HUYỀN THOẠI BẾP HOÀNG CẦM

HUYỀN THOẠI BẾP HOÀNG CẦM

Dân hướng đạo hay GĐPT chuyên nghiệp nhắc đến việc nấu nướng đều nhớ đến bếp Hoàng Cầm. Có thể nói bếp Hoàng Cầm đã đi vào huyền thoại vì rất nhiều anh chị em biết đến tiếng nhưng chẳng biết lịch sử xuất xứ và cấu tạo của nó ra sao cả. Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu một chút về bếp Hoàng Cầm.

HUYỀN THOẠI BẾP HOÀNG CẦM

Nguồn gốc lịch sử

Bếp Hoàng Cầm được đặt tên theo người sáng tạo ra nó: “Hoàng Cầm – nguyên là anh nuôi trong quân đội”. Không phải là nhà thơ Hoàng Cầm tác giả của bài thơ “Bên kia sông Đuống” nổi tiếng nhưng người lính bình thường ấy đã có một sáng tạo để đời. Ông sinh năm 1916 quê gốc ở Cát Nội xã Trực Đại, Nam Ninh, Nam Hà ngày nay thuộc Tỉnh Nam Định. Năm 20 tuổi ông bỏ quê lên Tam Đảo, Vĩnh Phúc làm thợ nề, tháng 2 năm 1946 ông đi bộ đội và được phân làm anh nuôi cho quân y tiền phương sư đoàn 308. Việc được phân làm anh nuôi do trước đây có thời gian anh làm phụ bếp cho một gia đình ở Hà Nội.

Trong chiến tranh bí mật là một trong những tiêu chí hàng đầu. Việc nấu ăn là việc khó giấu kín được vì ban đêm thấy lửa ban ngày thấy khói. Rất nhiều thương vong của bộ đội xuất phát từ việc “khói bốc lên giữa rừng”. Hoàng Cầm đã sáng tạo kết hợp nhiều yếu tố dân gian để tạo nên một bếp Hoàng Cầm rất hoàn hảo với mục tiêu giấu lửa giấu khói theo phương châm: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Bếp lần đầu tiên được sử dụng trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch Hòa Bình 1951 – 1952 và bắt đầu được phổ biến rộng rãi vào năm 1954 khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1952 Hoàng Cầm được khen thưởng Huân chương chiến công hạng 3, chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc. Trong thời kháng chiến chống Mỹ bếp Hoàng Cầm được xem là bắt buộc trong hành quân tác chiến trên các chiến trường.

Hoàng Cầm giải ngũ năm 1961 khi đó đang đeo lon Đại úy. Ông cùng vợ về quê ngoại ông là Làng Đồi Mây, Tam Đảo làm ruộng. Sau có thời gian ông đi bán kem que rồi làm người giữ đền Trần ở Nam Định. Năm 1994 ông có làm đơn và được nhà nước cấp cho căn nhà tập thể ở số 28 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Ông mất năm tháng 3 năm 1996 một cách bình lặng.

Bếp Hoàng Cầm ra đời hơn nửa thế kỷ những những biến tướng của nó hiện nay vẫn còn được sử dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn Việt Nam vì đặc tính tiết kiệm và tiện lợi của nó. Bếp Hoàng Cầm có các đặc điểm nổi bật sau:

1) Tiết kiệm nhiệt –-> Nấu ăn nhanh và tiết kiệm củi lại có thể nấu nhiều nồi cùng lúc.

2) Giấu được ánh lửa.

3) Giấu khói. (mục đích ban đầu, quan trọng nhất của bếp Hoàng Cầm

4) Giữ cho nồi niêu không bị ám khói hoặc đóng lọ nồi.

Phân loại bếp Hoàng Cầm

Theo quy mô, cấu tạo bếp được phân chia thành 3 loại: Bếp Hoàng cầm cấp 1, cấp 2, cấp 3.

