Thân Cận Xứ

Thân Cận Xứ

Trong sinh hoạt GĐPT, chúng tôi được phân công làm công tác Lãnh đạo. Chúng tôi được tổ chức điều động trãi qua 4 đơn vị GĐPT – 4 ngôi Chùa.

Trong những thập niên 80 – ảnh hưởng một thời bao cấp lạc hậu – tối tăm – tồi tệ!

Chúng tôi đến đây, phố núi thưa thớt đìu hiu, cư dân nghèo nàn cơ cực. Với chiếc xe đạp cọc cạch chạy quanh khắp các ngã phố. Được người dân ở đây hướng dẫn, chúng tôi tìm đến, Chùa chỉ còn là một kho bãi. Tìm hiểu những vị cao niên, được cho biết:

Kể từ sau 1975, chùa không còn bóng dáng Tăng Già – người dân âu lo không dám đến Chùa. Nhà nước địa phương chiếm dụng, ngôi Chùa trở thành kho chứa hàng hợp tác xã mua bán.

Sau nhiều lần tới lui thăm viếng, vận động – động viên bà con địa phương xin lại ngôi tín ngưỡng. Trãi qua một thời gian dài nhọc nhằn – gian nan, cuối cùng cũng được toại nguyện.
Sau nhiều ngày thui thủi – tích cực dọn dẹp vệ sinh – lau sạch tượng Phật – hương trầm xông ngát – tiếng chuông chùa lại được ngân nga đầm ấm, như giục giã lòng người tục lụy, quên đi hư vinh, mau chóng quay về bờ giác.

Dưới ngọn đèn dầu tù mù – leo loét, tiếng chuông – tiếng mõ – tiếng kinh trầm lặng – lẽ loi – đơn độc, ê a gọi thức bao đêm. Rồi dần hồi cũng rung động – cảm ứng lòng người. Ban đầu là những trẻ em hiếu kỳ, rồi đến những người lớn tuổi. Được động viên – được phân tích nhân quả – thiện ác – tội phước, ai nấy đều hẹn nhau, hằng đêm về chùa lễ Phật – tịnh độ cầu kinh. Sau thời kinh, chúng tôi quây quần bên tách trà xanh đàm đạo – trao đổi Phật pháp, lâu dần thành nề nếp, không đêm nào thiếu vắng được. Những đêm thứ Bảy – Chủ Nhật, sau thời kinh tịnh độ, chúng tôi tập hợp các em lại, tập cho các em những bài hát sinh hoạt, kể cho các em nghe những mẫu chuyện đạo và sinh hoạt vài trò chơi nhỏ. Nhiều Bác đạo hữu thấy vui, cũng thích thú hòa mình tham gia.

Sau đại lễ Vu Lan Báo Hiếu được tổ chức hoành tráng, chúng tôi tập họp các em – tay trong tay, hát lại bài ca:

“Chúng ta là chim bốn phương bay về đây…

“Đây gia đình cùng nhau chung thân ái…”.

Để rồi năm sau, mùa Phật Đản về. Trước ngày Đại Lễ, chúng tôi mời quý Bác đạo hữu có uy tín trong làng, hình thành Ban Hộ Tự, thống nhất cử chúng tôi làm thư ký. Và tập hợp những Huynh trưởng – Đoàn sinh trước năm 75 có tham gia sinh hoạt GĐPT, hình thành Ban Huynh Trưởng, thống nhất cử chúng tôi làm Liên Đoàn Trưởng (mặc dù lúc bấy giờ chúng tôi chưa qua bậc tu học nào – chưa qua trại huấn luyện nào và dĩ nhiên là cũng chưa có có cấp). Chúng tôi vận động các nhà hảo tâm tài trợ, cùng nhau thực hiện vườn Lâm Tỳ Ni – trang trí Lễ Đài rực rỡ. Tổ chức may cờ GĐPT – may áo lam. Gấp rút thực hiện một chương trình văn nghệ hoành tráng.

Trong ngày Đại Lễ Phật Đản Sinh – ngày trọng đại ra mắt GĐPT, trong niềm hoan hỷ vô biên, tất cả chúng tôi, gần 60 anh – chị – em đều đồng phục tề chỉnh, lá cờ nền xanh – Hoa sen trắng tung lượn phất phới. Một buổi lễ Đoàn được chính thức cử hành trang trọng trong xúc động tràn trề – nghẹn ngào nước mắt. GĐPT gần 20 năm bị chựng lại, giờ đây được tái sinh hoạt! Từ đó, chúng tôi đưa màu Áo Lam đi khắp các Chùa – đến các địa phương sinh hoạt – vận động tái sinh hoạt lại các đơn vị GĐPT.

Có lẽ các Anh – các Chị, trong mỗi chúng ta, ai nấy đều nhớ lại cái thuở ban đầu ấy!… Ai mà không ngậm ngùi rơi nước mắt khi nhìn thấy lại màu cờ – sắc áo thân thương, cứ ngỡ rằng đã bị vùi dập mai một với thời gian mưa sa – bảo táp. Trong khó khăn là vậy, ai nấy cũng ẩn nhẫn dùi mài ý chí, tự giác vận động tự thân vươn lên dưới mọi hình thức, để cho mầu cờ – sắc áo kỳ vĩ được sống mãi. Thế là chúng ta đã được sống – tự sinh – tự tồn…
Nhưng hôm nay thì sao ?

