Nhân Quả
I. Dẫn nhập
Nói đến Nhân Quả là nói đến Nhân duyên, bởi vì Nhân – Duyên – Quả là một tổ hợp tương quan – tương duyên, là mắt xích giao hợp với nhau để cấu thành vạn sự – vạn vật.
“Vạn pháp do nhân duyên sinh”
Tất cả sự mọi vật được sinh ra, trước hết là do “Nhân”, nhờ gặp “Duyên” phối hợp mà phát sinh ra “Quả”.
Vũ trụ vạn vật đang tuần hoàn theo quy luật Nhân Quả “Nhân nào thì Quả nấy”. Luật Nhân Quả đang điều hành – chi phối toàn bộ mọi sự mọi vật trong vũ trụ.
Giáo lý Đạo Phật đã lý giải khúc chiết toàn bộ thế giới hiện tượng và tâm linh qua “Nhân quả biện chứng” một cách nhân bản, nhằm mục đích hình thành một nhân sinh quan tích cực, xây dựng – hình thành nên một xã hội tốt đẹp.
Nhân Quả được lý giải – biện chứng trong cuộc sống thực thể. Mọi hiện tượng xảy ra, đều được phát triển theo quy trình Nhân Quả. Rời Nhân – tách Duyên thì không hề có Quả, không có cái gì bổng nhiên mà có. Cơ sở trên Luận cứ này, có thể lý giải mọi diễn biến xảy ra, tránh đi những luận cứ áp đặt – mơ hồ – mất gốc một cách vô cớ – thiếu cơ sở, dẫn đến những uẩn khúc có thể diễn ra trong đời thường.
II. Định nghĩa
1. Nhân: Là nguyên Nhân, là năng lực phát sinh.
Nhân thứ nhất có 2 loại:
– Sanh nhân: Cái Nhân sinh ra sự vật.
– Liễu nhân: Nhờ tác động mà làm phát triển thêm lên.
Nhân thứ hai có 2 loại:
– Chánh nhân: Là cái nguyên Nhân chính sinh ra sự vật.
– Duyên nhân: Là những điều kiện chung quanh tác động nên.
2. Duyên: Là ngoại Duyên. Những điều kiện tác động nên, làm phát sinh ra Quả.
Duyên, có 4 Duyên:
– Nhân duyên: cái Nhân này làm Duyên cho cái Nhân kia tác thành nên Quả.
Nhân cũng là Duyên cho cái kia, mà Duyên cũng là Nhân cho cái nọ.
– Tăng thượng duyên: Là làm tăng thêm nhiều hơn để được phát triển.
– Vô gián duyên: Là Duyên liên tục không để bị gián đoạn.
– Sở nhân duyên: Tự Nhân làm Duyên tác động lên chính nó để được phát sinh.
– Quả: Là cái kết Quả đang hiện hành.
Quả gồm có 3 tướng:
– Dị thục: Khác thời mà có. Từ khi gieo hạt giống cho đến khi ra quả, thời gian có khác nhau.
– Dị loại: Khác loài mà có. Khi mới có thì tính khác nhau, đến khi già đi thì khác tính.
– Biến dị: Thay đổi thể trạng. Lúc còn nhỏ thì hình dáng có khác, khi lớn lên thì hành vi khác đi.
III. Nhân quả biện chứng:
Người ta nhìn thấy sự vật này có mặt, sinh vật kia ra đời có hiện tướng một cách sinh động, do đó họ cho rằng không phải bổng nhiên mà có, mà phải do một đấng tối linh nào đó tạo nên. Đây là sông, kia là núi, nọ là rừng, đấy là biển v.v… Một toàn cảnh kỳ quang đẹp mắt được xắp xếp một cách trình tự đang dàn trải ra, là phải có một bàn tay toàn năng vô hình sắp đặt.
