LỤC HÒA LÀ GÌ ?
Kỷ niệm tại trại Chuyên Năng Phú Lâu Na, tại chùa Phổ Hiền Strasbourg, tổ chức bởi Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử VN tại Hải Ngoại từ ngày 15 đến 17.07.2023.
Cổng trại có 2 khung biểu tượng nhắc nhở những người con của Đức Phật , xuất gia và tại gia, luôn ghi nhớ và thực hành trong cuộc sống hằng ngày, đó là LỤC HÒA và LỤC ĐỘ
KHUNG CỔNG LỤC HÒA
LỤC HÒA LÀ GÌ ?
* Lục là 6,
* Hòa là hòa thuận, vui vẻ với nhau trong mọi công việc của cuộc sống.
Lục hòa là sáu phương pháp thể hiện nhân cách sống một con người có đạo đức, đem lại sự hòa thuận, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ và chia sẻ cho nhau, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm trong cuộc sống hằng ngày
6 pháp Lục Hòa là :
1) THÂN HÒA
2) KHẨU HÒA
3) Ý HÒA
4) GIỚI HÒA
5) KIẾN HÒA
6) LỢI HÒA
Hòa ở đây với mục đích cao đẹp, lợi ích cho mình và người khác, chứ không phải thụ động nhu nhược, không phải ai nói sai cũng ừ… không phải ai làm sai cũng gật… cũng không phải dùng thủ đoạn để âm thầm giành phần hơn về mình.
Trong sự sống chung và cùng làm việc, mỗi người hiểu biết được điều gì tốt đẹp, phải giải bày và hướng dẫn cho nhiều người khác hiểu để họ cùng bắt chước và thực hành theo những gì có ích lợi.
Khi ta khám phá hay phát minh được một điều gì mới lạ, hay có một ý kiến gì lợi ích cho nhiều người, nếu ta không hướng dẫn cho người khác biết, thì ta trở thành kẻ tham lam, ích kỷ.
Người Phật tử tu học trong thời hiện đại với tam tạng kinh điển và có sự giải thích của nhiều người, nếu chúng ta không có trí tuệ sẽ không phân biệt được đâu là chánh, đâu là tà, đâu là phương tiện thiện xão, đâu là cứu cánh.
Trong trường hợp này, nếu người hiểu đúng và biết đúng mà không giải bày quan điểm, ý kiến của mình cho mọi người biết đúng sai thì sẽ dẫn đến tình trạng gây chia rẽ và làm hại cho nhau.
Lục Hòa gồm những gì?
Lục hòa gồm có sáu điểm sau đây:
1. THÂN HÒA: Thân hòa cùng ở (Thân hòa đồng trú)
Nghĩa là cùng nhau ở dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, hôm sớm có nhau, cùng ăn cùng ngủ, cùng học cùng hành.
Khi đã sống chung đụng hằng ngày như thế, thì phải hòa thuận với nhau, không dùng sức mạnh, võ lực để lấn hiếp, đánh đạp nhau. Nếu là anh em, vợ chồng, con cái trong một gia đình, thì phải trên thuận dưới hòa, anh ra anh, em ra em, chồng ra chồng, vợ ra vợ, chứ không được lộn xộn vô trật tự, hiếp đáp, sát phạt nhau.
Nếu là những Phật tử, cùng ở với nhau học tập dưới một mái chùa, thì tuy là không phải ruột thịt, nhưng cũng là những người con chung của đức Phật, cùng một lý tưởng mục đích, thì cũng phải lấy cái hòa khí làm đầu, không được chia phe phái, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô, mạnh ai nấy được.
Nếu là đồng bào, cùng chung sống trong một quốc gia xã hội, thì phải lấy sự đoàn kết làm đầu, không được gây cảnh nồi da xáo thịt, chia năm xẻ bảy, làm thành giặc chòm, giặc xóm; sát phạt nhau, chém giết nhau. Người nước ta có câu ca dao rất có ý nghĩa:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Khác giống, mà sống chung trên một giàn, còn phải hòa thuận, thương yêu nhau; huống chi là cùng một dân tộc, một giống nòi !
