NHỮNG CON SÓI LẠC LÕNG GIỮA ĐÀN SƯ TỬ TRẦM HÙNG

NHỮNG CON SÓI LẠC LÕNG GIỮA ĐÀN SƯ TỬ TRẦM HÙNG

– Anh nhận thấy như thế nào qua một Đại Lễ Hiệp Kỵ Gia Đình Phật Tử Việt Nam ?

– Dạ ! Anh hơi chựng lại, không ngờ rằng, mới vừa giáp mặt, mà tôi đã đặt thẳng câu hỏi như vậy.

Đúng thế, người Huynh trưởng phật tử là vậy. Rất tự nhiên, rất tĩnh tại. Muốn nói là nói, muốn làm là làm. Đến lúc cần im thì im, cần nín là nín, trong thinh lặng hùng tráng, với định lực vô úy tuyệt vời. Đi – đứng – nằm – ngồi – nói – làm tự tại, thong dong như mây trời nhẹ trôi, không ràng buộc dính mắc vào đâu cả.

Từ sáng sớm, tôi đã thấy anh có mặt. Anh len lỏi – luồn lách vào khắp các khu vực quanh chùa, nơi đông người tụ tập, mặc dù đâu đâu cũng ắp đầy Áo Lam. Anh dáo dác, dõi mắt như tìm kím – lùng sục – lục lọi – đào xới, chìa mũi đánh hơi, có lẽ cả những nơi không sạch sẽ lắm. Thỉnh thoảng anh ra một góc sân, móc điện thoại di động gọi đi đâu đó. Chốc lát các anh, người từ góc này, kẻ ở góc khác, chụm lại thì thầm – trao đổi với nhau một việc bí mật gì đó. Nhìn cử chỉ láo liêng – trân tráo ấy, không ai mà không biết anh là ai. Anh là một kẻ khác hệ, ngoại đạo chính hiệu.

Tại sao các anh lại cố tình tạo nên cái không khí ngột ngạt – bức bối đến vậy ? Ban đêm chúng tôi phải di tản mỏng, đi tìm chỗ ngủ. Khi mà con sư tử tránh đường, không phải con sư tử hãi sợ, mà vì cái mùi khó ngưởi của con sói, cho nên sư tử phải tìm con đường khác thanh sạch hơn. Tại sao các anh lại ngờ nghệch – phập phòng lo sợ cái gì vậy ?

“Có phải như một du sĩ sợ hãi khi nhìn thấy dáng nằm như sư tử của sa môn Gotama. Ông ta cho Phật là một kẻ tàn hại thế gian, bởi vì đức Phật đã thẳng thắn chỉ rỏ bản chất dục vọng điên cuồng, thế nào là vị ngọt nguy hiểm của dục vọng, và chỉ rỏ con đường thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng”.

Hay các anh “hãi sợ cái quá thanh sạch đáng nêu gương của vị công thần Nguyễn Trãi. Sau khi lôi kéo – dụ dỗ – mua chuộc không được, bọn tham quan độc tài lên án tru di cữu tộc người hiền thần”.

Sắp đến giờ làm lễ, theo lệnh của ban tổ chức. Chỉ với tiếng hô dõng dạc của anh tổng thư ký, chúng tôi hàng ngũ ngay ngắn thẳng tắp, anh cũng xen kẽ đứng vào hàng. Khi chúng tôi ai nấy đều chấp tay nghiêm trang để cung đón chư tôn đức đăng lâm đàn tràng. Còn anh thì lẻ loi, cặp mắt láo liêng, nhìn ngang ngó dọc, ngổ ngáo không chịu chấp tay.

Tôi thầm nghĩ, không hiểu tại sao lại có cái loại đá cứng nhắt – lơ láo, vẫn cứ ngờ nghệch lăn vào nơi chốn toàn thiện một cách trơ tráo, tạo nên một chấm phá đen đúa, làm giảm đi nét đẹp của một bức tranh toàn mỹ, làm cho người thưởng thức cảm thấy bức bối – xốn xang. Tôi nhắc nhở:

– Xin lỗi. Đúng ra với sắc phục không hoà hợp này, anh nên đứng riêng ra một nơi nào khác mới phải. Nhưng anh đã vào hàng rồi, thì hãy thực hiện như chúng tôi. Tôi yêu cầu anh hãy chấp tay đàng hoàng.

