Tuệ Sỹ: Về Một Thế Hệ Áo Lam
(Nhân ngày giỗ thứ 4 Huynh trưởng Nguyễn Quang Tú)
Ngày chủ nhật, ở một góc chùa vang tiếng nô đùa, líu lo của đàn chim oanh vũ. Sân chùa vắng khách. Chỉ thấp thoáng những tà áo lam. Sau hậu liêu, chùa vắng như không Sư. Trời trưa nắng hanh.
Đàn chim non hồn nhiên trong đôi cánh mỏng màu lam không biết đến những đám mây đen của cơn giông đang kéo đến. Thật sự đã kéo đến nhiều nơi rồi. Cây bồ đề rợp bóng quê hương đang bị tỉa dần lá non. Những nhánh già trơ trọi.
Những ngày đó, trước mắt tôi, một làn ranh rõ rệt; bên này là cõi sống, bên kia là cõi chết. Giờ khắc đong đưa như chiếc cầu độc mộc nối liền hai bờ mộng huyễn. Dù vậy, không sao tưởng tượng được sau cái chết, chỉ một bước, chỉ trong khoảng một đường tơ, một sát na, thế giới là gì, và rồi ta sẽ còn là gì, có giống như chiếc lá lìa cành rơi mãi xuống dưới kia vực thẳm không đáy?
Nhưng rồi, từ cõi chết, từ biên giới của sống chết, tôi trở lại cái cõi mông lung hỗn độn trước kia, ở đó hằng bao lâu rồi những con suối và sông và biển vẫn bồng bềnh những giòng máu và những giọt nước mắt đã đông lại lấp lánh hai màu, tình yêu và thù hận, quay cuồng như hoa đốm hư không, thành kính vạn hoa. Thế giới vẫn không thay đổi. Mỗi sáng được gọi thức bằng tiếng kẻng, được làm từ vỏ đạn; đâu đây vẫn còn tiếng gọi của tử thần trên chiến địa. Rồi sắp hàng theo những người nay được liệt xuống hàng cặn bả của xã hội, để vác cuốc, vác rựa ra đồng, phơi lưng cho mặt trời vẽ bóng.
Quãng thời gian ấy đủ dài cho một thế hệ mới trưởng thành. Mới ngày nào đó, những khuôn mặt ngây thơ trong bộ đồng phục màu lam, xinh xắn dễ thương, cứ mỗi chiều chủ nhật quây quần “quây một vòng hát mà chơi” trước sân chùa. Mỗi lần lên chùa, các cô cậu bé oanh vũ thường dấu đồng phục trong cặp, như ngày thường mang cặp sách đến trường. Hôm nay các cô cậu mang đến chùa; lôi trong cặp sách học trò ra bộ đồng phục được truyền từ nhiều thế hệ cha anh, thế hệ của những Phật tử anh hùng đã nêu cao khí tiết của những người biết sống và biết chết. Có những cô bé oanh vũ nhí nhảnh kéo tay Thầy, bảo“Thầy ngồi đây sinh hoạt với tụi con; không thì tụi con về”. Hoặc, “Thầy ngồi xuống chỗ này làm cột nhà để tụi con chơi u mọi”.
