TƯ DUY NGÀY THÀNH ĐẠO
– Phan Văn Huy Tâm –
Nếu không có sự giác ngộ của Đức Phật, thì không có sự hiện diện của Đạo Phật. Con người lịch sử ấy đã đi vào lòng nhân loại với một kho tàng tinh hoa tư tưởng bát ngát, đong đầy tinh thần từ bi – vị tha – vô ngã bất diệt, làm xua tan rào chắn bất công, khai phóng ý thức hệ vô minh, nô lệ đặc quyền, đáp ứng vẹn thỏa mọi nhu cầu bức thiết trong đời sống xã hội. Bằng một phong cách tĩnh tại.
Đạo Phật đi đến đâu thì kiến tạo hòa bình đến đó, mỗi bước đi của Đạo Phật chưa bao giờ nhuộm máu thương đau, làm tổn thương đồng loại. Âm hưởng của Đạo Phật bàng bạc, tồn tại mãi mãi giữa cõi đời này bất biến đến muôn sau.
Đối diện trước thực tại khổ dau mà chúng sinh phải hứng chịu. Bốn nỗi khổ lớn: Sinh – lão – bệnh – tử, luôn luôn đè nặng lên kiếp nhân sinh. Với tình thương bao la, với chí nguyện đại hùng – đại lực, biến khổ đau thành hành động thực tiễn, xác định lí tưởng phụng sự, lấy tha nhân làm đối tượng giác ngộ. Thái tử Tất Đạt Đa mạnh dạn xả bỏ nếp sống phù du mong manh, là vật ngoại thân, vượt dòng A Nô Ma, lên đường giải thoát
Sinh – tử được chi phối bởi nghiệp lực, hình thành nhân quả, chịu sự quán tính luân hồi. Giải thoát là vượt qua, là ý chí thù thắng, quyết định vươn lên vòng xoáy quy luật quán tính.
Nghiệp, được cấu thành bởi lời nói và hành vi tạo tác. Do lời nói – hành vi nhất định mà hình thành nhân quả tốt xấu, tác động lên tái sinh, dẫn dắt đi suốt sáu cõi luân hồi. Muốn vượt thoát vươn lên quy luật luân hồi, là phải quyết định dứt nghiệp.
Bên dòng Ni Liên Thuyền, với chí nguyện sâu sắc:
“Nếu không thành đạo, dù thịt nát xương tan, quyết không rời cội Bồ Đề”
Phía sau sự thành công lúc nào cũng lưu lại những vết tích tàn phá thương đau. Sự Thành Đạo của Đức Phật, không phải được dễ dàng thăng hoa. Trên hành trình năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh và suốt bốn mươi chín ngày đêm hành thiền, Đức Phật nếm trãi biết bao nghiệt ngã, dẫy đầy cam go thử thách, lắm lúc ngỡ rằng gục ngã trước khổ đau. Bằng cả một quá trình công hạnh, với đạo lực kiên cường, bằng năng lực từ bi, bằng đỉnh cao trí tuệ bát nhã, Đức Phật tĩnh tại nhận thức, nguyên nhân của sinh tử là phiền não.
Sự sống không thật có, được hiển bày bởi hiện tượng duyên khởi, do vận hành của nhân duyên mà sinh và cũng do nhân duyên mà diệt, vô thủy vô chung, không từ đâu đến và rồi cũng không đi về đâu. Trong nhân có quả, trong quả có nhân, nối tiếp không dừng, chỉ vì động dụng vô minh mà có sinh có diệt. Nhận chân được thực tướng năm uẩn vô ngã, trong phiền não có Bồ đề, niệm trước là vô minh tác ý não loạn, niệm sau là giác ngộ giải thoát, Đức Phật đã diệt tận lâu hoặc, vô úy vượt qua – chứng ngộ – thành toàn đạo nghiệp cao cả.
Bằng tuệ giác thực chứng, với bản hoài tự giác viên mãn, khi ánh sao mai vằng vặc xuất hiện trên bầu trời xanh trong vắt, rời gốc Bồ đề, Đức Phật tuyên bố:
“Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”
Đã khẳng định: Tất cả chúng sinh đều có quyền bình đẳng như nhau, đều có thể tinh tấn để đạt đến quả vị giác ngộ thành Phật.
Đức Phật là một người bình thường như những người bình thường khác, cũng thân mạng do tứ đại hợp thành, cũng đói ăn – khác uống, cũng sử dụng cùng ngôn ngữ xã hội, cũng chi phối bởi quy luật vô thường.
Nhưng Đức Phật là một bậc phi thường – kỳ vĩ. Đức Phật đã đại hùng – đại lực vượt lên trên đời sống ngũ dục, luôn luôn ưu tư khắc khoải hướng đến chân lý siêu việt. Với tuệ giác vô lậu, đoạn tận gốc rễ vô minh phiền não, thâu suốt pháp tánh duyên khởi, phát Bồ Đề Tâm, thực hành sáu pháp Ba La Mật, nhiêu ích quần sinh, thành tựu vô thượng chánh đẳng – chánh giác.
Sự thành đạo của Đức Phật đã soi rọi một cái nhìn mới – một tư duy mới. Mọi hiện hữu đều dung thông với nhau. Ảo vọng cho sự tồn tại của cá thể tự tôn – độc lập, chỉ là ảo tưởng điên đảo, được khởi lên bởi vọng tưởng vị kỷ – ngạo mạn mù quáng. Những cái nhìn cục bộ phiến diện do nhận thức vụng dại sai lầm ấu trỉ từ bản ngã biến động phàm tục, đã đẩy nhân loại chênh vên bên hầm lửa tự hủy diệt.
Tư duy mới không thiết lập trên bản chất hữu ngã, mà hình thành trên tự tánh chứng nghiệm vô ngã. Không phục vụ cho bản ngã cá thể, mà nhằm mục đích hiển thị lợi ích cho toàn thể, thành tựu nhiêu ích cho vạn hữu, và sự tồn tại dòng sinh mệnh.
Hãy giải thoát cho nhau những ràng buộc của tham sân si – cố chấp – tà kiến. Hãy mở cho nhau những ràng buộc mù mờ vô lối, những qui ước phàm tục. Hãy hiến tặng cho nhau những tự do – nhân chủ căn bản. Từ đó cùng nhau thực tập bước tới quả vị giác ngộ hoàn toàn, đem lại lợi lạc cho nhân quần xã hội.
Đức Phật đã hiện hữu sống động thực tế, quên mình vì người, viên mãn hạnh nguyện độ sinh. Mặc dù Đức Phật an trú Niết bàn tịch tịnh cách nay 2561 năm, nhưng suối nguồn tuệ giác vi diệu luôn luôn tuông chảy ngọt ngào trong hàng triệu con tim dạt dào phật chất, hướng tới thường – lạc – ngã – tịnh ./-