Một dấu hỏi to lớn đang được đặt ra, một công án thách đố ý chí mỗi Huynh trưởng – Đoàn sinh GĐPTVN!

Chúng ta đang đối mặt trước vô vàn khó khăn (lòng người tráo trở – khúc mắc), một thách thức lớn trước thời cuộc, một sa bàn của một trò chơi lớn đang được mở ra trước mắt, đòi hỏi mỗi tự thân phải có đủ năng lực huyền nhiệm, để kiến giải – chuyển hóa – định hướng đường về ?!…

Sau năm 1986, nhà nước VN mở cửa, mở rộng tầm mắt nhìn ra thế giới bên ngoài – kinh tế tư sản dần hồi phục hồi – phát triển.

Trong giai đoạn mở rộng lộ giới, mặt tiền Chùa bị thu hẹp. Chúng tôi tư vấn, Ban Hộ Tự và đồng bào Phật tử địa phương nhất trí ủng hộ, đất Chùa được chia lô – sang nhượng lại. Nhờ nguồn tài chánh này, chúng tôi chọn mua một đồi cây bên ngoài khu dân cư và tiến hành xây dựng Chùa mới. Ai nấy đều than thở: Chùa nằm giữa khu phố – đông dân cư, còn ít người lui tới, bây giờ dời Chùa xa khu dân cư, lại ở trên đồi cao, không biết có còn ai đến Chùa ? Chúng tôi hết lòng – tùy duyên trấn an, mọi người ai nấy phần nào nguôi ngoai.

Đến ngày khởi công, GĐPT nhận nhiệm vụ san mặt bằng – đào móng – mở đường – trồng cây tạo cảnh quang. Chúng tôi và Ban Hộ Tự chia nhau đi khắp các thôn – xóm, vận động đồng bào Phật tử, chia thành nhiều đội – nhiều tổ – xoay vòng – tham gia – nhiệt tình công quả. Gần một năm nhọc nhằn – gian khổ trôi qua, ngôi Chùa dần hồi được hình thành – trang nghiêm – thanh tĩnh – đẹp đẽ.

Có lẽ như là duyên định. Sau khi xây dựng Chùa xong, chánh quyền địa phương quy hoạch: Một một công viên – một ngôi chợ mới được mọc ngay dưới chân đồi – phố thị mở ra rộng rãi – đường xá thênh thang – dân cư đông đúc – nhà cửa mọc lên như nấm bao quanh chân đồi. Chúng tôi thường hay nói vui với nhau: Chùa tuy xa mà gần – tuy động mà tịnh. Vì chùa thì ở trên đồi, núp mình dưới những tán lá cây xanh yên tĩnh, còn chợ và khu dân cư tấp nập – náo nhiệt thì ở dưới chân đồi.

Được Thầy Chánh Đại Diện thị hội (lúc bấy giờ cấp huyện – thị chưa có danh hiệu Ban Trị Sự) giới thiệu 1 Thầy thanh tu ẩn cư. Sau 3 lần phái đoàn chúng tôi đến tư am đảnh lễ – thiết tha – thành tâm cung thỉnh, Thầy mới nhận lời – chấp thuận về Trụ trì.

Thực hiện mô hình cơ cấu tổ chức GHPGVNTN. Sau khi trình bày – thỉnh ý, được Thầy thống nhất. Chúng tôi tập họp quý đạo hữu có uy tín, đại diện các thôn – xóm, hình thành các Chúng – Vức cư sĩ Phật tử theo từng khu phố – mỗi khu dân cư. Hưởng ứng cuộc vận động, nhận thấy quyền lợi thích đáng khi tham gia Đạo tràng. Đồng bào Phật tử truyền tai nhau: Nếu không vào Đạo tràng – không về chùa, khi gia đình riêng gặp hữu sự, thì không ai quan tâm – không đến tương trợ – không được giúp đỡ. Thế là, ngoại trừ người theo đạo Thiên Chúa Giáo. Từ những hộ gia đình đã quy y cho đến những hộ gia đình chưa quy y – chưa từng đến Chùa, ai nấy đều lũ lượt – tấp nập đổ dồn về Chùa – nhiệt thành đăng ký tham gia Đạo tràng – Tham gia các Lễ Quy Y. Kể từ đó, những đêm tịnh độ không dưới trăm Phật tử. Chưa nói đến các ngày lễ trọng, chỉ nói đến các ngày Lễ Sám Hối hàng tháng, đồng bào Phật tử về Chùa đông đảo – nườm nượp, chánh điện lớn như vậy mà không đủ sức chứa, phải đứng tràn ra ngoài sân – chung quanh Chùa, hàng hàng lớp lớp nghiêm trang chấp tay – hướng về Đại Hùng Bảo Điện – tâm thành – niệm kinh – làm lễ.

Chúng – Vức nhiều, Đạo tràng đông đảo thì GĐPT cũng khởi sắc. Số lượng Đoàn sinh tham gia sinh hoạt bình thường hàng tuần lên trên 500 – những ngày lễ – ngày trại thì tập trung quá tải. Nhờ đất vườn chung quanh Chùa rộng rãi – thoáng mát, được chia thành nhiều khu vực cho mỗi Đoàn. Lều trại – cổng trại từng Đàn – Đội – Chúng (Nam – Nữ riêng biệt), được dựng dưới những tàng cây rợp mát, cờ xí – đèn hoa giăng đầy – trang trí rực rỡ như từng khu phố thu hẹp, làm khởi sắc – huy hoàng ngày lễ. Những buổi chiều Chủ Nhật sinh hoạt – hoặc các ngày trại lễ, GĐPT đều được quý Cô – Bác đạo hữu thương yêu – ưu ái dành cho bánh trái – những thùng nước chanh – tắc – hoặc sắn dây giải khát và tổ chức những buổi cơm chay đầy đủ – suốt thời gian GĐPT ở lại Chùa.