Cũng thể, đã là nhân loại, cùng chung sống trên quả địa cầu nầy, thì dù là da trắng, da đen, da vàng hay da đỏ cũng là “Tứ hải giai huynh đệ” cả. Đã là giống người như nhau mà lại đem nhau ra chiến trường bắn giết nhau, tàn sát nhau, làm mồi cho súng đạn vô trí, thì thật là vô cùng phi lý.
2. KHẨU HÒA: Lời nói hòa hiệp, không tranh cãi nhau (khẩu hòa vô tránh)
Muốn thân không đánh đạp nhau, không đối chọi nhau, khi ở bên cạnh nhau, thì lời nói phải giữ gìn cho được ôn hòa nhã nhặn; trong mọi trường hợp, nhất thiết không được rầy rà, cãi cọ nhau.
Có người thân hòa mà khẩu không hòa, ăn thua nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai, châm thọc nhau, hạch hỏi nhau từng tiếng một, cuối cùng sanh ra ấu đả nhau.
Trong một gia đình, cũng vì một lời nói không hòa, mà nhiều khi anh em xa lìa nhau, vợ chồng ly tán nhau, cha con không thấy mặt nhau, trở thành những kẻ xa lạ, thù hằn nhau.
Trong xã hội, cũng vì một lời nói không hòa, mà nhiều khi quốc gia phải lâm nạn chiến tranh, nhân loại phải bị đẩy vào lò sát sanh thảm khốc.
Bởi thế, nên thân thể hòa chưa phải là đủ, mà Phật dạy phải hòa cả miệng nữa. Nghĩa là người Phật tử phải nói lời dịu dàng, hòa nhã với nhau, nhất thiết không được cãi lẫy, gây gổ nhau. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn cãi cho ra lẽ, thì tuyệt đối phải dùng lời nói ôn tồn, hòa nhã mà bàn luận. Không văng tục… không chửi thề… không nguyền rủa… không nói lời dơ bẩn… không nói lời xấu ác…
3. Ý HÒA: Ý hòa cùng vui (Ý hòa đồng duyệt)
Duy thức học có nói: Ý là hệ trọng hơn hết, nó là động cơ thúc đẩy miệng và thân. Kể công thì nó đứng đầu, mà kết tội, nó cũng đứng trước (công vi thủ, tội vi khôi). Bởi thế cho nên, trong một gia đình, một đoàn thể, mỗi người cần giữ gìn ý tứ, tâm địa của mình. Nếu ý tưởng hiền hòa, vui vẻ thì thân và lời nói dễ giữ được hòa khí. Trái lại nếu ý bất hòa, thường trái ngược nhau, ganh ghét nhau, thì thân và khẩu khó mà giữ cho được hòa hảo. Dù có cố gắng bao nhiêu, để thân và khẩu được hòa khí, hay vì sợ một uy quyền gì trên, mà phải ăn ở hòa thuận với nhau, thì sự hòa thận này cũng chẳng khác gì một lớp sơn đẹp đẽ, tô lên một tấm gỗ đã mục. Một khi sự xung đột bên trong đã đến một mức độ không thể chứa đựng được nữa, tất nó sẽ nổ tung ra trong lời nói hay trong những cái đấm đá; cũng như tấm gỗ khi đã mục quá rồi thì thế nào lớp sơn bên ngoài cũng rạn nứt, đổ bể.
Đức Phật đã thấu rõ như thế, nên Ngài dạy phải có tâm ý vui vẻ hòa hợp trong khi chung sống với nhau.
Muốn được tâm ý hòa hợp, phải tu hạnh Hỷ Xả. Hỷ xả nghĩa là bỏ ra ngoài những sự buồn phiền, hờn giận, không chấp chặt trong lòng những lỗi lầm của kẻ khác. Có như thế, tâm mới thư thái, vui vẻ được, và ý nghĩ mới trong sáng, thanh tịnh được.
Vậy Phật tử chúng ta hãy cố gắng tu hạnh Hỷ Xả.
4. GIỚI HÒA: Giới hòa cùng tu (Giới hòa đồng tu)
Trong một tổ chức, một đoàn thể nào có trật tự, tất đều có kỷ luật qui củ hẳn hoi.