Tinh thần Nhân Quả mang tính biện chứng khoa học của Phật giáo, cho thấy sự vật luôn luôn chuyển hóa vô cùng “Trùng trùng duyên khởi”. Không phải vật này sinh ra vật kia, mà là vật này làm Nhân – làm Duyên để sinh khởi “Một là tất cả, tất cả là một”. Nhân cũng là Duyên và Duyên trở lại làm Nhân để tạo nên Quả. Quả sinh ra cây, cây nở hoa, hoa kết thành Quả. Nếu có Nhân mà không có Duyên, hoặc có Duyên mà thiếu Nhân thì không hình thành nên Quả. Đến khi hết Duyên, mọi điều kiện tạo nên sự có mặt dần hồi thoái hóa – mõn dần nhiệt năng, thì sức sống tàn lụi dần theo năm tháng đến khi tắt hẳn. Như cái bánh xe đến lúc hết hơi thì không còn nâng được chiếc xe chạy tới.
“Nhược thử Hữu tắc bỉ Hữu
“Nhược thử Sinh tắc bỉ Sinh
“Nhược thử Vô tắc bỉ Vô
“Nhược thử Diệt tắc bỉ Diệt”
‘Cái này Có thì cía kia Có
‘Cái này Sinh thì cái kia Sinh
‘Cái này Không thì cái kia Không
‘Cái này Diệt thì cái kia Diệt
– Majjhimani Nikaya III.63 –
Sự: Có – không – còn – mất, chỉ là sự thay đổi hình dạng mà thôi, thực ra nó không mất đi đâu cả.
Đạo Phật là đạo nhân bản, con người có đủ năng lực huyền nhiệm để tự giải quyết lấy thân phận – đời sống của chính mình. Một việc tốt xảy ra hay một việc xấu đưa đến, là do chính ta đã tự tạo nên từ trước đó. Đạo Phật không thừa nhận thuyết định mệnh, bởi vì không có một bàn tay của Thượng Đế vô tưởng nào áp đặt lên đời sống nhân sinh.
Con người luôn luôn cúi đầu trước áp lực nặng nề mà người ta gọi là “Nghiệp”. Nghiệp có ra bởi do khởi niệm vô minh, cái hạt giống (Nhân) đầu tiên mà chúng ta đã vội thả vào lòng đời, rồi gặp phải gió Duyên góp sức tác động lên nhau tạo nên dòng sống khổ.
Nhân – Duyên – Quả, đây là một quy luật, một chu trình vốn có để tạo nên mắt xích sự vật. Và cũng từ Nhân – Duyên – Quả này tác động lên nhau dẫn đến sự vong ngã, có nghĩa là làm mất đi sự tồn tại của một tâm – vật. Sự mất đi của một sự vật, không phải là mất hẳn, hoặc vắng bặt bóng dáng của nó trong không – thời gian. Nhưng nó được thay đổi – biến dạng từ một trạng thái này hình thành một dạng khác. Con người khi chết đi không phải là mất hẳn, mà nó được sinh ra dưới một dạng khác (đó là một xác chết thối rửa sinh ra xương cốt – thành đất, hơi thở hòa nhập với gió ngàn phương, hơi ấm – dòng nhiệt năng trả về với lửa, nguồn năng lượng luôn luôn vận hành tồn tại trong vũ trụ v.v…).
“Sinh – Trụ – Di – Diệt” – “Thành – Trụ – Hoại – Không” là một trình tự được gắn liền song song với hoạt động Nhân Quả.
Người ta nói: “Một chớp cánh của một con bướm tại cửa ngọ môn của Tử Cấm Thành – Bắc Kinh, nó cũng có khả năng làm xao động cả Kim Tự Tháp tại vùng Ai Cập”. Một cá nhân lau sậy – nhỏ bé cũng có khả năng làm ảnh hưởng đến tập thể, đến cả vũ trụ bao la, và ngược lại, vũ trụ cũng dư thừa khả năng tác động lên mỗi dư thể – mỗi sự sống nhân sinh.
