. Cứ mỗi lần thi kết khóa hoàn tất bậc học vào dịp Lễ Phật Thành Đạo. Trong buổi lễ vượt bậc – vượt trại – thọ cấp, chúng em được quý anh – chị trao chứng chỉ – quyết định, gắn lên vai áo phù hiệu bậc học đã qua – cấp đang thọ, làm cho lòng chúng em cảm thấy nao nao, thấy mình được thêm tuổi đạo – được trưởng thành lớn khôn hơn, để rồi nao nức chờ đợi ngày khai khóa bậc học mới vào dịp Lễ Phật Xuất Gia.

Tổ chức trao cấp, là trao một sứ mệnh thiêng liêng trọng đại vào đôi tay vững chãi của Huynh trưởng. Người Huynh trưởng tài năng không dễ dàng cúi mặt – khuất phục trước cam go, mà với nguyện lực to lớn, sẵn sàng gánh vát gian nan để thành toàn trọng trách.

Thiết nghĩ, người lãnh đạo phải mang tâm trạng của một người đi tìm hướng sống, tìm cái hay – cái đẹp, cái chân thiện mỹ cho cuộc đời. Phải thao thức với những khám phá mới lạ một cách nhiệt thành. Không nên có tâm trạng của một lữ hành đi qua rừng trầm hương, mà không thưởng thức được mùi hương. Tắm mình trong dòng ánh sáng phật pháp, mà không nhận thức được chân đế. Hoặc bọc trong mình hạt minh châu, mà không biết là châu ngọc. Không thiết tha trân quí, không thẩm thấu được luồng sinh khí mới mẽ, để mang lại một kết quả tốt đẹp hơn.

Chúng ta sẽ rất thất vọng, nếu là một nhà lãnh đạo, mà không có một nhiệt tâm quên mình vì tổ chức. Không có một kế hoạch, một hướng nhìn sâu sắc. Không vạch ra một phương hướng mới mẽ để hành đạo, để khế cơ phù hợp xác đáng với tình hình. Thấy trầm lắng mà cứ thỏng tay, thấy dậm chân mà cứ chùn bước. Tối ngày chỉ biết loay hoay, đoanh vây trong tháp vàng, với những hương đăng nghi ngút, giữ mãi những hình thái sinh hoạt, không còn đáp ứng phù hợp, với những nhu cầu cấp thiết mới, tức là làm một việc làm vụng dại – ấu trĩ. Nếu cố chấp bảo thủ mãi những hình thức sinh hoạt lỗi thời, tức là vô tình đẩy lùi xã hội, và làm cho tổ chức GĐPTVN thoái hóa, khô héo dần trong xác cũ.

Đến hẹn lại lên, hằng năm tích cực tham gia các cuộc: Hội thảo – hội ngộ quanh đèn – các kỳ trại lễ – trại truyền thống – bồi dưỡng – chuyên năng – dã ngoại – giao lưu… Và cứ mãi miết như thế cuốn hút tuổi hoa niên. Bên ánh lửa trại lưu luyến còn sót lại – hay dưới lều trăng lộng gió, chúng em trao cho nhau từng cuốn lưu bút tình lam – ghị lại cho nhau biết bao cảm xúc thân thương, để rồi sau mỗi kỳ trại:

“Tay cách xa nhưng tim không xa
Gan thép ta chia tay đừng buồn !…”

Để rồi mỗi lần giở lại từng trang lưu bút “Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng !…” Dưới mái lều chan hòa ánh trăng, chúng em lại gối tay nhau “thức trọn đêm nay…” để mà tâm sự – trao đổi kiến thức Phật pháp, khuyến khích nhau tinh tấn sinh hoạt – tâm huyết hy hiến phụng sự tổ chức, sách tấn nhau Tâm Bồ Đề kiên cố – dũng tiến trên đường đạo. Hứa hẹn với nhau cố gắng gìn lòng son sắc, gắn bó – giữ vững niềm tin tổ chức GĐPTVN, hẹn gặp lại nhau trong những kỳ trại giao lưu kế tiếp. Tiếc rằng cũng vì chiến tranh, sau những lần di tản, những cuốn lưu bút ghi lại biết bao dấu yêu ngày nào đã thất lạc đi theo năm tháng.

Những giai đoạn trước đây, hình ảnh – mầu áo Gia Đình Phật Tử tự do sinh hoạt bất cứ ở đâu – tất cả mọi nơi trên chính quê hương mình, từ mái chùa thanh tĩnh thân yêu, trường học văn hoa, công viên nên thơ, khu du lịch thơ mộng, khu dân cư nhộn nhịp nô nức hay núi – rừng yên ả u tịch.

Em đến với Gia Đình Phật Tử, được tu học – sinh hoạt 4 bộ môn:

– Phật Pháp:

Mục đích của Đức Phật vào đời:
“Khai thị chúng sinh – ngộ nhập Phật Tri Kiến”.

Phật Pháp là chân lý diệu hữu như thật, nhận chân thực thể “bản lai diện mục” hướng đến giác ngộ. Phật Pháp là một hệ thống triết lý sống phổ quát, trên nền tảng trí tuệ – từ bi, thực tập hướng đến đời sống đạo đức – chân hạnh phúc – thoát khổ.

“Phá vi trần xuất kinh quyển”-‘Kinh Hoa Nghiêm’

Thể tính của Kinh ‘Phật Pháp’ rộng lớn cả tam thiên đại thiên thế giới, vo tròn nhét trong hạt bụi nhỏ. Người có tuệ giác nhận chân thể tánh, đập vỡ hạt bụi ôm trọn quyển Kinh. Thế gian mãi mê thân phận lau sậy hèn mọn, hạt cát giữa sa mạc mênh mông, một giọt nước giữa trùng khơi dậy sóng, hời hợt hót suông – khởi niệm phiền não tam độc khổ đau – mãi miết trầm luân, chỉ là “Gã Cùng Tử hạt châu trong bâu áo” khó bao giờ mở mắt tỉnh thức, đập vỡ vô minh – ngộ nhập tri kiến Phật.

