Đời là một dòng chảy, có không – còn mất – sinh diệt đến vô cùng.
Bàu Thiêu (thuộc quận Hòa Đa – Tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ), đây là địa danh của một mật khu thời kháng chiến chống Pháp, nằm sâu trong rừng thẳm, tựa mình bên dãy Trường Sơn. Vào lúc nửa đêm, không giờ, ngày 25 tháng 5 năm 1950, giữa những tiếng gầm hống của chúa sơn lâm, tôi cất tiếng tu oa báo tin vào đời.
“Thảo nào khi mới chôn nhau
“Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”
– Ôn Như Hầu –
Tiếng khóc báo hiệu bước đi đầu tiên của một sinh linh bé nhỏ vào dòng sống khổ.
“Vừa sinh ra thì đà khóc chóe
“Trần có vui sao chẳng cười khì ?”
Sự ra đời của một sinh linh mơn mởn nhỏ bé làm chan chứa biết bao niềm hạnh phúc vỡ òa ngọt ngào của cha mẹ. Ngoài những giờ quy định sì sụp bên vú mẹ, tôi được các chú bộ đội chuyền tay nhau từ trại này qua trại khác. Tôi bụ bẫm – trắng hồng mơn mởn – xinh xắn – đễ thương được các chú gọi cưng bằng biệt danh “bé cục bột”.
“Nghĩ thân phù thế mà đau
“Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”
– Ôn Như Hầu –
Dòng đời tôi lớn lên ngụp lặn trãi dài trong biển khổ, hết chiến tranh Pháp – Nhật rồi nối tiếp nội chiến ý thức hệ – nồi da xáo thịt đau đớn đến tột cùng. Và cứ mãi miết như thế, kiếp nhân sinh ngụp lăn triền miên trong biển trần ai, thay đổi liên tục từ hiện tượng bên ngoài đến trải nghiệm suy tư Tứ thánh đế tìm ra ý nghĩa phong cách sống bên trong, nó liên kết tác động lên nhau cấu thành một hành trình đi tìm hướng sống vươn lên, tạo nên động lực lý giải bốn chơn lý giải thoát ra khỏi bản chất “khổ” nghiệp quả luân hồi.
“Bể khổ mênh mông sóng ngập trời
“Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi !
“Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
“Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi !”
– Đoàn Như Khuê –
“Tạc nhật xoa tâm,
“Kim triêu Bồ tát diện.
“Bồ tát dữ Dạ xoa,
“Bất cách nhất điểu tuyển.”
‘Hôm qua lòng Dạ xoa,
‘Sáng nay mặt Bồ tát.
‘Bồ tát và Dạ xoa,
‘Chẳng cách một kẻ tóc.’
– Tục Truyền Đăng, quyển 31 –
Dạ xoa hay Bồ tát, hung ác hay từ bi cũng từ tâm mà hiển hiện. Không vọng tưởng tìm kiếm lang thang, thức tỉnh “hồi đầu bỉ ngạn”, quay trở về với bản tâm thanh tịnh chính mình, là bến bờ nương tựa, không phải hổ thẹn mai sau.
“Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm,
“Khước bối vô sanh thọ hữu sanh.
“Tỷ trước chư hương thiệt tham vị,
“Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thinh.
“Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
“Nhật viễn gia hương vạn lý trình.”
‘Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
‘Liền trái không sanh nhận có sanh.
‘Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
‘Mắt mờ chúng sắc, tai đuổi thinh,
‘Lang thang làm khách phong trần mãi,
‘Ngày cách quê hương muôn dặm trình.’
– Trần Thái Tông –
Đang sống trong vô niệm, vọng tâm khởi niệm vô minh, liền rơi vào hữu niệm, rơi vào sanh tử, mê mãi buông mất bản tâm, lang thang trong sáu trần, xa rời “thể vô sanh” đáng thương cho chính mình.
“Phá trừ phiền não trùng tăng bệnh,
“Thú hướng chân như tổng thị tà.
“Tùy thuận chúng duyên vô quái ngại,
“Niết bàn sanh tử đẳng không hoa.”
‘Phá trừ phiền não càng thêm bệnh,
‘Tìm đến chân như cũng là tà.
‘Tùy thuận các duyên không quái ngại,
‘Niết bàn sanh tử thảy không hoa.’
– Tú tài Trương Chuyết –
Còn thấy có phiền não – có đến chân như, tức là là còn nhị nguyên – là tâm chưa bất nhị “không hai”, là chưa thấy được đạo “chân tâm” “thấy tánh”.
“Các ông phải chân thật trong mọi việc, không có gì chân thật trong đời mà không chân thật trong Phật pháp, và không có gì không chân thật trong Phật pháp, lại chân thật trong đời.”
– Thiền sư Thiên Quế –