LỢI THA
Tứ nhiếp pháp:
• Tứ: là 4.
• Nhiếp: là thu phục.
• Pháp: là phương pháp.
• Lợi tha: là làm lợi ích cho người khác.
Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp lợi tha để giúp tất cả chúng sinh biết quay về với Phật pháp chân chính và sống an lạc hạnh phúc ngay bây giờ và tại uế độ này.
Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp, là bốn loại hình giúp Huynh trưởng GĐPT ứng dụng trong quá trình làm phật sự văn hóa giáo dục – chuyển hóa quần sinh. Đây là phương pháp gieo duyên – tạo nên mối giao cảm dễ dàng tiếp cận tha nhân – thu hút quần chúng.
1. Bố thí:
• Bố: là ban phát.
• Thí: là cho – là giúp đỡ.
Bố thí là phân phát – giúp đỡ những điều mà mọi người cần thiết. Cho mà không tính toán – không có ý đồ vụ lợi đòi hỏi báo ân. Cho với cả tấm lòng nhiệt thành mong mõi niềm hạnh phúc đến với mọi người.
Có những người bất hạnh gặp khốn khó cần sự giúp đỡ, chúng ta không nề hà – không chần chừ tiếc nuối, sẵn sàng ban phát cứu khổ kịp thời.
“Dù xây mấy bậc phù đồ
“Không bằng làm phúc giúp cho một người”.
-Ca dao – tục ngữ-
Với tấm lòng vị tha rộng rãi khoáng đạt, sự hào phóng không toan tính lọc lừa, dễ dàng thu phục nhân tâm.
“Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”.
Bố thí là một trong sáu hạnh Ba-la-mật-đa (Lục độ), một trong Thập tùy niệm và là một đức hạnh quan trọng để nuôi dưỡng Công đức.
Bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, vị kỉ và được thực hành để tránh khổ đau của đời sau. Theo Đại thừa, bố thí là biểu hiện của lòng Từ bi và là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ.
Bố thí Ba la mật có ba loại: Tài thí – Pháp thí và Vô úy thí.
– Tài thí chia ra hai loại: Ngoại thí và Nội thí.
a. Ngoại thí: là bố thí những đồ vật bên ngoài như: vàng – bạc – của cải – quần áo – đồ ăn thức uống…
b. Nội thí: là bố thí những gì trong thân thể con người chúng ta, như xưa kia đức Phật còn là Bồ Tát đã bố thí đầu – mắt – chân – tay… Nếu chúng ta không làm được như vậy thì có thể ra công giúp sức như làm công quả cho chùa, kéo xe cho người già, v…v… Hoặc tiếp máu cho bệnh nhân, hoặc ký giấy cho những bộ phận trong thân thể khi bị chết bất đắc kỳ tử.
Bố thí tài vật thành tựu đước tính từ bi.
– Pháp thí gồm có:
a. Lời nói chân thật hữu ích đem lại an lạc cho người nghe.
b. Giảng dạy đúng chánh pháp.
c. Giảng dạy ba Tạng pháp: Kinh – Luật – Luận.
d. Giảng dạy hai pháp: Thanh văn và Bồ Tát.
Bố thí pháp thành tựu trí tuệ.
– Vô úy thí:
Vô úy có nghĩa là không sợ.
Vô úy thí là bố thí sự không sợ hãi, làm cho người khác được an tâm yên chí – không sợ – hết sợ, đem lại sự bình an cho người.
Ðời sống đã khổ, lại càng khổ thêm vì sợ. Làm cho người bình tĩnh – tâm an – hết sợ, chính là đã cứu cho họ bớt đi quá nửa khổ đau trong kiếp sống.
Thực hành pháp môn vô úy thí, Huynh trưởng GĐPT thực tập đức tính không sợ gì cả. Người Huynh trưởng GĐPT chân chính, hiểu rõ giáo lý Phật đà, thì còn sợ nỗi gì ? Tiền của không tham cho nên không sợ mất, danh lợi không màng nên không sợ thiếu, sanh mạng là giả tạm nên không sợ chết. Với tâm lý đó mà cõi lòng luôn luôn không xao động, luôn luôn bình tĩnh trước mọi sự đổi thay – gian nan nguy hiểm. Huynh trưởng GĐPT tu hạnh thí vô úy, luôn luôn tĩnh tại – trí tuệ, sẵn sàng vào nơi nguy khó để hóa giải “Ngủ trược ác thế thệ tiên nhập”…
Bố thí vô úy thành tựu uy lực hùng dũng.
2. Ái ngữ:
• Ái: là yêu thương – yêu mến – yêu quý.
• Ngữ: là lời nói.
Ái ngữ là lời nói dễ thương truyền cảm đi vào lòng người – cuốn hút người nghe, nhíp phục đối tượng.
“Chim khôn hót tiếng rổn rang
“Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
-Ca dao-
Khôn ngoan trong giao tiếp, thể hiện lịch thiệp – nhã nhăn trong ứng xử. Không xem thường đối tượng là kẻ dưới – là người khờ khạo thiếu nhận thức. Phải tôn trọng cử tọa – không lên mặt kẻ cả – tỏ vẽ trịch thượng quyền uy phách lối dễ làm mọi người e dè khó gần.