Trong đạo Phật, mỗi Phật tử, tùy theo địa vị cấp bậc tu hành của mình, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Người tại gia thì thọ Ngũ Giới; người xuất gia thì thọ 10 giới nếu là Sa Di, Sa Di Ni; thọ 250 giới nếu là Tỳ Kheo, thọ 348 giới nếu là Tỳ Kheo Ni…
Khi Phật tử hội họp lại, hay khi cùng chung sống để tu học, mỗi ngày tùy theo cấp bậc của mình mà giữ giới. Đã cùng một cấp bực với nhau, thì tất phải thọ giới và giữ giới như nhau, chứ không được lộn xộn, giữ giới nầy, bỏ giới kia, giữ giới kia, bỏ giới nọ, mỗi người mỗi thứ. Nếu có sự vô kỷ luật nầy thì lẽ tất nhiên tổ chức ấy sẽ tan rã. Vì thế, đức Phật dạy: khi Phật tử đã chung sống với nhau, thì triệt để phải cùng nhau tu những giới luật như nhau, giữ đúng những giới luật của cấp bực mình.
Nói rộng ra, trong một trường học, một gia đình Phật tử, một hội, bao giờ cũng lấy kỷ luật làm đầu. Trong trường, nếu học sinh không giữ kỷ luật của trường, ai muốn ra cứ ra, ai muốn vào cứ vào, ai muốn học cứ học, ai muốn chơi cứ chơi, thì trường ấy ắt phải sập. Trong gia đình Phật tử, đoàn sinh mỗi người mỗi làm theo mỗi ý riêng mình, không tuân năm điều luật của gia đình, không làm theo huấn lệnh của Huynh trường, thì Phật tử ấy sẽ tan rã. trong một hội viên không tôn trọng điều lệ của hội, phân chia giai cấp, tự cho mình sang không cần giữ giới như người hèn, tự cho mình giàu, không giữ giới như người nghèo, tự cho mình có học thức không giữ giới như người vô học; nếu có tình trạng như thế tất hội ấy sẽ tan rã.
Nói tóm lại, trong một đoàn thể, đạo hay đời, nếu không cùng nhau gìn giữ giới điều, kỷ luật, quy tắc, thì chúng ta không bao giờ sống chung với nhau được. Vậy Phật tử, muốn hòa hợp cùng nhau để tu tập, thì mỗi người cần phải gìn giữ giới luật như nhau.
5. KIẾN HÒA (KIẾN LÀ THẤY): Thấy biết giải bày cho nhau hiểu (Kiến hòa đồng giải)
Trong sự sống chung, mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điểm gì, phải giải bày, chỉ bảo cho người khác hiểu. Như thế trình độ hiểu biết mới không chênh lệch, sự tu học mới tiến đều về tinh thần bình đẳng, mới dễ giữ vững giữa những người cùng ở một đoàn thể.
Khi ta khám phá ra được một điều gì mới lạ, hay có một ý kiến gì hay, nếu ta không giải bày cho người chung quanh, thì không những ta là một kẻ ích kỷ, mà còn tạo ra một sự tắc nghẽn giữa sự thông cảm với những người khác. Lòng ích kỷ và sự tắc nghẹn ấy là mối dây của sự chia rẽ, bất hòa, xung đột. Trước một vấn đề, mỗi người sẽ nghĩ, sẽ thấy mỗi cách, và do đó, sẽ gây nghi ngờ, hoang mang trong đoàn thể, vì phần đông không biết tin vào ai.
Nhất là trong kinh sách Phật, vừa nhiều, vừa cao siêu, vừa đủ loại, mỗi Phật tử có thể khám phá ra một khía cạnh khác nhau, tìm ra một ý nghĩa có thể đúng, mà cũng có thể sai. Trong những trường hợp ấy, mà không giải bày quan điểm, ý kiến của mình cho mọi người trong đoàn thể hiểu biết, thì khó mà có thể sống hòa hợp với nhau.
6. LỢI HÒA: Lợi hoà đồng quân (lợi hòa cùng chia):
Cùng sống chung với nhau dưới một môi trường, ta phải chia đều cho nhau về vật chất, của cải, đồ dùng theo thứ bậc lớn nhỏ, không được lạm dụng quyền hạn của mình để làm của riêng.
