Chữ Nhẫn Của
Người Huynh Trưởng GĐPT
“Đời là bể khổ”, không phải là một quan niệm bi quan – tiêu cực, mà là một chứng nghiệm như thật. Khổ như những đợt sóng cuồn cuộn muôn trùng đoanh vây, chực chờ vùi dập kiếp nhân sinh.
Nếu nói đời là sung sướng, thì tiếng khóc tu oa đã không cất lên khi mới chào đời.
“Thảo nào khi mới chôn nhau
“Ðã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!”
(Cung oán ngâm khúc – Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều)
Những diễn biến bất như ý luôn luôn đè nặng lên thân phận lau sậy, ưu tư chất đầy trong mỗi lòng sâu kín.
Có những cuộc sống nhung lụa vàng son, mà người ta đã tự thôi miên chính mình – cứ ngỡ rằng đó là hạnh phúc đủ đầy. Nhưng sự thật thì chỉ là những giấc mơ hoa phóng tưởng.
“Giàu sang chưa chín một nồi kê” (Vua Tự Đức)
“Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư
“Giác lai vạn sự tống thành hư”
‘Cuộc đời tỉnh giấc mộng kê vàng
“mới hay muôn sự vẫn hoàn không’
(Ngẫu Thành – Nguyễn Trãi)
Có những tuổi thanh xuân nỏn nà, người ta cữ ngỡ rằng, nét đẹp Thúy Kiều sẽ mãi mãi thiên thu, nhưng sự thật, vào một ngày nào đó, cánh hoa phù dung đẹp đẽ biết bao, trãi qua thời gian khoe hương khoe sắc, rồi cũng đến lúc úa tàn
“Ánh trăng rồi cũng bạc với gió sương”
(Thu Tàn – Phan Văn Huy Tâm)
“Má em hồng phai sắc giữa chiều hôm”
(Xuân Bạc – Phan Văn Huy Tâm)
“Rằng hồng nhan tự thuở xưa
“Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu
“Phận sao bạc chẳng vừa thôi
“Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan
“Đau đớn thay phận đàn bà
“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Có những tuổi thanh xuân cường tráng, người ta cứ ngỡ rằng, với sức khỏe Phù Đổng, cánh hải âu thừa sức tung hoành giữa phong ba bảo táp, nhưng thời gian rồi cũng mỏi cánh – chiến mã chùn bước đường dài.
“Lãn ngọa phá thuyền sa ngạn thượng
“Trùng dương hào mộng nhiễu thương yên”
‘Thuyền rách sóng soài bờ cát trắng
‘Mộng còn xanh thẳm lộng trùng khơi’
(Anh hùng mạt lộ – Nguyễn chân)
“Vận khứ anh hùng ẩm hận đa” (Cảm hoài – Đặng Dung)
‘Anh hùng lỡ vận đắng cay trăm phần’
(Người dịch: Hồ Đắc – Thái Văn Kiểm)
“Khôn dại cùng chung ba tất đất” (Vua Tự Đức)
“Gót danh lợi bùn pha sắc xám
“Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
“Nghĩ thân phù thế mà đau
“Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê
“Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ
“Ðường thế đồ gót rỗ kỳ khu
Và:
“Mồi phú quí dữ làng xa mã
“Bả vinh hoa lừa gã công khanh
“Giấc Nam Kha khéo bất bình
“Bừng con mắt dậy thấy mình tay không
(Cung oán ngâm khúc – Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều)
Khổ (dukkha) là một khái niệm tối trọng, được diễn bày như thật từ Tứ diệu đế.
Khổ ! Không phải chỉ là những cảm thụ ưu tư khó chịu. Dưới qui luật vô thường, khổ tác động chi phối lên cả tâm và vật.
Chân lý như thật về khổ, Tứ diệu đế phân tích:
“Sinh là khổ – già là khổ – bệnh là khổ – chết là khổ – lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ – không đạt gì mình ưa thích là khổ – những tương quan đến Ngũ uẩn là khổ”.
Sở dĩ con người tồn tại được giữa cuộc bể dâu, là nhờ vào ý chí kham nhẫn. sự ẩn nhẫn chịu đựng đã thúc đẩy con người vươn lên trong cuộc sống.
Chữ Nhẫn được hiện thực từ văn hóa Đông phương, như là một phương châm đối nhân xử thế, là phẩm hạnh con người. Tùy thuộc vào định hướng cuộc sống, mà chữ nhẫn được định hình ứng dụng vào mỗi nhân thân khác nhau.
