HUYNH TRƯỞNG GĐPT
THỰC TẬP TINH THẦN DUY MA CẬT
Kinh Duy Ma Cật diễn tả khung cảnh trưởng giả Duy Ma Cật thị hiện thân lâm trọng bệnh, nhằm mục đích diễn bày tính không – bát nhã.
Đức Phật cử 10 đại đệ tử đến thăm bệnh Duy Ma Cật, nhưng đều thoái thác, không đủ khả năng thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Đức Phật phó thác Văn Thù Sư Lợi.
Đến bên giường bệnh, Văn Thù thăm hỏi Duy Ma Cật: “Cư sĩ ! bệnh của ông có kham nỗi không ? Ðiều trị có bớt không ? Bệnh không tăng chứ ? Thế tôn ân cần hỏi thăm ông. Bệnh cư sĩ nhân đâu mà sanh ? đã bao lâu rồi ? đến bao lâu thì hết bệnh ?”
Duy Ma Cật trả lời: “Bệnh tôi từ si – ái mà sanh. Tôi bệnh vì chúng sanh bệnh. Khi nào chúng sanh hết bệnh thì tôi lành bệnh. Ví như ông trưởng giả có một người con, nếu người con bị bệnh thì cha mẹ cũng bệnh theo, con lành bệnh thì cha mẹ cũng hết bệnh. Bồ tát cũng vậy, thương tất cả chúng sanh như con một, nên chúng sanh bệnh thì bồ tát bệnh, chúng sanh hết bệnh thì bồ tát lành bệnh. Bồ tát bệnh là do lòng đại bi”.
Qua lý luận trên: Vì đại nguyện đại bi, Duy Ma Cật thị hiện bệnh hạnh, chỉ rõ chân lý vô thường. Do si mê – ngã ái mà nên nghiệp lực luân hồi. Sinh – lão – bệnh – tử chi phối lên thể vóc bất tịnh, đau khổ kéo dài kiếp nhân sinh.
– “Si” là si mê – vô minh, không sáng suốt nhận chân được chân lý, phán đoán đúng đắn hay dở, tốt xấu, lợi hại… Vô minh che lấp tâm trí, không thấy được bợn nhơ gậm nhấm bên trong con người, làm cho thói hư tật xấu tăng dần, đưa nhân sinh vào vũng lầy tội lỗi.
– Ái, là ái dục, là ham muốn, làm cho con người dong ruổi mãi mê đuổi bắt, không điểm dừng nghỉ, như mặt hồ gợn sóng lăn tăn cứ đi tới mãi, không bao giờ phẳng lặng.
Ái là nguyên nhân sanh khổ. Trong cuộc sống hằng ngày, Ái Dục đóng vai trò quan trọng. Từ cuộc sống quan hệ vợ chồng, liên quan đến tài sản vật chất – công danh – sự nghiệp, và biết bao thứ khác trong cuộc sống, đều có sự dẫn đạo của ái.
Ái Dục hay Khát Ái, đem lại hy vọng tha thiết đẹp đẽ – hạnh phúc. Hy vọng là khao khát về tương lai, trong định nghĩa chừng mực nào đó, niềm hy vọng của mỗi người vẫn nằm trong phạm vi của Ái.
Ái Dục không những dẫn con người đi tới, mà Ái Dục còn đẩy đời sống này sang đời khác trong cuộc trầm luân. Ái Dục không đơn giản ưa thích những gì thuộc về ngoại giới, như sắc đẹp – tiếng hay – mùi thơm – mặn ngọt và xúc lạc, mà Ái còn là chỗ nương tựa cho mỗi người trong cuộc đời. Là khối êm ái, như đôi tay trìu mến của người mẹ hiền, vỗ về người con ngủ vùi trong đó. Và Ái Dục còn hơn thế nữa, luôn luôn bao trùm lên mỗi bước chân, mỗi lời nói, mỗi hơi thở cuộc đời
Tư tưởng bất nhị bàn bạc suốt bộ kinh Duy Ma Cật:
“Nhãn và sắc là hai, nhưng nếu biết nhãn đối với sắc không tham – sân – si thì đó là tịch diệt… Cho đến ý với pháp là hai, nhưng ý đối với pháp không tham – sân – si thì đó là tịch diệt. Sống trong ấy là nhập vào pháp môn Bất nhị”.
Nền tảng Kinh Duy Ma Cật triển khai nhận thức thực tại trên căn bản nguyên lý bất nhị, hướng dẫn nhận thức khởi đi từ thực tại sai biệt, khám phá bản thể chân thật ngay trong thực tại sai biệt, để nhận thức được thực tại chân thật.
Duy Ma Cật nói với các Bồ tát: “Này nhơn giả, Bồ tát làm sao nhập pháp môn bất nhị ?”.
32 vị Bồ tát lần lượt trình bày, nhưng Duy Ma Cật không hài lòng.
Cuối cùng Văn Thù Sư Lợi đáp: “Theo ý tôi, tất cả vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp. Ấy là nhập pháp môn vô nhị”.