“Lời nói không mất tiền mua
“Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
-Tục ngữ – ca dao-
Một lời nói hay – nói đúng lúc dễ dàng thu hút tình cảm – cảm hóa người nghe.
Đối với người sai phạm. Với lời khuyên nhủ đong đầy chân tình, xem đối tượng là người đồng hành thân thiết, dễ dàng cảm hóa nhiếp phục, hơn là răn đe lớn lời.
Nói dai – nói dài thành ra nói dại – nói dỡ, đây là các nói của kẻ khoe khoang – hợm hĩnh dễ làm cử tọa nản lòng.
“Đa ngôn đa quá”
‘Nói nhiều dễ vấp phải sai lầm’.
-Khổng Tử-
Phải biết đối tượng đang cần gì và mình cần phải nói những gì ? Chỉ nên nói những điều cần phải nói, nói có suy nghĩ – có chắc lọc đong đầy trí tuệ.
“Nhất ngôn khả dĩ hưng ban
“Nhất ngôn khả dĩ tán ban”.
‘Một câu nói có thể làm cho đất nước hưng thịnh
‘Một câu nói có thể làm cho đất nước diệt vong’.
-Xuân Thu – Khổng Khâu-
3. Lợi hành:
• Lợi: là lợi ích.
• Hành: là hành động – việc làm.
Lợi hành là một hành động có lợi ích thiết thực.
“Đừng thấy việc thiện nhỏ mà bỏ qua, chớ thấy việc ác nhỏ mà cố tình làm”.
Dù với một cử chỉ nhỏ nhặt thôi biết đâu mình đã gỡ rối cho người trong lúc khốn khó.
“Cái lỗ nhỏ nước chảy mãi cũng phá to”.
Biết đâu, nếu không giúp đỡ kịp thời, dù chỉ là nhỏ bé, thì sự khốn khó sẽ đưa đến một kết quả bi đát to lớn.
“Một đóm lửa nhỏ nếu không dập tắt kịp thời sẽ bùng cháy to”.
Phải với tấm lòng của người mẹ hiền, để tâm chăm sóc đến từng đối tượng lầm lạc, tạo duyên lành tốt nhất giúp đỡ – đưa họ về nẻo chánh.
Với tâm lượng Bồ tát đại từ – đại bi, Huynh trưởng GĐPT vào đời, ứng dụng mọi phương tiện thiện xảo nghìn mắt nghìn tay mà cứu vớt hóa độ quần sinh.
4. Đồng sự:
• Đồng: là cùng nhau.
• Sự: là việc làm.
Đồng sự là cùng làm một việc, hòa nhập vào nhịp sống mọi người cùng nhau làm việc. Đây là phương tiện tối thắng, nếu không có sự gần gũi – tiếp cận tha nhân thì làm sao nắm bắt được từng mỗi thâm sâu để mà cảm hóa.
Mỗi người đều có mỗi cuộc sống riêng tư. Bồ tát muốn thành toàn công hạnh hóa độ quần sanh, thì phải như một Quán Thế Âm thị hiện, biết lắng nghe, tùy nhu cầu của mỗi chúng sanh mà Huynh trưởng GĐPT phương tiện thể nhập để mà cảm hóa.
Thế giới đang chuyển biến một cách nhanh chóng, con người đang tốc lực chạy đua vào vô vọng. Huynh trưởng GĐPT đang quảy gánh trên vai một cái “Nghề”, đó là trách nhiệm làm công tác văn hóa – giáo dục nặng nề. Nếu không có phương pháp để mà hãnh tiến thì làm sao nhập thế vào đời, đưa mgười thoát ra ngỏ cụt trầm luân. Nhưng dù có một phương án toàn thiện trên tay, người Huynh trưởng GĐPT không đủ sức thù thắng, vận dụng thiện xảo nghìn mắt nghìn tay thị hiện vào đời, thì có đâu mà thành toàn công hạnh hóa độ.
Làm thế nào để giúp đỡ con người, xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn ?
Tứ ngiếp pháp là một pháp môn tối thắng, ứng dụng phương pháp này giúp cho Huynh trưởng GĐPT hóa giải được mọi tình huống khắc nghiệt.
Y cứ vào tinh thần từ bi – hỷ xã – bình đẳng và giải thoát. Huynh trưởng GĐPT thực hiện “tay nghề” bằng thể nhập, hòa mình vào mọi cuộc sống nhân sinh để thành toàn mục đích lí tưởng vị tha cao cả.
Trong các phương pháp giáo dục, thân giáo cũng rất quan trọng. Suốt bốn mươi năm truyền đạo giáo hóa chúng sinh, tùy lúc tùy hoàn cảnh mà đức Phật Thích Ca hiện ra hảo tướng. Có lúc thì trầm mặc – yên tịnh, hình tướng uy nghi, nên đại chúng cũng giữ oai nghi – thanh tịnh. Có lúc hiện tướng trang nghiêm khiến đại chúng theo đó mà thúc liễm thân tâm. Có lúc hiện tướng hoan hỷ đại chúng cảm thấy vui vẽ an lạc ./-