Phương cách hình thành nên những giảng sư có năng lực hoằng pháp hiệu quả -TT Thích Đồng Trí-

PHƯƠNG CÁCH HÌNH THÀNH NÊN NHỮNG GIẢNG SƯ

CÓ NĂNG LỰC HOẰNG PHÁP HIỆU QUẢ

-TT Thích Đồng Trí-

Làm sao hiển thị được lý Như ?
Hoằng Pháp đang cần những giảng sư
Thiết tha Đạo Pháp, bày phương tiện…
Tận tụy độ sanh với Tâm Từ

Hàng xuất gia là Trưởng Tử Như Lai. Hàng đệ tử Phật tu học với sứ mệnh : tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Như tấm gương Tăng Già thời Đức Phật, người tu sỹ sau khi hấp thụ được những tinh yếu của Phật Pháp, sau đó, với ba Y một Bát, đi khắp nơi để hoằng hóa chúng sanh, theo lời Đức Phật khuyến tấn những đệ tử xuất gia đầu tiên của mình : “Này các Ty Kheo! Không nên đi hai người chung một nẻo đường, không ngủ hai đêm dưới một gốc cây, hãy đem Chánh Pháp toàn thiện đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối đến với khắp chúng sanh, những ai có tai và muốn lắng nghe”. Quả thật, đời người tu sỹ luôn sống với bản hoài: “Hoằng Pháp vi gia vụ – lợi sanh vi sự nghiệp”. Thế nhưng làm sao có thể chu toàn tốt nhất sứ mệnh : Hoằng Pháp độ sanh này, nhất là khi Hoằng Pháp ở nước ngoài, đó là điều quan trọng, thiết nghĩ chúng ta nên suy nghiệm sâu sắc và chia sẻ những kinh nghiệm hoằng Pháp với nhau.

Hoằng là mở rộng, khai triển rộng, Pháp là Chánh Pháp do Đức Phật truyền dạy và để lại. Không nhất thiết phải đợi lên Pháp tòa mới làm công việc “Hoằng Pháp”, mà trong tương tác cuộc sống, nếu ai có thể ảnh hưởng người khác theo chiều tốt đẹp hơn bằng Chánh Pháp, khế hợp với Chánh Pháp, vậy là đã góp phần hoằng Pháp. Cuộc sống này là tương quan, tương duyên, tương tức, tương tồn, nương nhau mà tồn tại, tương tác, giao tiếp nhiều chiều, vậy mọi người đều có nhiều cơ hội lan tỏa Chánh Pháp. Nhưng để có thể lan tỏa Chánh Pháp một cách tự nhiên, đều đặn và sâu rộng, chúng ta cần có những hiểu biết, cân nhắc và tôi luyện phát triển những yếu tố cần thiết sau đây:

I. Tha thiết với chân lý, giác ngộ và hướng đến giải thoát

Đề cập đến những khái niệm này, chúng ta nghe có vẻ “từ chương” và quen thuộc, thế nhưng trên thực tế có người lại cho là khá xa vời, hay biện minh rằng : tôi đang lo những việc trước mắt cho xong, giải quyết cấp thời bao nhiêu thứ việc trong giai đoạn này trước đã, còn chuyện “giác ngộ” và “giải thoát” ấy đến giai đoạn thuận tiện, rảnh rang hơn sẽ tính sau. Chúng ta luôn nhập nhằng và nhiều lúc phải lựa chọn giữa “phương tiện” và “cứu cánh”. Chẳng hạn, tìm nhiều cách khác nhau để “làm kinh tế” cho chùa : may pháp phục, làm vườn, rẫy, làm đồ chay, gây quỹ,….là phương tiện, còn việc dồi trao Giới Định Tuệ hướng đến giác ngộ, giải thoát là cứu cánh. Đời người có hạn, nếu như chúng ta cứ hẹn dần, hẹn dần hoài như vậy, hãy thành thật nhìn lại suốt hành trình chúng ta đã trải qua : bao nhiêu năm tháng chúng ta đã dành cho “phương tiện”, rồi bao nhiêu thời gian chúng ta đã dành cho việc hướng đến “cứu cánh”. Chúng ta có thể biện minh là vì thời gian, không gian khác xa thời Đức Phật, nên chúng ta không hành hoạt giống hoàn toàn như Tăng Già thời Đức Phật. Thế nhưng, với câu nói thông dụng “tùy duyên bât biến”, có quả thật là bất biến hay không, hay không khéo rồi đến ngày “biến chất”, đôi khi chúng ta nhìn lại chính mình và có kịp thời nhận ra : Ta đi xa quá, hay là Ta đã đi sai lệch con đường giải thoát mà Như Lai chỉ dạy hoặc Ta khác với chính Ta có thuở khắc khoải đi tìm chân lý và mới xuất gia, sơ tâm cầu Đạo. Nếu như người xuất gia, trải qua nhiều năm tháng, mà cứ loay hoay với những phương tiện hay vật chất thường tình và về tâm linh, tinh thần hay Trí Tuệ không thăng hoa siêu vượt thì liệu có được những điều gì hay ho, cao quý để chia sẻ cho người khác ?

