Phóng Viên báo Tuổi Trẻ Phật Việt phỏng vấn Huynh Trưởng GĐPTVN
Phóng Viên báo Tuổi Trẻ Phật Việt
phỏng vấn Huynh Trưởng GĐPTVN
1. Thưa Huynh trưởng ! Anh nghĩ thế nào về một Huynh trưởng, Huynh trưởng đối với các em Đoàn sinh ?
– Huynh trưởng là một Phật tử có ý thức nhân bản – tự chủ, biết hướng thiện cuộc sống – biết thăng tiến bản thân. Thực tập tu học đạt đến cứu cánh tuệ giác – giải thoát, không mụ mẫm trước những kiến giải mê hoặc.
– Huynh trưởng là người làm công tác giáo dục, với đầy đủ thân – khẩu – ý giáo, là tấm gương sáng, là kỷ sư tâm hồn, hướng thiện thế hệ đàn em, góp phần phụng sự chánh pháp – làm thanh sạch cuộc đời.
2. Chương trình sinh hoạt của GĐPT hằng tuần ?
– Ngoài những hóa thành – phương tiện vui chơi – văn nghệ – hoạt động thanh niên – hoạt động xã hội để thu hút tuổi trẻ, GĐPT chú trọng vào việc ứng dụng giáo lý Phật Đà để hướng thiện cuộc sống các em.
– Tùy theo lứa tuổi, tùy theo Bậc Học, các em được hướng dẫn thực tập tu học theo các bậc học từ thấp đến nâng cao.
3. Ý nghĩa của các ngày: Ngày Hiếu, ngày Hạnh – ngày Dũng ?
– Ngày Hiếu truyền thống: Được long trọng tổ chức trong thời gian ngày 10 đến 13 tháng 7 âm lịch, dành cho các em trong lứa tuổi Ngành Đồng, thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với công đức sinh thành – đối với Tam Bảo trọng ân.
– Ngày Hạnh truyền thống: Chọn ngày vía Đức Quán Thế Âm, dành cho Ngành Nữ ôn lại công hạnh – quá trình thực tập tu học thăng tiến bản thân. Phát nguyện vị tha, thị hiện vào đời vì tha nhân mà phụng sự.
– Ngày Dũng truyền thống: Chọn ngày vía Phật Xuất gia, dành cho Ngành Nam ôn lại công hạnh dấn thân – quá trình thực tập tu học thăng tiến bản thân. Phát nguyện nhập thế vì tha nhân mà phụng sự.
4. Lợi ích của GĐPT đối với các em – gia đình – cộng đồng – xã hội ?
– Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục đạo đức tâm linh. Ứng dụng giáo lý Phật Đà để hướng thiện cuộc sống – phát triển nhân thân, Phật pháp là một pháp môn thực tập, một phương cách sống hướng thượng. Thấm đẫm Phật pháp con người được gội rửa thanh sạch – làm mới cuộc đời, trở thành một con người hữu ích toàn diện, góp phần thiết thực thiện hóa gia đình – cộng đồng – xã hội.
5. Vì sao Ngành Nam GĐPT lại có trang phục quần soọt thay vì quần dài, như thế có giảm đi phần nào sự trang nghiêm, nhất là khi hành lễ trước chánh điện ?
– Kể từ thập niên 40, GĐPT đã chọn áo sơ mi màu lam – quần sọt màu xanh – nón tứ ân đối với Ngành Nam, chiếc áo dài màu lam – nón lá đối với Ngành Nữ làm đồng phục. Hình ảnh bộ đồng phục đã trở thành nét văn hóa đặc thù của GĐPTVN – của dân tộc Việt Nam, đã nói lên sức sống hiền hòa vững chãi của GĐPT. Trước năm 1975, bộ đồng phục được nhìn nhận như một thực thể tất yếu, (được Giáo hội và các tổ chức Phật giáo thừa nhận). Sau 1975, mà cụ thể là kể từ 1990, dưới cái nhìn của những sơ tâm, chưa hiểu biết nhiều về lịch sử GĐPTVN, dẫn đến có những suy nghĩ – những lí giải lạc hướng.
– Đến với Đức Phật không như đến với một Thần linh vong thân. Đến với Phật, là đến với cái tâm chân chánh, để thực tập – tu học ở đây những phương cách sống tối thiện. Chưa có một người Phật tử chân chánh nào, khoác lên mình bộ đồng phục trân quí, mà đi lệch hướng đạo pháp và dân tộc ./-