Huynh trưởng – Đoàn sinh GĐPT, ai nấy đều xem Chùa là ngôi nhà thứ 2 – là mái ấm thân yêu của mình, hằng ngày, không hẹn mà lên, ai nấy đều dành thời gian rảnh rỗi lên Chùa công quả, chia nhau dọn dẹp vệ sinh, xới đất trồng rau, tưới cây, chăm sóc vườn hoa – cây cảnh, trồng thêm cây xanh.

Sau khi ổn định cơ cấu tổ chức, chúng tôi tư vấn, được Thầy đồng ý. Dưới sự hướng dẫn của Thầy, chúng tôi tiến hành tổ chức – điều hành các khóa Tu Bát Quan Trai và thực tập quán niệm hơi thở – hướng dẫn tu học Phật pháp trong 1 ngày – 1 đêm, mỗi tháng 2 lần vào các ngày 14 – Rằm và 30 – Mồng Một hàng tháng. Số lượng cư sĩ Phật tử tham gia mỗi khóa tu giao động trên 7 – 8 trăm người. Ngoài số Huynh trưởng – Đoàn sinh tham gia khóa tu, các chị Ngành Thanh lớn tuổi nhận nhiệm vụ Trai soạn (nấu ăn), các em Ngành Thanh tuổi trẻ tham gia Hành đường.

Các ngày lễ trọng trong năm: Tết Nguyên Đán – Phật Đản – Vu Lan – Giỗ Tổ khai sơn (chùa cũ) – Trai Tăng – Trai Đàn Chẩn Tế, Thầy là Trưởng Ban – anh Liên Đoàn Trưởng là Phó ban điều hành Tổ Chức, tất cả Huynh trưởng và Đoàn sinh – cùng đạo hữu bổn tự tham gia trong các Tiểu Ban – Ban Tổ Chức. Trong suốt thời gian trước và sau tổ chức Lễ, GĐPT tích cức phục vụ hoàn thành các phật sự được giao. Sau khi đồng bào Phật tử thập phương trai phạn xong, thì GĐPT mới cùng Thầy thọ trai, những buổi thọ trại này, lần nào cũng vậy, đều được nhà trù – ban trai soạn thiết đãi đặc biệt ngon hơn.

GĐPT là cánh tay đắc lực, luôn luôn sát cánh cùng Thầy trong mọi hoạt động của Chùa. Mỗi lần Thầy cần – chùa có hữu sự, là GĐPT sẵn sàng có mặt. Cho nên GĐPT luôn luôn được Thầy yêu thương – cư sĩ Phật tử quý mến. Mỗi lần GĐPT tổ chức cứu trợ, tổ chức trợ cấp học bổng cho học sinh là Đoàn sinh nghèo, tổ chức các sinh hoạt quan trọng – hay đi sinh hoạt – phật sự xa, chúng tôi vào thưa trình, được Thầy hoan hỷ mở hầu bao trợ cấp, được quý Bác đạo hữu – mạnh thường quân vui vẻ ủng hộ. Mỗi lần Ban Tổ Chức Hội Chợ địa phương, mời GĐPT tham gia tổ chức các gian hàng trò chơi, hoặc GĐPT tổ chức Hội Hoa Xuân tại Chùa – gian hàng trò chơi – lô tô hoặc xổ số nhận thưởng, đều được quý đạo hữu mạnh thường quân, chủ các cửa hàng hoan hỷ – sẵn sàng – tích cực đưa các mặt hàng hóa đến từng gian hàng để hỗ trợ, qua Lễ Hội mới thanh toán – nếu hàng còn tồn đọng, vẫn vui vẽ nhận lại. Qua đây cho thấy, muốn tổ chức một ngôi chùa mạnh – một GĐPT mạnh, thiết nghĩ không khó. Với tinh thần Thân Cận Xứ – với tấm lòng vị tha cao cả – với tâm Bồ đề kiên cố, với lý tưởng son sắc, biết găn bó – hy sinh cá nhân, biết tổ chức –- biết tập hợp, có kế hoạch – có ý chí – sẵn sàng gánh vác gian nan, thì việc gì cũng làm nên – kết quả thành toàn viên mãn .

Trong giai đoạn khủng hoảng – tranh tối tranh sáng, một vài anh chị em quay lưng, Phân ban GĐPT thọc sâu tạo mâu thuẩn chia rẽ nội bộ, đa số Đoàn sinh bi lôi kéo sang Chùa tỉnh hội sinh hoạt Phân ban. BHD điều động chúng tôi về đây.

Quan điểm của chúng tôi, khi đi đến bất cứ nơi đâu, bất cứ ngôi Chùa nào. Muốn phát triển một đơn vị GĐPT, điều tiên quyết là phải thực hiện tinh thần “THÂN CẬN XỨ”, phải tiếp cận chư tôn đức tại trú xứ – tạo sự tín nhiệm ở quý Thầy. Thầy thương – thầy mến, thầy xem chúng ta là một phần thân thể vốn có – không thể thiếu, mọi tổ chức – hoạt động – sinh hoạt của Chùa – Thầy đều cần đến sự có mặt trợ duyên của chúng ta.