II. Sự lựa chọn và hướng đầu tư về năng lượng và thời gian:

Mỗi năm có 365 ngày và mỗi ngày có 24 giờ, công bằng cho tất cả mỗi người, việc thành tựu như thế nào tùy thuộc mỗi người biết sử dụng quỹ thời gian như thế nào? Sinh hoạt của vị tu sỹ thời nay có những sự lựa chọn, ví dụ : chọn ở chùa nào, lãnh vai trò gì trong chùa : trụ trì, tri sự, tri khách, tri viên, hay hương đăng,…có khi là quyết định lãnh trách nhiệm chính cho một chùa ở vùng nào, tổ chức sinh hoạt chính trong chùa theo hướng nào : tổ chức khóa tu tập, công phu, tụng Kinh, thuyết giảng nhiều hay là ứng phó đạo tràng cầu an, cầu siêu, … đám xá, sự kiện nhiều. Ngoài ra có sự chọn lựa : thời lượng cho việc tụng kinh, thuyết giảng hay là mỗi đám cúng, thời gian đi làm việc kinh tế cho chùa bao nhiêu là đủ… Hãy thành thật xem lại sự lựa chọn và đầu tư của mình, thời gian và năng lực của con người luôn vốn có sự giới hạn : được cái này thì mất cái khác, quan trọng là ưu tiên cho cái gì? Vậy mỗi ngày, mỗi tuần, chúng ta dành được bao nhiêu thời gian cho công phu tu niệm và nghiên cứu, học hỏi, khai mở Trí Tuệ và hoằng Pháp? Nếu suốt một tuần, hai tuần hay một tháng mà tu sỹ chỉ biết giở ra vài bản Kinh tụng đi tụng lại, cho việc ứng phó đạo tràng, cầu an cầu siêu, mà không đọc thêm trang Kinh nào mới, không giảng bài Pháp thực sự nào cho Phật tử – như vậy hướng lựa chọn và đầu tư có cái gì đó sai sai? Có phải chúng ta đầu tư lầm lẫn, loay hoay vói cái phụ mà lơ là, quên mất cái chính hay không? Tập quán nghiệp hay tích lũy nghiệp cực kỳ quan trọng, hạt giống Trí Tuệ không phải gieo vài ngày hay trong thời gian ngắn mà trổ hoa, kết quả, tất cả phải trải qua quá trình gieo trồng, tích lũy, trưởng dưỡng, chăm sóc và chín muồi. Không ai tự nhiên thông thạo, trở thành nhà hùng biện hay Pháp Sư tài giỏi cả, tất cả đều nhờ nhân và duyên, từ nhiều kiếp trước và cả trong kiếp này.

Nếu như sự lựa chọn của chúng ta : thà là thiếu thốn hơn một chút, thanh bần lạc đạo hơn chút, thảnh thơi tâm trí hơn, có thời gian để tu học, nghiên cứu, vun bồi Trí Tuệ và hoằng Pháp mà vẫn cảm thấy an lạc, cho dù người khác nhìn vào, họ cảm thấy chưa thành công hay đạt được “đẳng cấp” như họ, thì thôi kệ. Chúng ta tìm kiếm vun đắp những gì ở đây, nếu cứ bận rộn loay hoay toan tính hơn thua mãi mà ngày càng xa với chí hướng xuất gia ban đầu của mình? Nếu không khéo để rồi, người xuất gia cứ lấn qua làm việc loay hoay kinh tế, xây dựng, tổ chức, quản lý,… của người tại gia, rồi người tại gia lại tha thiết và làm thay phần việc chính của người xuât gia. Không phải một mình Ta mà có thể lo hết mọi việc thế gian, nên biết buông xả, biết điểm dừng, biết chọn lựa thì chúng ta biết bỏ qua cái gì, chú trọng và đầu tư vào mảng nào. Nếu vị nào có đạo lực tu tập và có đạo hạnh thì có thể chiêu cảm được nhiều vị xuất gia cùng đến ở chung để chia sẻ công việc, hoặc nhiều người Phật tử tận tụy luôn bên cạnh chúng ta để hỗ trợ, bớt gánh nặng.

Hướng lụa chọn và sinh hoạt làm sao, để hàng ngày chúng ta rờ đầu và đọc Quy Sơn Cảnh Sách mà không thấy hổ thẹn:

“Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Không như vậy thì chỉ là kẻ lạm xen vào hàng ngũ tăng sĩ, lời nói và việc làm trống rỗng, sơ suất, hưởng dụng một cách vô ích cúng phẩm của tín đồ, đường đi năm cũ thì một tấc một bước cũng không đổi dời, quàng hoảng suốt cả một đời thì còn lấy gì mà nương tựa và cậy nhờ ?”

III. Thấm nhuần Phật Pháp thì tự nhiên sẽ lan tỏa Chánh Pháp:

Chánh Pháp là để sống, để thể nghiệm chứ không phải là giáo điều suông hay triết thuyết xa vời, cũng không phải để phô diễn văn chương, khôn lanh vượt bậc, diễn kịch sâu đạt hay hô hào và tuyên truyền ào ạt, quyết liệt. Giáo dục Phật Giáo có 3 phương diện : Thân Giáo – chánh niệm tỉnh giác, sống trọn vẹn với Chánh Pháp, người khác học hỏi nơi tấm gương bản thân và cuộc sống của vị ấy, Khẩu Giáo – sự giáo dục qua ngôn ngữ, thuyết pháp, giao tiếp, Ý Giáo – những điều tuy rằng chưa nói ra, nhưng vận Từ Tâm cảm hóa, người khác có thể giao cảm, cảm nhận được những điều hay thăm thẳm sâu trong tâm khảm vị đó, cái gì xuất phát từ trái tim thì giao cảm với trái tim, cho dù chưa cố ý diễn bày ra thành lời.

Trí Tuệ Phật Giáo khác với trí thức thế gian đòi hỏi có Văn Tư rồi Tu, có Giới Định Huệ. Cùng một đề tài giảng Pháp ấy, nhưng với một vị có tu tập thâm sâu, những gì vị ấy nói ra, giảng thuyết, không đơn thuần chỉ là từ sách vở, mà quan trọng hơn là từ sự thẩm thấu, thể nghiệm, thể chứng của mình, từ nguồn tâm lưu xuất. Lúc đó, vị ấy có những cách trình bày rất riêng, đơn giản,, cụ thể, sống động, sáng tạo, thiết thực, dễ hiểu, đầy ấn tượng. Như trường hợp các Tổ Sư Thiền Ấn Hoa hay Lục Tổ Huệ Năng, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông hay Tuệ Trung Thượng Sỹ,…các Ngài trình bày các vấn đề, trả lời các câu hỏi từ nơi chứng ngộ, sâu sắc, đầy phong cách riêng và ấn tượng.