Thấy Duy Ma Cật im lặng, Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Chúng tôi mỗi người đã tự nói xong. Nay đến lượt Nhơn giả: “Thế nào là nhập pháp môn bất nhị của Bồ tát ?”
Duy Ma Cật im lặng hoàn toàn !
Văn Thù tán thán: “Lành thay ! Lành thay ! Cho đến chẳng có văn tự – lời nói mới là chơn nhập pháp môn bất nhị”.
Sự hội ngộ giữa Văn Thù và Duy Ma Cật, là cuộc gặp gỡ giữa đỉnh cao của thanh tịnh và trí tuệ, làm đảo lộn cái thấy đoạn kiến, làm rơi rụng vô minh. Từ tri thức khái niệm mù mịt sanh diệt đạo đoạn, thấy được cái không hiểu được, tịch diệt vắng lặng, khó diễn tả bằng ngôn ngữ, đó là bất khả tư nghì. Đem vật lý tòa sư tử vô ngại đặt đúng nguyên vị “Ưng vô sở trụ” bình đẳng.
Duy Ma Cật là một cư sĩ, một thương gia giàu có, ở thành Tỳ Xá Ly, có biện tài, giỏi tranh luận. Ông có đời sống tục đế, đại biểu cho giới cư sĩ, hiện thân cho tinh thần Ðại Thừa, khước từ đời sống tu viện hạn hẹp. Ông nhấn mạnh tinh thần nhập thế, dấn thân hòa mình vào lòng xã hội.
“Không phải ngồi là ngồi thiền. Ngồi thiền là không hiện ra trong ba cõi. Là hiển bày chính mình trong tánh tự nhiên, thân và tâm đều không còn. Là tu hành Phật đạo trong những phật sự thường nhật giữa thế gian. Ðó gọi là ngồi thiền”.
Hình tượng Duy Ma Cật khẳn định, người cư sĩ tại gia, sống giữa tục đế không kém phần quan trọng. Trên hành trình truyền bá Phật pháp, thiếu vắng cư sĩ trong tứ chúng đồng tu, thì khó chuyển hóa uế độ, hình thành Phật quốc.
Người Huynh trưởng cư sĩ Phật tử, là người sinh ra từ lòng đời, tồn tại giữa xã hội, hòa nhập cộng đồng, góp phần chuyển hóa tuổi trẻ.
“Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết”.
Huynh trưởng phát nguyện nhập thế, còn có một Thanh – Thiếu – Nhi tha hóa, thì còn có Huynh trưởng thị hiện vào đời, chia sẻ những khổ đau người đời, lấy cái khổ của tha nhân làm nỗi đau của chính mình để độ tận.
GĐPT là một tổ chức giáo dục. Nói đến giáo dục, phải định nghĩa đến chủ thể của nó, đó là người làm công tác giáo dục. Trong tổ chức GĐPT, người Huynh trưởng là người đang làm công tác giáo dục. Muốn hướng thiện tha nhân, đòi hỏi mỗi nhơn giả phải nỗ lực tu học, thực tập tinh thần siêu việt Duy Ma Cật, đủ sức truyền tải nguồn năng lượng Phật chất vào tận mọi ngõ lòng thâm sâu tuổi trẻ, thắp sáng niềm tin, hun đúc ý chí, tỏa sáng tâm linh, nâng cao phẩm giá, tạo nên sức sống diệu kỳ, thành tựu bản nguyện.
Người Huynh trưởng, là một chiến sĩ trên mặt trận tâm linh, một kỹ sư tâm hồn, một nhà mô phạm với đầy đủ thân – khẩu – ý giáo, là tấm gương sáng cho đàn em noi theo. Bởi vì các em là mặt sau của chúng ta, nét vẽ ban đầu trên tờ giấy trinh nguyên được thẳng tắp, thì cuộc đời các em trong sáng phong quang, nếu ngược lại thì hậu quả bi đát đến vô cùng.
Người xưa đã dạy: “Làm giáo dục mà lầm thì hủy hoại cả một thế hệ”.
Trên hành trình thực tập Bồ tát hạnh, nối tiếp chí nguyện truyền đăng mà Chư Tôn Đức Cố Vấn – các anh – chị trưởng bối đi trước truyền trao. Ý thức sứ mệnh thiêng liêng, phát đại nguyện dấn thân, vững bước nhập thế đem đạo vào đời, góp phần tích cực hướng dẫn tuổi trẻ, phát khởi tín tâm, hướng tới thiện hóa cuộc sống. Từ tục đế, Huynh trưởng tu học tư tưởng Duy Ma Cật. Bằng trí tuệ siêu việt, bằng nghị lực tự thân, vân dụng bất tư nghì giải thoát, đạt đến bồ đề tâm bất thối, nhập thế chuyển hóa xã hội, kiến lập trường tồn GĐPTVN – tịnh độ Phật quốc ngay tại uế độ ta bà này ./-