  1. Bếp cấp 1: Bếp cấu tạo gồm hầm bếp, hệ thống thoát khói và mái che tạm thời bằng tăng bạt, lá cây. Sử dụng tạm thời dã chiến cho trại ngắn ngày
  2. Bếp cấp 2: Cũng gồm 3 phần như bếp cấp 1 nhưng ở bếp Hoàng cầm cấp 2 do đưa cả khu vực đun nấu xuống hầm nên khối lượng đào lón hơn. Có chỗ để thực phẩm, có bể nước, trên lát bàng tre, gỗ chắc chắn, lấp đất dày 0,5m trở lên. Cho trại tầm 1 tuần trở lên. 
  3. Bếp cấp 3: Tương tự như bếp cấp 2, có thêm hầm chứa lương thực, thực phẩm, mái che hầm bếp bằng bê tông, kết hợp gỗ, đất dày trên 1m. Dùng sử dụng lâu dài thường dùng trong quân ngũ chiến đấu dài ngày.

Cấu tạo bếp Hoàng Cầm cấp 1

Bếp có 5 bộ phận chính:

a. Bếp

  • Bệ bếp: Nếu là đất bằng thì mặt bệ bếp cần đào thấp xuống 15- 20 cm kích thước dài l,4m, rộng 0,8m, cao 0,8m, phía dưới chân bệ bếp có một cái gờ rộng 10cm để đỡ củi dọc theo chiều dài bệ bếp.
  • Hố đặt nồi: Lấy nồi đặt lên bệ bếp, khoanh đánh dấu rồi khoét dần, khi đặt nồi xuống, nồi còn thừa lên khoảng 5cm là vừa, xung quanh mép hố sát khít vào thành nồi. Trong lòng hố khoét hình tang trống, sửa cho nhẵn, tạo ra một khoảng cách với thành nồi để khi đốt ngọn lửa lùa đều xung quanh, tận dụng lượng nhiệt, đun chóng sôi. Đáy hố cách đáy nồi khoảng 20-25cm. Hai nồi cách nhau khoảng 15cm.
  • Cửa bếp: Cửa bếp được khoét cân đối với mặt nồi có dạng hình vòm loa kèn (To trong, ngoài nhỏ), rộng 20-25cm, cửa bếp nhỏ hơn khoảng cách từ đáy nồi tới đáy hố đặt nồi 5cm.
  • Ống khói: Đào phía trong đáy hố đặt nồi, vòng lên phía trên bắt vào ống khói, khoét vào ống khói cao dần lên rãnh dẫn khói, bảo đảm luồng khói thoát ra đi được dề dàng.

b. Hố ngồi của người nấu.

Để người ngồi đun nấu, đồng thời che chắn ánh lửa. Hố có chiều dài bằng bề dài bệ bếp, rộng khoảng 0,80m và sâu tùy yêu cầu, nhưng tối thiểu phải bằng 0.95m

c. Hệ thống dẫn khói, chứa khói, tản khói.

Hệ thống thoát khói có tác dụns hút khi tạo ra sự đối lưu không khí giúp cbo bếp cháy tốt và dẫn khói thoát ra tạo thành làn khói mỏng bav là là trên mật đãL Hệ thống thoát khói gồm 3 bộ phận: hầm chứa khói, rãnh dần khói và tia tản kbói.

  • Rãnh dẫn khói: có tiết diện 30 X 30 Cm, chiều dài từ ổng khỏi đèn hãm chứa khói thứ nhất 2,5 đến 3m. thẳng góc và cân đối với chiều dài bệ bếp. hướng thoai thoải vươn lên. Góc vươn 30 độ là tốt nhất.
  • Hầm chứa khói: Rãnh dẫn khói đưa khói tới 2 hầm chứa khói, hầm thứ nhất có kích thước 0,80×0,80×0,80m. Hầm thứ 2 cách hầm thứ nhất 3m có kích thước 1,0×1,0×1,0m.
  • ia tản khói: Các tia tản khói bắt đầu từ hầm chứa khói thứ 2 Mỗi bếp thường có 3 tia tản khói, có tiết diện 20 X 20 cm hoặc 25 X 25 Cm, dài ít nhất là 7m, đầu tia tản khói khuất vào trong bụi rậm hoặc lùm cây.
  • Cây, cành để lót và lấp đất: Hệ thống thoát khói được lát phía trên bằng cây, que tươi, phủ một lớp lá tươi và trên cùng là một phủ một lớp đất tơi xốp để cho khói thoát ra thành làn khói mỏng.

d. Mái che, lợp bếp.