Những người thiếu sự thực hành Chánh Pháp đúng mức thì không có được Thiền vị, không sống trong chánh niệm tỉnh giác, làm chủ, điều phục, chế ngự chính mình nên có những thô tháo, vụng về nơi cử chỉ, oai nghi, thậm chí có những biểu hiện mục tiêu sinh hoạt không phải vì lòng Từ Bi hoằng truyền Chánh Pháp mà từ động cơ danh lợi tình , vấy bẩn tham sân si, “đấu cấu thị phi tranh nhân ngã”. Tuy rằng có câu: “Y Pháp bất y nhân”, người nghe chỉ chú ý vào lời giảng, có điều gì hay thì học hỏi, không cần quan tâm lắm về đạo hạnh và lực tu của người đó, thế nhưng trong thực tế cuộc sống, nếu đã mất lòng tin, nếu ngôn hành bất nhất hay năng thuyết bất năng hành (nói được mà làm không được) hoặc miệng thì nói trên trời mà chân không đi rời ngọn cỏ thì khiến người nghe có phản cảm và phản tác dụng. Đức Phật khi giảng Pháp có chứng chuyển, thị chuyển, khuyến chuyển nghĩa là : Đức Phật khai thị những điều như vậy, đó là những điều Như Lai đã chứng, đã thực hành qua, trải qua, bây giờ khuyến khích các đối tượng hãy đi trên đường đó…

Hơn nữa, trong cuộc sống hàng ngày, Từ Bi và Trí Tuệ của người thực tu, thực chứng đó lan tỏa ra ngoài một cách tự nhiên, khai ngộ những ai có dịp tiếp kiến họ, tất cả trở thành Pháp Ngữ. Có khi chỉ một lời khuyên cô đọng của bậc chân tu giúp hành giả giữ vững niềm tin, tiếp thêm năng lực đối diện với sóng gió cuộc đời còn hơn bao nhiêu lời giảng Pháp có vẻ hùng hồn, bài bản của bao nhiêu pháp sư khác, vì đến lúc đụng chuyện (ứng cơ xử vật), ngay trong giây phút ấy, cái gì còn có giá trị là những gì còn sót lại, ấn tượng nhất sau khi hành giả đã học và đã quên.

Khi Phật Pháp đã thẩm thấu vào mình thì vị ấy dễ mang đến cho đời nhiều nội dung Phật chất, tất cả ánh mắt, nụ cười, cái vẫy tay, gật đầu,… đều là phương tiện hoằng Pháp và mọi lúc, mọi nơi, với mọi người khi tương tác đều là truyền trao chất liệu Phật Pháp.

IV. Khi hoằng Pháp phải nắm rõ 4 yếu tố : Xứ, Cơ, Thời, Giáo:

Xứ : phải nắm rõ tự viện đó, trú xứ đó đã hình thành nên thế nào, bây giờ đang phát triển thế nào, đang cần gì, hơn nữa cần phải cân nhắc phong tục, tập quán, lối sống của người vùng xứ đó, những điều họ ưa thích và cấm kỵ, ví dụ chúng ta giảng ở Việt Nam miền Nam khác, miền Trung và miền Bắc khác, ở Ấn Độ, châu âu hay Mỹ lại khác. Cụ thể và dễ hiểu hơn, nếu chúng ta bảo : phụ nữ nặng nghiệp và thiếu phước đối với người ở xứ Mỹ thì họ không tin vì ở Mỹ phụ nữ được nhiều quyền ưu tiên : lady first, …

Hoặc nếu đến chùa ở vùng biển mà chúng ta cứ khuyên không sát sanh suông suông vậy họ cũng ngại, vì đa số họ sống bằng nghề đánh bắt cá tôm, hải sản,…. Có những trường hợp họ không chọn nghề được mà nghề chọn họ. Vậy thì vị giảng sư cần phân tích rõ hơn, ở trong hoàn cảnh của họ, người Phật tử nên tư duy, quán sát, tâm niệm và tu học thế nào tốt nhất.

Hơn nữa, đến tự viện nào đó, cũng tùy theo vị trụ trì đang ưu tư những gì, muốn tháo gỡ những gì, muốn Phật tử hiểu rõ hơn về đường hướng sinh hoạt hoặc quá trình mở mang xây dựng, phát triển tự viện thế nào thì vị giảng sư với sự thâm sâu trong Giáo Pháp giải thích rõ về đường hướng, cách thức hoặc sự nỗ lực trong hiện tại của tự viện đó là phù hợp với Chánh Pháp và đáng khuyến khích, cùng nhau đồng tâm nhất trí chu toàn – tất nhiên, nếu vị giảng sư cảm thấy điều gì vị Trụ Trì làm chưa phù hợp thì có thể khuyên vị Trụ Trì thay đổi chứ không phải hễ đến trú xứ nào là hoàn toàn lệ thuộc, luôn phải nói theo đúng ý vị trụ trì bằng mọi giá, không thể bẻ cong chân lý theo ý của ai.

: Giảng giải Phật Pháp cần phải khế hợp căn cơ. Vị giảng sư trước khi thuyết giảng hoặc giao tiếp, nên có những cách tìm hiểu căn cơ đối tượng như thế nào, tu học được bao nhiêu rồi trong Phật Pháp, hoàn cảnh cuộc sống và tâm tư tình cảm ra sao. Cái gì phù hợp sẽ hay, sẽ tốt, hay cho mấy mà không phù hợp thì kể như bỏ đi hoặc phản tác dụng. Ví dụ, họ đang tu Thiền và Bồ Tát Đạo muốn thân cận gần gũi chúng sanh mà khuyên về Tây Phương Cực Lạc thì không phù hợp. Đến một đạo tràng nào, trước khi thuyết Pháp, vị giảng sư nên tìm hiểu quá trình tu học của các hành giả nơi đó. Chọn được đề tài phù hợp và hướng phát triển đề tài cần thiết cho căn cơ thính chúng nơi đó là điều kiện tiên quyết cho thành công của Pháp Thoại hoặc chia sẻ Phật Pháp.

Ngoài ra với lứa tuổi của đối tượng khác nhau : thiếu niên, thanh niên, trưởng thành, già, bệnh hay sắp chết, …căn cứ vào tâm lý theo lứa tuổi, giai đoạn đời người, vị giảng sư chọn ra đề tài diễn giảng phù hợp, đó gọi là tùy bệnh cho thuốc vậy. Thuốc thì hay thì quý đó nhưng nếu bắt mạch không tốt, cho uống thuốc sai bệnh thì càng nguy hiểm cho đối tượng hơn.