– Hoạt động thanh niên GĐPT, nhằm mục đích rèn luyện thân – tâm, giáo dục kiến thức. Ý thức điều chỉnh – hoàn chỉnh nhân cánh – phẩm hạnh. Xây dựng đức tính kiên nhẫn – tự chủ tự lập – không vị kỷ tiêu cực – giao tiếp cởi mở vị tha, cộng tác hòa hợp. Đầy đủ kỹ năng vào đời, thích ứng – an toàn – lành mạnh trong cuộc sống, xử lý tình huống thực tiễn, kiện định lập trường. Có khả năng làm chủ bản thân, biết kiểm soát – thay đổi hành vi, biết giải quyết những những cơn lốc bốc đồng – mâu thuẩn va chạm xung đột những khó khăn thách thức trong đời thường. Có sức khỏe – tháo vát – có bộ óc nhạy bén, phát huy hiệu năng sáng tạo, ứng xử năng động, sáng suốt – biết thiết lập đề án – vạch kế hoạch – đặt mục tiêu, biết tổ chức – điều hành – lãnh đạo.

Văn nghệ: Văn hóa – nghệ thuật là một mô thức sinh hoạt tinh thần – biểu hiện cảm xúc. Văn hóa – nghệ thuật qua lăng kính GĐPT phản ánh hiện thực Phật hóa – bắt nguồn từ tinh thần từ bi – giác ngộ – giải thoát, là phương tiện giáo dục truyền tải giáo lý tác động – chuyển hóa mạnh mẽ lên quan niệm – môi trường nhịp sống sống xã hội. Văn hóa – văn nghệ GĐPT xây dựng tôn vinh nhân bản, chọn con người làm đối trọng định hướng vươn tới giá trị đạo đức chuẩn mực – Phật hóa xã hội toàn diện.

Hoạt động xã hội: Mục đích GĐPT:
“Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật Tử chân chánh.
“Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.

Với tinh thần giáo dục khai phóng – huân tu thiện hạnh – nuôi dưỡng hạt giống từ bi, GĐPT hòa nhập cộng đồng, phục vụ tha nhân, phụng sự xã hội, làm nhiêu ích nhân loại, thiện hóa xã hội.

Bốn bộ môn sinh hoạt – tu học của GĐPT là những hóa thành diệu dụng, có Học – có Tu, hướng đến cứu cánh giác ngộ – giải thoát toàn diện.

Ôi thân yêu biết bao tình lam ! Cái tình cảm thiêng liêng – ruột rà chung cùng dòng máu lam hiền hòa, mãi mãi thắm thiết khắc ghi khó bao giờ phai nhạt. Trên thế giới, chưa có một tổ chức nào có tinh thần dân chủ – bình đẳng – hòa hợp như Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Ở GĐPT có mối quan hệ đồng hạng, tình cảm anh – chị – em thiêng liêng thắm thiết tình lam. Ở đây không có mối quan hệ thầy – trò, ông – bà, cô – dì, chú – bác, mà chỉ có anh – có chị – có em, ‘anh – chị là Huynh trưởng kiêm Gia trưởng cũng vậy, bởi vì nguyên bản anh – chị là Huynh trưởng’. Dù em là tuổi thơ, tuổi đời mới lên bảy – lên tám, dù anh – dù chị có mái tóc bạc phơ trên bảy – tám mươi tuổi… thì vẫn là anh – là chị – là em, tay trong tay:

“Nào về đây ta họp đoàn cùng nhau …
Anh với em ta về sống vui trọn ngày …”
“Cùng nhau múa chung quanh vòng,
Vui cùng vui múa vui …”.

Để rồi mỗi lần vào dịp Phật Đản – Vu Lan – Tết Nguyên Đán, chúng em tổ chức thành đoàn, đến mỗi tư gia thăm hỏi thân thiết chúc mừng quý Anh Chị trưởng bối cao niên – thân thiết chúc mừng Huynh trưởng Đoàn – bạn bè đồng sự, làm rộn rã cả góc phố. Có ai đó trong chúng em, mỗi gia đình riêng, có cuộc vui, hoặc gặp hoàn cảnh khốn khó – ốm đau bệnh tật, hoặc mãi mãi nằm xuống. Dù có bận bịu – tất bật lo toan vì cuộc mưu sinh, chúng em đều gát lại một bên, không ai bảo ai, nhận được tin hiệu là chúng em nôn nã – vội vã đến với nhau, chung lòng thương yêu – tận tụy lo toan cho nhau.

Dù anh – dù chị – dù em, vì cuộc mưu sinh – nhu cầu công tác hay du học phương xa. Dòng máu lam trong mỗi anh – chị – em vẫn mãi mãi hiền hòa tuông trào trong huyết quản, mãi mãi hoài niệm nhớ về ngôi chùa xưa, nơi có mái ấm Gia Dình Phật Tử, nơi đã trưởng dưỡng đạo tâm cho chúng mình mãi mãi lớn khôn. Rồi một ngày nào đó, rồi anh – rồi chị – rồi em bất chợt trở về, gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, vội vã ôm choàng lấy nhau, trút cho nhau bầu tâm sự qua bao tháng năm dài nhung nhớ. Dù cho có anh – có chị – có em đến với GĐPT sau này, vẫn không cảm thấy xa lạ, anh chị em tình lam thắm thiết trăm trứng nở hoa, cùng nhau nắm tay – cùng hát:

“Đây gia đình cùng nhau chung thân ái !…”

Tôn kính niệm ân công đức Gia đình Phật Tử Việt Nam, một tổ chức giáo dục đạo đức tâm linh hiện đại, đào tạo nên những con người tri thức – tuệ giác, có đời sống văn hóa tốt đẹp thiết thực, được cộng đồng – xã hội nhiệt liệt chấp nhận, dang rộng đôi tay hoan nghênh – tận tình chào đón: Khai phóng – nhân bản – vị tha – giác ngộ – giải thoát. Đã đào tạo cống hiến cho đạo pháp biết bao Phật tử thuần thành – chân chánh, trao lại cho xã hội biết bao công dân tốt – đạo đức – hiền hòa – vị tha – gương mẫu. Dâng hiến biết bao hiền tài ắp đầy nhiệt huyết cho dân tộc – đất nước – Đạo pháp. Tôn kính niệm ân công đức tiền nhân – Huynh trưởng đi trước, những anh – chị có đức hạnh viên dung – có trí tuệ tỏa sáng – nhận chân thực tại như thật – phá vỡ tà kiến – nhiếp phục hàng ma, lợi lạc tiên giác – hậu giác, là long tượng – thạch trụ, là nơi nương tựa – là niềm tin vững chãi cho hàng hậu học, là uống nước nhớ nguồn, là tri ân tôn kính Phật Pháp.

Cương vị Huynh trưởng cao quý:
– Là một nhà giáo mô phạm, có thân – khẩu – ý giáo gương mẫu.
– Là một kỹ sư – chuyên gia bác học nghiên cứu tâm lý – sản xuất ra sản phẩm tâm hồn.
– Là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận tâm linh.
– Là một thiền sinh với một công án to lớn – đang đối mặt trước hai bờ sinh – diệt.