Nhằm giữ ánh lửa không để lọt ra ngoài và đun nấu được trong mọi điều kiện thời tiết. Có thể dùng tăng bạt có khung là tre, nứa, cây gỗ nhỏ căng ra che kín bếp hoặc dùng tre, nứa lá để lợp. Yêu cầu ban đêm không để lọt ánh sáng ra ngoài và ra vào thuận tiện.

e. Rãnh thoát nước.

Phòng khi trời mưa nước tràn xuống bếp, cần đào xung quanh bếp hệ thống rãnh thoát nước để dẫn nước chảy ra ngoài nhất là khi đào bếp ở sườn đồi phải đắp bờ cao, chắc chắn để giữ nước khỏi tràn vào gay ngập và vỡ bếp.

Trong quá trình sử dụng bếp thường gặp một số sự cố như: bếp khó cháy là do bếp quá ẩm, củi bị ướt hoặc hệ thống thoát khói bị tắc, phải dùng củi khô đốt sấy bếp, sấy củi cho khô, tìm và sửa lại chỗ hệ thống thoát khói bị tắc. Lửa hắt sáng ra ngoài là do củi cháy gần cửa bếp hoặc bếp bị gió thổi ngược lại. Để khắc phục hiện tượng này cần đẩy củi sâu vào trong cửa bếp hoặc dụng vật liệu không cháy đế che cửa bếp…Để đào bếp nhanh cần chuấn bị sẵn dụng cụ (Cuốc, xẻng, dao…) và phân công họp lí cụ thể thành các bộ phận, bộ phận nào đào xong trước sẽ điều chỉnh sang bộ phận khác. Ngoài bếp còn phải đào hố đổ rác, hố vệ sinh, hố chứa nước, giàn chia thức ăn, pha thái thực phẩm.

Thực tế sử dụng

Cách đây vài năm tôi có đào thử một bếp Hoàng Cầm với quy mô nhỏ hiệu quả sử dụng rất tốt hoàn toàn không có khói tỏa ra, nấu ăn rất nhanh. Khi dọn trại ta chỉ việc lấp đất lại là xong rất sạch và gọn. Trong thực tế để làm được bếp Hoàng Cầm đúng quy cách chúng ta phải đào hầm khá sâu, và dài tùy theo địa hình địa thế (xem hình). Sau đó phải đắp các hố đun (nơi đặt nồi), đào các hầm tụ khói và đường dẫn khói. Trên các đường dẫn khói phải lấy lá cây tươi (bẹ chuối) lấp lên, phủ đất rồi tưới nước cho đất ẩm để làm tan khói. Khói sau khi ra khỏi đường dẫn khói thực tế chỉ còn lại một lớp sương rất mỏng và tự tan trong không khí. Việc khó nhất của bếp Hoàng Cầm là phải cân bằng giữa lượng khí cấp vào bếp và lượng khói thoát ra, nếu kích thước các hầm tụ khói và đường dẫn khói quá hẹp hoặc quá ít bếp sẽ không cháy. Kinh nghiệm đóng vai trò rất quan trọng.

Trong thực tế nếu đi trại với quy mô lớn và thời gian dài chúng ta nên làm bếp Hoàng Cầm rất tiện lợi cho ban ẩm thực vì nấu ăn nhanh lại không phải cọ rửa nồi sau khi nấu nướng. Ngược lại nếu thiếu dụng cụ (cuốc xẻng chuyên dụng), nhân lực thì không lên đào bếp Hoàng Cầm rất lãng phí.

