NỀN GIÁO DỤC KHAI PHÓNG
“Phật dạy giáo pháp chỉ một âm,
Mà mỗi chúng sanh tùy bậc hiểu”
Dù Phật pháp là một chứng nghiệm chân lý như thật, được trình bày khúc chiết, hàng Tiểu thừa tùy căn tánh – khả năng mà ngộ nhập khác nhau. Với kiến chấp đạo đoạn – tư duy hẹp hòi – kiến giải nông cạn, tạo nên muôn sai ngàn khác
Trong xã hội, dẫy đầy các hệ thống giáo dục. Tùy theo sắc thái, nhu cầu của mỗi tư trào văn hóa, mà định hình một hệ thống giáo dục, nhằm mục đích phục vụ cho dòng ý thức lập dị khác nhau
Nhưng bên trong từ mỗi nhân thân, còn có lương tri, còn có ý thức giác ngộ nhân chủ. Thì sự vươn lên để vượt thoát, tìm ra ánh sáng chân lý, chỉ còn là thời gian
“Làm thầy thuốc mà lầm, thì giết một người
“Làm địa lý mà lầm, thì giết một họ
“Làm chính trị mà lầm, thì giết một nước
“Làm văn hóa mà lầm, thì giết muôn đời”
Giáo dục có một định hướng đúng đắn, tri thức sẽ được nâng cao. Thiếu giáo dục, con người trở thành thứ phẩm, có một cuộc sống kém cỏi hạ liệt. Giáo dục là một nền tảng tối cần thiết, để phát triển xã hội. Xã hội có mức sống nâng cao – tốt đẹp hay không, là tùy thuộc vào nền giáo dục đó, có được tiến triển theo chiều hướng thiện hóa giác ngộ giải thoát tốt đẹp, hay nô dịch thoái hóa. Một xã hội thiếu giáo dục, là một xã hội, có cuộc sống ngang tầm với súc vật, chỉ biết có gầm gừ – đay ngiến – giành giật – xâu xé – dẫm đạp lên cuộc sống lẫn nhau. Nhìn vào phong cách sống của mỗi cộng động, sẽ đánh giá được trình độ giáo dục của xã hội đó, và cũng đánh giá dược mực độ tồn tại – tiến triển hay thoái hóa tụt hậu
“Do từ si mê sinh ra ái, từ đó mà bệnh tôi phát sinh. Vì tất cả chúng sanh bệnh, nên tôi bệnh. Nếu bệnh của chúng sanh không còn, thì bệnh tôi không còn. Vì sao? Vì Bồ tát đi vào trong sanh tử vì lợi ích chúng sanh. Vì có sanh tử nên có bệnh. Nếu chúng sanh không còn bệnh thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như ông trưởng giả chỉ có một người con. Nếu người con bệnh thì cha mẹ bệnh theo, nếu con lành bệnh thì cha mẹ lành bệnh. Bồ tát cũng như thế, thương tất cả chúng sanh như con. Nếu chúng sanh bệnh thì Bồ tát bệnh, nếu chúng sanh lành thì Bồ tát lành”
Sở dĩ Phật giáo bị bệnh hoạn – ốm yếu triền miên, xa rời thực tế, thiếu vắng bóng dáng người chứng ngộ, cửa thiền trở thành nơi mua bán – cầu xin – hơn thua danh lợi, làm mất đi sức sống tươi trẻ, không đáp ứng thỏa đáng nhu cầu bức thiết – niềm kỳ vọng của nhân loại
Hơn hai mươi sáu thế kỷ trôi qua, những người học Phật và tu Phật, đều nhìn Đạo Phật với cái nhìn hướng về nội tâm, nằm ì ở phần thâm diệu cao siêu khó hiểu. Dẫn đến còn đang tâm đẩy lùi Đạo Phật vào chốn vong thân tối tăm thui chột, làm biến thái mê hoặc mụ mẫm, lừa phỉnh mọi người, “Cuồng hoa vô quả” tu thì nhiều, nhưng không thăng hoa được tri thức và đạo đức bao nhiêu, xa rời xã hội, tách biệt thực tại. Nhưng xã hội là một vấn đề bức thiết, cần phải tích cực giải quyết về mặt nhân sinh, mà đức Phật đã thể lòng từ mẫn, suốt bốn mươi lăm năm ròng rã hành đạo
“Đừng biến Đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son, có điện ngọc thâm u. Đừng biến tăng sĩ thành những con người vô tư, với những ưu đãi vụ lợi, chối từ nhiệm vụ thiêng liêng, thực hiện giải thoát và phụng sự con người”
– Nhất Hạnh – Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời –
Từ nơi sâu thẳm nhọc nhằn tột cùng, đất trời đã bao dung, ban tặng cho Việt Nam một kho tàng văn hóa đạo đức trân quí, đó là Đạo Phật – đó là GĐPTVN. GĐPTVN là một tổ chức giáo dục, có nền văn hóa kỳ vĩ, có uy lực làm sạch ô nhiễm, tô đẹp cuộc đời