Thời : Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian, chú ý đến thời gian là một điều cần thiết cho sự thành tựu mọi công việc. Chẳng hạn, bài thuyết giảng đang vào Xuân, tháng Hai (Lễ Hội Quan Âm), tháng Tư (về Phật Đản), tháng Bảy (về Vu Lan Báo HIếu), tháng Tám về Trung Thu hay tháng mười (về Hạ Ngươn). Phật Pháp vốn phong phú và sinh động, cần chuyển tải được vào hợp với tâm thức thính giả đang ở vào thời gian đó. Hơn nữa, nếu là Đạo Từ vào buổi sáng vừa tụng kinh xong, hay Trai Tăng buổi trưa, hoặc sau khi tụng kinh tối, lúc làm chủ giảng Pháp Thoại hay là lúc Pháp Đàm với nhiều giảng sư khác, lúc hành giả đang còn dồi dào năng lượng hay đã mệt mỏi, lúc đang nóng bức hay đang lạnh, lúc họ đang thong thả có nhiều thời gian để nghe bài Pháp dài hay họ đang muốn nghe vài điều súc tích trong vòng 3 phút đến 10 phút, thì vị giảng sư phải khéo léo nhận ra điều đó, hoặc luôn có đồng hồ nơi mình để theo dõi và tự giới hạn mình. Ít quá, loãng thênh thang, trống giờ, dư giờ, hoặc nhiều quá, dồn nén khi hành giả đã mỏi mệt trông chờ hồi kết cuộc thì đều phản tác dụng và thậm chí còn sanh phiền não.

Hơn nữa, chúng ta đang sống vào thời đại công nghệ 4.0, khác với thời phong kiến xa xưa và nhất là khác với thời kỳ Đức Phật. Do đó, lối giải thích đạo lý, Phật Pháp cũng phải khế hợp và soi đường cho văn minh hiện đại, mạch sống và những biến cố lớn có liên quan ảnh hưởng nhiều người, đang diễn ra trên thế giới. Tất cả nguồn tài liệu nơi điện thoại, máy vi tính, trình chiếu tại lớp học, hội trường, hoặc quay livestream, thu hình Video, đưa vào youtube cho thính chúng về nghe lại, hoặc tương tác trực tiếp với thính giả khắp nơi trên thế giới thì phải cân nhắc về tính chất phổ quát, không đơn giản là chỉ phù hợp cho cục bộ giới hạn thính chúng tại chỗ đó.

Giáo : Vị giảng sư càng ngày càng tự nâng cao mình trong Chánh Kiến và hiểu rõ Phật Pháp và tâm niệm : “Rời Kinh giải nghĩa làm Oan ba đời Chư Phật, nhưng nói y chang như Kinh thì chẳng khác gì Ma nói” với tinh thần bất tức bất ly với Chánh Pháp, nghĩa là có cách diễn giải và hướng dẫn áp dụng phù hợp với hiện tại nơi trú xứ mà đối tượng đang sống. Chọn cho đúng phần nào trong Giáo Pháp để diễn giảng rộng rãi, một cách khách quan phải cân nhắc những điểm ưa thích và quan điểm cá nhân mình có phù hợp với Giáo Pháp hay không – đừng để cho thính chúng lầm lẫn, không biết đâu là quan điểm riêng của giảng sư, đâu là lời Đức Phật dạy. Nói có sách, mách có chứng, khi dẫn chứng thì phải nói rõ, điều đó trích dẫn từ Kinh nào, sách nào, giúp họ có thể truy nguyên, tra cứu và đi sâu được, chứ không phải chỉ phán bảo : Phật dạy, Kinh ghi chép rằng…. một cách chung chung để rồi chuyển tải những quan điểm cá nhân chưa xác chứng của mình. Nên chỉ ra rõ ràng, pháp ấy nằm trong thừa nào của ngũ thừa Phật Giáo (Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ Tát hay Phật Thừa). Hoằng Pháp là giúp cho thính chúng rõ ràng hơn, xác định niềm tin, lập trường và hướng đi cho tu học và cuộc sống, tránh tình trạng thời đại ngày nay Phật tử có thể nghe Pháp trên nhiều phương tiện : Tivi, radio, lớp học, giảng đường, facebook, youtube, Zoom, ticktok, …. với nhiều giảng sư khác nhau, thế mà các vị giảng sư giảng cách sao đó, càng nghe càng rối, càng nghi ngờ, hoang mang thêm nữa, …

Sau đây, chúng ta cùng nhau nghiên cứu những gì là cần thiết mà vị giảng sư phải chú tâm, bao gồm đầy đủ các yếu tố cần thiết để có thể hoằng Pháp một cách lợi lạc nhất.

V. Thiết tha, tận tụy với sứ mệnh hoằng Pháp:

Tục ngữ có câu : “có chí thì nên”, cứ mãi thiết tha và tôi luyện ắt có lúc sẽ thành tựu. Chúng ta hãy xem gương của Ngài Phú Lâu Na, vị thuyết Pháp đệ nhất trong hàng đệ tử Phật đã trả lời với Đức Phật về việc sẵn sàng xả thân cho việc hoằng Pháp lợi sanh:

Phú Lâu Na thấy nước Du Na ( Suna ), một vùng biên địa rất hiểm trở, giao thông khó khăn, dân tình quen thói man rợ bạo ngược. Đó là một xứ mà trước kia người ngoài chỉ nghe tên chứ ít ai dám bước chân đến, vì sợ mất mạng, Phú Lâu Na bèn đề nghị với Phật xin cho Ngài đến đấy mang chánh Pháp đến cho mọi người.

Phật hỏi : Ông không sợ nguy hiểm sao ?

Phú Lâu Na mỉm cười, bạch rằng : Vì mục đích bình đẳng độ sanh, thì bất cứ địa phương nào cũng đáng được lưu ý ngang nhau. Hơn nữa, dân tình chỗ nào càng man rợ bao nhiêu thì lại càng phải được thừa hưởng sự giáo hóa nhiều bây nhiêu. Như vậy mới thật là bình đẳng. Đối với đệ tử, nguy hiểm hay không nguy hiểm không thành vấn đề. Chỉ thành vấn đề là làm sao trên báo đáp được hồng ân Phật, dưới hóa độ được chúng sanh. Vì sứ mạng thiêng liêng cao cả ấy, thân này dù có tan xương nát thịt, tưởng cũng chưa vừa.

Tấm lòng ấy, tinh thần ấy, khí khái ấy, nghĩa cử ấy thật xứng đáng là vị thuyết Pháp đệ nhất.