Một cá nhân tốt, ảnh hưởng xấu đối với xã hội cũng giảm đi, và cũng nêu gương được với cộng đồng. Mỗi thôn xóm đều tốt thì quốc gia đó có thái bình. Từ giới lãnh đạo cho đến quần chúng – nhân dân đều tốt, thì đất nước được thịnh trị, mưa hòa – gió thuận, thiên tai – dịch bệnh không còn, mọi biến cố không bao giờ xảy ra.
“Nhất nhơn tác phước thiên nhơn hưởng
“Độc thọ hoa khai vạn thọ hương”
‘Một người làm phước, ngàn người được hưởng. Một cây trổ hoa, ngàn cây chung quanh được thơm lây’.
IV. Mâu thuẩn sinh tồn
Đạo là khác với Đời, Đời là vọng – Đạo là chân.
“Duy vật là không có Duy tâm”, hai con đường ý thưc hệ song song này luôn luôn đối kháng nhau và không bao giờ gặp nhau ?!
Duy vật thiên về vật chất giả tạm – vô thường, hữu ngã – vô thần. Chọn vật chất để giải quyết nhân sinh, lấy dục vọng hữu ngã – ngạo mạn cạnh tranh sinh tồn. Không Thần quyền, bởi vì mọi giải quyết trong đời sống đều bởi bàn tay – khối óc của con người quyết định, mà không phải từ quyền năng phép mầu của Thượng Đế tối linh vô tưởng nào ban cho. Muốn sống – muốn tồn tại, mỗi sinh linh phải tự thân đấu tranh quyết liệt với khắc nghiệt để giành lấy chỗ đứng trong thế giới hữu hạn. Ngoài vật chất ra, không còn một thứ ngẫu tượng nào giải quyết được vấn đề nhân sinh. Vật chất là cơn sốt, là mục đích cuối cùng để thỏa mãn dục vọng điên cuồng mà con người nào muốn tồn tại – muốn có chỗ đứng cao hơn, là phải dẫm đạp lên nhau, bươn chải – bươi móc tối mày tắt mặt, mưu lượt khốn khó để tạo nên một vị thế – quyền lực hư danh giữa xã hội rối ren, nếu sơ hở – mềm yếu rẩy tay là té quỵ một cách đau đớn ê chề.
Duy vật là đánh mất tâm linh, là phủ nhận sự phát triển cao nhất về mặt tâm lý.
Duy tâm là chạy theo thần quyền, phó mặc đời sống dưới sự điều khiển của Thượng đế, nhờ vã van xin Thánh linh, chối bỏ quyền hạn làm người, cúi đầu thần phục ngoại giới, phó mặc cho sự thương xót được cứu rỗi, hay phủ phàng ghét bỏ – hù dọa bị đọa đày vào địa ngục.
Sự sống của con người không phải chỉ có cơm ăn – áo mặc – nhà ở – thuốc men, vật chất thừa mứa, với mớ lý tưởng ước mơ hảo huyền xa rời thực tế. Mà phải là một đời sống sinh động thực tiễn, cân bằng cả tinh thần lẫn vật chất, đáp ứng hoàn thiện nhu cầu nhân cách cho mình và toàn xã hội.
Con người hạnh phúc hay đau khổ, quyền lực hay dân ngu, khỏe mạnh hay bệnh tật đều là kết quả của Nhân – Duyên và Quả. Muốn có hoa thơm – quả ngọt, mỗi nhân thân phải tự biết chọn giống mà gieo, chứ không thể tự ru mình tin theo khẩu hiệu lý thuyết mị dân, hứa hẹn vu vơ – xa vời: “ban ơn – nhờ ơn – chuộc tội cho nhân loại”, hay hứa hẹn một nước trời hảo huyền – một thiên đường ảo tưởng xa vời nào đó.