Vào năm 1996, chúng tôi về đây, chùa Đạt Ma – thành phố Phan Thiết – Bình Thuận. Với tâm nguyện phụng sự tổ chức Áo Lam – phụng sự Đạo pháp – phụng sự dân tộc. Trên chiếc xe 4 chỗ quá date – cũ mèm, đã cọc cạch đưaThầy trò chúng tôi lủi thủi đi đến các Chùa, trong các thành phố – thị xã – huyện – xã trong tỉnh, vận động chư tôn đức Tăng – Ni để hình thành Ban Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Bình Thuận. Sau khi được chư tôn đức hứa khả, thống nhất cử chúng tôi làm Thư Ký Ban Đại Diện. Hòa thượng Trưởng Ban tiến hành tập hợp tổ chức các phiên họp hàng tháng. Đa số chư tôn đức Tăng – Ni và cư sĩ Phật tử tham gia BĐD lúc bấy giờ, hiện nay vẫn còn đó, tấm lòng trung trinh vẫn luôn luôn hướng về

Trên chuyến xe bôn ba đây đó, có lần Thầy cho xe ghé lại tư gia chúng tôi. Bà xã chúng tôi lăng xăng cúng dường nước và bánh – trái mời Thầy thọ thực. Thầy ngỏ lời động viên:

  • Anh Nguyên Hoàng (pháp danh chúng tôi) tham gia nhiều phật sự, thường xuyên đi cùng Thầy. Cô hoan hỷ để cho anh đi làm việc Phật. Anh Nguyên Hoàng làm việc Phật là lập hạnh Bồ Tát. Nhưng cô mới là một vị Bồ Tát tại gia đáng quý, nhờ cô ủng hộ – hoan hỷ giúp đỡ mọi điều kiệu và cô ở nhà tận tụy lo toan gánh vác mọi công việc gia đình, để cho anh Nguyên Hoàng an tậm đi theo Thầy làm tròn phật sự !

Bà xã tôi chấp tay cung kính Mô Phật – y giáo – đảnh lễ Thầy.

Ở đây, không như các vùng nông thôn hay huyện – thị, mỗi địa phương có một ngôi Chùa. Chùa ở đây nằm trong lòng thành phố. Trong thành phố có rất nhiều ngôi Chùa, mỗi phường cũng có vài Chùa. Người cư sĩ Phật tử ở đây về Chùa tùy thích, mỗi nhóm cư sĩ Phật tử ở mỗi phường khác nhau, mến – thích Thầy nào là về Chùa đó, không có ranh giới – mà liên kết với nhau dưới dạng da beo – không tập trung. Chúng tôi nhận thấy tổ chức loại hình chúng – vức cư sĩ Phật tử khó thực hiện được.

Chúng tôi quay ra – hằng tháng tổ chức khóa tu Bát Quan Trại kết hợp tu Chánh Niệm (quán niệm hơi thở) – thọ trai dưới hình thức khất thực (tự chọn).

Thời gian đầu, giới tử tham gia khóa tu vài chục cư sĩ Phật tử thường xuyên về chùa tịnh độ hằng đêm. Có lẽ do tiếng lành đồn xa, có lẽ hình thức tu tập mới lạ tại địa phương, có lẽ do quá trình thực tập có kết quả an lạc thực tại trong đời sống. Cư sĩ Phật tử ở các Chùa khác trong thành phố đổ dồn về tham gia tu tập, mỗi khóa tu có số lượng lên đến 7 – 8 trăm người.

Trong thời điểm đó, tôi có nghe quý vị cư sĩ Phật tử thân quen nói lại, Hòa thượng Trưởng ban Trị Sự Phật Giảo tỉnh nói:

  • Ông HT về đây thu hút hết Phật tử Chùa tỉnh hội và các Chùa khác trong thành phố.

Về phía chánh quyền gọi chúng tôi là: Nhà hoạt động tộn giáo từ đó.

Trong những khóa tu, tiếp xúc với chúng tôi, nhận thấy có nhiều thành phần xã hội, từ những anh – những bác cư sĩ Phật tử trong giới xe xích lô – xe ba bánh, đến các em học sinh cấp 2 – cấp 3 – sinh viên, có những vị cư sĩ Phật tử là giáo viên – kỹ sư – bác sĩ – thương gia V.v… mỗi người đều thể hiện tự thân tỉnh thức – nhiệt thành tham gia khóa tu. Sau mỗi năm, chúng tôi tổ chức tổng kết mãn khóa dưới hình thức truyền đăng mới lạ – hấp dẫn, mỗi người ai nấy đều nhận lại một cuốn sổ ghi nhận kết quả tu học – thực tập trong năm, làm cho giới tử ai nấy đều nhiệt thành – phấn khởi – thích thú.