Huynh trưởng, đây là trách nhiệm thiêng liêng mà tổ chức tin tưởng trao phó nhiệm vụ giáo dục, vì đàn em thân yêu mà:

“kế vãng khai lai – truyền đăng tục diệm”.

Là chiếc cầu kết nối – trao đuốc – thêm lửa – mở đường – truyền trao tri thức cho đàn em – hàng hậu học nối bước đi sau.

Thế gian luôn luôn bệnh hoạn, Tham – Sân – Si, Tam Độc tìm ẩn thâm sâu trong mỗi con người trần tục, tạo nên biết bao sóng gió đau thương cho nhân loại:

Tham: Lòng tham bất tận kích thích tham muốn chiếm đoạt: Giàu sang như hạt sương đọng trên nhành hoa buổi ban mai. Tiền tài như phấn thổ – vật chất tồn tại khách quan, dễ dàng nhận chìm lương tri, dẫm đạp nhân nghĩa. Người mà nô lệ đồng tiền “Tài”, xem người khốn khó nô lệ hèn hạ.

Lịch sử đã cho thấy, “Sắc” đẹp đã nhận chìm biết bao anh hùng cái thế, làm sụp đổ cả một vương triều. Tình ái là sợi dây xích thằng ràng buộc, làm tái diễn luân hồi khổ đau mãi miết.

“Con là nợ – vợ ‘chồng’ là oan gia – cửa nhà là nghiệp báo”

“Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.”
‘Truyện Kiều’.

Công “Danh” vinh hiển như bọt nước đầu gành, danh lợi vinh hoa như chiếc hài xinh xắn nâng bước chân đi, một mai đường đời mòn gót, chỉ còn trơ lại chiếc hài rách tươm xơ xác, thế thái – nhân tình ngoảnh mặt làm ngơ, chỉ còn trơ trụi người lữ khách độc hành gỏ bước đường khuya hun hút.

Nhận thức đúng về công danh chân chính là biết sống có lý tưởng, có đam mê, biết giữ lòng tự trọng, luôn luôn gột rửa tâm hồn, nỗ lực phấn đấu, cống hiến tài năng, có đời sống đức độ, có thái độ cư xử hòa nhã, biết lắng nghe – cảm thông, sẻ chia với mọi người bằng tài đức của chính mình.

“Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”‘Nguyễn Công Trứ’.

Thế hệ Huynh trưởng trẻ hôm nay nhận thức bổn phận – trách nhiệm – có ý chí – nghị lực sẵn sàng đương đầu với khó khăn, vượt qua thử thách dòng đời, cố gắng theo đuổi ước mơ – hoài bão – lý tưởng đến cùng. Với tự tin – bản lĩnh – bầu nhiệt huyết sẵn có, chắc chắn tuổi trẻ làm nên kỳ tích – sang trang lịch sử – tạo nên bước ngoặc lớn – xây dựng thành công – hãnh tiến vinh quang.

Lương “Thực” là món thuốc để chữa cái bệnh nơi thân, không đành nô lệ miếng ăn mà phải ngửa tay xin xỏ, đánh mất nhân phẩm.

“Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”
“Miếng ăn là miếng tồi tàn,
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”
‘ca dao – tục ngữ’.

Phần lớn người ta xem trọng những giá trị vật chất, những tác động nhất thời mà nó đem lại, quên đi tính chất thấp hèn, chỉ tạo thỏa mãn giai đoạn. Vật chất là đầu mối khơi lên biết bao tranh chấp, giành giật hơn thua trong xã hội, vì thế mà thế thái nhân tình “mất đi một miếng lộn gan lên đầu”.

Một giấc ngủ sinh học tự nhiên – đúng lúc, sẽ giúp đầu óc tỉnh táo – thân thể thư giản sảng khoái, tái tạo lại nguồn năng lượng đã bị hao hụt trong ngày – tái sinh tràn đầy sức sống . Nhưng dung dưỡng mê ngủ “Thùy”, dẫn đến mụ mẫm, uổng phí thời gian vàng ngọc.

Sân: Bản chất sân si – nóng nảy làm nảy sinh đố kỵ – thù ghét – căm hận – giận dữ, không tự chủ – không kềm chế được ngã ái bản thân, dễ dàng mắc phải sai lầm, đào thêm hố ngăn cách – nhận chìm tình cảm thiêng liêng, không còn tỉnh táo kiểm soát hành vi – nhận biết được đạo lý – sự việc. Sân hận tạo nên nhiều thiệt thòi, làm cho mọi người chê trách – khó gần – xa lánh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe – đến hệ tim mạch, nguy hiểm hơn là dẫn đến tai biến mạch máu não.

Kinh Hoa Nghiêm có dạy:
“Một niệm sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng mở ra.” Và:
“Một đốm lửa sân, có thể đốt cháy muôn ngàn cánh rừng công đức.”

Đức Phật khuyến nhủ:
“Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não không đến”.

Si: Thiếu ý thức, để cho mù quáng – mê muội dẫn dắt sai lạc – làm lu mờ lý trí – tri kiến, không nhận thức đúng sai – ảo tưởng không thực tế.

Tôn giáo có còn đủ tư cách độc tôn để làm cái chức năng thiêng liêng của mình là lãnh đạo tinh thần – giáo dục đạo đức tâm linh cho nhân loại được nữa hay không ?

Hầu hết các Tôn giáo đang ráo riết tranh giành ảnh hưởng trên toàn thế giới, đang ra sức nhả ra biết bao độc tố mê hoặc, nhiều sắc màu quyến rũ, quy tụ tín hữu cho đông, mà không cần thiết phải giữ nguyên bản sắc ban đầu, không cần biết mục đích phải đi về đâu và nguyện vọng ý thức thâm sâu từ mỗi con người !

Sự cuồng tín của tôn giáo hữu thần, mang đến một cái nhìn thui chột – sai lầm – lệch lạc, đẫy con người què quặt – khập khiễng vào thời hoang sơ, đầy dẫy bóng tối dọa dẫm của thế giới Thần linh vô hình ảo tưởng, tách rời nhân bản, nhận chìm sinh linh vào chốn vô minh đen tối, chỉ còn biết có lễ bái – cầu đảo – cúng kính – van xin thần quyền, phó mặc đời mình cho năng lực vô hình – ngoại giới điều khiển.