Một khi tu sỹ thiết tha với việc hoằng Pháp thì sẽ tự tôi luyện, nâng cấp chính mình trong Giáo Pháp, tận dụng mọi cơ hội trong sinh hoạt cuộc sống để chuyển tải giáo nghĩa nhiệm mầu, cho dù là đang tiếp xúc với ai hay làm việc gì. Hơn nữa, vị ấy có thể tùy duyên mà tổ chức nhiều lớp học giáo lý, đạo tràng, Pháp hội, thông qua nhiều cách thức, mô hình khác nhau, hoặc tranh thủ thuyết giảng cho các Phật tử sau mỗi thời khóa tụng niệm,…Khi đến trú xứ nào, nếu được trao cho cơ hội thuyết Pháp thì vị ấy luôn hoan hỷ đảm trách. Có câu nói rằng : khi không thích thì sẽ tìm lý do, khi nào ưa thích thì sẽ tìm cách. Chính sự thiết tha, tận dụng mọi thời gian, sức lực, đời sống mình cho việc hoằng truyền Phật Pháp như vậy, dần dần gọi là “nghề sẽ dạy nghề”, vị ấy càng ngày càng hoàn thiện hơn, phương tiện quyền xảo hơn và hoằng Pháp đều đặn, hiệu quả hơn.

Để có một thời Pháp Thoại thành tựu viên mãn, vị giảng sư nên thực hiện những bước sau đây:

VI. Chuẩn bị trước khi thuyết giảng:

Như trên đã nói, vị giảng sư ấy cần liên hệ vị trụ trì trú xứ hoặc đại diện thính chúng để tìm hiểu về căn cơ, quá trình tu học Phật Pháp của các Phật tử thính giả, tình hình phát triển tự viện, đường hướng sinh hoạt từ vị Trụ Trì để hiểu rõ hơn về căn cơ, hoàn cảnh, nhu cầu và chọn một đề tài thích hợp nhất.
Sau khi chọn đề tài xong, để chủ động, tự tin và bảo đảm bố cục chặt chẽ, chia sẻ đủ ý trong bài giảng, vị giảng sư nên hình thành một dàn bài đại cương về những ý chính sẽ trình bày trong mở đề, thân bài và kết luận bài giảng, có thể ghi chép vào mảnh giấy nhỏ, tranh thủ đọc đi đọc lại vài lần để nhớ. Hơn nữa, vị giảng sư cũng định hình nên những biện pháp tu từ, nghệ thuật thuyết giảng phù hợp. tài liệu tham khảo tra cứu, quán sát những sự kiện lớn đang xay cho thế giới đó đây và cân nhắc xem đề tài vừa chọn có góp phần giải quyết gì cho những vấn đề của con người trong xã hội hiện nay , Khi chuẩn bị như vậy vị giảng sư nhớ đến pháp số hoặc các ý Pháp có liên quan để tra cứu kỹ hơn cũng như chuẩn bị sẵn những trích dẫn thuyết phục để chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa đề tài.

VII. Những kỷ năng cần thiết và cách thức trình bày Pháp Thoại:

Khả năng diễn giảng có thể tôi luyện, nâng cấp được, ít nhất là có thể giúp cho vị giảng sư đó mỗi ngày mỗi tốt hơn. Trong Phật Giáo, tất cả đều tuân theo luật nhân quả, không có cái gì ngẫu nhiên, tự nhiên mà có. Nếu gọi là vị nào đó giỏi văn chương, có năng khiếu nói năng lưu loát bẩm sinh, thực ra đó cũng là kết quả của sự tôi luyện nhiều đời kiếp và cả trong kiếp này. Ở ngoài đời, các vị Thầy Giáo đứng lớp đều trải qua quá trình học về Sư Phạm Giáo Dục, Có những kỷ thuật có thể giúp cho việc trình bày Pháp Thoại chất lượng hơn. Sau đây là phần tóm tắt những điều cần lưu ý khi giảng Pháp:
Vị giảng sư có thể mở đề vào Pháp Thoại bằng cách kể một câu chuyện thật ngắn, hoặc đặt những câu hỏi, hoặc nêu phản đề, hoặc những tình hình thế giới đó đây có liên quan rồi đưa đề tài vào. Mở đề hay và khéo léo có thể gây hấp dẫn và lôi cuốn sự chú ý ngày từ đầu.

Trong phần khai triển đề tài, vị giảng sư nên đi từng bước như dàn bài đại cương có sẵn, các ý có liên quan lẫn nhau, từ thấp đến cao, từ việc định nghĩa các khái niệm cho đến việc trình bày, phân tích và bình luận và biết cách bắt cầu nối để các ý liên hệ mạch lạc với nhau.

Giọng nói diễn cảm có trầm bỗng, nói với tốc độ vừa phải, nhanh quá thì thính giả không nghe kịp mà chậm quá thì e rằng không đủ thời gian, có nhấn giọng rõ ràng ở những nơi quan trọng là điều cần thiết – chứ nếu cứ với một tone nhẹ nhàng đều đều sẽ khiến thính giả buồn ngủ. Để đánh thức thính giả, vị giảng sư có thể kể những câu chuyện vui ngắn, hoặc có khiếu hài hước nhẹ nhàng, sáng tạo.

Vị giảng sư cần giữ oai nghi tế hạnh khi giảng, không cười ầm ĩ lớn tiếng, không múa tay quá nhiều, không lắc lư qua lại, trạo cử không yên,…Vị giảng sư có dùng ngôn ngữ hình thể nhẹ nhàng, uyển chuyển vừa đủ để hỗ trợ diễn đạt được nội dung, tránh biểu hiện thô tháo, trạo cử, lăng xăng, thiếu tự chủ

Vị giảng sư cần giữ oai nghi tế hạnh khi giảng, không cười ầm ĩ lớn tiếng, không múa tay quá nhiều, không lắc lư qua lại, trạo cử không yên,…Vị giảng sư có dùng ngôn ngữ hình thể nhẹ nhàng, uyển chuyển vừa đủ để hỗ trợ diễn đạt được nội dung, tránh biểu hiện thô tháo, trạo cử, lăng xăng, thiếu tự chủ.

Vị giảng sư cần khéo léo quán sát những thính giả trước mặt mình, ngầm đánh giá – thông qua ánh mắt và biểu hiện nơi họ, để xem họ có kịp tiếp thu, hiểu được và ưa thích những gì đang truyền đạt hay không, nếu cảm thấy họ còn nhăn da trán, căng thẳng, hay biểu hiện nơi mắt có vẻ lờ mờ chưa hiểu, hoặc không mấy thích thú,…thì có thể dừng lại phân tích thêm, hoặc đổi cách thức giảng, làm sao cho họ nắm bắt được.

