Em Thủy Nguyên có câu hỏi rất hay ! Anh Áo Lam xin phép được trích bài giảng Phật Pháp Là Gì của Hòa Thượng Thích Thanh Từ để trả lơì câu hỏi của em, qua bài học này giúp em hiểu thêm về Phật Pháp . Chúc em Thủy Nguyên nhiều vui – khỏe, tinh tấn sinh hoạt !
Phật pháp là gì?
Phật pháp là những điều đức Phật chứng kiến được sau khi giác ngộ, đem chỗ chứng kiến ấy nói lại để cho mọi người hiểu biết để dứt sạch mê lầm và giác ngộ như Ngài.
Chính từ chỗ chứng kiến của Ngài nói ra, không phải do suy tư phỏng đoán như nhiều triết thuyết khác. Vì thế, Phật pháp là những chân lý, tùy trình độ của người, Phật nói có sai biệt: Chân lý phổ biến, Chân lý tương đối, Chân lý tuyệt đối.
Có nhiều người không hiểu đạo Phật, họ phê bình đạo Phật là bi quan yếm thế, là mê tín dị đoan… Đó là tại vì họ không hiểu, chớ sự thật đạo Phật không phải như vậy. Tại sao? Vì đức Phật là người giác ngộ. Đạo là phương pháp hay là một con đường, Phật là giác ngộ. Nói tới đạo Phật tức là nói tới phương pháp giác ngộ. Giác ngộ thì không có mê tín, mê tín thì không phải giác ngộ. Mê thì không phải giác mà giác thì không phải mê, nó rõ ràng như vậy. Nói đạo Phật là mê tín, đó là lầm. Mê tín là tại một số cá nhân họ làm sai, họ đi theo sự mê tín, chứ đạo Phật chân chánh không phải là mê tín.
Đạo Phật giác ngộ thì mê tín chỗ nào? Tại sao nói đạo Phật không mê tín? Bởi vì đức Phật do sau khi giác ngộ chứng kiến sự thật rồi mới nói. Chứng kiến tức là thấy được, nhận được mà nói chứ không phải nghe hoặc suy nghĩ mà nói. Có những triết gia người ta suy luận, nói ra những lý thuyết chúng ta nghe thấy hay, nhưng mà sau đó có khi sai. Còn đức Phật không suy luận mà nói, cái gì Ngài thấy được, nhận được Ngài mới nói. Cho nên trong kinh Trung A Hàm có bài kinh đức Phật nói rằng: “Ta thấy chúng sanh sanh tử luân hồi như người ngồi trên tầng lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ đi bên đông, người đi bên tây, thấy rõ ràng”.
Những lời Phật nói đó do thấy mà nói chớ không phải do suy luận mà nói. Cho nên ở đây, chúng tôi dùng chữ chứng kiến chớ không dùng chữ suy luận. Mà đã chứng kiến thì đó là sự thật, là chân lý chớ không phải là chuyện mê mờ. Nếu mà lý luận với nhau bằng suy tưởng thì ngày nay mình lý luận có lý nhưng mai mốt nó lại sai đi. Còn cái thấy được nói ra thì không bao giờ sai, vì đó là lẽ thật. Phật pháp là chân lý chớ không phải là chuyện mơ màng.
Đức Phật nói rằng: “Ta thấy chúng sanh sanh tử luân hồi như người ngồi trên tầng lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ đi bên đông, người đi bên tây, thấy rõ ràng”.
Trong những chân lý đó, tôi nêu lên ba chân lý:
1. Chân lý phổ biến là chân lý trùm khắp hết.
2. Chân lý tương đối có hai mặt: phải quấy, tối sáng v.v… luôn luôn đối đãi nhau.
3. Chân lý tuyệt đối là cứu cánh.
Học Phật phải hiểu ba chân lý này.
HT.Thích Thanh Từ