PHẬT DI LẶC VÀ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
PHẬT DI LẶC VÀ
BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Chùa Huyền Long, một con rồng đen, đang tìm phục biết bao tiềm năng. Chùa yên ắn hiền hòa bên một đồi cát còn nguyên sơ phủ đầy cây xanh rậm mát, đứng sừng sửng bên bờ biển bát ngát lộng gió mênh mang. Chùa còn rất nghèo, chưa được phát triển gì nhiều, người Phật tử ở đây nghèo nàn mộc mạc, nhưng tấm lòng rất thuần thành, niềm tin Phật pháp sâu sắc, đã nỗ lực quyên góp tôn tạo nên ngôi tín ngưỡng uy nghiêm, làm nơi chốn đi về tu niệm sau những ngày dài vật lộn mưu sinh với sóng gió biển cả mênh mông
“Ngan ngát hương lam quanh cổng chùa
“Quán Âm thị hiện dáng hiền hòa
“Nụ cười Di Lặc luôn tươi thắm
“Rủ sạch trần ai muộn phiền xa…”
Nói đến đức Phật Di Lặc, chúng ta ai ai cũng đều nghĩ đến hình ảnh một vị Phật, có cái bụng phệ, miệng lúc nào cũng tươi cười xuề xòa muôn thuở
Nụ cười của Đức Phật Di Lặc thật tươi, thật hồn nhiên, thật hiền hòa từ ái. Biểu hiện một tấm lòng rộng rãi bao la, buông xả – thanh thản – an nhiên tự tại, vượt ngoài không gian và thời gian vô tận
Đức Phật Di Lặc tượng trưng cho an lạc muôn đời. Với suy nghĩ đó, những ai thẩm thấu tinh thần Phật giáo, đều ước mong cho mọi người có được một cuộc sống tự tại, an vui, hạnh phúc thật sự, cư xử với nhau một cách chân tình. Dù có đang sống trong phiền trược, tục lụy dẫy đầy đau khổ, nhưng vẫn với nụ cười cởi mở, hỷ xả để vững vàng vượt qua gian nan thử thách
Nụ cười an lạc tràn đầy hạnh phúc thật sự, chỉ có ở những ai có tấm lòng từ bi, hỷ xả, luôn luôn cởi mở vị tha, không phân biệt nhân ngã – bỉ thử. Không còn ranh giới giữa mình với người, giữa mình với hoàn cảnh bên ngoài. Ai có đời sống buông xả vị tha, là người đó mở rộng cánh cửa hạnh phúc cho mình và cho tha nhân tất cả
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật đã dạy, phải có đời sống “Bất tùy phân biệt.” Có nghĩa là, không có một cuộc sống hẹp lượng vị kỷ, phân biệt chấp trước, buông thả theo vọng cảnh, sanh khởi bỉ thử, tam độc tham – sân – si tác động, tạo thêm sóng gió, nhận chìm sinh linh trong ba đào phiền não khổ lụy, lăn quay mãi miết trong dòng thác lũ nhân quả – sanh tử luân hồi
Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo từ bi cứu khổ. Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất, thiết tưởng không ai khác hơn là đức Bồ tát Quán Thế Âm, hay còn gọi là mẹ hiền Quán Âm. Vị bồ tát có đầy đủ phẩm hạnh của một người mẹ trong tất cả những người mẹ thân thương nhất. Trong mỗi trái tim của người công dân Việt Nam, không ai là không có hình ảnh đáng tôn kính cuả vị bồ tát giàu lòng bi mẫn này
Hình ảnh đức Quán Thế Âm thị hiện thân tướng nữ nhân, tay cầm tịnh bình và cành dương liễu, còn được gọi là Phật Bà Quán Âm Nam Hải, là hình ảnh rất gần gủi với dân tộc Việt Nam, luôn luôn in đậm nét văn hóa đẹp đẽ thù thắng không bao giờ phai lãng trong tâm trí mọi người
Bồ tát Quán Thế Âm luôn luôn gần gũi với chúng ta. Là hình ảnh tiêu biểu cho đức tính đại từ đại bi. Ngài là vị cứu tinh, luôn luôn cứu giúp chúng sinh đau khổ và lâm nạn, không phân biệt nam nữ, tín ngưỡng, quốc gia, dân tộc
Tình thương mà ngài ban rãi cho muôn loài, là một tình thương không vụ lợi, vô tư, bình đẳng, giống như ngàn hoa cùng đua nở để tô điểm cho cuộc đời thêm tươi đẹp
Trong thế giới điên đảo, cuồng loạn hôm nay, mọi người đang tranh giành ảnh hưởng quyền lực, cấu xé lẫn nhau vì miếng cơm manh áo, vì sắc tướng hảo huyền, vì danh vọng vinh hoa phú quí vô tưởng, tạo nên hậu quả khổ đau cho chính mình và cho tha nhân
Để giúp cho mọi người vượt qua khổ ách, chúng ta phải phát huy tình thương, bằng cách thực hành hạnh nguyện Quán Thế Âm, luôn luôn thị hiện – nghìn mắt nghìn tay – ban phát yêu thương, ban vui đến với nhân loại. Trong thế giới nhị nguyên dẫy đầy khổ đau, mâu thuẩn đối kháng giữa hai thế lực, một chạy đua theo vật chất của đau khổ phá hoại và một của tinh thần ắp đầy tình thương xây dựng. Thì Quán Thế Âm, là pháp môn tu tập kỳ vĩ của thời đại
Thể theo nguyện vọng và niềm tin tưởng thiêng liêng của toàn thể đồng bào Phật tử địa phương. Được sự hỷ cúng của các nhà thí chủ tín tâm, đến nay công trình xây dựng Tôn tượng Đức Phật Di Lặc và Quán Âm Các đã hoàn thành mỹ mãn. Hôm nay, Lễ An Vị và Lạc Thành được diễn ra dưới khung trời Huyền Long Tự. Nhằm mục đích, tạo thêm phúc duyên, làm nơi tín ngững cho đồng bào đến làm lễ cầu nguyện khi gặp hữu sự. Hoặc theo truyền thống, vào các đêm 14 và 30 âm lịch mỗi tháng, toàn thể nhân dân từ già trẻ, lớn bé, trai gái, tập trung đông đảo về chùa Huyền Long, thắp hương làm lễ cầu nguyện cho bản thân và gia đình, xóm làng, sớm được tai qua nạn khỏi, tật bệnh tai ách tiêu trừ, trời yên biển lặng, an cư lạc nghiệp, đời sống ấm no hạnh phúc./-
1502553 – 01122009