Nấu Nướng Khi Ở Trại

Nấu Nướng Khi Ở Trại

Nấu nướng ở trại không dễ như nấu ở nhà. Nắng gió, mưa, củi ẩm, bếp ướt… Đi trại dài ngày mà trong những ngày mưa gió nếu không có một căn bếp đàng hoàng, thì đầu bếp có giỏi cũng đành bó tay.

Trước tiên, căn bếp phải có thứ tự và sạch sẽ. Vật nào chỗ đó; củi khô xếp cạnh bếp. Chén, bát, nồi niêu, soong, chảo… thực phẩm và gia vị, phải có giàn cao và che đậy cẩn thận. Nếu trại ngắn ngày thì chúng ta làm bếp tạm, nhưng nếu dài ngày thì làm bếp đứng cho tiện nghi và thoải mái, như thế chúng ta không quá vất vả khi nấu nướng.

Nấu nướng ở trại, chúng ta phải nhớ: không cần phải bày biện nhiều món, tỉa bông tỉa hoa, xào nấu như tiệc tùng đình đám, nhưng cũng không nên cho trại sinh ăn uống quá kham khổ. Thức ăn phải ngon, bổ, rẻ, giản dị, dễ làm, phù hợp với nguyên vật liệu và gia vị mà chúng ta mang theo, nhất là phải biết đổi món cho ngon miệng và dễ tiêu hóa.

Lưu ý khi nấu cơm:

Trong mười lần ăn cơm trại thì hết chín lần cơm không đạt tiêu chuẩn vì những lý do sau:

+ Ở trại, củi ẩm ướt, gió nhiều nên lửa không đều, lúc nóng lúc không, nên cơm dễ bị sống.

+ Gạo do trại sinh góp, nên không đồng nhất, do đó khó nấu hơn một loại gạo như ở nhà.

+ Trại sinh hay nổi lửa lớn để kịp thời gian ấn định, nên cơm thường khê.

+ Trại sinh hay sốt ruột, mở nồi ra xem và ngoáy nhiều, nên cơm bị đổ lông và nhão.

+ Không quen ước lượng gạo để nấu cho nhiều người ăn, nên thường bị bung nắp nồi.

Trại sinh nào khắc phục được những trở ngại trên, để có thể nấu được những nồi cơm đạt tiêu chuẩn, thì thật xứng đáng là dân đi trại chuyên nghiệp.

Tiểu xảo – Mẹo vặt:

Ngoài những công thức để chế biến thức ăn, chúng ta cũng cần biết một số tiểu xảo, mẹo vặt về nấu nướng, để khắc phục những sự cố nhỏ trong khi làm bếp.

Ghi nhớ:

+ Các món hầm, luộc, canh, súp… có thể nấu trước hay cùng lúc với nồi cơm.

+ Các món chiên, xào… làm sau khi “rế” cơm.

+ Nấu lạt dễ điều chỉnh hơn nấu mặn.

Luộc rau chín mà vẫn xanh: Để nước thật sôi, cho vào tí giấm, chanh hay muối rồi mới nhúng rau vào, không đậy nắp, rau sẽ chín mà vẫn xanh.

Muối chua: Bạn nên học cách muối chua một số rau cải, củ, trái… những thực phẩm này để được lâu, ăn ngon miệng và dễ tiêu hóa.

Cơm khét: Ra lửa ngay, mở vung bỏ vào nồi cơm vài cục than còn cháy đỏ, đậy vung lại sẽ bớt mùi khét.

Cơm nhão: Mở nắp vung để rẩy mồ hôi đọng trên vung nhiều lần. Khi cơm chín, xúc ra rá để cho bốc hơi, sẽ bớt nhão phần nào.

Cơm sống: Cho vào một ít nước sôi, xới lên, đậy nắp vung thật kín. Gắp than cháy hồng bỏ lên trên nắp vung. Cơm sẽ chín đều.

Công dụng của nước vo gạo:

– Rửa chén đũa không cần xà bông

– Khoai mì sẽ trắng nếu được ngâm trong nước vo gạo

Cách chùi soong chảo: Trước khi nấu, bôi nhiều lớp xà phòng ở mặt ngoài nồi, soong, chảo… Khi rửa, bạn chỉ cần dùng giẻ ướt chùi sơ qua soong nồi sạch sẽ như mới.

Đồ hộp: Đối với các đồ hộp có thể ăn liền, muốn ăn nóng, chúng ta không nên mở hộp đổ vào soong để hâm nấu lại, mà hãy nấu một nồi nước và bỏ các hộp vào (như chưng cách thủy), để sôi khoảng 10-15 phút (bên trong hộp sẽ nóng khoảng 60-700C không làm hủy hoại sinh tố có sẵn trong thức ăn). Sau đó mở hộp ra ăn ngay, vừa nóng vừa ngon mà vẫn bổ dưỡng

CHUẨN BỊ THỰC PHẨM CHO MỘT CUỘC TRẠI

CHUẨN BỊ THỰC PHẨM CHO MỘT CUỘC TRẠI

Những trại sinh nào nhận trách nhiệm làm bếp, phải hiểu giá trị dinh dưỡng của những thức ăn thông thường và nhớ kỹ hai phương châm: Tiết kiệm và vệ sinh. Trại là cơ hội tốt nhất để các trại sinh thực tập và thể hiện tài năng bếp núc của mình. Đây là một trách nhiệm nặng nhọc, âm thầm nhưng không kém phần lý thú.

