HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT
HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT
Từ mười điều phi pháp, dẫn đến ngã rẽ các bộ phái Phật giáo tại thành Tỳ Xá Ly, Kinh Duymacật đã có mặt sớm nhất, nhằm mục đích phát triển Đại thừa
Kinh Duymacật là cái nôi kiến giải tư tưởng Đại thừa – đưa đạo vào đời, thực tiễn trong đời sống dân sinh – hướng đến giải thoát, nhưng không bị đời làm ô nhiễm
Với cái nhìn khách quan, bằng trí tuệ bát nhã, Duymacật soi rọi vào lòng xã hội nguồn văn hóa tri thức vô ngã, đây là một tinh hoa siêu việt, vươn lên trên sự nghiệp xiển dương Đại thừa
Tư tưởng Phật giáo trước giai đoạn Đại thừa, hình ảnh người tu sĩ xuất gia, có cuộc sống nghiêm mật, giới luật tịnh hạnh, được xem là đối trọng. Nhưng thành quả của Duymacật, một thương gia giàu có, có gia đình, sinh sống tại thành Vaisali (Tỳ Xá Ly), được giới cư sĩ hướng đến tôn vinh, là một thánh giả thượng sĩ tại gia quán chúng nổi bật, ông là đại biểu lý tưởng cho giới cư sĩ Phật tử tại gia. Tư tưởng Duymacật tạo nên một luồng sinh khí mới mẽ – trẻ trung hóa Phật giáo, được hình thành từ đại chúng, nhập thế – từ tục đế mà phương tiện diệu hữu, đem lợi ích thiết thực tại nhân gian: “Phật pháp tại thế gian – Bất ly thế gian giác” không cần thiết phải từ bỏ thế tục, vẫn thực hiện được chí hướng giải thoát. Qua đó:
“Có thể nói cả hai giới tu sĩ và cư sĩ đều quan trọng như nhau trong giáo pháp của Đức Phật” – bình đẳng Phật tính
– Duy Ma Cật & Lý tưởng người cư sĩ – Daisaku Ikeda – Nguyên Hảo dịch –
Tâm đắc tư tưởng Duymacật, Huynh trưởng GĐPT thực tập – tu học, nhằm mục đích xây dựng hoàn chỉnh bản thân, năng hành Bồ tát đạo, phục vụ sự nghiệp giáo dục GĐPTVN, góp phần kiến tạo xã hội tăng huy Phật quốc – tịnh độ nhân gian.
“Không phải ngồi là ngồi thiền. Ngồi thiền có nghĩa là không hiện ra trong ba cõi. Cũng có nghĩa là hiển bày chính mình trong tánh tự nhiên, trong đó thân và tâm đều không còn. Có nghĩa là tu hành Phật đạo trong lúc làm những công việc hằng ngày trong thế gian. Ðó gọi là ngồi thiền”
Huynh trưởng GĐPT hành thiền ngay trong tục đế đời thường, không rời nơi uế trược để hướng đến cảnh giới xa vời, mà vì đàn em thân yêu ứng dụng vô biên thiện pháp, dù những sinh hoạt đơn giản nhất… cũng là Phật pháp, làm phương tiện để truyền tải – chuyển hóa – hướng dẫn các em phát triển tư duy – nhiếp tâm hành thiện
Nội tâm là một chiều sâu thăm thẳm – khúc mắc – phồn tạp, tàng chứa vô vàn kiến hoặc – lậu hoặc. Muốn hội đủ kiến thức – đủ tuệ giác để lý giải vấn đề tâm linh, mỗi nhân thân phải tự nổ lực rèn luyện – thực tập – tu học cho được chân đế
Nếu không có cuộc sống tâm linh, mỗi nhân thân triền miên đắm chìm trong tột cùng đau khổ. Đời là một dòng chãy bất như ý, mọi thứ không phải là một hạnh phúc có sẵn, để vuốt ve nuông chìu, mà phải nếm trãi biết bao cay đắng ngập lòng
Sở dĩ con người đau khổ, bởi vì không chịu tỉnh thức, không chịu mở mắt tri kiến. Để làm được điều kỳ diệu này, mỗi nhân giả phải tự giác ngộ lấy thân phận lau sậy, nổ lực tìm đến nguồn Phật chất vô biên
GĐPT là một dòng tu, muốn hoàn thiện nhân cách – hoàn thiện bản thân. Đến với GĐPT để chọn cho mình một pháp môn tu, nhằm mục đích thanh lọc tam nghiệp, tịnh thân – định ý, sau khi đã được tự giác, sẽ thực hiện giác tha, để được giác hạnh viên mãn. GĐPT là một tổ chức giáo dục, muốn hướng thiện được tha nhân, đòi hỏi mỗi nhân nhân phải đầy đủ thân giáo – khẩu giáo – ý giáo. Phải là một tấm gương sáng, một nhà mô phạm với đầy đủ đạo đức uy nghi, đủ sức truyền tải nguồn năng lượng Phật chất vô biên vào tận mọi ngõ lòng thâm sâu của mỗi nhân sinh. Kiến thức đâu phải bổng nhiên mà có, đòi hỏi phải hội đủ thời gian để dùi mài – đào luyện. Bỏ tu – bỏ học – bỏ bậc – bỏ trại nữa vời, không có quá trình sinh hoạt lâu dài với tổ chức, thì chỉ có mai một – lạc hậu, làm sao mà đuổi bắt theo kịp với thời gian, làm sao đủ năng lực – đủ bản lĩnh, nhất là làm gì có đủ tinh thần trung kiên – đủ niềm tin son sắc vào tổ chức – đủ nghị lực vô úy để mà lãnh đạo cầm đoàn, điều hành một đơn vị GĐPT sở tại, lội ngược dòng đời, góp phần làm thanh sạch – thiện hóa xã hội
Huynh trưởng GĐPT nổ lực tu học – thực tập tư tưởng siêu việt Duymacật, từ đó tỏa sáng sức sống diệu kỳ, mạnh dạn bước vào thế giới tâm linh sinh động, kiến giải – làm toát lên sự trong sáng tuệ giác, hiển bày bản nguyện, nâng cao phẩm giá, hun đúc ý chí, hành hoạt vạn hạnh tự tại, thành tựu thảnh thơi giải thoát đến vô cùng
Tịnh độ được kinh Duymacật quán chiếu bằng trí tuệ bát nhã. Mô hình tịnh độ được xây dựng bằng chính đôi tay và khối óc của Bồ tát, hiện thực ngay tại thế gian, chứ không từ một thế giới vô tưởng xa vời nào khác
Bát Nhã nói rằng: “Bất cấu bất tịnh”, thế giới Hoa Nghiêm thì nói: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”, tư tưởng Duymacật đã trình bày: “Tịnh Phật quốc độ, người có tâm thanh tịnh sẽ thấy đất Phật thanh tịnh”. Tịnh độ có cấu hay được tịnh đều do tâm biến hiện. Tâm lượng chúng sinh mãi chìm nghĩm mê vọng trong ngũ dục – đánh mất chân tâm, dù có là tịnh độ ngay trước mắt cũng hóa hiện uế trược, với cái nhìn đoạn kiến đã tạo nên biết bao thảm cảnh ./-