Kinh Đại Bát Niết Ban Đức Phật đã dạy: “Hãy tự nương tựa chính mình, đừng nương tựa vào cái gì khác ngoài mình”. Đạo Phật là đạo tu lấy cái Tâm của mình. Hãy tự nổ lực để tự khai phóng ô nhiễm – thanh sạch tự tâm Đứng trước một nền văn hóa – giáo dục rối bời – rách nát, buông rơi đạo đức tâm linh, xem thường nhân nghĩa, bại hoại gia phong. Thì nền văn hóa – giáo dục ưu việt của tôn giáo, mà cụ thể là Phật giáo, cần phải nhanh chóng được đặt lại. Chỉ có nền giáo dục vô ngã – vị tha – khai phóng của Phật giáo – của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, mới đủ năng lực huyền nhiệm làm được chức năng thiêng liêng, là giáo dục đạo đức, nâng cao phẩm cách của con người đến toàn diện. Hãy mở rộng vòng tay đón nhận tất cả. Phải thực sự là tổ ấm, tạo điều kiện cho thanh – thiếu – nhi bước vào, thể nhập cuộc sống. Giúp cho tuổi trẻ tự tin, phát tỏa nhiệt năng, phát triển nhân cách, nhận thức được cuộc sống sáng sủa, tràn đầy tươi đẹp, có nhiều ý nghĩa. Không còn tự ti – mặc cảm bị hất hủi – bỏ rơi…
Giáo dục trong GĐPTVN, là một hệ thống giáo dục ngoài trường học, giáo dục nhân cách đạo đức toàn diện. Ứng dụng giáo lý Phật Đà vào nền giáo dục GĐPT, nhằm mục đích rèn luyện mỗi nhân thân trở thành một nhân tố tích cực trong xã hội, một hiền tài cho dân tộc, một con người trên mọi người
Cái học của GĐPT, là cái học làm bùng vỡ vô minh – đánh thức giác tính: “Khai thị chúng sinh – ngộ nhập Phật tri kiến”, để tạo nên một chuyển biến mới – trở thành một người Phật Tử Mới – Chân Chánh, thông qua tuệ giác để chắc lọc bằng trí tuệ siêu việt. Đức Phật đã dạy: “Mỗi người phải được giác ngộ, rồi mới đi đến giải thoát”. Giác ngộ là nhận chân được thực tướng, thanh lọc ô nhiểm, đập nát vô minh, phá vỡ kiến chấp, lúc bấy giờ mới được giải thoát, an lạc – tự tại hoàn toàn
Qua các bậc học, các trại huấn luyện. Rèn luyện – nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng, biết gát mình qua một bên, phát triển tinh thần vị tha, đủ khả năng – đủ bản lĩnh, đảm nhận được các nhiệm vụ mà tổ chức trao phó, đủ tư cách đảm nhận trọng trách thiêng liêng, đem đạo vào đời, giáo dục thế hệ mai sau
Phật pháp, là một pháp bảo tối thượng, muốn học được, phải học bằng cái tâm tỉnh thức, với phong cách của một thiền sinh đang đối mặt trước công án, khám phá vùng tâm thức biến động, điều ngự nội tâm, định hướng một thực tại trong sáng. Phật pháp là một môn học xuất thế gian, không với cái tâm tỉnh thức – khao khát, không với bộ óc siêu thế gian, thì khó mà thức ngộ được chân đế diệu kì
Phật pháp là một hành trình sống, lội ngược dòng đời, người thức giả tài tình, phải có một năng lực quán chúng, dẫn dắt tư duy, tạo nên một chuyển biến kỳ vĩ, giúp cho mỗi hành giả hội nhập kho tàng pháp bảo vô biên
Tư tưởng bất nhị bàn bạc suốt bộ kinh Duymacật: “Nhãn và sắc là hai, nhưng nếu biết nhãn đối với sắc không tham – sân – si thì đó là tịch diệt… cho đến ý với pháp là hai, nhưng ý đối với pháp không tham – sân – si thì đó là tịch diệt, sống trong ấy là nhập vào pháp môn Bất nhị”. Bất nhị có nghĩa là không hai, nhưng không phải là một, một trạng thái tịch diệt – buông xả hoàn toàn. Dưới cặp mắt nhị nguyên, còn nhìn thấy có bên này – bên kia, để rồi tự chìm nghĩm giữa dòng đối kháng
GĐPTVN tiếp thu nguồn tinh hoa vị tha rộng lớn, tiếp hiện vào đời, noi theo dấu chân thơm của đức Phật làm một cuộc cách mạng. Cách mạng của Đạo Phật, là không phải ở bên này hay bên kia dòng đời, vì ở mỗi dòng đều có dẫy đầy khổ đau, trộn lẫn bám víu vào nhau, nhận chìm sinh linh đến đọa đày đau khổ. Cách mạng của Phật giáo, là một con thuyền lội ngược dòng đời, cởi lên trên sóng khổ, trãi lòng từ bi – giải phóng nhân sinh vượt qua vũng xoáy mê vọng xa rời tự tánh