Trong khi sống chung, nếu có người đem cho vật thực, y phục, mền chiếu, thuốc thang v.v… thì phải đem ra chia đều cho nhau, không vì tình riêng, kẻ ít người nhiều, mà phải lấy sự công bằng làm trọng theo thứ tự lớn nhỏ.
Trong xã hội sở dĩ có sự bất bình đẳng với nhau dẫn đến đối kháng, phân chia giai cấp, cũng vì không biết lợi hòa đồng quân. Đây chính là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo tính hòa hợp của một tập thể, bởi vì khi thực hiện theo nguyên tắc này thì mọi người đều không còn phân biệt giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, đều xem rằng mọi giá trị vật chất có được đều là của chung, mọi người phải được chia đều một cách bình đẳng không phân biệt.
LỢI ÍCH CỦA SÁU PHÁP LỤC HÒA KÍNH
Kinh Pháp Cú viết:
“Vui thay hòa hợp tăng già
Lành thay bốn chúng vui mà đồng tu’’.
Những lời dạy chân chính của đức Phật có được phát triển và tồn tại bền vững lâu dài hay không, là do nơi bốn chúng vui vẻ đồng tu với nhau trên tinh thần hòa hợp bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Thế gian ai cũng biết thực hành Pháp Lục Hòa kính sẽ giúp cho chúng ta sống có nhân cách đạo đức, nên không bao giờ gây sự chia rẽ, đố kỵ, phân biệt để làm tổn hại cho nhau.
Giúp cho mọi sinh hoạt tập thể được phát triển theo tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thông cảm và biết chia xẻ cho nhau về mọi mặt từ vật chất lẫn tinh thần.
KHUNG CỔNG LỤC ĐỘ :
* Lục là 6
* Độ tiếng Phạn là Ba-La-Mật (Pãramitã) có nghĩa là vượt qua, từ mê mờ qua giác ngộ, từ đau khổ qua cảnh giới an vui, từ sanh tử qua Niết bàn. Cũng có nghĩa là Cứu Giúp .
Lục độ là pháp môn tu đặc thù, pháp môn cao nhất trong sự hành trì của đạo Phật, đòi hỏi hành giả phải an trú tâm vào cái không tính của chân như, cái trạng thái mà kinh Kim Cang đã dạy “ Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm ”. Khi tu theo pháp môn này hành giả không còn khái niệm phân biệt “ Nhân, ngã, bỉ, thử ” (người ta, tôi, cái này, cái kia) mà hòa đồng vào cái lý mầu nhiệm, giải thoát của đạo Phật, cái thể tính chân không của vạn hữu.
Lục độ là 6 hạnh có thể đưa hành giả và chúng sanh vượt qua mê mờ đau khổ thẳng tới cảnh giới an vui thanh tịnh.
Sáu hạnh là :
1) BỐ THÍ Ba La Mật,
2) TRÌ GIỚI Ba La Mật,
3) NHẪN NHỤC Ba La Mật,
4) TINH TẤN Ba La Mật,
5) THIỀN ĐỊNH Ba La Mật
6) TRÍ TUỆ Ba La Mật.
-
BỐ THÍ Ba La Mật:
Bố là cùng khắp; Thí là cho, trao tặng.
Bố thí là đem của tư riêng của mình đem cho cùng khắp tất cả mọi người không phân biệt giới hạn người hay vật, thân hay sơ. Thấy ai còn thiếu thốn vật gì, cần thiết. nếu mình sẵn có, đều bình đẵng giúp tất cả không luyến tiếc.
Bố thí Ba La Mật gồm có 3 phương thức sau đây :
Tài thí: Tức là đem tiền bạc, của cải, vật thực của mình ra cho. Tài thí cũng có 2 phương thức
Nội Tài và Ngoại tài:
1. Nội tài: Là những vật chí thân quý báu nhất của mình như thân mạng, có nghĩa là khi cần thiết vẫn xả thân mình để cứu giúp người khác không kể sự nguy hiểm đến thân mạng nếu có. Đây là phương pháp bố thí cao nhất mà chỉ có những người giàu lòng từ bi, mới làm được ( trong các câu chuyện tiền thân của Đức Thế tôn )
2. Ngoại tài: Là những vật thường dùng trong đời sống của mình như nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, tư trang, tiền bạc . . .