Hằng năm, sau lễ Vu Lan, kết hợp cùng Thầy viện chủ tổ chức Đại lễ cúng dường Trai Tăng. Hình thành một Ban Tổ Chức khá quy mô – đầy đủ ban bệ. Tiến hành vận động tài chánh – vật thực, dự trù trên 5 ngàn phần ăn – trong đó có phát chẩn bố thí cho người dân nghèo. Chúng tôi tham gia cùng Thầy – đi khắp các Chùa trong thành phố và các huyện, đảnh lễ cung thỉnh đủ 100 chư Tăng về dự. Và tại buổi lễ này hàng ngàn đồng bào Phật tử trong thành phố về dự lễ – cúng dường và thọ trại. Nhờ kết quả các khóa tu, chúng tôi tiến hành vận động phụ huynh cho con em về tham gia sinh hoạt GĐPT.

Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi tổ chức mỗi Đoàn có từ 2 đến 3 Đoàn Phó (ĐP), chúng tội tận dùng cử làm ĐP các em đang học từ lớp 9 trở lên. Em đang học lớp 9 được cử vào làm ĐP, được chúng tôi bồi dưỡng – thực tập, đến năm lớp 10 các em đã quen dần – biết cách điều hành và hướng dẫn, đến năm học lớp 11 thì các em đã hoàn chỉnh. Khi em đang học lớp 12, đang là Đoàn Trưởng (ĐT), em này tốt nghiệp 12, đi Sài Gòn vào Đại học, thì em đang học lớp 11 lên thay làm ĐT và cứ phải bổ xung như thế để có nhân sự liên tục xoay vòng.

Có một câu chuyện rất hài lòng – đáng nhớ:

Có lần, trong một buổi sinh hoạt, sau giờ học Phật pháp, mỗi Đoàn tách ra sinh hoạt riêng và Đội – Chúng sinh hoạt tự trị.

Chúng tôi vòng tay sau lưng, lững thững đi quanh các Đoàn xem tình hình sinh hoạt. Chúng tôi vừa bước đến phòng của Đoàn Thiếu Nữ đang sinh hoạt, em Đoàn Trưởng – Đoàn Thiếu Nữ bước ra, đi song song bên tôi em nói:

  • Anh HT thấy không, em bây giờ cũng vòng tay sau lưng, và đi lòng vòng cũng giống như anh.

Tôi dừng lại, ngạc nhiên nhìn em, như chợt hiểu ra – tôi bật cười sảng khoái !

Chúng tôi bước trở lại phòng Đoàn Thiếu Nữ đang sinh hoạt, đứng ngoài khung kính nhìn vào, thấy khung cảnh sinh hoạt trật tự – nền nếp. Em Đoàn Trưởng giới thiệu:

  • Các bạn đang thực tập môn nữ công.

Tôi nhìn thấy các em, trên tay mỗi em đang cầm 1 khung thêu, mỗi khung căng 1 mảnh vải trắng, trong đó có lẽ là những cánh hoa sen đang thêu dang dỡ. Em Chúng Trưởng đang đi đến từng bạn, tay chỉ vào khung thêu hướng dẫn. Chúng tôi nhìn sang các Chúng khác ở mỗi góc phòng, thấy mỗi Chúng, Chúng nào Chúng nấy cũng trình tự sinh hoạt y như vậy.

Sau những năm tháng tâm huyết tận tình hướng dẫn, em nỗ lực tu học – rèn luyện – thực tập. Em bây giờ đã được trưởng thành – xứng đáng là một Đoàn Trưởng. Đây là kết quả truyền trao, chúng tôi cảm thấy sung sướng – hoan hỷ vô cùng.

Mỗi tuần sinh hoạt, chúng tôi tổ chức luân phiên mỗi Đoàn trực 1 lần, Đoàn trưởng trực tuần đó, chúng tôi ủy quyền Xử lý Liên Đoàn Trưởng. Các Anh – Chị điều hành từ A đến Z tất cả mọi sinh hoạt của đơn vị trong tuần trực. Nhờ vậy mà Đoàn trưởng nào cũng vững vàng – đủ năng lực quán xuyến tất cả. Mỗi khi có phật sự phải đi xa, chúng tôi rất yên tâm, không phải bận bịu – lo lắng.

Mỗi dịp Đại Lễ Phật Đản – Vu Lan, GĐPT đều tổ chức đêm văn nghệ cúng dường. Trước đây, mỗi lần tổ chức văn nghệ đều thực hiện trước tiền đường Chùa, phục vụ nội bộ. Khi chúng tôi về đây, chúng tôi xin phép Thầy cho dựng sân khấu lộ thiên ngoài mặt tiền Chùa – bên đường nhựa – giữa khu phố đông đúc dân cư. Nhờ đó, đêm văn nghệ thu hút hằng ngàn quần chúng tham dự, đứng tràn lan đầy đường – trên hè phố, làm cho nguồn thu lớn lao vô cùng.

Hằng năm chúng tôi đều tổ chức lễ Chu Niên đơn vị. Cứ 1 năm thì tổ chức nội bộ – trong đơn vị – trong phạm vi Chùa, 1 năm thì tổ chức rộng rãi, mời tất cả các đơn vị GĐPT trong toàn tỉnh về tham dự. Năm nào tổ chức rộng rãi, thì chúng tôi lo lắng chu toàn hơn. Chúng tôi hình thành 1 Ban Tổ Chức quy mô lớn, đầy đủ các ban bệ phục vụ. Khi tổ chức lớn, thì yêu cầu phải có nguồn tài chánh lớn để chi phí các mặt tổ chức, trong đó nguồn chi phí cho ẩm thực là lớn nhất. Nhờ vào đạo tràng khóa tu cư sĩ Phật tử nhiệt tâm ủng hộ và tham gia hỗ trợ các mặt, cho nên tổ chức năm nào cũng thành công viên mãn.

