CHÙA TO THÌ RẤT NHIỀU, TĂNG NI RẤT NHIỀU, TRƯỜNG HỌC CŨNG RẤT NHIỀU MÀ NỘI DUNG KHÔNG CÓ -Tuệ Sĩ-

CHÙA TO THÌ RẤT NHIỀU, TĂNG NI RẤT NHIỀU, TRƯỜNG HỌC CŨNG RẤT NHIỀU

MÀ NỘI DUNG KHÔNG CÓ

-Tuệ Sĩ-

Tính từ độ 1982 cho tới bây giờ, Phật giáo VN có cái gì ? Được bao nhiêu tờ báo? Bao nhiêu quyển sách nghiên cứu? Không cần trả lời ai cũng biết.

Mà bây giờ chùa thì rất nhiều. Tăng cũng nhiều hơn, học tiến sĩ nhiều hơn hồi xưa, nhưng tại sao không làm nỗi một tờ báo? Chỉ có tờ Giác Ngộ gọi là tiếng nói chính thức của giáo hội. Mà tờ Giác Ngộ, nói kinh Phật thì cũng có, mà mình chê thì bảo là vì thành kiến, chứ thật ra chưa đúng với tầm vóc của nó, mà nhiều khi còn viết tầm bậy nữa!

Một tờ báo Phật giáo thì mắc mớ gì cái chuyện của Nato với Kosovo mà mình chống báng. Mấy thầy đó làm báo ch.ín.h tr.ị hay là báo Phật giáo? Mà cái chuyện chống Nato để ủng hộ đả.ng C.SV.N hay ủng hộ Trung Quốc, cái đó hàng chục tờ báo ở ngoài người ta nói rồi, mình nói làm chi?

Nghĩa là không có một tờ báo Phật giáo thật sự. Mà cái sức mạnh của Phật giáo là ở văn hóa chứ không phải ở ch.ín.h tr.ị. Sức mạnh văn hóa mà chinh phục cả thế giới, mình phải ý thức được chuyện đó. Nhìn lại mình, trong 20 năm nữa Phật giáo VN có cái văn hóa nào đáng để chứng tỏ sự tồn tại của mình không? Không có gi cả! Trong hiện tại với tôi bây giờ, chứng tỏ là bất lực rồi.

Còn thế hệ trẻ các thầy bây giờ. Trong 5, 10 năm nữa các thầy phải ý thức rõ việc này và phải làm cho được. Nhưng muốn làm được thì ngay bây giờ tôi phải tìm người để gầy dựng, nghĩa là để hướng dẫn, rồi sau đó đủ sức rồi mấy thầy tự đi lấy. Tôi phải tìm người.

Thứ nhất, bây giờ phải tập mấy thầy dịch kinh cái đã. Ban đầu dịch mấy bài dễ thôi, mà cũng chưa có người làm được. Đi tìm ở Saigon cả năm nay rồi. Tôi nói mấy thầy ở Già Lam đi tìm vẫn chưa ra. Mà với điều kiện nếu trình độ còn yếu thì tôi sẵn sàng giảng dạy cho. Còn ở Saigon nếu vật chất thiếu, tôi sẽ vận động giúp cho cả vật chất lẫn tinh thần mà vẫn chưa tìm ra người. Không dịch nỗi! Tốt nghiệp Cao đẳng rồi mà vẫn không dịch nỗi!

Ngày xưa đi dạy tôi biết, học tăng chỉ cần tốt nghiệp Trung đẳng thôi, ví dụ như lớp của thầy Phước Viên đây học hết Trung đẳng, dịch Luận-câu-xá được. Tôi coi lại tôi thấy dịch được và Phật học viện Nha Trang in đàng hoàng. Ở Saigon như vậy. Ở Huế cũng không có. Thầy Phước Viên đi tìm người ở Từ Đàm, Từ Hiếu để làm, có tôi hướng dẫn thêm mà cũng chưa thấy ai.

Có mấy thầy ở Bình Định tôi cũng nói để ý tìm. Mình đi tìm nhân tài, những người để hợp tác và kế thừa. Mấy thầy phải tập ngay từ bây giờ để vừa phải thì 5 năm, có chậm lắm thì 10 năm nữa phải gánh lấy vai trò đó. Mà trong 5, 10 năm nữa đất nước VN sẽ có những tiến bộ mình bất ngờ, và trong tình trạng của tiến bộ trí thức ngoài đời như thế, mà mình là tăng sĩ Phật học cứ nửa nạc, nửa mỡ thì không truyền bá được gì, sẽ tự mình đào thải.

Và Phật giáo nếu còn tồn tại, chỉ tồn tại theo cái cách mà người ta coi ông Phật cũng như ông Địa. Nghĩa là thờ Phật để cầu buôn may bán đắt, cầu cho đừng bệnh tật, cho trúng số đề…Mà nếu cứ không tìm ra người và không tổ chức được thì sẽ đến tình trạng đó thôi. Ở đây không phải tôi nói quá.

Tôi biết có những vị còn ẩn dật đâu đó mà mình chưa tìm ra. Nhưng ở đây ngay cả những vị đi học tiến sĩ ở Ấn Đô về: mình thất vọng. Tôi đã nói chuyện, tôi biết. Ở đây mình có rất nhiều trường học. Trung cấp có, Cao đẳng có, Học viện có…mà các thầy dạy Cao đẳng Phật học chỉ trừ vài người, số còn lại không ai biết chữ Hán, hoặc biết rất ít. Đọc sách chưa đủ chữ để đọc, mà nghiên cứu kinh điển không biết chữ Hán coi như mất hết 50%. Không biết luôn Pali với Sanskrit thì mất hết 100%. Trình độ học Phật như thế thì đi tới đâu. Thành ra mình phải thấy cái điều bất thường này, là chùa to thì rất nhiều, tăng ni rất nhiều, trường học cũng rất nhiều mà nội dung không có.

Một tình trạng không đơn giản chỉ là suy sụp, mà là…mình nói như la làng lên đi: là nguy hiểm cho sinh mạng của Phật giáo. Bởi học kiểu đó rồi ra trường, kinh điển đọc không hiểu, giảng kinh tầm bậy, cứ theo ý mình mà giảng kinh.

Định Hướng tương lai cho tăng ni trẻ.
-Thầy Tuệ Sỹ-