Pháp thí: Là đem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy của chư Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác, hoặc y theo giới luật của Phật để hành trì trong đời sống hằng ngày nhằm làm khuôn mẫu cho mọi người bắt chước bỏ ác làm thiện. Pháp thí là một phương thức bố thí có một giá trị lớn lao, nó có tác dụng huân tập về mặt tinh thần mang đến nhân lành không những cho kiếp này mà cả những kiếp sau, không kể nghèo khó hay giàu sang, lao động hay trí thức.
Vô úy thí: Trong cuộc sống, sự sợ hải trước bao nhiêu điều đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra là một tâm lý khổ đau nhất, chiếm hết quá phân nữa thời gian của kiếp người. Do đó khi thực hiện Vô úy thí là mang lại cho họ sự bình tĩnh tuyệt đối trước mọi sự kiện bằng chính hành động của bản thân, nhằm tạo cho họ một tâm an tịnh hầu xử dụng lý trí suy xét của từng sự kiện, phù hợp với tinh thần khế lý khế cơ của đức Phật. Để qua các giáo lý thích hợp đó tâm họ không còn xao động và bình tĩnh trước mọi sự đổi thay, gian nan nguy hiểm. Tóm lại tu hạnh vô úy thí khi hành giả đi đến đâu cũng đem đến một sự bình tĩnh, an vui cho mọi người và mọi vật.
Nói đến hạnh Bố thí Ba la mật cần phải nhận rõ 2 điểm sau đây:
Bố thí chấp tướng và Bố thí không chấp tướng
Bố thí chấp tướng: là bố thí với một dụng tâm không trong sạch ( cầu danh, cầu tài lợi, vì ganh đua, vì muốn làm nhục và khinh rẽ người, vì sự lừa lọc, bất công, thiên vị ). Đây chính là bố thí thuộc về hữu lậu kết quả rất mong manh như mây nổi giữa hư không gặp gió thổi thì tan biến.
Bố thí không chấp tướng: là bố thí Ba la mật với một dụng ý trong sạch, đúng với ý nghĩa của nó, bố thí với tâm từ bi bình đẳng, bố thí với tâm không thấy kẻ nhận và người cho, không tự cao, tự đại. Bố thí mong người nhận biết Tỉnh Ngộ… Mong người nhận biết làm nhiều Thiện Lành đối với mọi người và mọi súc vật để người được nhận nhận sớm tiêu Nghiệp Nghèo Khổ… tiêu Nghiệp Bệnh Tật… Í Bố thí với một tâm như vậy sẽ được phước trí vô lậu thanh tịnh, mới đúng nghĩa là Bố thí Ba la mật.
Bố thí thì phát sanh các công năng sau đây:
* Diệt lòng tham lam ích kỷ
* Đem lại ấm no
* Phát triễn chánh trí vì tu hạnh Pháp thí.
* Đem lại sự bình tĩnh vì tu hạnh Vô úy thí.
2. Trì giới Ba La Mật:
Trì giới Ba la mật là một hạnh tu để đi đến bờ giác ngộ bằng cách giữ gìn nghiêm chỉnh và trọn vẹn giới luật mà đức Phật đặt ra, tự thân thọ lãnh.
Giới luật :
Có thể chia ra làm 3
* Giới tại gia: là những giới dành cho những người cư sĩ từ Ngũ giới đến Thập thiện giới, Bồ Tát giới tại gia hoặc Bát quan trai giới.
* Giới xuất gia: là giới dành riêng cho hàng xuất gia gồm có 5 chúng:
* Sa di và Sa di ni giữ 10 giới
* Thức xoa ma ni phải giữ 6 điều giới và tập 296 hạnh giới.
* Tỳ kheo giữ 250 giới.
* Tỳ kheo ni giữ 348 giới.