“Người ta đến với Đạo Phật bằng sự tự nguyện – tự giác. Qua nghiên cứu và thực hành để hoàn chỉnh nhân cách chính mình, chứ không phải đến để hoàn thành nhân cách của một vị Giáo chủ như ở các Tôn giáo duy tâm Thần quyền khác, để rồi tự vong ngã – vong thân – cúi đầu nô lệ thần phục những kẻ nhân danh…”

Những kẻ lãnh đạo Tôn giáo quá khích – hiếu chiến, muốn bành trướng thế lực của đạo mình, mà đang tâm mở ra các cuộc bạo hành Thánh chiến – Thập tự chinh, khủng bố độc ác, lùa con người vào chỗ chết nếu không thần phục theo họ. Họ dùng sức mạnh của gươm đao – súng đạn quân sự, sức mạnh chính trị của kẻ thống trị và dùng cả sức mạnh kinh tế – tiền bạc (đã cướp giật được từ các cuộc xâm lăng) để dụ dỗ – mua chuộc – o ép – bắt buộc theo đạo của họ. Họ dùng cả hình thức đê tiện – hèn hạ như mua bán – gán ghép – gài thế – bắt bí cả vấn đề sinh lý. Lợi dụng sự ham muốn – đòi hỏi – khao khát tình dục của các cặp hôn nhân lấy vợ hoặc lấy chồng ngoại đạo. Họ thúc ép bắt buộc học giáo lý – rửa tội – cải đạo theo đạo của họ rồi mới cho kết hôn.

Có Huynh trưởng – Đoàn sinh GĐPT có tu – có học – có chánh kiến – tỉnh thức. Tại sao không đủ tỉnh táo để thức tỉnh – giác ngộ người bạn đời. Mà ngược lại, dễ dàng vô minh – dễ dàng để bị liệt vị một cách thảm hại. Nhẹ dạ cả tin, dễ dàng bị lôi cuốn mê hoặc vào quái đồ ngoại đạo, đánh mất Tâm Bồ Đề đã được trưởng dưỡng kiên cố.

Hơn 25 thế kỷ trôi qua, lịch sử nhân loại đã trải qua biết bao biến đổi bể dâu. Nhiều Tôn giáo xuất hiện – tăng trưởng – bành trướng – phân hóa rồi tự hủy diệt. Đạo Lão – Đạo Khổng đã trở thành lạc hậu. Các Thần linh đã bị lật đổ bởi Thượng Đế, rồi cũng chính Thượng Đế cũng bị tuyên bố là đã chết từ lâu rồi.

Tham – Sân – Si đốt cháy làm thiêu rụi tình người, làm cho vết thương đời rách tươm rỉ máu, làm cho lòng người hoang mang, niềm tin chợt mất. Tam độc, đây là những di căn trầm kha làm lây nhiễm suy yếu tạo nên sóng gió, nhận chìm sức sống nhân sinh.

Huynh trưởng có tu – có học – có hàm dưỡng, được trưởng thành bởi năng lượng từ bi đẹp đẽ. Luôn luôn tuệ giác – tỉnh táo, không hề khởi niệm vô minh, mê vọng ái nhiễm dẫn dắt làm cho sa chân lạc bước, làm mất khiểm soát trở thành nạn nhân để cho ngoại vật điều khiển – dẫn dắt chi phối. Với tấm lòng vị tha – nhân ái – cởi mở yêu thương bát ngát, không vì tuổi cao, sức khỏe yếu kém, sinh kế tục đế đời thường đa đoan làm khủng hoảng, đánh mất bình tĩnh, thể hiện quyền uy, lớn tiếng lấn lướt, làm mất lòng tin ảnh hưởng đến đạo đức – đến điều hành sinh hoạt.

Huynh trưởng là tấm gương sáng mà đàn em đang soi rọi vào, hình ảnh là thế giới ngữ, những hành động của quý anh – chị hôm nay là bài học không lời để cho các em nối bước, tái hiện lại trên mỗi bước đi sau này.

Nhờ gần gủi quý anh chị tri thức, được thương yêu dìu dắc sinh hoạt hướng đến đạo đức toàn thiện. chọn văn hóa Lục Hòa một hệ thống chủ nghĩa ý thức làm nền tảng sống – duy trì mạng mạch tổ chức GĐPTVN.

Người ta thường lầm nhận rằng “nhân sinh là không hư” không có giá trị đích thực. Ngoài thỏa mãn nhu cầu vật chất công danh – ăn uống – nhà ở – tiện nghi – trai gái… là đủ. Họ phó thác tinh thần vào tìm tòi hưởng thụ, do đó mâu thuẩn cạnh tranh sinh tồn, lấn lướt – dẫm đạp lên nhau, hơn thua tranh giành vì cuộc mưu sinh.

Con người được sinh ra đều trần trụi như nhau, đều bình đẳng trên mọi sự sống. Không ai giàu nghèo – quyền thế hơn ai. Không ai có quyền tự cho phép mình có cái quyền ngự trị lên sự sống kẻ khác, lầm nhận mình là trung tâm vũ trụ.

Con người mãi trôi lăn theo dòng định mệnh, mỗi sinh linh thọ nhận mỗi dòng sinh mệnh khác nhau, được thể hiện qua “Nghiệp”.

Nghiệp là hiện Quả của Nhân đã tạo nên từ trước đó. Nếu Nhân lành thì phúc khí được tốt hơn, nhưng nếu Nhân mà xấu ác, thì kết Quả phải là đắng cay khó tránh khỏi.

Mỗi người đều có sự sống tự do – bình đẳng, cùng nhau dừng chân đồng trú trên hành tinh này, do đó phải có đời sống đoàn kết – hòa hợp, biết chia sẻ cho nhau nơi chốn an trú yên bình, chung tay đối phó biết bao hiểm họa – chướng duyên – nghịch cảnh đời thường.

Huynh trưởng GĐPT những người tri thức, hầu như tinh hoa của trời đất đều quy tụ ở đây. Nhờ tu học tinh thần “Thân Hòa Cộng Trụ”. Các anh – các chị có phong cách sống hòa hợp – thân kính. Luôn luôn vì tình lam thân yêu – chung sống chan hòa tương trợ trong suốt thời gian tu học, giúp đỡ nhau trong những kỳ trại giao lưu. Tỉnh thức nhìn lại chính mình. tự vấn với lòng, nếu không có đàn em thân yêu thì TÔI có được vinh dự đứng trước Đàn – Đội – Chúng – Đoàn – Đơn vị ? nếu không có đàn em thì TÔI có còn là Huynh trưởng ? !