Khi đào bếp cũng nên tránh gần các gò mối, ụ kiến, ong đất vì việc hun khói khiến chúng túa ra rất nguy hiểm. Đất cũng ảnh hưởng ít nhiều đến bếp, đất pha cát sẽ dễ cho việc đào nhưng cũng khó đắp vì khi khô chúng rất bở; đất sét đất thịt là tốt nhất cho việc đào bếp Hoàng Cầm.

Minh Triết.

Nguồn: https://nguoiaolam.net/gdpt/hoat-dong-thanh-nien/huyen-thoai-bep-hoang-cam/A




Chuẩn Bị Bếp Trại

Chuẩn Bị Bếp Trại

Chọn nơi làm bếp: 

Việc chọn và chuẩn bị nơi làm bếp, chúng ta phải lưu ý một số điểm sau:

  • Bếp phải gần nơi lấy củi
  • Đất trại thích hợp với loại bếp nào
  • Thời gian sử dụng bếp
  • Che mưa, nắng, gió
  • Phát quang chỗ làm bếp, tránh tàn cây và gốc cây
  • Dọn sạch các vật dễ bắt lửa

Lưu ý:

Nếu làm bếp trên đám cỏ tươi, hãy lột lớp cỏ để nơi ẩm mát, xong mới đào đất hay thiết kế bếp. Khi hết sử dụng bếp, ta lấp lại rồi đặt cỏ tươi lên đó, tưới ít nước nó sẽ sống lại. Trường hợp đất quá ẩm ướt, hãy lấy cành cây hay vỏ cây mà lót trước khi đặt bếp lên. Khi làm bếp trên nền xi măng, hãy lót đất, cát trước vì sức nóng có thể làm nứt hư nền xi măng.

Các kiểu bếp tham khảo: Bếp rất đa dạng, mỗi kiểu đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Tùy thời tiết, thế đất, dụng cụ, vật liệu… mà thiết kế loại bếp cho thích hợp. Dưới đây là một số kiểu bếp để chúng ta tham khảo.

Bếp gọng sắt: Đây là kiểu bếp gọn nhẹ và tiện lợi nhất, với 3 gọng sắt này, bạn có thể sử dụng trên mọi loại đất, cát, nấu bất cứ loại nồi lớn nhỏ nào cũng được (chỉ cần dùng sắt 6 ly là được).

Bếp mini: Nếu bạn chỉ cần pha trà, cà phê… hoặc bạn đi trại một mình, nấu nướng ít, bạn có thể chế tạo một bếp mini đơn giản bằng các cách sau:

  1. Dùng một lon kim loại có nắp đậy, đục 4 lỗ trên nắp lon, xâu 4 tim đèn vào 4 lỗ đó. Nấu các vụn của đèn cầy hoặc paraffine đổ vào, để nguội, các bạn đã có một bếp mini.
  2.  Lấy 4-5 tờ nhật báo cuộn tròn lại, cột từng khúc như bánh tét, rồi cắt từng đoạn ngắn (vừa bỏ vào lon). Nấu paraffine hay đèn cầy đổ vào lon như trên.
  3. Dùng một miếng thiếc cắt theo như hình bên. Khi không dùng thì tháo ra xếp gọn, khi cần thì chồng lên nhau thành kiềng để đặt ca hay lon lên nấu.
  4. Trong khi nấu, các bạn có thể bỏ bếp mini vào trong một lon nước lạnh lớn hơn (để làm nguội).

TXTB 21

Nhóm lửa và bảo quản củi:

Ở nhà, chúng ta có củi khô, có đầy đủ chất dẫn lửa, kín gió… thì nhóm một bếp lửa củi chẳng khó khăn gì (nhiều trại sinh không biết nhóm lửa như thế nào vì gia đình xài bếp gas hay bếp điện). Nhưng ở ngoài thiên nhiên thì khác: củi ẩm ướt, mưa gió, chất dẫn lửa tồi… Cho nên để có một bếp lửa thì nước mắt nước mũi ràn rụa.