– Giới Đạo và Tục thông hành: Là giới Bồ Tát mà Phật tử tại gia và xuất gia trong hàng Đại thừa phải thọ trì sau khi đã phát tâm Bồ đề tu Bồ Tát hạnh. Đây là những giới mà người tu hạnh trì giới Ba la mật phải giữ gìn cho đúng, còn gọi là Tam tu tình giới:
– Nhiếp luật nghi giới (Bất tác chư ác): Là 6 giới trọng và 28 giới khinh (của Bồ tát tại gia) để giữ gìn và ngăn ngừa những tội lỗi về thân, khẩu, ý.
– Nhiếp thiện pháp giới (Phụng hành chúng thiện): Là quyết tâm thực hành những việc thiện có lợi cho mình và cho người như 10 điều thiện và 4 nhiếp pháp.
– Nhiêu ích hữu tình giới (Hóa độ chúng sanh): Làm các điều lợi ích cho tất cả chúng sinh bằng cách quyết tâm tu hạnh từ, bi., hỷ, xả.
1. Công năng của hạnh Trì giới Ba La Mật :
Cũng như hạnh Bố thí cũng có 2 loại :
* Trì giới chấp tướng: Là trì giới với hình thức bên ngoài nhưng bên trong thì nhiễm ô (vì hiếu thắng, cầu danh, khinh khi người phạm giới, bị ép buộc, miễn cưỡng), thiếu thành tâm và tự đánh lừa mình.
* Trì giới không chấp tướng: Là thuận theo tự tánh, không nhiễm trước mà làm điều lợi ích cho tất cả chúng sanh, còn nhìn nhận trì giới là bổn phận luôn luôn nhiếp tâm cho thuần thục để đến khi không biết rằng mình có trì giới. Đây là tính chất trì giới Ba la mật: không chấp có sự tướng.
Ngoài ra tu hạnh trì giới có các công năng :
* Ba nghiệp thanh tịnh: Không sanh các tà niệm
* Các thiện công đức phát sanh.
* Nêu cao giá trị: Không phạm các điều xấu xa, thô bỉ.
* Người và vật kính yêu: Không làm thương tổn đến mọi người, mọi vật.
3. Nhẫn nhục Ba La Mật:
Là chịu đựng nhẫn nhịn đến chỗ cùng tột cho đến khi “tâm ý” cũng không ngấm ngầm nỗi dậy phản đối, đứng trước mọi nghịch cảnh lòng vẫn lắng đọng như không. Nhẫn nhục là phương pháp đối trị với tâm sân hận của con người.
Nhẫn nhục:
Có 3 thành phần:
* Thân nhẫn: Đối với nghịch cảnh của thời tiết, của hoàn cảnh, của bệnh tật, của đối xử hành hạ về thân xác.
* Khẩu nhẫn: Thân đã chịu nhẫn không chống lại mà miệng cũng không rên la, mắng chửi, phàn nàn, nguyền rủa.
* Ý nhẫn: Không căn hờn, oán giận, không nổi lên ý nghĩa phản đối, không có tư tưởng trả thù.
Ngoài ra trong 3 thành phần nhẫn này còn có các tên gọi để chỉ danh những hành động cụ thể như :
* Thuận sanh nhẫn: Không kiêu căng tự đắc trước sự tán thán, cung kính.
* Nghịch sanh nhẫn: Không bực tức thù ghét trước sự chửi mắng, đánh đập.
* Nội pháp nhẫn: Bị phiền não, tham sân áp bức nhưng tự tâm vẫn thanh tịnh sáng suốt không bị nhiễm ô.
* Ngọai pháp nhẫn: Bị những cảnh đói rét khiến thân thể phải chịu đựng nhưng vẫn không than phiền hay có thái độ phẩn uất.
Và 2 loại nhẫn nhục :
-
Nhẫn nhục có chấp tướng: Là nhẫn nhục vì sợ quyền thế, vì đang nằm trong một hoàn cảnh bất lợi, nhẫn nhục vì cầu danh và lợi quyền, vì khinh bỉ đối thủ. Tất có hình thức nhẫn nhục này vì còn do dục vọng, tham sân si mạn, nghi thúc đẩy.\
-
Nhẫn nhục không chấp tướng: Là do ý muốn diệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tật đố, tham lam, tự biết quay về quán tưởng khi sự việc xảy đến. Đây là các hình thức nhẫn nhục nhằm mục đích trau dồi “Tứ vô lượng tâm”, nhẫn từ ngoài thân đến tâm.