Anh sửng sốt nhìn tôi. Nhưng rồi cũng vội vàng chấp tay. Tôi thấy trên tay anh cầm bốn cuốn bậc học ngành đồng, có lẽ anh mới thỉnh được tại phòng phát hành. Tôi nói:

– Anh cứ từ từ mà xem, để hiểu thêm đường lối giáo dục của Gia Đình Phật Tử Việt Nam . Nhưng đây chỉ mới là tài liệu dành cho các em nhi đồng.

– Như vậy là còn rất nhiều tài liệu khác nữa? Anh hỏi lại.

– Phải ! Tôi nói. Nếu anh có thời gian theo học, thì suốt cả cuộc đời của anh cũng chưa hết được.

Anh nhìn tôi ngỡ ngàng. Tôi hứa sẽ tặng anh một tập Sen Trắng hiện có.

Tôi nhìn thấy ở anh cũng có nguồn gốc đạo Phật, ít ra ông bà – cha mẹ của anh, không phải là người ngoại đạo. Bởi vì đạo Phật là đạo của dân tộc, đã song hành và chịu sự thịnh suy với đất nước này gần hai mươi thế kỷ. Thế mà trên nét mặt của anh, sao lại không ánh hiện một bản sắc dân tộc? Cái gì đã bào mòn anh phẳng lì đến vậy. Cùng đồng loại với nhau, cùng giồng giống rồng tiên, mà sao nhìn nhau một cách xa lạ. Cùng một ngôn ngữ, thế mà ngữ điệu ở anh, sao mà ngất ngứ khô khốc, thiếu cảm thông đến một cách đáng tội nghiệp.

Dân tộc Việt Nam đã được tưới tẩm – thấm đẩm năng lượng từ bi, tình cảm chan hoà, lúc nào cũng rộng mở vòng tay, dễ dàng hỷ xả, nhiều thiện cảm, gần gũi cảm thông nhau hơn. Anh đã thấy rồi đó, quanh anh, ai nấy đều trang trọng thánh thiện, quí mến nhau chân thành, trao đổi với nhau hoà nhã thân thương. Còn với anh thì sao? Anh đến đây với cái tâm tham – sân – si, thì giải quyết được gì ? Hay với cái vẻ mặt phẳng lì ấy, cử chỉ ngổ ngáo lố bịch ấy, có lẽ chỉ để mở cửa địa ngục mà thôi.

Dân tộc Việt Nam có thể rất dễ dãi, mở cửa tiếp nhận nhiều nguồn văn hoá tốt đẹp, góp phần làm phong phú hoá đời sống dân sinh. Nhưng không thể dễ dàng tiếp nhận những ý thức vong bản – lai căn, làm xa rời phong hoá đạo đức truyền thống tổ tiên xưa. Hãy quay về với tính cách Đại Việt, có nền văn hoá bốn nghìn năm tự chủ tự cường. Học lấy cha ông, đã từng ứng dụng giáo lý Phật đà, làm cho đất nước này bao đời thịnh trị vàng son. Đừng nên làm một người lữ hành xa lạ, lạc lõng trên chính quê hương mình, hãy rút tỉa tinh hoa từ cha ông, qua quá trình dựng nước và cứu quốc. Đất nước này đã tang thương nhiều lắm rồi, không thể trơ lì, đặt hoài trên bàn mổ, phó mặc cho các cuộc thử nghiệm. Không thể cứ mãi lửng khửng độc hành lạc lối, để rồi cứ mãi sửa sai làm lại, tạo thêm nỗi nhứt nhối đau đời.

Tại sao không mạnh dạn tìm hiểu, hoà ái – cởi mở hơn, để hoà hợp trong thế giới giả hợp. Tại sao cứ mãi ngây ngô – cuồng tín – trơ lì. Nỡ đành đang tâm, đào thêm hố ngăn cách, để rồi tự chôn thân vào chốn vô minh, ê chề dục vọng. Biết đến bao giờ mới được giải thoát, đem lại yên bình cho toàn xã hội ./-