Nếp sống Gia Đình Phật Tử
“Sống và viết” như một người huynh trưởng GĐPT là tâm nguyện tôi luôn luôn giữ trong lòng mình. Thật ra “viết” đã là phần của “sống” rồi nhưng tôi chỉ muốn dặn dò mình kỹ hơn. Tôi nghĩ đây cũng là cây kim chỉ nam nên được mang theo trong hành trang của một huynh trưởng GĐPT dù còn sinh hoạt hay vì lý do nào đó đã rời đoàn.
Theo nội quy năm 1951 của Đại hội Huynh trưởng, các điều luật dành cho Thanh Thiếu Niên Nam Nữ và Huynh Trưởng GĐPT gồm:
1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
2. Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.
3. Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.
4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
5. Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.
Những điều luật đó các đoàn viên ngành Thanh, Thiếu và Huynh Trưởng các cấp đọc không biết bao nhiêu lần trong những ngày Chủ Nhật đã qua trong đời mình. Anh chị em nào cũng thuộc nhưng thấm sâu vào nhận thức và chuyển thành cách sống là điều vô cùng khó.
Tôi trở lại thăm văn phòng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam vài ngày sau 30 tháng 4, 1975. Văn phòng nằm phía bên trái lối vào hẹp của Trung Tâm Quảng Đức, số 294 Công Lý Sài Gòn. Vì chỉ mới vài hôm nên văn phòng BHD còn nguyên bàn ghế nhưng lá cờ đoàn cắm trên giá đã bị lấy đi hay được anh chị nào đó cất đi. Nhìn quanh không có ai quen.
Trung tâm Quảng Đức, trụ sở của Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN sau 30-4-1975 đã trở thành nơi sinh hoạt của một nhóm thanh niên sinh viên lạ. Trong thời buổi tranh tối tranh sáng không biết ai là ai. Nhiều “nhà cách mạng 30 tháng 4” chợt từ đâu xuất hiện với khuôn mặt lạnh lùng và có thể vài năm sau chính các “nhà cách mạng” này lại lên đường vượt biển như nhiều người khác.
Tôi chỉ là một đoàn viên GĐPT như trưởng Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai thường gọi vui “đoàn viên Thị Nghĩa” mỗi khi trích dẫn một câu nào đó từ bài “Người Huynh Trưởng Thời Đại” của tôi.
Tôi cũng không có liên hệ trực tiếp nào với Ban Hướng Dẫn Trung Ương ở Trung Tâm Quảng Đức. Nhưng mỗi khi có dịp ghé qua đó tôi thường dừng lại vài phút để nhớ tới cậu bé đội đồng niên bảy tuổi ốm o của GĐPT chùa Ba Phong, Duy Xuyên, Quảng Nam, nhớ tới anh Liên Đoàn Trưởng Lê Thanh Hải (cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh), nhớ các anh huynh trưởng thay phiên đến nhà chở tôi đi tập hát mỗi tuần, nhớ những chị trưởng vá giùm tôi chiếc áo. Tôi vắng mẹ như nhiều người biết nhưng tôi cũng vắng chị nữa. Các chị trưởng trở thành chị của tôi và các chị rất thương tôi. Một lần tôi đi học, cổ áo sơ-mi không xếp đúng, một chị trưởng tình cờ gặp trên đường làng thấy vậy gọi tôi lại và nhẹ nhàng bẻ cổ áo ra phía sau cho đều. Một cử chỉ rất bình thường nhưng khi chị đi khuất tự nhiên tôi muốn khóc và nhớ tới giờ.
Sau lối vào là hai hành lang dài bao bọc chiếc sân khá rộng. Trên hành lang đó, cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và cũng là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên đầu tiên đã bước trong những buổi chiều. Tôi nhớ đến Thầy trong bài thơ Hoa Đạo. “Anh” tôi gọi trong bài thơ là trưởng Viên Lạc Phạm Gia Bình:
Anh trở về xin ghé Trại Hàm Tân
Thăm Thầy Thiện Minh
Nhục thể bị phơi giữa rừng già hiu quạnh
Họ tra tấn thầy
Đôi mắt bầm đen
Màu da tím thẫm
Họ giết một người chỉ biết có thương yêu
Bước chân thầy đi
Khập khiễng mỗi buổi chiều
Dọc hai hành lang Trung Tâm Quảng Đức
Vết thương nặng đã nhiều năm đau nhức
Vẫn cố nghiêng người mang Đạo Pháp trên vai
Thầy còn đây với biển rộng sông dài….
(Hoa Đạo, thơ Trần Trung Đạo)
Sau ngày 30 tháng 4, 1975, hệ thống Gia Đình Phật Tử đã trở thành một tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật không văn bản. Tôi không nhớ đã đọc một quyết định nào của nhà nước CS tuyên bố giải tán GĐPT hay không cho phép GĐPT sinh hoạt. Ngay trong Hiến Chương 1981 của “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” cũng không nhắc tới GĐPT.
Nhà nước dĩ nhiên không quên nhưng họ tin rằng dù không giải tán tổ chức GĐPT cũng sẽ tan rã trước cơn bão đỏ đang quét qua mọi lớp tuổi từ các em oanh vũ măng non đến ngành thiếu, ngành thanh cho tới các cấp huynh trưởng từ địa phương đến trung ương.
Họ tin những chương trình “kế hoạch nhỏ” sẽ làm các em oanh vũ nam nữ quên những chiều Chủ Nhật quây quần bên bạn, bên chị, bên anh dưới mái chùa ấm áp.
