THẢM CẢNH XÃ HỘI

Thảm Cảnh Xă Hội

Sau 1975, Nền kinh tế đất nước tụt hậu, đời sống dân sinh lầm than khốn khó cùng cực. Từ một giáo sư, chúng tôi tham gia hợp tác xã, tập tành cày ruộng, cấy lúa, gặt lúa, đập lúa để có điểm đổi thành chén cơm – manh áo (nghe bạn bè nói lại, còn có những giáo sư – tiến sĩ muốn tự do, phải lên rừng đốt than kiếm sống qua ngày, nhà tù cải tạo chật ních – phân biệt đối xử – tra tấn khốc liệt).

Từ một đời sống sung túc – đầy đủ tiện nghi, ra đường mỗi tấc đất có xe đưa xe đón, ăn thì gạo trắng nước trong. Bây gờ thì ép lòng ăn cơm độn khoai – độn sắn – độn bo bo, tắm giặt thì bằng nước ngâm tro củi, muốn sang chảnh thì uống bia được chế biến từ nước tiểu, muốn xin việc – học tập thì phải nhẩn nhục câm nín chịu đựng chế độ xin cho – đối xử tệ bạc khắc nghiệt bằng lý lịch. Mua hàng hóa bằng tem phiếu với những món hàng bất như ý. Di chuyển đi đây đi đó, đi công tác – kiểm tra, phải có giấy ưu tiên, đi trên những chuyến xe đò chạy bằng than củi cọc cạch – ì ạch – mệt mỏi ròng rã suốt cả buổi – cả ngày trời mới đến nơi đến chốn.

Hợp tác xã được hình thành, mọi công cụ sản xuất đều phải tập trung. Mặc dù mẹ chúng tôi phản đối kịch kiệt, họ vẫn tự động vào vườn khiêng máy bơm nước và dắt đi cặp bò cày. Mẹ tôi xuống Ủy ban lớn tiếng chưởi bới thậm tệ:

  • “Bọn bay là bọn cướp ngày, bọn ăn cháo đái bát”.

Rồi Bà te te – ngang nhiên đến dắt lại cặp bò và nhờ người khiên cái máy bơm nước về lại vườn nhà.
Bà chưởi câu ấy, bởi vì trước 1975, gia đình chúng tôi có mở một đại lý mua bán gạo, những chuyến hàng từ Sài Gòn về là 2 chiếc xe Ba lua (Poids lourd – loại xe tải hạng nặng lúc bấy giờ), 1 xe đưa gạo về nhà – và 1 xe thì đầy gạo – trong đó còn có cất giấu thuốc Tây, chạy thẳng vào rừng tiếp tế nuôi cách mạng, mỗi lần trong rừng nhận hàng chỉ ghi lại 1 cái phiếu. Đến khi đoàn quân từ trong rừng về (giải phóng), thì gia đình chúng tôi cũng cung cấp hàng chục tạ gạo để nuôi quân.

Có lần Ông Chủ tịch đến thăm nhà chúng tôi, bởi vì trước đây, trong chiến khu, Ông là học trò của Ba tôi. Thấy mâm cơm chúng tôi có thịt cá – cơm trắng không độn khoai. Ông nói:

  • Ăn tiệc sang nhỉ, tiểu tư sản có khác !

Bởi vì chúng tôi không quen ăn độn, mỗi lần ăn cơm độn khoai là cổ họng chúng tôi nóng bỏng. Hơn nữa gạo trong kho còn lại cũng khá nhiều.

Tôi có một ông anh họ, tôi gọi ông bằng anh, nhưng tuổi của ông gần bằng tuổi Ba tôi. Sau 1975, từ trong rừng về, ông được phân công làm Bí thư ở một huyện xa. Khi Bác tôi mất, ông có về, nhưng không chịu thọ tang, những người trong gia tộc trách cứ, ông trả lời:

  • Trên đầu tôi chỉ có Bác Hồ ! Ai nấy đều nghẹn lời !

Có lần Cô tôi mời ông lên ăn giỗ (Cô tôi cũng là Cô của ông). Vào dịp giỗ Dượng (chồng của Cô. Dượng cũng là chiến sĩ cách mạng tử trận). Ông nói trước mặt gia tộc:

  • Người chết là mất, chết rồi còn ăn uống được gì, mê tín – bày đặt cúng kiến linh đình, chỉ có ruồi bu kiến đậu.

Cô tôi giận quá, hốt hết tất cả cơm canh bánh trái trên bàn thờ, đổ vào xoong – vào thúng – vào giỏ, gọi xe Lam chở xuống huyện, đổ hết trước cửa huyện ủy.

Tôi có một người Bác họ, sau khi miền Nam thống nhất, ông hồi kết về lại quê nhà, nhưng ông không về thẳng nhà vợ con, mà ông vào ủy ban xã, ăn ở tại đây. Nhiều người thân trong địa phương đến thăm, hỏi ông:

  • Sao không về nhà, về với vợ – con ? Ông nói:
  • Bà ấy theo Mỹ theo ngụy, cho nên mới có được nhà to cửa lớn. Bởi vì theo Mỹ – ngụy cho nên con cái mới được vào đại học, làm việc cho Mỹ cho ngụy.

Ông đâu có biết rằng, vợ ông đã cực khổ quanh năm, thân cò lặn lội nuôi con mới có được ngày hôm nay. Sau thời gian được nhiều người khuyên giải, ông sượng sùng về nhà. Vợ ông thủ thỉ nhờ ông bảo lãnh cho đứa con trai lớn đang cải tạo được về nhà. Ông nói:

  • Thằng đó phản cách mạng, theo Mỹ – theo ngụy quân – ngụy quyền chống phá cách mạng, phải để cho nó ở tù mọt gông

Những đồ đạc – dụng cụ – đồ dùng bày biện trong nhà, ông cho là đồ của Mỹ – của ngụy, nên ông hồng hộc đem bỏ hết ra ngoài vườn, bộ ghế Salon ông mang ra bỏ bên gốc xoài. Vậy mà mấy tháng sau, ông len lén hì hục mang vào lại phòng khách ./-