TỪ BI VÀ BẠO LỰC
TỪ BI VÀ BẠO LỰC
Trong thành Xá Vệ (xứ Kosala), có một kẻ sát nhân nguy hiểm Angulimala !
Angulimala có nghĩa là xâu chuỗi, còn gọi là Ahimsaka (Kẻ vô tội).
Angulimala đã giết rất nhiều người. Mỗi lần giết người, anh ta cắt một ngón tay, xỏ xâu thành chuổi đeo vào cổ. Anh ta đã có chín mươi chín ngón tay, phải giết thêm một người nữa cho đủ một trăm, để nạp cho tà giáo.
Khi nghe tin Angulimala xuất hiện trong thành phố, mọi người đều kinh sợ. Dân chúng xem Angulimala như ác quỉ, không có nhân tính. Tất cả mọi người ai cũng đồng lòng, gặp Angulimala là phải tiêu diệt. Vua Ba Tư Nặc nghĩ rằng, phải huy động cả đội an ninh cơ động, may ra mới có thể bắt được Angulimala.
Một buổi sáng, đức Thế Tôn vào thành, tay bưng bình bát khất thực, đi từng bước thảnh thơi. Có tiếng chân chạy phía sau. Ngài biết rằng Angulimala đang đuổi theo.
Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Tất cả chúng sinh giai hữu Phật tính”, trong Angulimala còn có tính Phật. Mỗi người đều sẵn có chủng tử thiện, nhưng chưa có khả năng khơi dậy, làm sống lại hạt giống bồ đề. Ngài có niềm tin sâu sắc nơi tình thương và trí tuệ, mỗi người đếu có đủ nội lực vượt qua gian khó nguy nan, trở thành một con người tốt – toàn thiện.
Angulimala lớn tiếng gọi: Sa môn, dừng lại !
Thế Tôn vẫn bình thản bước đều, phong thái an nhiên tự tại.
Angulimala lớn tiếng hơn: Đứng lại! Sa môn, đứng lại !
Đức Thế Tôn thản nhiên – vô úy đi tới, Angulimala chạy mau hơn, và la lên: Tôi bảo Sa môn dừng lại, tại sao ông không dừng ?
Thế Tôn vẫn đều bước, với giọng điềm đạm: Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa kịp dừng lại !
Chưa bao giờ được nghe một câu nói kỳ lạ như vậy, như tiếng sư tử hống, Angulimala choáng váng: Sa môn nói sao? Ông đang đi, tại sao nói là đã dừng lại ?
Đức Thế Tôn từ tốn: Này Angulimala, trên con đường tạo tác các ác nghiệp, thì ta đã dừng lại từ lâu rồi. Còn anh, anh vẫn còn đang trên con đường tạo nghiệp, anh nên dừng lại !
Đức Thế Tôn đứng lại. Angulimala cũng đứng lại. Đức Thế Tôn nhìn thẳng vào Angulimala, từ ái dịu dàng: Anh biết không, ở đời ai cũng “Tham sinh úy tử”, ai cũng muốn sống – sợ chết, sợ đau khổ. Người có tri thức, phải biết thương người !
Này Angulimala, anh đã có quá nhiều đau khổ. Cuộc đời đã bạc đãi ruồng bỏ anh, không tử tế với anh, đã làm cho anh đau khổ. Anh hận thù cuộc đời ! Nhưng anh nên biết: hận thù chỉ làm cho con người thêm khổ đau, chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù, mới đem lại hạnh phúc cho mọi người. Tình thương là những cái có thật, khi có tình thương, người ta không còn đau khổ nữa.
Hận thù là một khối lửa lớn, luôn luôn đốt cháy – thiêu ruội – hủy diệt con người và cả thế gian. Anh nên quay đầu lại, khước từ bạo lực, trở về với con đường cảm thông và yêu thương.
Những lời nói của Thế Tôn tràn trề từ bi, phát xuất từ trái tim nhân ái bao la
Angulimala biết rằng, đã đến lúc phải dừng lại, anh vứt gươm xuống đất. Nghiệp thiện tác động lên lý trí, anh giác ngộ được chân đế, Đức Phật Thích Ca đã trãi lòng vị tha, từ bi thương xót, đưa anh rời khỏi ngưỡng cửa vô minh tội lỗi. Anh quì xuống, xin Đức Phật cho được xuất gia. Đức Phật chỉ nói một câu đơn giản:
“Ehi! Bikkhu” (Hãy đến! Tỳ kheo).
Đây là một cuộc so tài ý thức ngoạn mục, với trí tuệ và từ bi rộng lớn, Đức Phật đã chuyển hóa bạo lực hận thù thành từ bi và trí tuệ. Chỉ có từ bi và trí tuệ mới hóa giải được bạo lực và hận thù. Xin hãy suy ngẫm – chiêm nghiệm những lời dạy vàng ngọc:
“Lấy oán báo oán
“Oán nghiệp chập chùng
“Lấy ơn báo oán
“Oán nghiệp tiêu tan
“Thắng lợi sinh thù oán
“Thất bại chịu khổ đau
“Không hơn thua thắng bại
“Sống an nhiên tự tại
“Người hơn thì thêm oán
“Kẻ thua ngủ chẳng yên
“Hơn thua đều xả bỏ
“Giấc ngủ được bình yên
“Hận thù diệt hận thù
“Đời đời không thể có
“Từ bi xóa hận thù
“Định luật đúng thiên thu”