Lễ Chu Niên, trong vườn dừa rộng rãi, chúng tôi tổ chức chia ra nhiều khu vực trại: Trại trung tâm, khu vực mỗi Đoàn Nam – Nữ riêng biệt. Trước khu vực trại mỗi Đoàn có 1 cổng trại, có giây găng chung quanh làm hàng rào, chia ranh giới. Trước mỗi lều Đàn – Đội – Chúng đều có 1 cổng trại – trong mỗi lều đều có thiết trí 1 bàn Phật trang nghiêm, hoa – quả đầy đủ.

Có một phòng triển lãm, được chia ra làm nhiều khu vực trưng bày sức sống của Đơn vị – của mỗi Đoàn – mỗi Đàn – Đội – Chúng. Trước đó, các ngày Chủ Nhật, dưới sự hướng dẫn của Đoàn trưởng, các em Đoàn sinh tập trung về Chùa, khẩn trương thực hiện các sản phẩm để trưng bày triển lãm.

Dễ thương nhất là các em Oanh Vũ, Nam có – Nữ có, với bàn tay nhỏ nhắn – xinh xắn, các em đã cặm cụi – chăm chỉ làm ra những sản phẩm theo ý tưởng của riêng mình đã tu học được.
Đêm văn nghệ Chu Niên, chiều hôm đó mưa bay lất phất. Anh Đoàn Trưởng – Đoàn Thiếu Nam phụ trách sân khấu, vào thưa với chúng tôi, cho phép các anh chuyển sân khấu vào trước tiền đường Chùa, lúc ấy chúng tôi đang tiếp chuyện với chị Phó Trưởng Ban Ngành Nữ Ban Hướng Dẫn. Được sự đồng ý, toàn thể Nam Huynh trưởng và Đoàn sinh túa ra, mỗi người 1 tay chuyển sân khấu vào tiền đường. Sau khi anh ĐT bước ra, Chị PTB nhắc nhở chúng tôi:

  • Tại sao anh không ra hướng dẫn cho anh em làm, mà lại để cho AE tự làm có được không vậy ? Tôi nói với Chị:
  • Thưa Chị ! AE tự chủ làm rất tốt. Em xin đưa chị ra xem.

Khi chúng tôi đưa chị đến tiền đường, thấy sân khấu được thiết trí lại, đâu vào đó rất đẹp đẽ. Chị nhận xét – khen:

  • Tôi nhận thấy, Anh hướng dẫn – điều hành đơn vị, tổ chức các mặt sinh hoạt – các hoạt động rất tốt.

Trong quá trình vận động tái sinh hoạt, có 1 em Đoàn sinh Thiếu Nữ. Gia đình em theo Thiên Chúa Giáo, nhưng em xin gia nhập GĐPT. Gia đình em không đồng ý, mỗi ngày Chủ Nhật sinh hoạt, bằng mọi cách, em trốn tránh gia đình để vđến Chùa sinh hoạt. Có lần mẹ em đến Chùa gặp chúng tôi, nói rõ trường hợp và ý kiến của gia đình. Sau khi nghe chúng tôi trình bày tường tận về mục đích hướng thiện con người của tổ chức GĐPT. Bà gọi em vào, nghe ý kiến quyết tâm của em, bà đành nhượng bộ đồng ý, và xin chúng tôi cho gửi gắm con em sinh hoạt GĐPT.

Còn có một em Đoàn sinh Thiếu Nữ, gia đình em từ miền Bắc chuyển vào, cả cha – mẹ đều là đảng viên – cán bộ cấp tỉnh. Mỗi lần đi sinh hoạt, em luôn luôn bị cha – mẹ ngăn cấm, không cho em sinh hoạt GĐPT. Em đến Chùa khóc nấc nở, các bạn đưa em vào Đoàn quán gặp chúng tôi, chúng tôi trấn an, hứa hẹn với em sẽ đến tư gia gặp cha – mẹ em. Được các em Đoàn sinh hướng dẫn, tôi vào nhà gặp cha – mẹ em. Có lẽ như biết trước mục đích, sau khi mời uống nước, 2 ông bà im lặng nhìn chúng tôi. Chúng tôi tình cảm chân thành, trình bày mục đích hướng thiện cao cả của tổ chức GĐPT, và cũng nhằm mục đích góp phần cống hiến hiền tài cho đất nước. Sau khi nghe chúng tôi trao đổi, 2 ông bà im lặng, có lẽ đang suy ngẫm. Ông lên tiếng:

  • Chúng tôi là đảng viên, gia đình không có tín ngưỡng tôn giáo. Từ trước đến nay, chúng tôi chưa từng nghe ai phân tích tỉ mỉ về tinh thần Phật Giáo và đủ sức thuyết phục như anh.

Qua lời trình bày của anh, chúng tôi đã nhận thấy được sự lợi ích thiết thực của Phật Giáo.

Chúng tôi đồng ý cho cháu tham gia vào GĐPT. Chúng tôi tin tưởng gửi cháu cho các anh, kính mong các anh quan tâm thay gia đình dạy dỗ cháu nên người !

Hai ông bà vui vẻ bắt tay, tiễn đưa chúng tôi ra đến tận cổng.