Người ta thường nhẫm lẫn: “Nhân sinh là không hư”, không có ý nghĩa, không có giá trị, hoặc thiên về vật chất – duy sinh hữu hạn. Ngoài thỏa mãn ăn uống – trai gái… ra, thì việc gì cũng là vô nghĩa cả. Đó là kết quả của ngạo mạn – của nô lệ – của mù quáng – của cuồng tín tự sát. Cho mục đích của nhân sinh chỉ thỏa mãn về vật chất là đủ, phó thác tinh thần vào tìm tòi hưởng thụ, thỏa mãn cho dục vọng điên cuồng hèn hạ. Do đó mà mâu thuẩn cạnh tranh sinh tồn diễn ra gay gắt – khốc liệt, làm cho xã hội đảo điên – nhũng loạn – nhiễu nhương khốn cùng, kết quả của xã hội dẫn đến một thời kiếp bi đát.
Vạn pháp đều do “Duyên sinh”. Tất cả sự vật đều được sinh ra, điều tiên quyết là Nhân, hội đủ các Duyên tác động hiện hành kết quả. Nhân – Quả là cán cân. Nhân có năng lực mau hay chậm, Duyên có mạnh hay yếu, dẫn đến cái thành Quả theo thời gian tính mà hiện báo. Có khi kết quả hiện tại “Đương sinh thành thực”, có khi kết quả qua đời sau “Tái sinh thành thực”, có khi hậu quả phải trải qua nhiều đời mới thành “Đa sinh thành thực”.
Muốn có một xã hội toàn thiện, mỗi nhân cách đạo đức phải nhận thức thẩm thấu “Nhân sinh là vô thỉ – thế giới là vô chung”.
Dòng sinh mệnh “Quá khứ là Nhân, thời gian là Duyên, hiện tại là Quả” và mọi hành vi hiện tại là phát sinh cái kết quả tương lai: Có – không – còn – mất – sống – chết – mạnh – yếu – được – thua – sướng – khổ – vui – buồn – khôn – dại – thành – bại – giàu – nghèo – no – đói v.v… Nhân Quả trùng trùng không dứt.
V. Kết luận
Đức Phật ra đời vì một nhân duyên lớn: “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến”, giác ngộ được thực tướng “Pháp giới tính”, thấu rõ được sự chuyển động của hiện tượng vạn pháp, đó là tính “Trùng trùng Duyên khởi” có ảnh hưởng dây chuyền. Mỗi sự mọi vật tác động lên nhau “Một là tất cả – tất cả là một”. “Một con cá vẫy đuôi ở Biển Đông, tuy rung động rất nhỏ, nhưng dòng cảm từ xung động khắp bốn bể”.
Nhân quả khác với định mệnh. Định mệnh thì việc gì cũng đã được xắp xếp định sẵn, còn Nhân Quả thì có mối tương quan tương duyên tác động lên nhau – ảnh hưởng lẫn nhau, nên quả báo hiện tại có thể thay đổi từng giờ từng phút.
Dòng sinh mệnh được chuyển đổi lên tục, chính cái Nhân quá khứ đã tạo nhên cái Quả hiện tại, chính cái Nhân hiện tại sẽ tạo nên cái Quả vị lai.
“Dục tri tiền thế Nhân
“Kim sinh thọ giả thị
“Dục tri lai thế Quả
“Kim sinh tác giả thị
‘Muốn biết Nhân đời trước
‘Hãy xem Quả đời này
‘Muốn biết Quả đời sau
‘Xem Nhân làm hiện tại’.
Sở dĩ nhân sinh hiện tại đau khổ, bởi vì quá khứ đã gieo Nhân không lành. Hôm nay không tích cực hành thiện, thì tương lai Quả đắng chắc chắn phải đeo mang.
“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
“Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”
Việc lành – việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi.
Nhận thức được giá trị vô biên của luật Nhân Quả, khởi niệm làm một việc gì, thì cái việc làm đó phải được cân nhắc – chắc lọc thật kỹ để mang đến lợi lạc thiết thực cho bản thân và toàn nhân quần xã hội, tránh đi những nuối tiếc mai sau.
“Người có trí tuệ sợ Nhân
“Người ngu si sơ Quả hơn sợ Nhân”. – Lời Phật dạy –