CÔ BÉ BÊN CỬA SỔ
Nhớ thuở nào 30/4
Kể từ khi về đây, hôm nào cũng vậy, vừa bước ra sân, là tôi đã thấy em ngồi bên song cửa sổ nhìn sang. Chúng tôi bỡ ngỡ nhìn nhau. Không biết thời gian trôi qua và đã bao lần như vậy. Tôi lân la đến bên cửa sổ làm quen. Chúng tôi thân nhau từ đó. Có một lần tôi hỏi.
– Tại sao em không ra ngoài chơi?
Em cúi đầu ngấn lệ. Tôi nhìn qua song cửa – bàng hoàng. Phía dưới cặp đùi của em, là một khoảng không trống lổng. Em không có đôi chân! Tôi bùi ngùi hỏi. Em cho biết.
Trước đây, em cũng có đôi chân tung tăng như chim sáo. Một lần trên đường đi học về, mãi mê đuổi theo đàn bướm, em lạc bước vào vùng phi quân sự. Một tiếng nổ kinh hồn, từ lòng đất bật tung lên. Đến khi tỉnh lại, cảm giác đầu tiên của em, là nỗi đau đớn tột cùng. Em cảm thấy hụt hẫng – trống vắng, như thiếu thốn một cái gì đó ở phía bên dưới. Thế là em mất đi đôi chân từ đó.
Rồi tôi tốt nghiệp, vào sư phạm. Trong thời gian này, tôi nhận được thư của em đều đặn. Bẵng đi một thời gian, tôi vắng bặt tín hiệu hồi âm. Ngày tôi về, thì được biết gia đình em tan tác. Sau trận pháo kích ào ạt của phía ngoài kia, ngôi nhà của em đã bị thiêu hủy hoàn toàn, bao người thân yêu mất cả, chỉ còn trơ trụi mình em, giữa cõi đời mù mịt. Trên chiếc xe lăn, em lăn lóc khắp các ngã phố, bán từng tấm vé số, đổi lấy miếng ăn qua ngày. Tôi đạp xe, hộc tốc tìm em, đưa em về, xin cha mẹ cho em được nương náu. Khi nhận được quyết định đi dạy ở một trường trung học ngoài tỉnh, tôi từ giã em, em nghẹn ngào tiễn tôi trong đáy mắt đẫm lệ.
Tôi cứ ngỡ rằng, em sẽ được an ủi – ấm êm trong vòng tay chở che của gia đình tôi. Nhưng luật đời khắc nghiệt, không dung thứ người bất hạnh, “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”. Trong đợt tiến công của người chiến thắng, đã xua đuổi biết bao người dân vô tội xa rời tổ ấm, tan tác lìa đàn, mỗi người mỗi hướng. Vật vã trên chiếc xe lăn, em cũng di tản theo đoàn người hỗn loạn. Đoàn người càng hỗn loạn hơn khi có những tiếng nổ kinh hồn, nổ ra từ bên này – bên kia – phía trước – phía sau, do những nồng pháo ác nghiệt, khạt ra từ trong rừng bắn đuổi theo.Em đã chết trong dòng thác hỗn loạn, trong lúc tuổi của em vừa tròn đôi mươi.
Đó là tội ác của chiến tranh. Dù anh có hoênh hoang nhân danh cho một chủ nghĩa rổng toếch, dù có núp bóng dưới một chiêu bài mĩ miều không tưởng, cũng không che dấu được dã tâm cuồng vọng. Dù anh là bên này hay bên kia, anh là kẻ chiến thắng hay người chiến bại, thì anh cũng là một gã đồ tể sắc máu, một kẻ sát nhân vô hồn, thiếu lương tri, không có tấm lòng nhân ái.
Thế mà có tôn giáo, họ lừa bịp tín đồ cuồng tín, xử dụng vũ khí giết người, mở ra các cuộc thánh chiến, giành giật tín đồ, rồi cho rằng vâng theo ý thánh, mở cửa thiên đàng.
Trên thế giới, có nhiều quốc gia ngông cuồng, tham vọng bá chủ, chế tạo ra hàng loạt vũ khí giết người, rồi tự lừa dối, là vì mục đích hòa bình.
Chiến tranh đã tạo ra biết bao thảm cảnh tang thương, vợ xa chồng, mẹ xa con, anh em trơ tráo ngoảnh mặt với nhau, làng mạc điêu tàn, cửa nhà tan tác, tình người phân ly.
Ai bảo rằng, chiến tranh sẽ đem lại hòa bình ? Thế tại sao, sau khi chiến tranh chấm dứt, cái mà người ta gọi là hòa bình – độc lập – tự do – dân chủ rổng toếch, thì từ mỗi cộng đồng… trong mỗi căn nhà tăm tối, còn có những nỗi ai oán thở dài, những tiếng khóc đắng cay, âm thầm rưng rức, không thốt nên lời, giữa đêm trường khuya khoắt !…