Mồi lửa: Hãy dùng rơm, lá thông hoặc giấy, vỏ cây, trái gòn, các cây có chất dầu chẻ nhỏ… để làm vật dẫn lửa. Sau khi có chất dẫn lửa rồi, ta dùng những cành khô thật nhỏ (cỡ bằng que diêm). Sắp thành hình tháp hay hình nón, trên đó chúng ta sắp thêm các cành cỡ bằng ngón tay, đoạn nhóm lửa cho cháy đượm lên, ta mới chất củi vào.

Với cách này chúng ta chỉ cần 1-2 que diêm là có thể nhóm được một bếp lửa.

Trường hợp có gió to, ta nên theo hướng gió mà nhóm lửa. Củi ẩm thì để dưới gió. Lưu ý đừng để tàn lửa gây nên hỏa hoạn, nhất là cháy rừng.

Bảo quản củi: Trong những kỳ trại dài ngày, chúng ta phải biết dự trữ và bảo quản củi cho đủ dùng.

  • Chọn củi khô và nhỏ
  • Che mưa và sương ẩm
  • Nếu củi ướt phải phơi khô hay làm giàn hong
  • Sắp xếp, phân loại củi lớn nhỏ khác nhau, để riêng từng nhóm cho dễ lấy.

cui mun cua ep 6

Khử trùng nước:

Nước sông, lạch, ao, hồ… nơi ta cắm trại, chắc chắn là không tinh khiết, nên ta phải biết khử trùng trước khi sử dụng. Sau đây là một vài cách khử trùng nước uống:

  • Đun sôi: là phương pháp dễ dàng, rẻ tiền và hiệu quả nhất. Chỉ cần đun sôi nước lã trong 15 phút là dùng được.
  • Thuốc tím: cho một ít tinh thể nhỏ của thuốc tím (vài ba hạt) vào nước, khuấy đều cho đến khi nước có màu hồng lợt là uống được.
  • Dùng chloramine B: thường dùng khi chống dịch, tỷ lệ thuốc tùy theo tính chất của nước, thường thì người ta dùng 3gr Chloramine B 25% pha trong một lít nước.
  • Nước Javel: nhỏ một giọt nước javel 30o vào 2 lít nước, sau 2 giờ là uống được. Nhưng vì có mùi rất khó chịu, ta nhỏ thêm một giọt Hyposulfite de soude 10% để khử mùi.
  • Dùng iod: Iod được dùng dưới dạng Teinture D’iode 5% có bán ở các tiệm thuốc tây. Dùng 5 giọt này cho một lít nước, lắc đều. Để yên trong 30 phút là dùng được. Dùng iod vừa sát trùng vừa tránh được bệnh bướu cổ.

Ngoài ra còn một số thuốc khử trùng ít phổ biến hoặc thời gian sử dụng ngắn như Hypoclorite, Halojone nhưng ít khi dùng.

Vệ sinh khu vực bếp: 

  • Đức tính quan trọng của người làm bếp là: gọn gàng và sạch sẽ.Gọn gàng để vừa trông đẹp mắt vừa không mất công tìm kiếm dọn dẹp.
  • Sạch sẽ là tiêu chuẩn hàng đầu của người làm bếp.

Chúng ta phải giữ nơi làm bếp và chung quanh khu vực bếp thật sạch sẽ. Thức ăn thừa hay thực phẩm chưa dùng tới phải để trên cao hay treo lên và đậy cẩn thận. Xô hay thùng đựng nước uống phải có nắp đậy và được treo lên hoặc để nơi cao ráo, sạch sẽ. Đào hai hố; một hố ở gần nhà bếp để đổ nước dơ, một hố hơi xa bếp để chứa rác. Sau mỗi lần đổ rác, chúng ta rải một lớp đất hay tro mỏng.