Công năng của Nhẫn nhục:
-
Không làm những việc vô ý thức
-
Bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh, biến cố xảy ra trong cuộc sống.
-
Không trụy lạc theo năm dục.
4. Tinh tấn Ba La Mật
Tinh tấn là không ô nhiểm, không thối xuất, chuyên tâm nhất trí tiến hướng cầu đạo giải thoát và giác ngộ. Ở đây tinh tấn hiểu theo nghĩa đạo pháp là thực hiện “ Tứ chánh cần ” .
Tứ chánh cần gồm có 4 điều:
-
Tinh tấn ngăn các điều ác đừng sanh.
-
Tinh tấn diệt cho nhanh các điều ác đã phát sanh.
-
Tinh tấn làm cho các điều lành phát sanh.
-
Tinh tấn làm cho các điều lành đã phát sanh tăng trưởng.
Tinh tấn có 2 lọai :
-
Tinh tấn có chấp tướng: Là thực hiện sự siêng năng cần mẫn bên ngoài với một dụng tâm không trong sạch như vì danh, vì lợi, vì kiêu căng . . .
-
Tinh tấn không chấp tướng: Là thực hiện với một tâm nguyện sám hối tội lỗi đã làm để quyết tâm sửa chữa để giúp mình và giúp người thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi.
Công năng của hạnh Tinh tấn:
-
Dũng mãnh hăng hái: Diệt trừ được tánh rụt rè, biếng nhác.
-
Không thối xuất: Không chán nản lùi bước trước những hoàn cảnh chướng duyên.
-
Tiến gần đến đạo giải thoát.
5. Thiền định Ba La Mật:
Tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất, không cho tâm tán loạn để tâm thể được vắng lặng và tâm dụng được mạnh mẽ hầu quan sát và suy nghiệm chân lý. Thiền định là danh từ ghép của 2 từ Thiền (tiếng Phạn gọi là Thiền na) và từ Định (tiếng Phạn gọi là Tam Muội)
Các loại thiền định :
-
Quán hởi thở: Đây là pháp ngồi thiền cho hàng sơ cơ, tức là tập theo dõi hơi thở vào hơi thở ra, để cho tâm tập trung vào hơi thở, không nghĩ bông lung với mục đích đối trị sự tán loạn của tâm.
-
Quán hạnh từ bi: Dùng tâm từ bi, quán sát những nỗi khổ của chúng sanh, mục đích để đối trị với lòng sân hận.
-
Quán sự không thanh tịnh: Quán sát con người đều do ngũ uẩn tạo thành với sanh, già, bệnh, chết, để không còn tham đắm vào sắc dục.
-
Quán về pháp nhân duyên: Quán sát vạn pháp đều giả hợp, do nhân dyên mà có, khi hết nhân duyên thì tan rã, để đối trị với lòng tham mê vật chất, tiền tài, danh vọng, của cải.
-
Quán theo niệm Phật: Quán công đức, tướng hảo của chư Phật để dứt bỏ phiền não.
Công năng của pháp môn Thiền định:
-
Loại trừ bớt lòng tham dục: Nhờ quán thanh tịnh.
-
Trừ nóng giận: Nhờ quán từ bi
-
Phá si mê: Nhờ quán nhân duyên
-
Ngăn các phiền não: Nhờ quán niệm Phật
-
Diệt loạn tâm: Nhờ quán hơi thở.
-
Khai phát được trí tuệ vô lượng và an trú trong cảnh giới của chư Phật
6. Trí huệ Ba La Mật:
Là thể tánh sáng suốt có khả năng soi sáng sự vật một cách thấu đáo, tinh tường đến nơi đến chốn không thể sai lầm.