Chữ nhẫn trong đời thường là nhẫn nhịn, là chịu đựng, là mối quan tâm – là hy sinh là tha thứ, vì tha nhân mà hòa hợp sống.
“Một câu nhịn là chín câu lành”
Hay:
“Chữ nhẫn là chữ tượng vàng
“Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”
“Có khi Nhẫn để yêu thương”
“Có khi Nhẫn để thêm ta bớt thù”
“Có khi Nhẫn để khoan dung
“Ta vui người cũng vui cùng có khi”
Chữ nhẫn của người quân tử là nhẫn nhục, hạ mình trước kiêu lực để tìm thời cơ vươn lên – nâng cao vị thế.
“Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh
“Thoái nhất bộ hải khoát thiên không”
‘Nhịn được cái nóng nhất thời thì gió lặng sóng yên
‘Lùi lại một bước nhường người thì biển trời bát ngát’
Hay:
“Nhẫn đắc nhất thời chi khí
“Miễn đắc bách nhật chi ưu”
‘Nhịn được cơn giận một lúc,
‘Tránh được lo lắng trăm ngày’
“Kẻ được gọi là hào kiệt thời xưa, tất phải có khí độ hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, nên kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt gươm đứng dậy, xông tới mà đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Bậc đại dũng trong thiên hạ, gặp những biến cố bất ngờ mà không kinh hoảng, vô cớ bị lăng nhục cũng không nổi giận”
(Lưu hầu luận – Tô Đông Pha)
Chữ nhẫn trong đạo Phật là an nhẫn. Người Huynh trưởng GĐPT ứng dụng chữ nhẫn, không phải là nhẫn nhục, nhu nhược ươn hèn luồn cúi – hạ thấp phẩm giá, không phải là cam chịu thụ động – đè nén – ức chế, mà là tự chủ – an nhiên – tĩnh tại. Dùng tình thương để cảm hóa cái ác, đó là bi trong nhẫn. An nhiên trước nghịch cảnh, đó là dũng trong nhẫn. Giải phóng tâm thức nhân gian ra khỏi vòng điên đảo vô minh và thù hận, đó là tuệ trong nhẫn.
“Chưa dễ ai là Bụt Thích Ca – Mọi điều nhân nghĩa nhẫn thì qua”
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Thuật ngữ Phật học đã chú thích chữ nhẫn: Minh đạt bản chất bất sinh của vạn hữu; liễu giác được rằng vạn hữu siêu quá sinh diệt. Nhận thức được rằng không có gì sinh hay diệt trong thế giới hiện tượng ‘liễu chứng được tính bất sinh bất diệt của vạn hữu’.
Chữ nhẫn của Phật giáo mang toàn bộ nội hàm trí tuệ, dùng trí tuệ để trực nhận bản tính như thật của vạn pháp. Thực tập – hành trì – kiến giải đạt đến vô sanh pháp nhẫn.
Vô sanh pháp nhẫn:
“Tin nhận, thông đạt Thật Tướng vô sanh vô diệt của các pháp một cách vô ngại bất thối thì là Vô Sanh Nhẫn”
(Quyển 5 – Trí Ðộ Luận).
“Vô Sanh Pháp Nhẫn là ngay cả những thứ nhỏ nhiệm còn bất khả đắc, huống là những thứ lớn lao. Ðấy là vô sanh. Ðắc pháp vô sanh này thì chẳng làm, chẳng khởi các nghiệp hạnh. Ðấy là Vô Sanh Pháp Nhẫn”
(Quyển 73 – Trí Ðộ Luận – Long Thọ).
“Lý lặng lẽ chẳng khởi gọi là vô sanh. Huệ an trụ trong lý này thì gọi là Vô Sanh Nhẫn”
(Quyển 12 – Ðại Thừa Nghĩa Chương).
“Hiểu rõ pháp vô sanh, ấn khả quyết định thì gọi là Vô Sanh Nhẫn”.
(Quyển 1 – Lăng Nghiêm Kinh Trường Thủy Sớ).
Huynh trưởng GĐPT thực tập vô sanh pháp nhẫn, an nhẫn trước bất như ý, nhận diện được bản chất vọng tác khổ não, an trú trong pháp nhẫn vô sanh, tĩnh tại đi vào ác thế – ngũ trược mà chuyển hóa tha nhân, tỉnh thức giác tánh.
Dù bao nhiêu gian khổ!
Dù gặp nhiều nguy khó !
Lý tưởng chúng con mãi tôn thờ !
Rất hay.Cảm ơn Anh!