Đạo Đức Trong Nếp Sống Trẻ
Sự tiến bộ của khoa học hiện đại đã giúp cho đời sống con người đầy đủ tiện nghị hơn, và cũng từ những tiện nghi này đã làm biến đổi nếp nghĩ – nếp sống bình thường, dẫn đến nhịp sống hối hả hơn, đem lại nhiều tác nhân âu lo – bất an. Đối mặt trước những ngã rẽ dẫy đầy thách thức, tất bật bon chen vì cuộc mưu sinh, đã làm cho con người có cái nhìn mới, khác nhau về giá trị đạo đức.
Đạo đức là thước đo phản ánh giá trị sống thực tiễn, là hoài vọng – vươn tới tương lai tốt đẹp. Dù thời đại nào, giá trị đạo đức, cái vốn sống nâng cao phẩm giá, thì luôn luôn bất biến, không bao giờ thay đổi. Nhưng đời sống quá đầy đủ tiện nghi, vật chất thừa mứa, chỉ biết hưởng thụ, đã làm thay đổi cách nhìn của tuổi trẻ.
Những giá trị văn hóa trước đây, tuổi trẻ xem như là một món đồ cổ, áp đặt – bó buộc cuộc sống phóng túng, đánh mất tự do. Với cái nhìn thực dụng tiêu cực, đã đẩy tuổi trẻ càng lúc càng trượt xa. Qua phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta đọc thấy, càng lúc càng nhiều tuổi trẻ sa đà, rơi vào những sân chơi tuyệt vọng, ngầy ngụa trong vũng lầy tệ nạn, vất vưỡng – lang thang giữa dòng đời vạn biến, làm cho hoa kia cũng phải rũ héo úa tàn giữa dòng chảy uế trược.
Dẫu biết rằng đời là bể khổ, nhưng đứng trước những vấn nạn thương tâm nghiệt ngã, khó tránh nỗi xót xa đau lòng. Có phải tuổi trẻ đang thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước cuộc đời của mình, buông thả cuộc sống. Có phải tuổi trẻ hôm nay đã vô tâm, tự tạo cho mình một định mệnh, một hướng đi khác, một cuộc sống thờ ơ – lãnh cảm – xa rời đạo đức ?
Trong đời sống có hai mặt: THIỆN – ÁC. Thiện – Ác là cặp phạm trù lập dị khác nhau, là thước đo đánh giá đời sống đạo đức.
ÁC là cái đáng ghét, đáng kinh tởm, cần phải tránh xa, phải gạt bỏ ra ngoài đời sống cá nhân và xã hội. Cái ác làm xung đột, xóa nhòa nền văn minh, đời sống cao thượng.
THIỆN là nhân tố tốt đẹp, giàu tính nhân văn, là biểu hiện cho lòng nhân ái, là hành vi thể hiện tính tự lợi và lợi tha, vì lợi ích cá nhân và vì tha nhân mà phụng sự, phù hợp nhu cầu lợi ích mọi người, góp phần tích cực thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Nhìn vào nếp sống cộng đồng, sự tồn tại cao thấp của thiện – ác, sẽ là thước đo để đánh giá đạo đức xã hội đó, và nó sẽ là lực bẩy, thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của xã hội và hạnh phúc của con người.
Đạo đức:
• Đạo là con đường, là hướng đi.
• Đức là tính tốt, là công đức tạo nên, là có đời sống an hòa với mọi người.
Đạo đức là văn hóa, là nét đẹp, là một thành tố chỉ tính cách – giá trị của một con người. Người có đạo đức là người có ý thức tự rèn luyện ý chí, thực hành theo các quy tắc ứng xử thanh tao, điều chỉnh đúng hướng phong cách sống chuẩn mực về đạo đức.
Người có đạo đức là người biết định hướng lý trí – hành vi của mình có đời sống hữu thể vị tha chuẩn mực, có mối quan hệ thơm thảo – tốt đẹp giữa người với người, thì đó mới là một thực thể xã hội toàn thiện.
Sự sống có phúc lợi của mỗi cá nhân tùy thuộc vào sự tồn tại của cộng đồng – xã hội. Bản thân muốn hưởng thụ trọn vẹn phúc lợi, thì phải xuất phát từ bản tâm vì sự bảo toàn phúc lợi của người khác. Nhìn vào đàn khỉ: Con khỉ đầu đàn, luôn luôn nhận lãnh trách nhiệm. Trong khi đồng loại đang ăn, con khỉ đầu đàn luôn luôn canh chừng bên cạnh. Con thú mạnh hơn, luôn luôn chăm sóc bày đàn vì lợi ích xã hội muôn thú
Ngày nay, thế kỷ hai mươi mốt đang phát triển, có quá nhiều thay đổi. Sự khác biệt giữa học vấn, nghề nghiệp, sang – hèn, người lãnh đạo – kẻ thuộc cấp, bối cảnh xã hội… Nhưng tất cả những điều này không quan trọng, chúng ta đều là con người, đều cùng một sân chơi, đều có mối quan hệ tương quan, tất cả đều giống nhau:
“Dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn như nhau”, thì hãy cùng cười xòa với nhau.
Cá nhân có đời sống đạo đức, luôn luôn tôn trọng hướng đến tha nhân, vì phúc lợi của người khác làm nền tảng đạo đức cho chính mình, thì lo gì xã hội không yên bình, đất nước không thịnh trị.
Với lòng bi mẫn, khoan dung – độ lượng – biết tha thứ, thì lòng từ ái nhân hậu được phát sinh. Tình thương rất cần thiết để chia sẻ ngọt ngào ấm áp. Bởi vì:
“Thảo nào khi mới chôn nhau
“Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”
“Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
“Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
“Trăm năm còn có gì đâu
“Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”
(Ôn Như Hầu – Nguyễn Gia Thiều – Cung Oán Ngâm Khúc)