Trí huệ là danh từ ghép của 2 từ “Trí” (phiên âm từ chữ Phạn là Phãna, có nghĩa là quyết đoán) và từ “Huệ” (phiên âm chữ Phạn là Bát nhã, có nghĩa là giãn trạch). Theo Phật học Trung hoa định nghĩa thì: Trí là biết Tục đế và Huệ là biết Chơn đế hay có thể nói: Trí là thể tánh sáng suốt trong sạch và Huệ là diệu dụng xét soi tự tại.
Trí huệ có 2 lọai:
-
Căn bản trí: Là giác tính minh diệu mà mỗi chúng sanh đã có sẳn, nhưng bị phiền não nhiễm ô che lấp nên chưa phát chiếu ra được.
-
Hậu đắc trí: Là trí huệ có được nhờ công phu tu tập như trì giới, thiền định. Theo Duy thức học sau khi đạt đến địa vị giác ngộ, nghĩa là có được “hậu đắc trí” thì 8 thức được chuyển thành 4 trí :
-
Đại viên cảnh trí: Thức thứ 8 (A-lại-da) có tác dụng chấp trì sanh mạng và chủng tử, khi đạt đến địa vị vô lậu.
-
Bình đẵng tánh trí: Thức thứ 7 (Mạt-na) có tác dụng là chấp ngã.
-
Diệu quan sát trí: Thức thứ 6 (ý thức) có tác dụng phân biệt.
-
Thành sở tác trí: Năm thức còn lại (Nhãn, nhĩ, tỷ, thiêt, thân).
Tuy vậy để đạt được Trí huệ, đức Phật đã chế ra nhiều pháp môn tu, trong đó pháp môn Văn-Tư-Tu là được nhắc nhở và thực hành nhiều nhật với các tên gọi:
-
Văn huệ: Là do tai nghe âm thanh, mắt thấy văn tự mà hiểu được nghĩa lý.
-
Tư huệ: Là do trí suy nghĩ, tìm tòi để rõ được nghĩa lý, hiểu được sự thật.
-
Tu huệ: Là do tu hành thể nghiệm và thể nhập chân lý mà giác ngộ chứng clic sự thật.
Công năng của trí huệ:
-
Diệt trừ phiền não: Phiền não là do mê lầm phát sinh, khi trí huệ đã có thì mê lầm phải mất và phiền não đoạn tận. Như ánh sáng đẩy lùi bóng tối.
-
Chiếu sáng sự vật: Sự vật bị vô minh che khuất, nay trí huệ phát chiếu thì thực tánh của sự vật được phơi bày như thật. Như ánh sáng mặt trời lên thì màn sương tan biến.
-
Thể nhập chân lý: Khi bị vô minh phủ lấp, ngăn che thì tưởng chừng vạn pháp như sai biệt. Nay nhờ trí huệ hiển lộ thấy rõ được tâm, cảnh đều không nên thể nhập được chân lý, giác ngộ hoàn toàn.
Trừ mê diệt khổ là nguyên vọng duy nhất của người con Phật. Muốn đạt được nguyện vọng ấy cần phải cương quyết thực hành sáu hạnh độ, chỉ vì chỉ có 6 hạnh độ mới có đủ công năng đưa chúng ta đến bến bờ giác ngộ, giải thoát.
Với chúng ta những con người thuộc hàng sơ cơ, nên khó có thể hành trì ngay tức thời 6 hạnh độ, tuy thế phải ghi nhớ lời Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, do đó mình cũng có khả năng giải thoát và giác ngộ, nếu tự mình chí tâm thì có thể tu hành để phát triễn khả năng giải thoát và giác ngộ sẵn có của mình để từ đó dùng mọi phương tiện nhiếp hóa và giải khổ cho tất cả chúng sanh.
Muốn đạt được quả vị giải thoát, điều tiên quyết ngay từ bây giờ tự mỗi cá nhân chúng ta phải phát triển tín tâm trên con đường bước vào tu tập 6 hạnh độ bằng cách:
1. Phát Bồ đề tâm:
Tức là thực hiện bốn lời thề nguyện rộng lớn:
-
Chúng sanh không số lượng thề nguyện đều độ khắp.
-
Phiền não không cùng tận thề nguyện đều dứt sạch.
-
Pháp môn không kể xiết thệ nguyện đều tu học.
-
Phật đạo không gì hơn thệ nguyện được viên thành.