LỜI THẬT TRÁI TAI

LỜI THẬT TRÁI TAI !

Ở mỗi tổ chức, còn có quá nhiều điều bất cập – đáng tiếc xảy ra, chưa thể hiện trọn vẹn tính nhân chủ công minh. Còn có nhiều bộ óc hẹp lượng – thủ cựu – cố chấp – chưa thoáng. Cho mình là lãnh đạo cấp cao, khi phán quyết một điều gì, thì áp đặt đối tác phải phục tùng – tuân thủ, nếu có ý kiến xác minh lại vấn đề, để tìm ra sự xác đáng – đúng đắn, thì vội vàng chụp mũ là bất tuân – không chấp hành tổ chức.

Ôi! buồn bã biết bao, khi mình làm sai, mà không biết là sai. Nếu có ai đó góp ý – phê bình, thì hàm hồ bảo thủ, lên giọng quyền lực – kẻ cả – lấn át, đánh giá người thấp cổ bé miệng là vượt cấp – không tuân thủ – xem thường tổ chức.

Cái đáng tiếc là, sự đóng góp ý kiến chân thành của thế hệ trẻ, không được trân trọng – lắng nghe – tiếp thu, mà còn bị coi là trẻ người non dạ – ngựa non háu đá. Không chú ý phát hiện tài năng trẻ, không quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện cho tuổi trẻ tiếp cận – vươn lên. Thiếu tin tưởng, mà lại còn lo lắng vu vơ, e ngại nếu lỡ trao lầm thì sẽ đem lại di hại.

Là một tổ chức giáo dục, mang tính nhân bản rất cao, lấy con người làm đối tượng giác ngộ. Tính nhân chủ được đặt lên hàng đầu: “Các người hãy tự thắp đuốc lên mà đi” – “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành” – “Nhân thành tức Phật thành”. Hình thành nhân cách của mỗi người, sẽ đánh giá được sự thành tựu một vị Phật tương lai. Đức Phật đã phóng khoáng cho phép đệ tử của ngài, cần phải xét lại, dù điều ấy đã được truyền tụng lâu đời, đã được một đạo sư truyền trao dạy bảo…

Những vấn đề nêu trên, nếu được thẳng thắn đặt ra, sẽ có những ai đó chạnh lòng, sẽ cho rằng, tại sao lại nêu lên chi những cái tồi tệ của mình, nói xấu tổ chức, vạch lá tìm sâu, vạch áo cho người xem lưng. Lo sợ ngoại nhân biết được cái xấu của mình mà xem thường, mà chê cười. Tại sao lại can ngăn – tủi hổ che mặt, không mạnh dạn thố lộ sự thật, nói lên cho được những cái sai lầm, để mà thấm thía, để mà sửa sai.

Là một gã cuồng tử, từ tục đế mà vươn lên, có ai tự hào là mình đã sạch trong, ai mà không ít nhiều còn lấm lem – lầm lỗi. Nhưng có lỗi lầm – có sai sót mà biết quán chiếu để sửa sai, thì đây là điều đáng quí, đáng trân trọng nêu gương. Ở trong mỗi chúng ta còn có quá nhiều di căng – dị tật, nhiều chướng duyên, nhiều chứng bênh nghiệt ngã khó gột rửa, khó điều trị. Không nên lấp liếm – dấu diếm – che đậy nữa, mà cần phải nhanh chóng được phơi bày, bắt mạch – kê toa – bốc thuốc, chữa trị kịp thời. Phải thể hiện đầy đủ tính nhân chủ, tinh thần tự do dân chủ – tự do ngôn luận, mạnh dạn nói lên sự thật. Nếu tinh thần này được phát huy cao, thì sẽ là liều thuốc quí, nhanh chóng được chữa trị, làm khôi phục chứng bệnh nan y. “Thuốc đắng đã tật – lời thật trái tai”. Nếu được như vậy, kỳ vọng mai này tổ chức sẽ được làm mới – lớn mạnh – vững vàng biết bao !