KÝ ỨC TUỔI THƠ
“Cha là vầng thái dương bạch ngọc
“Ngọn Thái sơn sừng sửng hướng con đi
“Tình yêu cha cao qúi tựa thân cây
“Tỏa bóng mát cho đời con khôn lớn
Nhớ về Ba, là nhớ về những năm tháng êm đềm dưới mái gia đình ấm cúng, thuộc thị trấn Lương Sơn – Bắc Bình – Bình Thuận. Nhà chúng tôi nằm nép mình dưới tán lá cây sung, vươn cành dài ra dòng sông quanh năm lặng lờ mãi miết về xuôi. Trong đôi mắt tuổi thơ, cây sung thật vĩ đại, làm cho trí tưởng tượng của chúng tôi nhân cách hóa – xem nó như là một con tàu giữa trùng dương dậy sóng, cho chúng tôi nhiều trò chơi kỳ thú bên dòng sông xanh ngát. Có lần chúng tôi, năm – sáu đứa, nối vòng tay nhau, mà chưa giáp nỗi bụng cây sung.
Bên kia sông là cồn cát trắng phau, chảy dài bên hông làng Mã Lăng. Tôi nghe người lớn tuổi kể lại câu chuyện truyền miệng: Ngôi làng này một thời là thành lũy Chăm Pa (Chiêm Thành), họ thường đưa ngựa ra tắm sông, sau khi tắm xong, ngựa lên bãi cát lăn mình khô ráo, cho nên làng có tên là Mã Lăng. Trước đây, hầu hết là dân tứ xứ, theo ghe Bầu vào cửa biển Phan Rí, ngược dòng sông Lũy, có lẽ thấy ở đây đất đai trù phú, họ dừng chân lại, tập hợp nhau sinh sống hình thành nên làng xã. Khi chiến tranh nổ ra, đường quốc lộ 1 được mở thông thương từ Nam ra Bắc, người Pháp lập đồn, đưa dân tập trung về bên này.
Làng thì di dời sang bên này (thị trấn Lương Sơn – quận Hòa Đa – tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ), lập ấp chiến lược, đào hầm – đặt chông quanh làng. Nhưng trường học thì ở bên kia sông – làng Mã Lăng. Tất cả học sinh hằng ngày phải lội sông sang bên ấy học. Đường đến trường có hai ngã, một ngã đi bên hông nghĩa địa, gần hơn. Còn một ngã thì đi qua xóm nhỏ, nhưng xa hơn. Có những lúc chúng tôi rủ nhau đi qua hướng có nghĩa địa, thì các bạn đi bên hướng vào xóm nhỏ hát to lên:
“Tôi đi bên này có bông có hoa
Ai đi bến đó có ma chận đường”
Thế là chúng tôi hét vang, ùa nhau chạy về bên này, hướng vào xóm nhỏ.
Hai bên đường đi, cây bồn bồn chen chúc mọc đầy, tới mùa trổ hoa, chúng tôi hái từng nụ hoa – xâu chỉ kết thành vòng, đặt lên đầu – choàng vào cổ – hoặc đeo vào tay cho nhau, nhất là tặng cho các bạn gái, ai nấy đều cười vui thích thú.
Gia đình Nội tôi thuộc loại khá giả nhất nhì trong làng, làng có câu thơ diễn tả 4 dòng Họ khá giả nổi bật nhất làng:
“Nhất Trần, nhì Phan, tam Hoàng, tứ Nguyễn”
Họ Trần là Họ bên Dượng, chồng của Cô Hai, Cô là chị của Ba chúng tôi. Làng chúng tôi, thời chiến tranh, tranh tối – tranh sáng, ban ngày là Quốc gia, ban đêm thì Việt cộng. Lúc bấy giờ Dượng được bên kia cử làm Chủ tịch xã. Cô có 3 người con, 2 người thì thoát ly vào chiến khu, tham gia kháng chiến, 1 anh thì bị tử trận, dưới nồng pháo của chiến hạm từ ngoài biển bắn vào. 1 anh, sau 1975 tham gia công tác tại huyện. Anh quan hệ với chị Dung, chị là con của nguyên là trung tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa, sau khi hồi hưu, ông xuống tóc, cải gia vi tự, tu Phật. Sau thời gian vận động không được, anh bị khai trừ ra khỏi Đảng, cho thôi việc, về lập gia định với chị. Còn anh thứ 3, đến tuổi quân dịch, nhập ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tử trận tại cao nguyên.
Họ Phan, là Họ của chúng tôi. Có những lần qua làng, chúng tôi rủ nhau đến thăm lại khu vườn xưa, nơi mà tuổi thơ của chúng tôi bi bo – chập chững – xúm xít – bu quanh bên Nội. Ở đây chỉ còn trơ trụi nền nhà xây bao quanh bằng đá, có diện tích trên 300 mét vuông, có chiều cao trên 1 mét.