Hàng tháng, cứ đến kỳ Lễ Sám và các dịp Lễ Phật Đản – Vu Lan, chúng tôi đều thấy 2 ông bà thường xuyên đưa các con của mình lên Chùa tham dự lễ. Những kỳ họp phụ huynh và vào dịp Lễ Chu Niên hằng năm, nhận được thừ mời, 2 ông bà cũng đến đơn vị để dự lễ.

Sau khi ổn định sinh hoạt đơn vị GĐPT, chúng tôi tiến hành vận động thành lập Ban Đại Diện GĐPT liên huyện – thành phố. Chúng tôi được tập thể cử làm nhiệm vụ thư ký.

Hai anh Trưởng và Phó BĐD, có anh sinh hoạt trước 1975 có anh anh mới sinh hoạt sau này. Có lẽ vì lớn tuổi, cho nên hiểu biết về tổ chức không nhiều. Mỗi lần chúng tôi lên đề án tổ chức sinh hoạt, vì muốn được việc – đạt kế hoạch trong năm, với chiếc Vetba cà tàng, chúng tôi phải đến tận tư gia từng anh để tư vấn – xin ý kiến cụ thể, sau khi được thống nhất, mới tổ chức phiên họp trển khai phật sự, thành lập Ban Tổ Chức – Ban Quản Trại V.v….

Những năm tháng ở đây, chúng tôi cùng nhau kết hợp các đơn vị GĐPT, tổ chức nhiều khóa tu học các bậc học, tổ chức Trại Dũng, Trại Hạnh, trại dã ngoại vượt núi cao, trại huấn luyện Tuyết Sơn – Đầu – Thứ Đàn, Trại huấn luyện A Nô Ma – Ni Liên Đội – Chúng Trưởng, và Trại huấn luyện Huynh trưởng sơ cấp Lộc Uyển …

Năm 2004, chúng tôi được Ban Hướng Dẫn chuyển sinh hoạt về đây, chùa Huyền Long – thị xa Lagi – Bình Thuận. Chúng tôi được mời vào làm thư ký Ban Hộ Tự. Khi đến đây, đơn vị GĐPT Khánh Long sinh hoạt lèo tèo vài mươi Đoàn sinh. Do hiểu biết cách tổ chức mà Chư Tôn Đức trước năm 1975 đã chỉ dạy, và chúng tôi đã thực hiện thành công tại một số địa phương. Căn cứ địa giới hành chánh địa phương, chúng tôi chia thành 13 khu dân cư Chúng Cư sĩ Phật tử.

Chúng tôi mới tiến hành thành lập được 2 chúng Cư sĩ Phật tử, đồng bào Phật tử địa phương nô nức về chùa. Mỗi buổi Lễ Sám, ngôi chánh điện lớn như vậy mà không đủ sức chứa, người dân phải đứng tràn ra ngoài sân – chung quanh chùa, chúng tôi hướng dẫn qua loa, mọi người nghiêm trang chấp tay, hướng vào Đại hùng Bảo điện làm lễ.

Hằng tháng chúng tôi tổ chức các khóa tu Chánh Niệm, số lượng Giới tử tham gia thường kỳ lên đến 7, 8 trăm người. Có lần chúng tôi tổ chức Lễ Phóng Sanh Đăng, dự kiến làm 1 ngàn cây đèn hoa. Nhưng khi đến giờ làm lễ, hàng ngàn người dân cả làng đổ xô về chùa. Chúng tôi thông báo trên loa phóng thanh, đồng bào tự động vào các quán bán tạp hóa bên đường, mỗi người tự mua cho mình 1 cây đèn nến cầm tay, có người trên tay không có đèn nến, vì không còn có quán nào còn nến để bán. Số lượng người quá tải, Ban Tổ Chức bó tay không còn xắp xếp được theo từng hàng quy định, người dân đi – đứng tràn lan hết cả con đường to lớn. Đoàn dẫn đầu đã đến cửa biển, cách xa hơn 2 ngàn met, mà cái đuôi vẫn còn ở trước cổng chùa và số lượng người vẫn còn kẹt 2 bên lề đường chưa nhập đươc vào đoàn. Nhận được thông tin, an ninh tỉnh vào gặp chúng tôi, được chúng tôi trấn an, cuộc lễ Phóng Sanh Đăng vẫn trình tự diễn ra tốt đẹp.

Đạo hữu đông thì GĐPT cũng đông, số lượng Đoàn sinh lúc bấy giờ tăng lên trên 2 trăm 5 mươi ĐS. Nếu chúng tôi tiếp tục tiến hành hình thành đủ 13 chúng Cư sĩ Phật tử, thì thử hình dung, số lương Đoàn sinh tăng lên biết bao kể xiết. Sau khi rời quê hương ra đi xuất cảnh, khi chúng tôi trở về lại, nhìn thấy chùa đìu hiu, đạo tràng tu chánh niệm không còn hoạt động, GĐPT rơi rớt còn lại vài chục em. Như vậy thì đủ biết rằng, người H.Tr được giao lại, không đủ khả năng – không điều hành được tổ chức (nhân chứng sống vẫn còn đó).

Tôi tiếp xúc Ban Huynh Trưởng, thì được nghe nói, Sư Cô tham quyền, nhận chức Phó Ban Trị Sự thị xã, nghe lời giáo hội – nghe lời chánh quyền, nhiều lúc Sư Cô đóng cửa chùa, không cho GĐPT vào chánh điện làm lễ, không cho tổ chức trại – không cho tổ chức văn nghệ vào các dịp lễ tại chùa.