Vị giảng sư có thể sử dụng nhiều cách khác nhau trong Pháp Thoại như mô tả, liệt kê, so sánh, bắt cầu, giải thích, bình luận, tam đoạn luận,…Thông thường khi đưa ra luận điểm phải nên kèm theo luận cứ ( căn cứ vào đâu, nền tảng nào – về mặt hợp lý, logic) và luận chứng (bằng chứng). Về thanh minh, để có vốn từ vựng phong phú, câu cú linh hoạt, đúng văn phạm, chánh tả, điều này đòi hỏi vị giảng sư phải đọc nhiều, nghe nhiều, viết nhiều, nắm bắt về thể thức văn chương nhiều. Dù sao thì “văn dĩ tải đạo”, người có năng khiếu về văn chương và nói năng linh hoạt, ứng phó nhanh thì có lợi thế khi thuyết giảng.

Điều quan trọng là vị giảng sư cần làm chủ thời gian, trình bày các ý đúng như khung giờ mình tự phân bố sẵn, để có thể dàn trải được các ý chính, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột. Vị giảng sư luôn kiểm tra có đồng hồ nhỏ trên bàn giảng hoặc có phone hoặc các thiết bị tính thời gian được, khéo léo nhìn nhanh và làm chủ thời gian trong tiến trình khai triển bài giảng.

Thông thường, với 15 phút cuối, giảng sư để dành các ý nhỏ và phần kết luận lại, hỏi đại chúng có câu hỏi nào không, nếu có thì tiến hành Pháp Đàm phù hợp và đúc kết bài giảng luôn, nếu không có câu hỏi thì tiếp tục khai triển các ý cuối đó và kết thúc vấn đề.

Giảng sư luôn lưu ý là : đề tài đang giảng có liên hệ đến Kinh Luận nào của Phật Giáo, có tầm quan trọng như thế nào, giúp ích gì cho mỗi cá nhân hành giả, hướng dẫn phương pháp ứng dụng vào đời sống tu học bản thân, liên quan gì đến cục diện Phật Giáo và xã hội, thế giới nói chung. Giáo pháp luôn có năm đặc tính : đến để mà thấy, thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian (thời nào cũng cần thiết, quan trọng cả), người Trí chứng biết (chứ không phải bàn suông, hay lý thuyết suông) và có khả năng hướng thượng, đạt mục đích, chứng Thánh quả, giải thoát, …

Pháp Đàm – nếu xảy ra, vị giảng sư cần nắm rõ câu hỏi của đối tượng, giải thích rõ ràng, đúng vào trọng tâm câu hỏi, theo Chánh Kiến, có căn cứ nơi Tam Tạng Thánh Điển, kinh nghiệm tu học bản thân và khai thị từ chư Tổ Đức. Pháp Đàm có nhiều khi khó hơn Pháp Thoại là trường hợp rơi vào chỗ chưa biết hoặc bị quên lãng. Người giảng sư phải nên thành thật, cái nào biết thì bảo là biết, chưa biết, hoặc biết chưa rõ thì cứ khiêm tốn nói giới hạn bản thân mình và hẹn cơ hội nghiên cứu thêm hoặc thỉnh giáo từ các bậc cao minh rồi trả lời lại. Giảng sư cần tôn trọng người đặt câu hỏi, thể hiện sự nghiêm túc và quan tâm đến đối tượng bằng cách đề nghị cách thức liên hệ lẫn nhau, ngay sau khi kết thúc Pháp Thoại – Pháp Đàm và hẹn khoảng thời gian nhất định để đưa ra câu trả lời thỏa đáng hơn. Chúng ta đang đối diện với chân lý và sự áp dụng tu học cả đời người khác chứ không phải là chuyện làm qua loa, cho xong thủ tục, hoặc tìm những cách thức lãng tránh để che giấu nhược điểm của mình. Chỉ có một cách là không ngừng tu học, quảng bác, đa văn, suy nghiệm nhiều, có kinh nghiệm phong phú thì mới có thể đảm đương các thời Pháp Đàm tốt được.

VIII. Lắng nghe phản hồi, tự nghe lại và đánh giá sau khi giảng để thay đổi tốt hơn.

Có câu nói : “Không ai hoàn hảo cả”. Ngày nay phương tiện ghi âm bài giảng của mình khá dễ dàng, có thể tự mình thực hiện qua phone, công cụ ghi âm hoặc đạo tràng họ phát livestream facebook, youtube, quay Video sẵn. Nghe lại chính mình thì không có gì hấp dẫn, nhưng dù sao cũng nên kiên nhẫn nghe, nhận ra những chỗ chưa tốt, rút kinh nghiệm cho các lần sau thuyết giảng tốt hơn. Cũng có thể gửi link bài giảng đến các bậc cao minh, thỉnh nhờ họ tranh thủ xem nghe và góp ý, hoặc nếu tạo được một không khí cởi mở thân thiện, hỏi thành thật với các thính giả đã nghe Pháp trực tiếp đó xem họ có hiểu không, nắm bắt được bao nhiêu và cảm nhận thế nào về bài giảng. Cứ tạm cho rằng thính giả đa số không đạt được trình độ Phật học như vị giảng sư đi, vấn đề ở đây là hiệu quả của truyền đạt, nếu một số thính chúng nào đó không hiểu, cảm thấy không hấp dẫn, tẻ nhạt thì có những thính chúng khác cũng sẽ cảm nhận như vậy. Giảng sư phải dám đối diện với khiếm khuyết của mình, rút kinh nghiệm sửa đổi để tiến bộ hơn mỗi ngày, phải can đảm, nhìn thẳng, nhìn thật, biết khuyết điểm của mình để tôi luyện, khắc phục và tiến bộ hơn mỗi ngày.

