VỀ LẠI CỐ HƯƠNG

VỀ LẠI CỐ HƯƠNG

Tháng bảy – mùa Thu, mùa có từng đợt mưa phùn – mang theo những ngọn gió heo may – thổi bay những chiếc lá vàng rơi rơi phơi đầy sân cỏ. Tháng bảy – mùa Thu làm cho người ta hoài tưởng – ngậm ngùi nhớ về quê hương – nhớ nhiều về công đức sinh thành – dưỡng dục. Dù cho ai đó tha hương biệt xứ tận cuối chân mây. Hoài niệm – canh cánh hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có dòng sông lặng lờ – êm đềm bên lũy tre già – mãi miết chảy dài theo năm tháng, nơi có mái ấm thân yêu – nơi có người mẹ… Mẹ tôi có tên Trương Thị Tuất, pháp danh Bích Ngọc, sinh năm 1923. Mỗi lần về quê Ngoại, tôi nghe những người lớn tuổi nói lại, mẹ chúng tôi, thuở thiếu thời là hoa khôi trong làng. Sau khi ba tôi mất, mẹ thân cò tần tảo mua bán sớm hôm, chăm chút nuôi đàn con thơ dại. Mẹ bây giờ lưng còng – má tóp – tóc trắng giăng mây, cặm cụi bên bếp lửa hồng – cho sợi khói vươn cao vào mỗi buổi lam chiều. Bên bụi chuối sau hè – có chum nước rửa chân – để được sạch bụi đường xa bao nỗi nhọc nhằn vất vã mưu sinh.

“Ngày xưa môi mẹ thắm hồng
“Tóc còn xanh mướt ấm lòng trẻ thơ
“Bây giờ tóc mẹ bạc phơ
“Trán thêm nhăn nhúm con khờ lớn khôn”

Sau 1975, trên đoàn tàu tốc hành vào Nam, chúng tôi trở về lại quê nhà, gặp lại người bạn học thuở thiếu thời, cô có tên là Lê Thị Luông, pháp danh Nguyên Trầm, chúng tôi đều có cùng năm sinh (1950). Rời tuổi học trò, cô mở một tiệm may – là một thợ may chuyên nghiệp, có nhiều học trò theo học lành nghề. Cô xinh xắn – hiền thục – nền nếp, có mái tóc dài đen tuyền xỏa gần chấm gót chân, làm say đắm biết bao chàng trai làng, nhiều sĩ quan trẻ thời bấy giờ đeo đuổi trồng cây si. Năm 1977 chúng tôi kết duyên cùng nhau, lúc bấy giờ chúng tôi cùng chung 27 tuổi. Theo năm tháng thời gian cô hạ sinh được 3 người con, 2 trai – 1 gái:

– Người con đầu lòng: Phan Lê Nam Văn Thiên Chương, pháp danh Nguyên Minh, sinh năm 1979, Huynh trưởng cấp Tín GĐPTVN.

– Người con thứ 2: Phan Lê Nam Văn Thư Vương, pháp danh Nguyên Vũ, sinh năm 1980, Huynh trưởng cấp Tập GĐPTVN.

– Người con gái thứ ba: Phan Lê Nữ Thụy Nhã Thi, pháp danh Nguyên Thơ, sinh năm 1983, Đoàn sinh GĐPT, nghĩ sinh hoạt GĐPT phụ giúp mẹ buôn bán.

Sau khi kết hôn, vợ chúng tôi mở tiệm mua bán tạp hóa tại nhà. Nhờ bàn tay đảm đang mà các Phật sự – tham gia cùng Thầy Thiện Tâm, thường xuyên – bôn ba đi khắp các xã – các huyện thị trong tỉnh vận động Chư Tôn Đức Tăng Ni – Phật tử tái sinh hoạt Ban Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Bình Thuận. Và công tác sinh hoạt GĐPT, đều nhờ cô ân cần quan tâm – sẵn lòng rộng rãi tài trợ – chu toàn cho những chuyến đi xa.
Thầy Tịnh Thông thường ca ngợi: “Anh Nguyên Hoàng (pháp danh của tôi), đang lập hạnh Bồ tát, dấn thân làm công tác giáo dục GĐPT. Còn chị là một Bồ tát hạnh tại gia, nhiệt thành hộ trì Tam bảo – hy sinh hộ trì cho anh, nhờ chị mà anh hoàn thành phật sự”

Nền kinh tế đất nước lúc bấy gờ tụt hậu, đời sống dân sinh lầm than khốn khó cùng cực. Từ một giáo sư, chúng tôi tham gia hợp tác xã, tập tành cày – bừa ruộng, cấy lúa, gặt lúa, đập lúa để có điểm đổi thành chén cơm – manh áo (nghe bạn bè nói lại, còn có những giáo sư – tiến sĩ muốn tự do, phải lên rừng đốt than kiếm sống qua ngày, nhà tù cải tạo chật ních – phân biệt đối xử – khảo tra khốc liệt).

Từ một đời sống sung túc – đầy đủ tiện nghi, ra đường mỗi tấc đất là có xe đưa xe đón, ăn thì gạo trắng nước trong. Bây gờ thì ép lòng ăn cơm độn khoai – độn sắn – độn bo bo, tắm giặt thì bằng nước ngâm tro củi, muốn sang chảnh thì uống bia được chế biến từ nước tiểu, muốn xin việc – học tập thì phải nhẩn nhục câm nín chịu đựng chế độ xin cho – đối xử tệ bạc khắc nghiệt bằng lý lịch. Mua hàng hóa bằng tem phiếu với những món hàng bất như ý. Di chuyển đi đây đi đó – đi công tác – kiểm tra, phải có giấy ưu tiên, đi trên những chuyến xe đò chạy bằng than củi cọc cạch – ì ạch – mệt mỏi ròng rã suốt cả buổi – cả ngày trời mới đến nơi đến chốn ./-