Ngôn ngữ là chìa khóa mở cửa tâm hồn – đi vào ngỏ lòng nhau. Nếu chìa khóa mà thô kệch gỉ sét chỉ làm thêm khúc mắc. Lời nói có tố chất êm ái truyền cảm hứng, dễ làm cho lòng người xua tan âu lo buồn nãn, làm cho người ta thêm phấn chấn – vươn lên – an lạc – hạnh phúc. Lời nói có chất liệu mềm dẻo, gắn kết tình người lại với nhau, cảm thông hòa nhịp trong cùng dòng sống.

Nếu không có tha nhân, khó hình thành nên bản ngã. Sự sống tồn tại hôm nay từ vật chất đến tinh thần, luôn luôn nương tựa – nhờ vã vào sự ban phát của đồng loại chung quanh.

Nhờ tu học tinh thần “Khẩu Hòa Vô Tránh”. lời nói lúc nào cũng hòa ái nhẹ nhàng dễ thương – dễ cảm mến. Luôn luôn tôn trọng – tương kính nhau, không tranh cãi, giữ gìn hòa khí – khuyến khích – khuyên bảo – sách tấn nhau, tế nhị – lịch sự – có văn hóa trong giao thiệp – sinh hoạt – hội họp.

Ý thức là một vấn đề khúc mắc – nan giải. Ý thức được xây dựng trên mỗi nhận thức cá biệt. Có những dòng ý thức hệ áp đặt, tạo nên sóng gió – gieo rắc nỗi kinh hoàng – bất an, tạo nên thống khổ cho nhân loại.

Cùng trên một dòng sống, nhưng qua mỗi khúc quành mang mỗi địa hình khác nhau. Dù dòng nước có đi qua nhiều ngỏ ngách, mang nhiều dáng hình ngoằn ngoèo hay thẳng tắp – yên ả hay cuồn cuộn, nhưng bản chất của nước vẫn là hiền hòa – mát dịu. Hãy để cho mỗi dòng ý thức được hòa nhập vào biển cả mênh mông, dù cho có cố tình tạo nên nhiều mùi vị khác biệt, nhưng cuối cùng muối vẫn là một vị mặn bất biến.

Nhờ tu học tinh thần: “Ý Hòa Đồng Duyệt” lúc nào cũng biết lắng nghe – ái kính, tôn trọng tư tưởng – ý kiến, cùng nhau bàn bạc tìm ra chân lý chung nhất, hoan hỷ chan hòa chấp nhận.

Tất cả mọi người đều bình đẳng trong cuộc sống, cùng có dòng máu đỏ, giọt nước mắt cùng mặn. Không một ai có quyền lạm dụng quyền hạn – sức mạnh… xâm phạm lên tự do cá nhân hay tập thể. Không tự áp đặt tạo nên những luật lệ hà khắc để trồng lên đầu dân đen, nhằm mục đích phục vụ cho giai cấp thống trị, xem giai cấp khác là thấp hèn – nô lệ – bị trị. Hoặc cho rằng mình có đủ quyền lực trong tay, lúc nào cũng đeo nhiều loại mặt nạ khác nhau, để khỏi phải xuất hiện dưới bộ mặt hèn hạ – gian trá, để có thể dễ dàng chụp mũ, hống hách chèn ép – trù dập – phá rối…

Có những giáo điều được đặt ra để ràng buộc con người chỉ biết cúi đầu vâng phục một cách mù quáng, đánh mất tự chủ – nhân bản, phó thác đời mình cho thần quyền ngoại giới – hư vô không tưởng.

Phải nhanh chóng xóa bỏ những luật lệ vô hồn – khe khắt đánh mất tự do dân chủ, tao nên mâu thuẩn bất công, ngăn cách tình người – chia rẻ trình tự dân tộc.

Nhờ tu học tinh thần “Giới Hòa Đồng Tu” mà tinh thần tự giác nâng cao, tuân thủ – nghiêm túc thọ trì – chấp hành giới luật – nội lệ, chung sống hòa hợp, luôn luôn đoàn kết – không bao giờ bất hòa – tư ý chia rẽ. Tuân thủ – chấp hành – nghiêm trì giới luật – nội quy – quy chế – nội lệ để ngăn ngừa xấu ác, thì hạnh phúc phát sinh – tự do tự tại.

Bởi do kiến chấp mà tự ngã nâng lên, dẫn đến cái thấy bất nhất. Có người “Thân kiến”, nhìn thấy vật chất là không hư hoặc tồn tại vĩnh viễn. Cùng có cái thấy mà người ta hời hợt chỉ nhìn phớt qua bên ngoài hoặc chỉ nhìn phiến diện “Biên Kiến” một bên. Hoặc mụ mẫm – vô minh nhìn thấy khác đi, mang màu sắc “Tà Kiến” – thần quyền dẫn hướng sai lạc. Có người cho rằng chỉ có cái thấy “Kiến Thủ” của riêng mình là đúng, còn cái thấy của người khác là sai “Người mù rờ voi…”.

“Chánh Kiến” là cái thấy chân chánh – rõ ràng, thấy biết đúng đắn nhân bản toàn triệt. Phải giúp cho mọi người hạn chế bất đồng – dị biệt, làm khủng hoảng tâm thức, cùng hướng về cái thấy chung nhất.

Nhờ tu học tinh thần “Kiến Hòa Đồng Giải”, trao đổi kiến thức, cảm hóa – hòa giải những ý kiến bất đồng, cùng nhau an nhẫn tìm ra kiến giải, hoan hỷ thống nhất, cùng nhau đồng bộ phát triển.

Nhân sinh trên hành trình tìm đến giác ngộ để giải thoát, chúng ta đang tạm dừng chân trên trạm viễn hành, để rồi còn phải tiếp tục khởi hành đi tới. “Tài – Sắc – Danh – Thực – Thùy” chỉ làm vướng bận thêm bước chân người lữ khách, đến lúc cần thiết là giũ áo ra đi. Những phước phận có được chia sẻ đồng đều cho bạn đồng hành có đủ tư lương để cùng dấn thân trên hành trình sống.

Nhờ tu học tinh thần “Lợi Hòa Đồng Quân”, có đời sống chan hòa – đồng sự bình đẳng, chia sẻ quyền hạn – phận sự – phạm hạnh đồng đều, sẵn sàng nhận lãnh phật sự – tinh cần hoàn thành nhiệm vụ giao phó tốt nhất. Không hề thể hiện hành vi thế gian gia trưởng – tự tôn, luôn luôn tự trọng – tôn trọng nhân chủ – tôn trọng đàn em, người nào việc nấy – không dẫm chân – lấn lướt hơn thua.