IX. Tự viện và Tăng Đoàn có thể làm gì để thực thi sứ mệnh hoằng Pháp hiệu quả hơn ?

Như đã nói, bản thân mỗi hành giả tinh cần tu học và trau dồi, phát huy Chánh Kiến, khai mở Trí Tuệ, có nhiều kinh nghiệm để lan tỏa chánh pháp nhiều hơn thông qua tương tác, tiếp xúc. Thế còn Tự Viện nên đưa ra chương trình cụ thể, sắp xếp làm sao có tương đối vừa đủ các khóa học, khóa tu, Pháp Hội, Lễ Hội để cho quần chúng Phật Tử nương duyên tu học, thính Pháp. Nếu mỗi tuần đại chúng đến chùa tụng Kinh 3 đêm chẳng hạn cùng với một buổi trưa cuối tuần (thứ 7 hoặc chủ nhật), nếu trên 10 người thì có thể có khí thể chung để tổ chức Pháp Thoại được, còn nếu ở các tiểu Bang (tỉnh thành) ít người Việt, sau khi tụng Kinh, chỉ có 7 người trở xuống thì sao, có thể giảng Pháp cho 3-4 người nghe tại Chánh Điện không? Điều quan trọng là giữa tu sỹ và các Phật tử tụng Kinh thường xuyên đó đã bàn thảo và thống nhất ý kiến với nhau, nếu đã chấp nhận dành ra 10 – 15 phút sau thời tụng Kinh cho việc chia sẻ Phật Pháp tại chánh điện thì cứ theo tinh thần như thế mà tiến hành. Trước kia, Phật thuyết giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như, hoặc vân du, khất thực, rồi gặp 1 người, Ngài cũng giảng Pháp thì sao? Chúng ta hoằng Pháp chứ không phải làm các ngôi sao các nghệ sỹ chỉ thích lung linh hào quang biểu diễn các xô diễn lớn mới hứng khởi, mới gọi là “xứng tầm”. Phật pháp mà, 2-3 người ngồi vây quanh, thảo luận thân tình với nhau, cũng sẽ vỡ lẽ ra, ngộ ra được nhiều điều. Hữu xạ tự nhiên hương, với tinh thần như thế, cần mẫn gieo nhân lành sẽ gặt quả tốt, dần dần sẽ có nhiều người đến tụng kinh và nghe Pháp thường xuyên hơn.

Nếu như mỗi tuần, tự viện có thể tổ chức 4 thời Pháp Thoại : 3 đêm tụng Kinh rồi giảng ( tuy ngắn) và một buổi cuối tuần (hoặc buổi lễ chính nào đó của tuần, tùy theo trú xứ – như Las Vegas, buổi chính lại là giữa tuần), rồi mỗi tháng có được 1-2 khóa tu Bát Quan Trai, 2 Lễ Sám Hối và giảng giải kèm theo, như vậy có thể tính là một trú xứ đã tích cực tổ chức và tạo duyên cho Phật tử nghe Pháp và học Đạo. Những con số chỉ tiêu này chỉ mang tính chất khảo sát chung, còn có thể triển khai tổ chức thế nào thì tùy tình hình cụ thể nơi mỗi trú xứ.

Về phương diện Tăng Đoàn : có thể tổ chức những khóa tu học chung vào mùa hè, mùa thu chẳng hạn cho Phật tử của tất cả tự viện thuộc Tăng Đoàn. Điều này đòi hỏi Ban Tổ Chức phải lên kế hoạch và sắp xếp chu đáo khá sớm để các vị trụ trì nơi các tự viện thông báo rộng rãi và khuyến khích các Phật tử thuộc tự viện mình tích cực lấy ngày nghỉ làm, tham gia khóa tu và vị Trụ Trì sắp xếp dẫn nhóm Phật tử thuộc tự viện mình cùng đến tham dự cho có khí thế chung. Có những vị tu sỹ tổ chức Khóa tu học cho Phật tử theo tính cách cá nhân tu sỹ hoặc một nhóm vài tu sỹ mà Phật tử tham dự đến vài trăm, còn nếu như Đại diện Tăng Đoàn (Giáo Hội – Tỉnh Hội,..) đứng ra tổ chức khóa tu mà chỉ có dưới 70 Phật tử tham dự khóa tu chẳng hạn, như vậy xét ra còn khá ít (tất nhiên, tu học được người nào là quý người đó). Số lượng ít người tham gia đó có thể là việc Ban Tổ Chức chọn thời gian, địa điểm không phù hợp, hoặc là thông báo không kịp sớm, hoặc các tự viện, thành viên Tăng Đoàn không nhiệt tình liên đới hỗ trợ, …

Tăng Đoàn có thể tổ chức lớp bồi dưỡng giảng sư ngắn hạn hay những thời hạn vừa phải, vừa đủ. Những vị hoằng Pháp thâm niên, có nhiều kinh nghiệm và hiệu quả truyền trao kinh nghiệm, những nguyên tắc Sư Phạm, kỷ năng hoằng Pháp, phương tiện khéo léo khi hoằng Pháp, cũng như tạo cơ hội cho Tăng Ni trẻ thực tập thuyết trình về những đề tài Phật Pháp nào đó, quý vị với vai trò Giám Khảo xem nghe và nêu ra những nhận xét, góp ý với tình thương và chân thật nhất để cho mỗi vị tu sỹ đó khắc phục được khuyết điểm, phát huy thế mạnh, phát triển tốt hơn và sau này trở về trú xứ hoặc đi các nơi hoằng Pháp tốt hơn.

Bao năm qua, chúng ta đã không tích cực trong việc tạo duyên cho người học Đạo online qua việc đọc, suy tư, nghiên cứu với sách dịch, sách sáng tác, đặc san, báo chí,… đó vẫn là những món quà tinh thần bổ ích và thức ăn tinh thần cho người học Đạo say mê và nghiêm túc. Tiếc là nhiều thành viên trong Tăng Đoàn không đóng góp bài vở nhiệt tình và kịp thời cho Đặc San Điều Ngự ít nhất mỗi năm 3 lần vào Tết Nguyên Đán, Phật Đản, Vu Lan, hoặc các kỷ yếu, đặc san, báo chí khác, hoặc những bài viết đăng trên các website Phật Giáo, việc đó có thể giúp cho các Phật tử học Đạo có nhiều niềm vui và đi sâu vào Phật Pháp. Ngôn ngữ viết hay ngôn ngữ nói, tất cả đều là phương tiện để hoằng Pháp. Chúng ta đừng lo là thời nay mọi người làm biếng đọc, ít chịu đọc mà chúng ta chỉ lo là trau giồi và nhiệt tình đóng góp các bài viết có chất lượng để có thể lắng đọng, ngấm sâu, hoặc có những chuyển biến nhiệm mầu trong lòng người đọc. Chúng ta hãy xem tấm gương những cuốn sách thuộc loại bán chạy nhất thế giới (best sellers) của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, Thiền Sư Nhất Hạnh,… tất nhiên, có vị sẽ phản biện rằng, đó là nhứng nhân vật siêu xuất làm sao mà chúng ta so bì cho được? Thế nhưng nếu công việc sáng tác, dịch thuật không đầu tư đúng mức ngay từ bây giờ thì thế hệ trẻ tu sỹ Phật Giáo cũng không coi trọng đúng mức, không trau giồi và đầu tư việc đó, vậy có phải là chúng ta bỏ lơ đi một mảng rất quan trọng không ?

