Tiếng hót của con chim sẻ
Con chim sẻ giữa vườn xanh. Thời gian trôi nhanh, nó nhìn lại vóc dáng, mỗi ngày thêm lớn, không còn thơ ngây như thuở nào, cái ngày mà tóc còn để chỏm, áo quần lôi thôi lếch thếch, nói năng ngọng nghịu, nũng nịu vòi vĩnh mẹ cha. Chim sẻ cảm thấy bây giờ nó đã trưởng thành, mái tóc mượt mà óng ả, quần áo chải chuốt phẳng phiu – chỉnh chu.
Nó cảm thấy mình thật sự đã lớn khôn. Nó cất cao tiếng hót, khoe mẽ ríu ra ríu rít, nó muốn tiếng hót của mình sắc nhọn vút cao, thật vang xa, lấn át tất cả mọi âm thanh ô trọc chung quanh.
Nó nghiêng nghiểng cái đầu, ánh mắt lúng liếng nhìn xa ngoài kia. Rừng cây bát ngát, bầu trời trong xanh, ánh nắng chói chang. Không gian chung quanh cứ mãi theo từng ánh mắt kéo dài trãi rộng, mênh mông bát ngát.
Nó bất chợt cảm thấy mình lớn khôn hơn, hiểu biết tất cả. Không như ai kia, bộ óc hẹp hòi bó chặt ru rú, quanh quất với núi rừng thâm u tịch mịch – lạc hậu, không thấy được bầu trời trải rộng, đâu là ánh sáng chói chang tỏa ngát thênh thang.
Chim sẻ chợt vùng lên, tung đôi cánh bo tròn hướng ra khoảng trời trong xanh ngát. Bất chợt đập mình vào khoảng không, bật ngửa rơi mình xuống sàn, đau đớn thu mình rụt cổ. Nó hoảng hốt nhìn lại, thì ra nó đang còn ở trong lồng kính, nó chưa thực sự tự vươn mình thoát ra, mà từ lâu nó đã tự đánh lừa lầm nhận sự còn non kém khờ khạo của chính mình.
Khoảng trời xanh trong vắt ngoài kia, lúc bấy giờ chưa đến lúc, chưa phải thực sự là của nó.
Nó nhìn lại chính mình, cái bệnh ham làm thầy đời hiu hiu tự đắc, cái bệnh thà làm đầu con gà hơn là làm đít con trâu, đã cho nó nếm trải trái đắng đau lòng. Tiếng hót của con chim sẻ vẫn chỉ là của loài chim sẻ sằn sặt lè tè bé xíu nhẹ tênh, khờ khạo, chỉ biết tự vỗ béo, chưa phải là tiếng hót hòa điệu, biết chối từ ngã ái, tự gát mình qua một bên, biết trãi lòng vị tha hướng về phía trước của loài chim Họa Mi – Sơn Ca – Khổng Tước – Ca Lăng Tầng Già.
Bởi vì thiểu trí, mê vọng ôm ấp cái ngã ái không hư vô tưởng: Điều ta nghĩ luôn luôn là đúng, việc ta làm luôn luôn là hay. Xa kia, Tào Tháo, một tên gian hùng vẫn nghĩ mình thế thiên hành đạo. để rồi trái bom nguyên tử bùng nổ giữa Hiroshima, gieo thảm họa cho hàng loạt con người, cũng chỉ vì nghĩ là làm một việc nhân đạo, “Sát nhất miêu cứu vạn thử”, để cho chim sẻ mãi hoài quằn quại xót xa – phóng khí tách rời tha nhân, tự đánh mất lòng nhiệt thành hăng hái thuở nào, ngậm ngùi khép mình co ro trong tự kỷ cô liêu.
Cái tâm sự :
“Cả đời đục cả, một mình ta trong
“Mọi người say cả, một mình ta tỉnh”
Đã đẩy Khuất Nguyên vào lòng sông Mịch la, trầm mình lạnh giá
Tại sao không như lão ngư ông, có cái nhìn nhân sinh hoà quang đồng trần:
“Sông Tương nước chảy trong veo.
“Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.
“Sông Tương nước đục phù sa
“Thì ta lội xuống để mà rửa chân”
“Thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất” – Kinh Pháp Cú
Chế ngự sự phẫn giận là một công phu tu tập mạnh mẽ, là sức hàm dưỡng chịu đựng không phải tầm thường. Người thực hành pháp kham nhẫn không phải là người yếu đuối.
Chung quanh ta biết bao điều bất như ý, hà cớ gì phải vướng bận đa mang. Nếu có sức kham nhẫn thì phiền não được lắng dịu, an vui tự tại được nẩy sinh.
“Một đóm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả một cánh rừng”, một thái độ bốc đồng nóng giận có thể thiêu đốt cả công đức mà đã bao nhiêu năm sống hạnh thiện pháp mới tích góp đươc.
Giữ không vô minh nóng giận là bảo toàn đức tính tốt vẹn toàn
Nhẫn có ba loại:
1. Một là nhẫn với người:
Nghe lời nói trái tai dèm xiểm công kích, bị xúc phạm đánh đập mà nhẫn nhịn cho qua, không hờn giận trách móc, thì đó là tu nhẫn.
Kinh A-hàm Phật dạy:
Ngài Phú Lâu Na xin đức Phật về phương Bắc giáo hóa, Đức Phật hỏi:
- Này Phú Lâu Na, người phương Bắc hung hăng lắm, nếu ông về đó giáo hóa, họ sẽ chửi mắng ông, ông nghĩ thế nào ?
- Bạch Thế Tôn, nếu họ chửi mắng con, con nghĩ họ cũng còn lương thiện vì chưa đánh đập con.
- Giả như họ đánh đập ông, thì ông nghĩ thế nào ?
- Bạch Thế Tôn, nếu họ đánh đập con, con nghĩ họ cũng còn . lương thiện, vì chưa giết con chết.
- Nếu họ giết ông chết thì ông nghĩ thế nào ?
- Bạch Thế Tôn, nếu họ giết con chết, thì họ là người ơn của con, vì nhờ họ mà con bỏ được cái thân tứ đại hôi thối này.
- Được, như vậy thì ông nên đến đó giáo hóa.
2. Hai là nhẫn với mình:
Nhẫn với mình là hạnh khó làm. Nhẫn với sự đau đớn, bệnh hoạn, nhẫn với sự đòi hỏi hưởng thụ̣: Ăn ngon, mặc đẹp, nhu cẩu thị hiếu, thỏa mãn khát vọng…
Người biết thực hành hạnh kham nhẫn là biết tiết chế, dừng lại đúng lúc, không buông lung thả trôi dục vọng.
3. Nhẫn với hoàn cảnh, thời tiết:
Thời tiết bất thường là do nghiệp chiêu cảm.
Hoàn cảnh chung quanh thuận hay nghịch, bằng lòng hay không vừa ý, là do cộng nghiệp tùy hiện.
Người thức giả đại trí không nên tự tả oán thân phận, mà phải biết ứng dụng tùy thuận cương – nhu, phải thẩm thấu cái thân phận lau sậy hèn mọn hữu hạn trước cái mênh mông vô tận của vũ trụ bao la.
“Vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến”, lấy cái thân phận hèn kém mà đọ sức với guồng máy to lớn như thường, liệu có làm nên !
Phải biết mặc áo kham nhẫn, là “Mặc áo Như Lai để vào nhà Như Lai”, mới là người thức giả tự chiến thắng chính mình ./-