Sư Tử Hống (2)
Sư Tử Hống (2)
Tại buổi họp mặt Ban Hướng Dẫn và Huynh trưởng – Đoàn sinh GĐPT tỉnh Bình Thuận.
Trước giờ nhận quà cứu trợ, Thượng tọa Thích Chơn Thức, Trưởng ban An sinh Hội đồng Giáo Giới GĐPTVN, đã đặt câu hỏi:
- Các anh – chị có biết Đạo Phật đã dùng biểu tượng gì để nói lên tinh thần vô úy ?
Trong hội trường đông đảo, có anh – chị nào đó đã thốt lên:
- Con Sư Tử !
- Đúng rồi, con Sư Tử !
Thuở xưa, Sư Tử dũng mãnh thường được chọn để bảo vệ chốn linh thiêng như đền – chùa – cung điện.
Sư tử là linh vật tượng trưng cho sự dẻo dai – bền bỉ – tỉnh táo – dũng cảm – kiên cường, nâng cao vị thế của người đứng đầu, có khả năng đối mặt với nghịch cảnh – khó khăn, hóa giải những chướng duyên xấu ác, đem lại thành công – hạnh phúc – may mắn.
Trong Phật giáo, Sư Tử Tuyết làm nhiệm vụ bảo vệ Chánh Pháp, được mô tả ở tư thế đang nâng pháp tòa của Đức Phật.
- Con Sư Tử, nói chính xác hơn là: Sư Tử Hống !
Sư Tử Hống, là tiếng gầm của loài Sư Tử, vua của muôn thú. Đức Phật đã dùng ảnh dụ này, để chỉ cho âm thanh thuyết pháp, như tiếng gầm rống của Sư Tử Chúa, không những không sợ hãi bất cứ loài thú nào, mà còn làm cho muôn thú phải khiếp sợ, bị nhiếp phục hoàn toàn.
Không phải chỉ có Đức Phật hoặc Chư Tăng mới có đủ uy lực nói lên tiếng nói Sư Tử Hống. Người Huynh trưởng GĐPT, đứng trước chướng duyên, cũng phải hống lên tiếng rống Sư Tử, tuyên bố dứt khoát, chỉ có ở đây mới là chánh đạo, mới có chân lý tối thượng.
Sư Tử Hống có ba nghĩa: Như thuyết tu hành. Vô úy thuyết. Quyết định thuyết.
- Như thuyết tu hành: Lời nói phù hợp với sự thực tập – tu học, không nói suông – hý luận dài dòng, thiếu thực tế.
- Vô úy thuyết: Không sợ hãi, biện tài vô ngại, xiển dương diệu pháp, lời nói kiên quyết – xác tín. Vô úy có hai nghĩa: Không sợ người, trái lại nhiếp phục được người.
- Quyết định thuyết: Căn cứ vào chân lý nói lên sự thật, có khả năng xiển dương chánh pháp, dẹp tà – hiển chánh, chuyển hóa tha nhân.
Sư Tử Hống được gọi là Quyết định thuyết, nói lên yếu nghĩa:
“Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Như Lai thường trụ, không biến đổi” – Kinh Đại Bát Niết Bàn –
Sáng sớm Sư Tử Chúa ra khỏi hang, vươn vai nhìn bao quát khắp bốn phương, hùng lực cất tiếng rống lớn:
- Phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà dối làm sư tử.
- Chứng tỏ uy lực dũng mãnh
- Khiến chỗ ở thanh tịnh
- Muốn bầy sư tử con biết hướng đến
- Muốn bầy đàn sư tử không sanh tâm kinh sợ
- Làm cho kẻ mê ngủ được thức tỉnh
- Làm cho tất cả muôn thú đang phóng dật được tinh tấn siêng năng
- Những thú khác đến chầu hầu
- Điều phục đại hương tượng
- Dạy bảo con cái
- Trang nghiêm quyến thuộc
Người Huynh trưởng không phải như con rùa, chỉ biết co đầu rút cổ trong vỏ ốc xơ cứng – vô hồn, tránh né – đùn đẩy trách nhiệm, ẩn núp – dựa dẫm quyền lực.
“Phú quý bất năng dâm,
“Bần tiện bất năng di,
“Uy vũ bất năng khuất”
– Mạnh Tử – chương Đằng Văn Công Hạ –
Là đại trượng phu, không hợm mình – mê hoặc bởi giàu sang, lắm tiền – nhiều bạc, thế lực lớn, quyền uy to. Luôn luôn giữ gìn phép tắc, tuân thủ pháp luật, kiểm soát hành vi. Không dâm ô dục lạc, không tham muốn bất chính, no ăn ỡm cật. Phú quý bất năng dâm.
Dẫu đời sống có nghèo hèn, cũng không đánh mất lương tri – chí khí – nhân cách, giữ gìn khí tiết – phẩm giá sạch trong. Bần tiện bất năng di.
`Đại trượng phu, dù đứng trước thế lực uy vũ – cường quyền, cũng không cúi đầu khuất phục. Uy vũ bất năng khuất.
Với ý chí của bậc trượng phu xuất thế, lội ngược dòng đời, thì hướng đi phải lên trên trượng phu thế tục.
Người Huynh trưởng Phật Tử tri thức, phải có tư duy phê phán, không có khái niệm giai cấp – quyền uy, Không mềm yếu, gục xuống, đầu hàng, rẽ ngoặc, ảo tưởng ngây thơ, bẻ cong chân lý. Ý thức tự chủ – bất khuất. Đầu đội trời – chân đạp đất, giữ gìn chí hướng – tiết tháo, đởm lượt tài ba – đủ năng lực gánh vác sứ mệnh – lý tưởng cao cả, chịu trách nhiệm về tương lai của tổ chức. Có hào khí xung thiên bát ngát – rạng rỡ đến bất tận !