Thời đại ngày nay, những vị có đầy đủ khả năng hoằng Pháp nên quan tâm chú ý sử dụng những phương tiện công nghệ truyền thông như : đài truyền thanh, truyền hình Phật Pháp, livestream facebook, youtube, ticktok, Zoom, trong việc hoằng Pháp để mang Chánh Pháp đến khắp tất cả nhừng ai đủ duyên, cho dù là đang ở đâu, làm gì, cũng có thể học Đạo, để thâm nhập kinh Tạng, phá trù vô minh, si mê, khai mở Trí Tuệ ?

Sau mùa dịch Covid suốt mấy năm qua, số lượng tự viện trong Tăng Đoàn tổ chức khóa tu học cho các em thanh thiếu nhi, thế hệ trẻ, lớp Tiếng Việt hoặc sinh hoạt Gia Đình Phật Tử rất hiếm hoi. Cho dù khó khăn thế nào, các vị Trụ Trì cũng thuyết phục và với sự hỗ trợ của Phụ Huynh vốn là Phật tử của chùa, khuyến khích đưa con em đến Chùa tu học – chúng ta hãy nghĩ đến mạng mạch tương lai của Phật Pháp trong vòng 20 năm sau chẳng hạn, khi thế hệ Phật tử lớn tuổi này không còn đi chùa được nữa.

Có bao nhiêu tự viện trong Tăng Đoàn đủ tầm vóc để mở lớp Giáo Lý và thực hành Pháp môn Phật Giáo cho người bản xứ (người Hoa Kỳ và thuộc gốc các quốc gia khác)? Tại sao các tự viên thuộc Phật Giáo Nam Truyền hoặc Tây Tạng làm được mà chúng ta không làm được? Hãy tham quan, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, trau giồi ngôn ngữ, văn hóa bản địa,…. để rồi các tự viện chúng ta mạnh dạn thông báo mở lớp Phật Pháp, giáo lý và thực hành Pháp môn cho người bản xứ và thuộc các sắc tộc khác nhau, mỗi tuần một lần chẳng hạn. Chúng ta gọi là thực hiện sứ mệnh hoằng Pháp nhưng mà đối tượng cho việc hoẳng Pháp là ai? Những người Phật tử rành tiếng Việt lớn tuổi, biết đến Phật Pháp nhiều năm rồi họ sẽ ra đi, theo luật vô thường, vậy còn lại đối tượng nào đây để mà hoằng Pháp, chẳng phải là thế hệ con cháu gốc Việt nhưng sinh tại Hoa Kỳ, người Hoa Kỳ bản xứ và người thuộc các sắc tộc khác nhau đang sinh sống tại đây hay sao? Nếu chúng ta không biết chuẩn bị, không biết nâng cấp chính mình, không biết tổ chức, hoặc không biết tìm kiếm, huấn luyện nhân sự kịp thời thì chẳng phải là chúng ta sẽ chơ vơ hụt hẫng đúng nhìn họ đi theo các tôn giáo khác hoặc các trường phái Phật giáo khác hay sao, cũng chính bởi vì chúng ta chưa chuẩn bị, chưa đủ khả năng, chưa sẵn sàng, chưa có kế hoạch dài hạn và chưa tạo duyên cho họ …

Trên đây là những điểm chính trong việc thực hiện sứ mệnh hoằng Pháp tại Hoa Kỳ, thiết nghĩ mỗi tu sỹ chúng ta nên tu học, rèn luyện, nâng cấp chính mình, cũng như các tự viện nỗ lực khéo léo trong tổ chức sinh hoạt Phật Pháp và sự phối hợp giữa các thành viên trong Tăng Đoàn để có thể hoàn thiện cho nhau, bổ sung cho nhau, giúp nhau phát triển tốt đẹp hơn, chung tay góp sức tổ chức nhiều Pháp Hội có ảnh hưởng lớn, lợi lạc và để lại ấn tượng không phai mờ trong lòng Phật tử, quần chúng. Nếu chúng ta không nỗ lực và can đảm mở rộng ra mà cứ mãi co cụm và thu hẹp việc hoẳng Pháp lại thì tương lai Phật Pháp, những chùa gốc Việt này rồi sẽ về đâu? Chúng ta thường đọc tụng Tứ Hoăng Thệ Nguyện và bày tỏ tâm nguyện : “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ”, có lẽ chúng ta đừng tự mãn, cho mình đủ rồi mà nên thành thật nhìn lại, tu sửa, bổ sung, phát triển, hoàn thiện hơn để có thể thực hiện sứ mệnh hoẳng Pháp một cách lợi lạc, hiệu quả nhất là khi mang chuông đi đánh xứ người, mà nền gốc căn bản của họ vốn là theo tín ngưỡng tôn giáo khác và các thế hệ con cháu Việt Nam sinh tại hải ngoại đang có khuynh hướng ngày càng lơ là về chùa chiền và Phật Giáo. Đây chỉ là những mạn phép gợi ý, hy vọng quý vị cùng có nỗi quan tâm sẽ chia sẻ những phương cách thiết thực hữu hiệu hơn để thực thi sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp tại Hoa Kỳ và Hải Ngoại cho hiện tại và tương lai.

Mong lắm thay !

Mùa Phật Đản năm Quý Mão, 16/06/2023, PL 2567
Thích Đồng Trí

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a39558/phuong-cach-hinh-thanh-nen-nhung-giang-su-co-nang-luc-hoang-phap-hieu-qua