Sơ Tâm Tu Phật
Khi mới bước chân vào đạo, với tấm lòng nhiệt thành, thiết tha mong muốn tu học Phật pháp khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Như một tờ giấy trắng trinh nguyên, tiếp xúc Phật pháp – thấm đẫm mùi thiền.
Nhưng thời gian trôi qua, thối tâm chuyển đổi. Cho nên có câu:
“Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật”.
Ngày đầu đến chùa tín tâm tu theo Phật, nhưng càng về sau sanh tâm giải đãi, thì thấy Phật xa đầu! Điều đáng buồn, lẽ ra, nên tinh tấn thực tập tu học để thăng tiến:
“Bền tu như lấy lửa cọ cây”.
Còn nếu giải đãi tu tập, không thấy tiến bộ, không ngộ Phật tri kiến, thì nên bỏ công đi tìm minh sư khác, hay pháp môn tu khác phù hợp với khả năng của mình. Đằng này, lại trở nên nghi ngờ Tam bảo, nghi ngờ luôn cả bản thân, xem thường chuyện tu học. Cuối cùng, trở thành một kẻ Nhất-xiển-đề, một tên bá ngọ tội đồ phá đạo!
Nhất-xiển-đề, Phạn ngữ: Icchantika, là một khái niệm nói về một hạng người đặc biệt nguy hiểm trong đạo Phật, hạng người này luôn luôn tồn tại háo danh – thỏa mãn tham vọng ngông cuồng.
Theo dịch nghĩa chữ Hán:
Nhất-xiển-đề là bất tin hay tin bất cụ, là kẻ ác tâm – là người cực ác – là kẻ làm việc tội lỗi mà chẳng biết hổ thẹn – chẳng chịu hối cải, không tin luân hồi – nhơn quả – kẻ chẳng gần với thiện hữu tri thức, là người dứt tất cả các căn bổn lành, lòng không dính dấp với pháp lành. Không nảy sanh tư tưởng lành – không có lòng tin vào Tam bảo, vào lý nhân quả – duyên sinh – nghiệp báo. Trong Kinh Niết Bàn có dạy:
“Người phạm tội Nhất xiển, là người dứt tất cả các căn bổn lành, lòng không dính dấp với một pháp lành, cho đến không hề nảy sanh một tư tưởng lành.
“Những kẻ Nhất-xiển-đề dầu có Phật tánh nhưng cái Phật tánh đó bị vô lượng tội cấu bao bọc chung quanh cho nên nó chẳng xuất hiện ra được tỷ như con tằm bị bao bởi cái kén. Bởi nghiệp duyên của họ chẳng phát sanh được cái bồ đề diệu nhơn, họ lưu chuyển mãi trong bể sanh tử chẳng bao giời dứt.
“Tỷ như có người bệnh kia dầu gặp thầy giỏi, thuốc hay, dầu được kẻ chăm sóc, chăm nom cũng chẳng hết bệnh. Mà dầu chẳng gặp thầy gặp thuốc, chẳng được chăm sóc bệnh nhơn cũng chẳng dứt. Kẻ Nhất-xiển-đề cũng như vậy, dẫu gặp thiện hữu tri thức – Bồ tát – chư Phật và nghe được diệu pháp, hay dầu chẳng gặp họ cũng chẳng hề phát tâm tu hành để cầu thành Phật đạo”.
Trong kinh Tăng chi (chương Ba pháp, phẩm Ba hạng người), hạng người gọi là “không hy vọng”, được mô tả như sau:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, những hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, chứa đầy tham dục, tánh tình bất tịnh”.
Cũng theo kinh Tăng chi (chương Bốn pháp, phẩm Kesi), Đức Phật mô tả hạng người này như sau:
“Bị giết hại, này Kesi, là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới”.
Rõ ràng, họ không còn coi trọng giới luật, nên không còn xứng đáng được thọ giới. Và tất nhiên, họ cũng chẳng màng đến chuyện họ có được xem là Phật tử hay không!
Theo kinh Đại bát Niết-bàn (quyển 1):
“Nhất-xiển-đề là kẻ dứt tuyệt gốc rễ của mọi điều lành, lòng không nương theo bất cứ pháp lành nào, thậm chí chẳng sanh được một niệm lành”. Làm người, ai cũng từng có lỗi lầm. Nên Phật có nói về hai hạng người tốt:
- Một là người chưa bao giờ lầm lỗi.
- Hai là người có lỗi mà biết ăn năn, hối quá, sửa sai.
Kẻ gọi là Nhất-xiển-đề đã không còn biết tàm, biết quý. Họ đã trở thành một chuyên gia lừa đảo (con artist), không sợ nhân quả – không tin chánh đạo, chỉ hám danh – nghĩ đến lợi lạc cho riêng mình, dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng danh nghĩa Phật pháp để cầu danh – mưu lợi cá nhân.
Dù có hám danh, như ngài Cầu Danh Bồ-tát (tiền thân Phật Di Lặc) được mô tả trong kinh Pháp Hoa. Nhưng biết hổ thẹn – sợ nhân quả, vẫn có cơ hội tu tập giải thoát. Đây là điểm chính yếu mà Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ (kinh số 27):
“Phật lấy hình ảnh người thợ rừng theo dấu một con voi lớn, để giải thích làm cách nào đệ tử đạtđến sự xác tín hoàn toàn đối với chân lý Ngài dạy” (Ni sư Trí Hải dịch).
Tu tập thành tựu theo những điều Phật dạy: Như gã thợ rừng theo dấu chân voi. Là mục đích tối hậu mà Đức Phật muốn truyền trao giáo pháp.
Có nhiều mẩu chuyện rất cụ thể trong đời thường để chúng ta rút ra kinh nghiệm:
Câu chuyện về một nhà tâm lý dạy cách nào để có hạnh phúc, nhưng chính ông ta, khi bị hỏi, ông rất lúng túng vì đời sống của ông ít khi có hạnh phúc.
Hay, một vị sư, có một người đệ tử, nhờ sư khuyên bảo con của người này bỏ hút thuốc, nghiện rượu… Nhưng oái oăm thay chính vị sư kia cũng đang hút thuốc và uống rượu.
Hoặc, một bác sĩ chuyên trị bệnh cho bệnh nhân. Nhưng bản thân thì thường xuyên mệt mỏi, hay đau yếu v.v…
Trên đây là những trường hợp điển hình cụ thể đang xảy ra nhan nhản giữa đời thường. Người tu Phật phải tỉnh táo – thận trọng – biết ứng dụng lời Phật dạy, giữ vững tâm Bồ-đề, không để bị rạn nứt — thối chuyển.
Giác Ngộ online ngày 29-5-2017 đã nêu lên ‘Ba nhóm vấn nạn tiêu biểu’ hiện đang xảy ra nơi các tự viện – chùa chiền:
- Nặng về khuynh hướng cầu danh – tư hữu cá nhân, phát triển cơ sở vật chất, chùa to – Phật lón.
- Không có khả năng quản trị ngôi đạo tràng. Có xu hướng tà mạng, cúng kính linh đình thiên về tha lực ngoại giới.
- Lạm dụng các tiện ích công nghệ thông tin để xiển dương bản ngã tà kiến – biên kiến – kiến thủ.
Đây là những tín hiệu cho thấy, khuynh hướng Nhất-xiển-đề nguy hiểm, đang bành trướng lan rộng ngày càng mạnh trong Phật môn.
Theo: PHDS của Ni sư Đức Trí và Nhất xiển đề – Sơ Tâm của Thiện Ý.