“… Khi giáo hóa chúng sinh… không ở bên này, chẳng đến bên kia cũng không ở giữa dòng… Không là đây, cũng không là kia, không lấy đây, không lấy kia… Không ở phương nào cũng không xa lìa phương nào, không phải hữu vi cũng không phải vô vi… Không phải đã tồn tại, không phải sẽ tồn tại, không phải đang tồn tại; không thể bằng tất cả ngôn thuyết để hiển thị hay phân biệt
“… Thân Như Lai như vậy, nên quán như vậy. Quán như vậy gọi là chánh quán. Quán khác đi, gọi là tà quán”
Cái quan niệm cách mạng của thế gian, là tìm thời cơ trong thúc đẩy biến động, chối bỏ bờ bên này, để tìm qua bờ bên kia khác hơn. Xóa bỏ dòng ý thức hệ này, để rồi áp đặt dòng ý thức hệ khác nặng nề hà khắc khốc liệt hơn, nó chỉ có tính chất giải quyết ở phân đoạn, do đó cái gốc rể vẫn cứ tồn tại nẩy mầm, để rồi lại tiếp tục đối kháng
Đạo Phật là đạo chứng ngộ trong cuộc đời, biết bao tôn giáo đi trước và sau này, chưa có ai có thể vươn tới được. GĐPTVN đã thấy những cái mà ít người thấy được, đã hiểu những cái mà ít người hiểu được. Cố gắng khởi động nên một nền văn hóa giác ngộ – giải thoát kỳ vĩ, đem những cái đã thấy đã hiểu được, truyền trao lại cho thế hệ đàn em, gieo lại niềm tin tưởng, uốn nắn tâm tư, thuần hòa cuộc sống, hầu làm sáng tỏ phần nào ý chỉ của Như Lai, khỏi nhục lý tưởng xuất thế Muốn có được một xã hội tốt đẹp, là phải có những con người tốt đẹp. GĐPTVN đang hoàn chỉnh một nền giáo dục mới: Vô ngã – xả kỉ – vị tha – khai phóng – giác ngộ và giải thoát. Tập trung vào quỹ đạo giáo dục, mà tuổi trẻ là đối tượng cứu cánh để đặt lại đúng đắn vị trí làm người. Thiếu vắng sự hướng dẫn của Đạo Phật – của GĐPTVN, thì chưa có thể nói là cải tạo – cải cách, là cách mạng làm nên một xã hội thịnh lạc toàn triệt
“Con người là hơn cả, có thể thực hiện được tất cả những sự tốt đẹp”
– Kinh Hoa Nghiêm –
GĐPTVN đã đóng góp một vai trò rất quan trọng sự nghiệp phát triển giáo dục, góp phần tích cực trong xây dựng Đạo pháp và dân tộc. Sự đóng góp nhiệt thành của bao lớp Huynh trưởng GĐPTVN không phải là nhỏ. Nhưng cái công thầm lặng thiết thực này, chưa được trân trọng nhìn nhận một cách khách quan và công bằng. Nếu không có GĐPT làm nhịp cầu nối liền giữa thế hệ trẻ với thế hệ người lớn tuổi, thì thử hỏi văn hóa đạo đức Phật giáo có được phổ biến rộng rãi đến từng ngõ ngách của mọi đời sống tâm hồn thơ trẻ? Nếu GĐPT không Phật hóa trong các hoạt động văn hóa – văn nghệ – giáo dục – vui chơi – giải trí… thì dù các cấp chức năng, có đủ năng lực diệu thủ nghìn mắt – nghìn tay, cũng chưa chắc đã nắm bắt được hết các vấn đề bức súc, các nhu cầu cấp thiết nãy sinh trong đời sống dân sinh
Với hạnh nguyện kỳ vĩ “Ngũ trược ác thế thệ tiện nhập”. Như một chiến sĩ trên mặt trân tâm linh, dẫy đầy cam go khắc nghiệt, Huynh trưởng GĐPTVN sẵn sàng đối mặt với thực tại phủ phàng, như những con tằm, miệt mài với thiên chức, thắt ruột nhã tơ, để mai này trao lại cho đời những sản phẩm trác tuyệt
Giáo dục GĐPT là một sức mạnh, soi rọi vào các mặt tiêu cực xã hội, là mũi xung kích sắc bén làm sạch ô nhiễm, đem lại trong sáng cho đời. GĐPTVN là con thuyền đi ngược dòng đời, lật tung – phá vỡ mọi tệ đoan lạc hậu đang vây bủa làm rệu rã dòng đời. Cái tốt lúc nào cũng lột trần cái xấu, cho nên cái xấu rất khó chịu – khó chấp nhận được
“Như một du sĩ, khi nhìn thấy chỗ nằm như dáng hình sư tử. Ông ta không hài lòng thốt lên: – Ta đã nhìn thấy một điều xấu xa, đó là dáng nằm của samôn Gotama, một kẻ tàn hại sự sống. Ông ta gọi Đức Phật là một kẻ tàn hại, kẻ hủy diệt thế gian. Vì Đức Phật đã thẳn thắn chỉ rỏ bản chất dục vọng điên cuồng, thế nào là vị ngọt nguy hiểm của dục vọng và chỉ rỏ con đường thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng”
– Tuệ Sĩ – Phương Tiện Thiện Xảo –