Trước khi rời khu vực trại, hãy đốt bỏ những thứ gì có thể đốt được, còn những thứ không đốt được thì chôn thật sâu. Nếu chúng ta có lột lớp cỏ trước khi làm bếp thì phải đặt vào chỗ cũ và tưới nước lên, trả lại nguyên thủy tình trạng khu vực như khi ta vừa đến.

Nguồn: https://gdptkiengiang.vn/chuan-bi-bep-trai/




Chế Tạo Bếp Cồn Để Đi Du Lịch

Chế Tạo Bếp Cồn Để Đi Du Lịch

Bếp cồn là một loại bếp tự tạo dễ dàng, không tốn tiền, rất gọn và thuận tiện, dành cho các bạn chuyên đi phượt có thể nấu nướng tùy thích.

Bếp cồn tự chế được làm từ 2 đáy vỏ lon nước ngọt (lon Pepsi, Coca..) ghép vào nhau, chiều cao khoảng 3-4cm, có thể bỏ gọn trong túi áo. Bạn có thể sử dụng loại bếp này để nướng mực, nấu mỳ gói, pha cà phê…

Hướng dẫn chế tạo

1. Chú ý an toàn

Bếp dùng nhiên liệu cồn, lửa cồn không nhìn thấy trong ánh sáng ban ngày nên khi thử nghiệm tuyệt đối cẩn thận. Tốt nhất lúc thử, nên chọn chỗ ánh sáng yếu để có thể dễ dàng quan sát lửa.

Lon nước ngọt rất dễ gia công, chỉ cần dùng kéo thủ công là đủ cắt gọt, không dùng lực mạnh trong quá trình chế tạo để tránh các tai nạn đáng tiếc.

Thao tác thận trọng, an toàn.

2. Chuẩn bị nguyên vật liệu và dụng cụ

Vật liệu: 2 vỏ lon nước ngọt; 1 ốc vít; 1 lọ cồn nhỏ (50 ml); 1 bao diêm

Dụng cụ: 1 búa; 1 đinh nhỏ (cho lỗ có đường kính khoảng 0.5 mm); 1 tuốc-nơ-vít; 1 kéo

Bộ dụng cụ cơ bản

3. Các bước thực hiện

Dùng búa và đinh đục các lỗ nhỏ xung quanh đáy lon làm lỗ thoát hơi, đục một lỗ to chính giữa đáy lon và vặn ốc vít làm to lỗ để đổ nhiên liệu

Cắt sát hai đáy lon để chừa phần có sơn màu khoảng 1,5 cm làm thành 2 thân bếp

Cắt một miếng hình chữ nhật lượn tròn 4 góc để ghép 2 thân bếp theo nguyên tắc của cái đón gót giầy

Khi hoàn thành, sản phẩm sẽ có hình dáng như thế này

Chọn chỗ để bếp có thể chịu được nhiệt, dọn gọn các vật dễ bắt lửa xung quanh bếp

Tháo ốc vít, đổ cồn vào giữa

Vặn ốc vít lại (ốc không cần vặn quá chặt, khi dùng về sau có thể dùng tay vặn, không nhất thiết phải dùng tuốc-nơ-vít)

Dùng một vỏ hộp bằng thép (nắp hộp bánh, nắp lon sữa bột…) hoặc đĩa sứ làm đế bếp. Nếu nắp lớn, bạn có thể dùng cùng lúc… nhiều bếp. Đổ một ít cồn ra đế để mồi.

Châm lửa vào cồn mồi phía ngoài và chờ giây lát để dung dịch trong buồng đốt được đun sôi

Cồn mồi cháy hết, buồng đốt sẽ bắt đầu phun khí

Bạn có thể sử dụng nhiều bếp cùng lúc để có công suất đun lớn hơn

Bạn cho là quá dễ? Vậy thì chờ gì nữa, hãy làm thử cho chuyến phượt của mình sắp tới nhé.

Nguồn: https://www.didulich.net/kinh-nghiem-du-lich/cach-che-bep-con-khi-di-du-lich-11211




11.Công Trình Trại