Chúng ta đừng vội vã khui đồ hộp ra ăn khi thức ăn bị nấu hỏng. Hãy để cho trại sinh tự xoay sở, cho các em phát huy óc tháo vát, lòng tự tin… Đồ hộp chỉ nên dùng trong các kỳ trại dài ngày hoặc trường hợp bất khả kháng, không thể mua được thực phẩm tươi sống.

Ở trại, chúng ta nên nấu những món ăn đơn giản nhưng ngon và giàu dinh dưỡng. Không nên làm những món cầu kỳ, tỉa bông, tỉa hoa… xào nấu linh đình.

Tiêu chuẩn người làm bếp: Những người nhận trách nhiệm làm bếp, phải hội đủ các tiêu chuẩn sau:

1. Biết thảo thực đơn cho tổ, đội trong 3 ngày trại

2. Biết đi chợ. Biết chọn lựa và bảo quản thực phẩm

4. Chế tạo được các kiểu bếp thông thường

5. Biết nhóm lửa và bảo quản củi

6. Biết khử trùng nước

7. Biết nấu cơm và một số món ăn thông thường ở trại

8. Biết vệ sinh khu vực bếp

Thảo thực đơn: Trước tiên chúng ta phải nắm rõ: chúng ta có bao nhiêu tiền, cho bao nhiêu người ăn, trong bao nhiêu ngày. Sau đó chúng ta mới dự kiến những thực phẩm cần phải mua. Nếu cắm trại nhiều ngày mà ở xa chợ, hai ba ngày mới có thể đi một lần, người làm bếp phải biết những thức ăn nào để lâu mà không cần chế biến (đồ hộp…), những thức ăn có thể để lâu nhưng phải chế biến, những thứ nào phải ăn ngay (rau cải…). Dựa vào đó ta thảo một thực đơn cho đội thật dễ dàng. Nếu tài chính rộng rãi, ta có thể mua mang theo những thực phẩm để được lâu, vừa có thức ăn tươi ngon, bổ dưỡng.

Đi chợ: Ít có trại sinh nào “hân hạnh” được mẹ sai đi chợ hàng ngày, mà nắm được giá cả và không lúng túng trong khi đi chợ. Hầu hết chúng ta năm thì mười họa mới đặt chân đến chợ một lần. Cho nên trước khi đi chợ, chúng ta phải nhờ những người đi chợ thường xuyên chỉ cho chúng ta biết rõ giá cả của từng loại thực phẩm, khu vực phân bố trong chợ. Vì nếu không biết rõ loại nào bán ở khu vực nào, thì chúng ta sẽ đi vòng vo, vừa mất thì giờ, vừa mệt…

Ghi vào giấy, chúng ta cũng chia thành từng nhóm: Nhóm thực phẩm tươi sống, nhóm đồ khô hay thực phẩm chế biến sẵn, nhóm rau cải, nhóm gia vị và tạp hóa. Như vậy chúng ta chỉ đi một vòng chợ là có thể mua đầy đủ.

Người làm bếp cũng phải biết ước lượng thực phẩm vừa đủ cho tổ, đội. Không mua quá thừa hoặc quá thiếu, và cũng đừng mua những thực phẩm sang trọng, giá cao (bào ngư, nấm đông cô…).

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm: Khi đi trại dài ngày mà chợ thì ở xa, chúng ta phải biết cách chọn lựa và bảo quản một số thực phẩm trong môi trường tự nhiên để vừa có thức ăn tươi nhiều ngày, vừa bảo đảm vệ sinh sức khỏe…

Thông thường, để cho các trại sinh thực tập nấu nướng bằng thực phẩm tươi sống giúp các em phát huy óc sáng kiến, tháo vát, linh động… người ta không cho mang theo đồ hộp hay thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng nếu tổ chức trại dài ngày (ở vùng sâu, vùng xa) đồ hộp dành cho những ngày cuối trại thì thật tiện lợi và hợp vệ sinh.

Chọn lựa thực phẩm: Trước tiên ta nên biết cách chọn thực phẩm tươi, ngon, thì mới có thể bảo quản lâu được.

Đồ hộp: Không nên chọn những hộp móp méo nhất là phồng dộp hai đầu, ăn sẽ bị ngộ độc. Chúng ta cũng cần phải lưu ý đến ngày tháng bảo hành ghi ở vỏ hộp.

Bảo quản thực phẩm: Khi cần để dành thực phẩm cho những ngày hôm sau. Người đầu bếp phải biết cách giữ gìn và bảo quản. Những thực phẩm để qua đêm phải bỏ vào bao, dùng dây (có bôi thuốc chống muỗi) treo lên cây để khỏi bị kiến và thú rừng làm hỏng (nhất là những vùng đất hoang dã).

Xem nội dung đầy đủ tại: https://123docz.net/document/1125033-chuan-bi-thuc-pham-cho-mot-cuoc-trai-docx.htm