Có câu hỏi: “Nhân tài, người là ai, đang ở đâu ?”

Nhân tài là người có thành tích để đời, hiễn hách thực tiễn – đã thành danh. Nhưng cũng có những nhân tài chán muồi thế sự – xem thường công danh – rũ áo nhàn cư. Ngọa Long – Phượng Sồ đã một thời ẩn cư nơi hốc núi…

Nhân tài không phải bỗng nhiên mà có, hô lên là hiện diện. Muốn có tài danh, mỗi nhân giả phải được rèn luyện kinh qua thử thách gian nan, nỗ lực tu học, miệt mài hàm dưỡng mới đủ năng lượng hoàn thiện. Không chỉ với cái học nửa vời, bỏ trại – bỏ bậc – bỏ tu – bỏ học mà hoàn chỉnh được nhân cách Huynh trưởng. Với cái kiến thức nửa vời, cái tu hờ hững – lệch lạc, thì kết quả hành hoạt chỉ có là bản năng – cảm tính. Nếu làm việc chỉ với cảm tính – bất nhất – không có chương trình – kế hoạch thì hiệu năng chẳng đạt – mà góp phần làm suy yếu – phá rối mà thôi.

Thế gian có câu:
“Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại”.

Thành công phật sự – lịch sử được làm nên, là kết quả đóng góp của cả tập thể – tổ chức to lớn. Dù TÔI có tài ba, cá nhân khó làm nên được, bởi vì chưa phải là hiện thân của Bồ tát diệu thủ nghìn mắt nghìn tay. Sự thị hiện nghìn mắt nghìn tay, là người Huynh trưởng tri thức quán chúng, là người dám hy sinh – làm việc miệt mài tinh cần – có kế hoạch – hiểu biết thấu đáo – tận tường sự việc – tiên liệu thành bại, thiết tha vì đàn em – vì tổ chức mà phụng sự. Người biết tự gát mình qua một bên – biết lắng nghe – biết vận dụng tài năng thu hút – tập hợp quần chúng – hợp lực – chung sức – lục hòa cọng trụ thành toàn phật sự.

Triết gia Hy Lạp Diogène, ban đêm ông ngủ trong một cái thùng, ban ngày ông thắp đuốc lang thang đi khắp ngả phố. Có người hỏi, ông trả lời:

– “Ta đốt đuốc đi tìm người hiền !”
Với ngã ái tham vọng với cao:
“Đời đục cả một mình ta trong
Người đời say cả một minh ta tỉnh”.

Với tâm lý ký gửi – sống nhờ tạm bợ – được chăng hay chớ, hụt hẫng – thở dài thổn thức, phó mặc bỏ đời mà đi – lang thang buông trôi dòng chảy vào ngỏ cụt – không lối thoát, thì đời sống vô vị – lãng phí biết bao!

Chả lẽ như gả lái đò:
“Đời say cả! Sao không ăn cả bã, uống cả hèm, cho say luôn một thể?
“Đời đục cả! Sao không quậy thêm bùn, vỗ thêm sóng, cho đục luôn một thể? Tội chi mà phải bỏ đời mà đi ?”

Thì diễn biến bi hài cuộc đời trôi nổi về đâu ?!

Người hiền là người biết sống, sống xứng đáng – sống có ý nghĩa giữa lòng đời, phải như đóa sen thơm được vươn lên từ bùn – ngát hương dấn thân – lan tỏa thể nhập vào đời. Với tinh thần xả kỷ – từ bi, đem vui – giải khổ. Từ thâm sâu ký ức một thời vàng son ùa về – một thời mà tuổi trẻ lên ngôi – là trụ cột vững vàng xây dựng – nắm vững – duy trì – mở rộng – phát triển tổ chức. Người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tâm huyết trải lòng vị tha, dù cuộc đời còn lắm phong ba – giông tố nghìn trùng – sóng dựng mù khơi, với hạnh nguyện bi hùng, nguyện làm chiếc thuyền giữa dòng đời gian nan để mà thế độ.

Văn hóa – đạo đức xã hội bệnh tật khập khiểng – thoái hóa dần đến tụt hậu rụi tàn, Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín bị coi là lỗi thời, nhường chỗ cho những mưu mô toan tính – tranh giành quyền lực – địa vị – lợi dưỡng. Năm hạnh: Tinh tấn – Hỷ xã – Thanh tịnh – Trí tuệ – Từ bi đang bị xem nhẹ, thiếu năng dưỡng – chuyên tu – hành hoạt.

Định mệnh nào đã đẩy đưa – con thuyền GĐPT sao cứ mãi chong chênh nghiệt ngã – chưa được yên ả – thong dong hãnh tiến ra khơi. Huynh trưởng thì thiếu nhiệt tình cống hiến – Đoàn sinh thì còn yếu kém thiếu niềm tin – sinh hoạt chưa đều. Đơn vị GĐPT còn có cái gì đó còn lỏng lẻo – chưa được vững vàng – phát triển !

Người Huynh trưởng GĐPT có nhiệt huyết – tĩnh tại – sáng suốt, biết ngồi lại với nhau – biết phân tích sự việc cụ thể – biết xây dựng kế hoạch chiến lược bền bỉ lâu dài – biết xác định hướng đi, mà phải đi thật vững vàng trên chính đội chân của mình từng bước đi thật hùng tráng – vững chãi, đem lại đỉnh cao giá trị văn hóa GĐPT tĩnh tại thời đại thiết thực.

Lý tưởng Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử:
● Phụng sự Đạo pháp.
● Phụng sự Dân tộc.
● Phụng sự con người.

Với cái nhìn áp đặt thiển cận phong kiến – phi nhân bản của người xưa:
“Quân xử thần tử – thần bất tử bất trung, Phụ xử tử vong – tử bất vong bất hiếu”
“Chồng chúa – vợ tôi” – “Phu xướng – phụ tùy”
“Cha mẹ đặt đâu – con ngồi đó”
Nó đã lạc hậu – không còn thực tế nữa.

Phật giáo có một nền giáo dục Nhân Bản giá trị thiết thực:

Nhân: người – Bản: gốc.

Nhân bản là đức tính tự chủ. Con người có thể làm chủ chính mình và tự quyết định vận mệnh của mình, không bị chi phối bởi một khuynh hướng – năng lực phi nhân ngoại giới.