Những lúc dầm mình trong cơn nắng gắt trên cánh đồng mía mênh mông, và mỗi khi khom mình trên mớ cỏ xanh, tôi cảm giác mơ hồ đâu đó một thế hệ đang trưởng thành, nhưng không hình dung được sẽ trưởng thành như thế nào. Đám cỏ dại tự do phát triển, thỉnh thoảng người ta được lệnh cuốc bỏ chúng đi. Chỉ giữ lại những loại cây có hữu ích cho con người, được vun trồng, chăm sóc bởi bàn tay con người,được uốn nắn theo một chủ đích nào đó. Nhiều thế hệ áo lam; thực tế thì chưa nhiều lắm nhưng tâm nguyện để dệt thành nó thì đã là ngọn đuốc cho nhiều thế hệ Phật tử anh hùng từng góp công làm nên lịch sử dân tộc. Có những tên tuổi sáng chói trong lịch sử, mà cũng có nhiều, rất nhiều, tên tuổi âm thầm tan biến theo cỏ cây, làm chất sống để bồi dưỡng cho sức sống của dân tộc. Dòng sống như dòng sông, mà con sóng sau đẩy con sóng trước, vượt thác ghềnh đổ vào đại dương thế giới. Thế hệ cha anh tự rèn luyện bản thân, bồi dưỡng chí hướng theo hướng đi của Bồ Tát đạo; đồng thời không quên bồi dưỡng thế hệ đàn em mai sau. Những bậc đàn anh đó, theo định nghiệp của mình, và cũng theo tâm nguyện của mình, người này nằm xuống, chuyển thân ngũ uẩn sang một đời sống khác, người khác vẫn tiếp tục đi lên, cho thế hệ đàn em nối gót trong niềm tự tin và kiên cường như kim cang bất hoại.
Trên đường từ đồng ruộng mía trở về trại, tôi được phép ghé qua nhà thăm để gặp gỡ người thân. Anh Tú và một vài anh chị khác đang chờ tôi ở đó. Anh không nhìn thấy tôi được nữa. Trên vai tôi bóng rát bởi ánh lửa mặt trời; trước mắt anh là một thế giới tối tăm. Chúng tôi thăm hỏi, hàn huyên khoảng chừng một tiếng đồng hồ. Thế giới này vốn dĩ được trùm kín trong bóng tối điên đảo mộng tưởng. Những người học Phật quán sát thế gian thuần bằng con mắt thịt, phú trần căn… Nhưng tôi vẫn cảm thấy bâng khuâng trong ý niệm “mất và còn” của những bóng mây hư ảo. Tất nhiên anh vẫn cảm thấy, vẫn nhìn rõ và quan sát rõ, trên nền tảng tư duy từ giáo lý đã học và đã tu tập, thấy rõ những điều, những sự biến của thế gian, những trò thiên diễn và sân khấu kịch đời, bằng trí tuệ của những người học Phật. Ở tận cùng trong thâm tâm, dù trong hoàn cảnh nào, hay trong nghiệp cảm lảnh thọ nào, người Phật tử vẫn xác tín con đường Chánh đạo mà mình đang đi, tin tưởng với niềm tin bất hoại nơi Phật tính bất diệt của mỗi chúng sinh.
Gần mười năm sau nữa tôi mới gặp lại anh tại nhà riêng của anh. Bấy giờ anh không còn thấy, không còn nghe, và cũng không còn biết tôi đang đến thăm anh. Rồi một tháng sau nữa thì anh mất.
Mỗi lần nghĩ đến anh, ấn tượng những lần gặp cuối ấy thường hiện rõ nét trong tôi. Những cánh đồng mía, ánh mặt trời đỏ rực trên lưng, những giọt mồ hôi đọng chốc lát trên ngọn cỏ xanh, và khoảng tối mênh mông của con đường phía trước và phía sau. Ý nghĩa trầm luân trong vũng sinh phiền não của ba nghìn đại thiên thế giới nhiều khi cũng phảng phất như sợi tơ mong manh trên khoảng trống của vách đá tử tù, và trong khoảng tối vô hạn trước phù trần căn hư hoại. Nhưng phía trên cao, con đường trải dài vô tận bởi niềm tin bất hoại, ánh sáng lấp lánh từ những hạt bồ đề, mầm bi-trí-dũng vẫn tiếp tục vươn lên, để mong dâng hiến cho đời những đóa vô ưu. Anh, và nhiều huynh đệ của anh đã đi mất, nhưng mầm non mà các anh đã gieo trồng, chăm bón, vẫn đang vươn lớn.
Anh đứng dậy, nắm tay tôi để từ giã, với đôi mắt nhìn xa xăm trong bóng tối. Từ phía sau anh, những cánh chim non màu lam đang tung cánh bay lên, hướng theo ánh sáng của Sao Mai Chánh giác đang rực sáng ở phía chân trời phương Đông.
Tuệ Sỹ