Họ tin bài hát “Hành khúc đội thiếu niên tiền phong” với những lời đầy sắc máu sẽ làm các em oanh vũ nam nữ quên đi những “Anh em ta về”, “Dây thân ái” thân thương.
Họ tin những “năm điều bác Hồ dạy” sẽ làm các em oanh vũ nam nữ quên những lời hứa chân thành bên dòng suối từ bi “Em tưởng nhớ Phật, em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, em thương người và vật.”
Họ tin các đoàn viên ngành Thanh, Thiếu Niên và Huynh Trưởng các cấp khi đối diện với một xã hội mới, một chế độ chính trị mới phải có những chọn lựa mới thích nghi.
Sau 30 tháng 4, 1975, một số trưởng vào tù, một số trưởng “ngã lòng”, và thành thật mà nói cũng có một số bỏ đoàn ra đi theo thời thế. Chẳng trách gì ai. Là con người ai lại chẳng có lúc “ngã lòng” và “bỏ đi” nhưng may mắn không phải tất cả đều như thế. Dòng nước trôi xa nhưng phù sa đọng lại.
Khó khăn, đương nhiên là quá khó. Sau 1975, khi về thăm Viên Giác, sư phụ tôi bảo “công việc chính của thầy trong những ngày này là đi thăm nuôi.” Không có “tội” gì nặng chỉ những lý do vặt vãnh như “tổ chức đóng trại không xin phép”, “không đi thủy lợi ngày Chủ Nhật”, “ngủ lại đêm ở chùa không khai báo” v.v…
Nhưng dù áp lực vật chất lẫn tinh thần, dù một số anh chị huynh trưởng đã “ngã lòng”, “bỏ đi”, GĐPT như một tổ chức vẫn tồn tại và duy trì được gần hết các sinh hoạt như trước 1975.
Làm thế nào một tổ chức của thanh thiếu niên Phật Giáo như GĐPTVN lại có thể tồn tại trước một sự thay đổi tận căn bản như xã hội CS?
GĐPT tồn tại nhờ Phật chất.
Phật chất đó là “kính Phật trọng Tăng”, “mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống”, “trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật”, “trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm”, “sống hỷ xả”.
Bản tính con người là hướng thiện. Phật chất không phải là cứu cánh mà là chiếc thuyền đưa con người đến bến thiện. Sau 1975 giữa tiếng loa như hét vào tai mỗi buổi sáng vẫn có tiếng chuông ngân nhẹ nhàng lắng xuống tâm hồn người vào mỗi buổi chiều.
Sống được như năm lời phát nguyện của Thanh Thiếu Niên và Huynh Trưởng GĐPT là điều vô cùng khó. Tuy nhiên, điều luật GĐPT được đặt ra là để hướng tới chứ không phải là những điều kiện để bước vào. Điều quan trọng là mỗi ngày chúng ta nên cố gắng sống theo tinh thần của năm điều luật dù ở đâu, làm gì và vào tuổi tác nào. Những Phật chất quý giá đó đã giữ GĐPT tồn tại sau những tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người.
GĐPT tồn tại nhờ “nếp sống GĐPT”.
Nhà thơ Huyền Không (Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác) để lại cho chúng ta hai câu thơ đậm màu lịch sử: “Mái chùa che chở hồn dân tộc , nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Tổ chức GĐPT có cơ cấu hình tháp như nhiều tổ chức khác nhưng không sinh hoạt một cách cứng ngắc theo hình tháp mà tạo thành “nếp sống GĐPT” linh hoạt ngay từ mỗi ngôi chùa làng.
Tương tự như “nếp sống” của dân tộc mà Ôn Mãn Giác đã ví trong thơ, “nếp sống GĐPT” là chiếc áo màu lam, bài hát, trò chơi, lửa trại, ánh mắt, nụ cười, lời dặn dò, bài giảng, mái chùa cong, cây đa rợp lá, tình thương bao bọc và trên tất cả là những lời phát nguyện vào đoàn.
Màu lam gắn bó với mỗi đoàn viên GĐPT vô cùng sâu đậm. Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn, một cựu đoàn viên GĐPT và nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ có lần đã ví chiếc áo nâu sồng Thầy mặc là kết quả của “màu máu của con tim hòa với màu lam của GĐPT”.
Sau 1975, “nếp sống GĐPT” như hệ thống miễn nhiễm chống lại căn bệnh thời đại đang tàn phá các giá trị nhân bản của con người. Có nơi không chịu nổi, nguồn sinh lực cạn dần nhưng nhiều nơi đứng được và đã vượt qua.
Dù ít nhưng những hạt mầm sống sót qua mùa bão đã nảy thành những chồi xanh. Những ngọn lau non vẫn hát trên cánh đồng Việt Nam. Ở Mỹ, Pháp, Đức, Úc v.v.. những bài hát sinh hoạt bằng tiếng Việt Nam không dấu cũng được các em cất lên “duong tuy xa nhung tinh bao la”. Đau thương chưa dứt nhưng “hy vọng đã vươn lên”.
Nhưng giống như lòng yêu nước, “nếp sống GĐPT” cũng mang nhiều đặc tính bảo thủ và rất dễ trở thành căn nhà không cửa sổ. Nếu biết mở ra để cùng nhìn về phía chân trời, “nếp sống GĐPT” sẽ hòa nhập vào dòng chảy văn minh để trở thành một “nguồn sống” cho tương lai của GĐPT, cho tuổi trẻ VN và cả cho đất nước Việt Nam.
Thị Nghĩa – Trần Trung Đạo
Nguồn: https://thuvienphatviet.com/thi-nghia-tran-trung-dao-nep-song-gia-dinh-phat-tu/