Họ Hoàng là Họ của Thím, Thím là vợ của Chú họ chúng tôi. Chú tham gia kháng chiến, tử trận trong trận quân lực Việt Nam Cộng Hòa tiến quân càn quét vào sâu chiến khu.
Họ Nguyễn, là Họ của một gia tộc đứng hàng thứ tư trong làng.
Ba của chúng tôi: Phan Ơn, năm sinh1924, thuở thành niên đị học ngoài Huế, (lúc bấy giờ, trong làng chỉ có 2 người có đủ điều kiện ra Huế học: 1 là Ba của chúng tôi, còn 1 là anh họ (đồng tuổi ba tôi), con ông Bác. Sau này anh thoát ly ra chiến khu, sau 1975 về làm Bí thư huyện ủy). Sau 4 năm lấy bằng Thành chung (Cao đẳng Tiểu học – Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène), Ba về lại quê nhà. Ba tôi vừa là Hiệu trưởng, vừa là giáo viên đứng lớp. Thờì bấy giờ giáo viên không nhiều (trong thời gian này, Ba của chúng tôi được kết nạp vào Đảng CS). Tôi còn nhớ có năm tôi học cùng lớp do Ba tôi dạy. Các bạn trong trường đều nể nang – nhường nhịn tôi, bởi vì tôi là con của thầy giáo – của hiệu trưởng.
Tôi nhớ như in lời Ba dặn dò với Mẹ trước giờ phút lâm chung:
– “Phải cho các con ăn học đến nơi đến chốn, nếu cần bán hết bày bò, hết ruộng đất để cho các con thành danh – nên người thì cũng nên bán”.
Nhớ lời Ba dạy, chúng tôi luôn luôn nỗ lực học tập – tích cực làm việc – để nên người – để xứng đáng là con của Ba.
Vào những tháng gần Tết, gió từ biển đông thổi về, đây là lúc làng chúng tôi tổ chức thi thả diều. Bãi cát trắng phau là điểm thi, có những cánh diều to tướng đủ mọi hình dáng, nhiều mầu sắc sặc sỡ, bay lượn làm rợp mát cả bầu trời, mang theo nhiều tiếng sáo vi vu cao vút làm xao động cả tầng không. Ba cũng làm cho tôi một con diều xinh xắn để bay lượn – reo hò cùng chúng ban. Những con diều nhỏ thì tà tà bay thấp hơn là diều của chúng tôi.
Nhớ về Ba là nhớ về một thời chiến tranh ý thức hệ dữ dội ác liệt – nồi da xáo thịt, một thời đất nước chia cắt hai bờ vĩ tuyến. Bị các thế lực ngoại lai thao túng, cùng dòng máu đỏ – da vàng mà cha con, anh em xem nhau như kẻ thù.
Cuộc chiến đã làm tổn thất từ 2-4 triệu người chết (tính cả binh sĩ và thường dân), chưa nói đến số lượng tổn thất các nước ngoại quốc tham chiến.
Tham khảo từ nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95n_th%E1%BA%A5t_nh%C3%A2n_m%E1%BA%A1ng_trong_Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam
Sau 1950, Chú tôi: Phan Châu, là một bộ đội Việt minh, được lệnh tập kết ra Bắc. Năm 1964 hồi kết, làm Tiểu Đoàn Trưởng, xua quân vào Nam. Hầu như cả ông và đoàn quân đều tử trận phơi thây tại Đồng Xoài.
Ba tôi là một cán bộ cách mạng. Trước 1950 phụ trách Đoàn Thanh Niên CSHCM, sau làm Bí thư Liên Khu. Sau 1950 được cài cắm lại miền Nam hoạt động bí mật, làm kinh tài gây quỹ cho mật khu. Tôi còn nhớ, có những lần vào đêm – khuya lơ khuya lắc, mấy chú – mấy bác từ trong rừng về rất đông, ngồi kín cả căn phòng khách, Ba bảo tôi ra đầu ngõ cảnh giới.
Ba tôi còn là một cầu thủ bóng đá, sau một trận giao tranh sôi nổi, ba bị đối phướng đá trái banh hạng nặng, vì rất gần, bất ngờ rơi trúng vào ngực, bật ngửa giữa sân cỏ. Sau thời gian dài chữa trị, ba mất sức từ đó. Nhưng ba không quên nỗi đam mê, những lần theo đoàn cổ vũ đấu giao hữu với các đội bạn ở các địa phương khác, ba thường dẫn tôi đi theo. Ba thì mãi mê với những trận đấu bóng đầy hào hứng, còn tôi thì la cà bên những dãy hàng quán, hay những thùng kem bán dạo quanh sân bóng ./-