Thẩm thấu tinh thần Nhân bản, tiếp cận khoa học hiện đại, tầm mắt của Huynh trưởng – Đoàn sinh GĐPT hiện nay đã được sáng suốt – mở rộng kiến thức, hiểu biết thế nào là tự do – nhân chủ – tự tại, không còn bị kiềm tỏa, mà có cái nhìn tự chủ – bao quát phóng thoáng hơn, có đời sống chánh hạnh “Bát chánh đạo”, không chấp nhận nô lệ – áp bức – bất công. Vô úy đập vỡ vô minh, đoạn tận ngã ái – phiền não, khát vọng vươn cao, mạnh dạn khai thị – nhìn thẳng vào như thật duyên sinh để chuyển hóa. Đỉnh điểm của Phật giáo là chân hạnh phúc, chọn con người làm đối trọng để giáo dục, là hải đăng tự thân, giác ngộ – nhận chân thực tại như thật, hướng đến giá trị toàn thiện – an lạc hạnh phúc đích thực cho bản thân và tha nhân.

Người Huynh Trưởng GĐPT có trách nhiệm thiêng liêng – cao quý, sẵn sàng hy hiến phụng sự – bảo vệ đạo pháp – dân tộc – con người, để thành toàn đạo nghiệp, bởi vì.

Đạo Phật có một hệ thống giáo lý tỉnh thức – giác ngộ, nhận chân cuộc đời như thật, mang tính nhân bản – chọn con người làm cứu cánh, không tin vào viễn kiến mơ hồ xa vời. Tuệ giác kiến giải vô minh – vươn đến giác ngộ để giải thoát toàn diện. Phật pháp là một phương cách sống tỉnh thức – tích cực – toàn thiện. Ứng dụng giáo lý Phật Dà để giác ngộ nhân loại, giải trừ phiền não đem lại thanh tịnh an lạc cho con người – cộng đồng – xã hội. Ứng dụng tinh thần nhân bản, vô úy giải phóng áp bức – bất công, hủ hóa – lạc hậu, xây dựng công bằng – bình đẳng, hoàn chỉnh nền văn hóa – đạo đức Phật giáo – GĐPT toàn diện.

Trãi qua biết bao dặm dài đoạn trường, một thực tại mà cái giá phải trả lại cho công cuộc an nhẫn duy trì mạng mạch “Duy tuệ thị nghiệp”, miệt mài tìm kiếm công lý rồi phải vượt qua. Ở cuối con đường, ngưỡng cửa của chân lý phải được mở ra tỏa sáng hiện thực.

Tìm lực của GĐPTVN trong lúc này không suy yếu. Cứ mỗi lần có cuộc phong ba, đứng trước nghịch cảnh thử thách, đối đầu với nghiệt ngã trái ngang, thì GĐPTVN lại càng đoàn kết chặc chẽ, vững vàng thêm hơn. Như đứa con ngoan hiền, GĐPTVN vẫn luôn luôn trung kiên, và sẵn sàng hy sinh vì đạo pháp, vì dân tộc vinh quang

Đứng trước tình hình nghiệt ngã, diễn biến phức tạp dẫy đầy thử thách cam go. Nhưng con đường chính nghĩa của chúng ta đang đi – của GĐPTVN truyền thống. Trong giai đoạn thử thách đầy cam go nghiệt ngã cao độ này, không biết sẽ diễn biến đến đâu, hay chuyển bước qua khúc quanh lịch sử như thế nào. Mỗi người Huynh trưởng – Đoàn viên GĐPTVN cần phải cẩn trọng – tỉnh táo – tuệ giác, sẵn sàng gánh vát gian nan đi lên bằng nguyện lực vô úy kiên cố – ngũ trược ác thế thệ tiên nhập – Phát đại nguyện – tu hạnh Duy Ma Cật để chờ đợi và sẵn sàng cho một bước tiến mới …

Duy Ma Cật là một cư sĩ giàu có … , có cuộ̣c sống tục đế – đi lên bằng con đường đạo hạnh đại bi Bồ tát, thể nḥập trí tuệ siêu việt – tính không – bất nhị ̣̣- ly ngôn thuyết, không giải bày bằng ngôn ngữ phiền não – kiến chấp đạ̣o đoạn, mà bằng tri kiến im lặng – một lập trường phương tiệ̣n thiện xảo. Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn đạt được, mà là diễn bày một ngôn ngữ tuyệt đỉnh – một sự im lặng sấm sét bất khả tư nghị – mặc như tôi.

Qua kinh Duy Ma Cật, cho chúng ta thấy cư sĩ và tăng sĩ đều có chung một mục đích đại nguyện như nhau, cùng đi lên trên con đường trọng yếu là tiến đến giác ngộ – giải thoát hoàn toàn.

“Thoát khỏi thế gian không phải là xuống tóc, là dồn hết sức lực để phá tan sự đam mê của mọi chúng sinh. Không phải một mình tuân theo giới luật, nhưng chối bỏ sự đức độ trong thanh tịnh an lành. Không phải là thiền định trong sự yên lặng của rừng thẳm, nhưng ở lại trong cơn xoáy lốc của luân hổi, và dùng trí tuệ cùng những phương tiện thiện xảo để độ chúng sinh tràn đầy phật pháp” Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Vimalakirtinirdesa .

Tiếng gõ đồng hồ Tích – Tắc, Tích – Tắc mãi miết vang lên, cứ ngỡ rằng bất tận đến vô cùng. Nhưng thực tế, tính vô thường hiển hiện, sinh – diệt đang diễn ra từng sát na, có – không, còn – mất, được – thua, cụ thể – rõ ràng – như thật. Đó là quy luật, không tránh cải hay thay đổi được.

Đời sống con người mãi miết bập bềnh tuông theo dòng chảy. Trên mỗi dòng chảy cuộc đời không yên ắng tĩnh lặng như mặt hồ thu êm ả, mà cuồn cuộn – dậy sóng – chảy xiết, có quá nhiều khúc quành điên đảo và cũng còn có quá nhiều vũng xoáy não loạn làm cho đời sống bất an.

Cuộc đời không phải là nhung lụa ấm êm – bằng phẳng, trãi thảm – tung hô mời gọi nhân giả vào đời, mà ở cuối mỗi con đường, dẫy đầy nghiệt ngã, đang chờ đón thách thức từng bước chân khach lữ hành. Trên hành trình đi tìm lẽ sống, tha nhân cảm thấy lẻ loi – lạc loài – bất lực, mệt nhoài trước những trò chơi phóng tưởng của tạo hóa.