Sau thời gian rời chùa, chúng tôi về lại, tham gia đạo tràng – tịnh độ hằng đêm, hy vọng tiến hành kế hoạch sắp đến. Qua tiếp xúc gần gũi, qua những lần thầy trò tâm sự, Sư Cô cho biết:

  • Sư Cô rất thương mến GĐPT. Như thời gian qua Chú về lại chùa, Chú Nguyên Hoàng đã thấy rồi đó, những buổi về chùa sinh hoạt, Ban Huynh Trưởng xem quý Chư Ni như người xa lạ, có bao giờ vào gặp gỡ – chào hỏi – trao đổi thân tình.

Có lẽ Ban Huynh Trưởng thiếu tinh thần Thân Cận Xứ, nên các em GĐPT đành phải mất trắng – lủi thủi mồ côi.

Trước tình hình GĐPT tại đây èo uột – thiếu sức sống, Phân ban GĐPT xâm nhập lấn áp phá rối. Năm 2010, Ban Hướng Dẫn điều động chúng tôi về đây GĐPT Khánh Hiệp, thị xã Lagi, Bình Thuận củng cố lại đơn vị. Sau khi anh Liên Đoàn Trưởng từ trần, tôi tiếp nhận một đơn vị sinh hoạt lèo tèo chỉ có hơn 10 em. Chúng tôi cố gắng củng cố phục hồi sinh hoạt lên dần 5, 6 chục em. Trước đây, vào các ngày lễ, nhà bếp không cho các em ăn cơm, các buổi chiều Chủ nhật sinh hoạt, không cho các em vào uống nước. Thầy không thường xuyên ở chùa, Ban Hộ Tự lấn át, đạo tràng tách ra riêng tư. Chùa mất đoàn kết, chia ra làm 2, 3 phe nhóm. Khi chúng tôi về đây thì khác, hằng đêm tôi về chùa, các đạo hữu Nam trí thức dần hồi về chùa lại, trong đó có cả giáo viên, có đêm lên đến trên 20 người, cùng nhau uống trà đàm đạo – hướng dẫn Thiền tập. Có lúc vì lý do công việc, chúng tôi vắng đến chùa, thì chùa trở lại vắng teo. Có đêm tôi về lại chùa, thì Bác Ban Hộ Tự vội vàng nhấc máy gọi báo từng người một: Có anh Tâm về chùa, mau mau gọi nhau lên chùa. Thế là anh em lần lược lại về chùa, làm cho không khí ngôi chùa rộn rã – vui tươi hẵn lên. Chúng tôi gắn kết các nhóm lại với nhau, tuy bằng mặt – nhưng không bằng lòng. Còn GĐPT thì được quý bác ưu ái thương yêu. Các ngày lễ, GĐPT được ưu tiên hai dãy bàn dài đầy ắp thức ăn – thức uống đặc biệt, các ngày chủ nhật sinh hoạt, quà bánh – nước giải khát được quý cô trong đạo tràng gửi đến ăn – uống thừa mứa.

Vì Thầy không thường xuyên có mặt ở chùa, chúng tôi không trình bày được kế hoạch – thống nhất thực hiện chúng – vức cư sĩ Phật tử. Chúng tôi lên kế hoạch phát triển đơn vị. Chúng tôi xuống tận dưới làng, vận động bà con về chùa. Chúng tôi gặp quý Bác đạo hữu, trong đó có Huynh trưởng và Đoàn sinh kỳ cựu trước đây. Trước đây vì tranh chấp ảnh hưởng hơn thua, bị Ban Hộ Tự đương nhiệm đang nắm quyền hành trong tay, cấn cái – xem thường – ruồng rẫy đẩy đuổi ra khỏi chùa. Các Bác và các Huynh trưởng – Đoàn sinh kỳ cựu, đề nghị chúng tôi thành lập Ngành Thanh, họ sẽ kẻo cả dân làng về hết gia nhập GĐPT, còn con em thì tùy vào lứa tuổi mà vào các Đoàn. Hởi ôi ! Nếu tôi mà đồng ý, thì chùa trở thành một bãi chiến trường, đấu tranh khốc liệt, một còn – một mất.

Vào dịp lễ Phật Đản, Thầy mời họp để phân công phụ trách ngày lễ. Oái oăm thay, Thầy không giao cho các Bác Ban Hộ Tự, mà đề nghị thẳng chúng tôi thủ chương trình, tôi vô tình nhận điều hành buổi lễ. Ngờ đâu vì tự ái, bị Thầy xem thường, nghĩ rằng tôi hớt tay trên, làm danh dự mấy bác mất mặt. Một cuộc chiến tranh lạnh âm thầm diễn ra. Vì bảo vệ tôi, đạo tràng lại tách ra, đấu võ mồm tay đôi với nhau kịch liệt. Chúng tôi vào đề nghị Thầy chủ trì xử lý vụ việc, nhưng thầy lúng túng, không biết phải ngã về bên nào. Vì mong muốn để cho Thầy được yên tĩnh, vì mong muốn để cho ngôi chùa được êm ấm, chúng tôi đành phải chấp nhận lui về. Còn ở đó thì 2 phe cứ tranh chấp với nhau diễn ra âm ỉ mãi mãi. Còn một phe ở dưới làng, thì âm thầm chực chờ thời cơ bộc phát ./-