Con người được thăng hoa – hạnh phúc, hay khổ đau do hưởng nhờ vào NGHIỆP.
Nghiệp là kết quả tạo tác, là tài sản tích cóp – tạo nên trong hiện kiếp.

Nghiệp có: Nghiệp tốt – nghiệp xấu.

Nghiệp có tốt thì đời sống đẹp đẽ dễ chịu hơn. Nghiệp mà xấu thì đời sống dẫy đầy đau khổ nghìn trùng bủa quanh.

Nghiệp ! đeo đuổi đến suốt cả luân hồi.
Luân hồi là tái hiện lại sự sống của kiếp trước.

Muốn dứt nghiệp, giải thoát luân hồi, vượt ra vòng não loạn điên đảo, là mỗi tự thân chấm dứt tam nghiệp: Thân – Khẩu – Ý

– Thân, không hành động xấu – ác.
– Khấu, không nói những lời xấu – ác.
– Ý, không có những suy tưởng, mưu kế xấu – ác.

Có – không – còn – mất chỉ là một sự thay đổi hành dạng – trạng thái, từ cái này hình thành một cái khác, thực chất nó không biến mất đi đâu cả.

Đạo Phật là đạo nhân bản, con người có đủ năng lực để tự giải quyết lấy thân phận – đời sống của chính mình. Một việc xấu xảy ra, hay một việc tốt đưa đến, là do tự thân tạo nên từ trước đó. Đạo Phật không thừa nhận thuyết định mệnh, bởi vì không có bàn tay của Thượng đế vô tưởng nào áp đặt lên đời sống nhân sinh.

Con người luôn luôn cúi đầu trước áp lực nặng nề được gọi là “Nghiệp”. Nghiệp có ra do khởi niệm vô minh. Cái hạt giống đầu tiên đã nông nỗi vội vàng gieo vào lòng đời, gặp phải gió duyên tác động tạo nên dòng sống khổ.

Nhân – Duyên – Quả đây là quy luật biện chứng tất thảy, một quy trình khép kín hình thành muôn sự muôn vật. Và cũng từ Nhân – Duyên – Quả tác động lên nhau dẫn đến vong ngã, làm biến dạng – mất đi một vật thể. Sự mất đi của một sự vật, không phải là mất hẳn, hoặc vắng bặt bóng dáng của nó trong không – thời gian, mà nó được thay đổi – biến dạng từ một trạng thái này sang một dạng trạng thái khác.

Sinh – Trụ – Di – Diệt” hay “Thành – Trụ – Hoại – Không” là một trình tự được gắn liền song song với hoạt động nhân quả biện chứng.

“Cái này có thì cái kia có – cái này sinh thì cái kia sinh – cái này diệt thì cái kia diệt – sinh diệt tương tục không gián đoạn.”

Người xưa nói: Cái chớp cánh của một con bướm tại cửa ngọ môn Tử Cấm Thành – Bắc Kinh, có khả năng làm xao động cả Kim Tự Tháp – Ai Cập. Một cái vẫy đuôi bé nhỏ của một con cá cũng làm xung động cả một đại dương mênh mông. Một phúc khí dù nhỏ bé của một cá nhân cũng làm ảnh hưởng cả một tập thể to lớn – một vũ trụ bao la và ngược lại. Vũ trụ cũng dư thừa khả năng tác động lên đời sống sinh thể. Cũng như thế, một cá nhân xấu cũng làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh cộng đồng – xã hội. Mỗi gia đình – thôn xóm đều có đời sống thiện lành, thì quốc gia thanh bình. Từ giới lãnh đạo cho đến nhân dân đều có cuộc sống Chân – Thiện – Mỹ, thì đất nước thịnh trị – mưa hòa gió thuận, thiên tai – dịch bệnh không còn, biến cố không hề xảy ra.

“Nhất nhơn tác phước – thiên nhơn hưởng.
“Độc thọ hoa khai vạn thọ hương”
‘Một người làm phước – ngàn người được hưởng.
‘Một cây trổ hoa, ngàn người được thơm lây’.

“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
“Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”.
‘Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi.’

“Chư ác mạc tác,
“Chúng thiện phụng hành,
“Tự tịnh kỳ ý,
“Thị chư Phật giáo.”
‘Đừng làm các điều ác,
‘Các điều thiện nguyện làm,
‘Tự thanh tịnh ý mình,
‘Ấy lời chư Phật dạy.’

“Đã mang tiếng ở trong trời đất
“Phải có danh gì với núi sông”
– Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công Trứ –

Sĩ phu với tâm thế – cốt cách trượng phu, trải qua dòng đời nghiệt ngã vì cuộc mưu sinh, gầy dựng gia nghiệp – đạo nghiệp, có chí nguyện vị tha, vì tha nhân mà hi hiến phụng sự. Dẫu biết rằng, với thân thể còm cõi còn lại – một ít hơi tàn ngắn ngủi, vẫn miệt mài vun xới mảnh đất vườn tâm, làm kiếp con tằm cần mẫn thắt ruột nhả tơ, trao lại cho đời gia bảo quý giá trác tuyệt, lưu lại cùng trời đất sử xanh muôn thuở.

Mạnh dạn nhìn thẳng vào như thật duyên sinh: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, đây là dòng chảy tư tưởng đại thứ – là quy luật các pháp vô thường bất biến, ai ai rồi cũng nếm trải qua giấc mộng:

“Nhất thiết hữu vi pháp,
“Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
“Như lộ diệc như điện,
“Ưng tác như thị quán.”
‘Tất cả pháp hữu vi,
‘Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
‘Như sương, như chớp loé,
‘Hãy quán chiếu như thế.’
– Kinh Kim Cang –

Khi còn hơi thở là đời sống kéo dài. Những giây phút ít ỏi còn lại, phải sống sao cho xứng đáng – có ý nghĩa. Đến lúc tử thần gõ cửa, với dấu chấm hết tròn trịa, thì không hổ thẹn với lương tâm, thảnh thơi – nhẹ nhàng – an lạc – như “cánh nhạn quá từng không” – tự tại cất cánh ra đi như trút bỏ chiếc áo rách. Bởi vì từ khi vào đời, với hai bàn tay trắng, thì đâu có gì để mà vướng bận – nuối tiếc !

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
“Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
“Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
“Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
– Thiền sư Vạn Hạnh –

‘Thân như bóng chớp chiều tà
‘Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
‘Sá chi suy thịnh việc đời
‘Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.’
– HT.Mật Thể dịch –

Viêt xong:
Lam Nhã Thảo Am
PL: 2566 – cuối Đông – Nhâm Dần – 2022.